“Đặt kế hoạch thật tốt và thật sát là rất cần” |
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối với mỗi công việc được giao, khi đã xác định rõ phương hướng, mục đích thì phải vạch ra chương trình, kế hoạch làm việc thật rõ ràng, cụ thể để thực hiện đạt kết quả.
Bác lưu ý, trong một lúc thường có nhiều công việc, có việc trọng yếu nhất và vài ba việc trọng yếu vừa, nên khi đã vạch ra chương trình, kế hoạch thì phải làm, phải thực hiện cho đạt kết quả. Tránh vạch ra rồi bỏ đấy, hoặc làm việc khác, thành thử không việc nào hoàn thành, mà đều dở dang. Nhiều trường hợp đã có chương trình, kế hoạch làm việc, nhưng cách bố trí, sắp đặt công việc không khéo, phân công không rõ ràng, nên công việc không đạt kết quả. Vì vậy, cần phải suy xét cho kỹ, cho rõ tình hình, hoàn cảnh mà quyết định việc nào chính, việc nào phụ để sắp đặt công việc cho đúng, cho cụ thể và thiết thực.
Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Bác, Đảng ta luôn có kế hoạch chi tiết, khoa học, với nhiều biện pháp cụ thể, cùng sự vào cuộc sát sao của các bộ, ban, ngành, đoàn thể và các cán bộ cho từng nhiệm vụ cụ thể. Đặc biệt là trong bước đột phá cải cách toàn diện hệ thống chính trị hiện nay, nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Đây là kết quả của một quá trình chuẩn bị bài bản, kỹ lưỡng, có chiều sâu tư duy và kế thừa thực tiễn lãnh đạo.
Sau khi hoàn thành cơ bản việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc ở cấp Trung ương, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã tổ chức Hội nghị lần thứ 11, từ ngày 10 đến ngày 12/4/2025, tại Hà Nội. Hội nghị đã đưa ra nhiều “quyết sách lịch sử” như: tổ chức lại mô hình chính quyền địa phương theo hướng hai cấp, gồm cấp tỉnh và cấp xã; chấm dứt hoạt động của cấp huyện từ ngày 1/7/2025; số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố, giảm 60 đến 70 % số lượng đơn vị hành chính cấp xã…
Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền hai cấp, đến tinh gọn toàn bộ hệ thống chính trị, sáp nhập các tổ chức quần chúng, cải tổ hệ thống tư pháp và đảng bộ các cấp, từng quyết sách được đưa ra cho thấy Đảng ta không ngừng đổi mới tư duy và hành động. Với từng bước đi cụ thể, được lên kế hoạch chi tiết, với những mốc thời gian rõ ràng, bộ máy được rút gọn, trách nhiệm sẽ rõ ràng hơn, nguồn lực không bị phân tán, và người dân - đối tượng phục vụ cuối cùng - sẽ là người được hưởng lợi nhiều nhất.
Một hệ thống chính trị, hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả đang dần hình thành, đưa đất nước vào thế chủ động, tự tin bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ tiếp theo. Đây là lời hiệu triệu cho một kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc. Một Việt Nam vươn mình, tự tin, hiện đại, hội nhập và khát vọng hùng cường đang được đặt nền móng từ chính những cải cách hôm nay, để nước ta sánh vai với cường quốc năm châu như mong muốn của Bác Hồ./.
Hoàng Yến