"Điểm tựa" của đồng bào dân tộc thiểu số Kon Tum
Tại Kon Tum, các chương trình mục tiêu quốc gia được xem như “điểm tựa” của người dân có hoàn cảnh khó khăn, người dân tộc thiểu số tiếp cận được những dịch vụ xã hội nâng cao.
Hệ thống giao thông tại huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) đã được bê tông hóa đến từng thôn, làng. 
Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Việc triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần thay đổi diện mạo các thôn, làng vùng dân tộc thiểu số tại tỉnh Kon Tum. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, bằng các chính sách đầu tư thiết thực, đời sống của người dân, nhất là người dân tộc thiểu số đang từng bước khởi sắc.

* Đổi thay vùng dân tộc thiểu số

Xã Đăk Ang (huyện Ngọc Hồi) có 6 thôn với hơn 5.300 nhân khẩu (96% là người dân tộc thiểu số đang sinh sống). Thông qua nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, chính quyền xã đã đầu tư hoàn thiện tuyến đường giao thông liên thôn, làng, giúp việc giao thương của người dân ngày càng thuận tiện. Nhờ đó, thu nhập bình quân trên địa bàn xã đạt trên 48 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,38%. Với tín hiệu tích cực này, năm 2024, xã Đăk Ang là xã cuối cùng của huyện Ngọc Hồi đạt chuẩn nông thôn mới.

Già làng A Nuy (thôn Đăk Giá 2, xã Đăk Ang) phấn khởi cho biết, với sự đầu tư của Đảng, Nhà nước, hệ thống giao thông, cầu đường, kênh mương nội đồng trên địa bàn đã được bê tông hóa. Các hộ nghèo được chính quyền hỗ trợ bò sinh sản để cải thiện cuộc sống. Trường học được đầu tư khang trang. Nhờ đó, đời sống của người dân đã từng bước được cải thiện.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đăk Ang Y Tý chia sẻ, khi triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, đa phần người dân đều đồng thuận và chung tay cùng chính quyền trong việc hiện thực hóa các mục tiêu đề ra. Đơn cử như khi làm đường giao thông, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã tự nguyện hiến đất, góp ngày công để hoàn thành công trình. Nhiều hộ còn mạnh dạn vay thêm vốn để mở rộng sản xuất. Nhờ đó giúp xã về đích nông thôn mới trong năm nay.

Người dân tộc thiểu số tại thôn Giang Lố 1 (xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi) chuyển sang trồng giống lúa ST25 cho sản lượng tốt hơn.
Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, năm 2022, xã Sa Loong (huyện Ngọc Hồi) đã triển khai mô hình trồng lúa năng suất cao ST25 với diện tích hơn 6 ha. Địa phương có 32 hộ người dân tộc thiểu số tham gia trồng lúa mang lại hiệu quả tích cực với sản lượng đạt hơn 5 tấn/ha. Qua đó, dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân tộc thiểu số, loại bỏ những cây trồng, vật nuôi không còn phù hợp, thay bằng việc áp dụng các loại giống mới và khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, thu nhập.

Chị Y Tranh (thôn Giang Lố 1, xã Sa Loong) chia sẻ, người dân trước đây chỉ quen trồng lúa rẫy nên năng suất thấp. Được xã hỗ trợ giống lúa ST25 và phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, gia đình đã mạnh dạn trồng thử 2 sào. Ngoài ra, chị còn được cán bộ nông nghiệp tận tình chỉ dẫn kỹ thuật chăm sóc. Nhờ đó, lúa phát triển tốt, thu hoạch 2 sào được hơn 1 tấn lúa. Thấy được lợi ích, gia đình chị và những hộ khác trong làng bắt đầu trồng và mở rộng thêm diện tích lúa ST25 để tăng thu nhập.

* Phấn đấu giảm nghèo bền vững

Nhiều hộ dân tộc thiểu số tại huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) được hỗ trợ bò sinh sản theo Chương trình mục tiêu quốc gia để thoát nghèo. 
Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Bằng nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từ năm 2022 - 2024, huyện Sa Thầy được phân bổ tổng nguồn vốn hơn 212 tỷ đồng. Với sự triển khai đồng bộ hiệu quả chương trình, huyện đã có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,99%; thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt hơn 51 triệu đồng. Đến nay, toàn huyện có 11/11 xã, thị trấn có đường bê tông hóa; tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số có đất ở, sản xuất đạt hơn 98%.

Anh A Kương (thôn trưởng Đăk Wơk, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy) chia sẻ, trước đây, người dân chỉ biết sống phụ thuộc vào việc trồng mì (sắn) nên rất khó khăn. Từ khi được Đảng, Nhà nước hỗ trợ, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi từ mì sang trồng cà phê, cao su mang lại thu nhập cao. Nhờ đó, số hộ nghèo trong thôn đã giảm đáng kể xuống còn 16 hộ.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sa Thầy Rơ Châm Lan, với nhiều đề án, mô hình và đầu tư có hiệu quả, cuộc sống của người dân, nhất là người dân tộc thiểu số đã từng bước được nâng lên. Thời gian tới, huyện tập trung chỉ đạo đơn vị liên quan triển khai sâu rộng các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm tiếp tục nâng cao đời sống, thu nhập của người dân, hướng đến thoát nghèo bền vững.

Với nguồn lực đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Ngọc Hồi có 7/7 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, 2 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2023 giảm còn 2,95%. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ngọc Hồi Y Lan cho biết, huyện luôn ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật và khuyến khích thu hút, đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Thời gian tới, huyện tăng cường thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia gắn với cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” để giúp người dân vươn lên làm giàu, đóng góp chung vào việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Tại tỉnh Kon Tum, các chương trình mục tiêu quốc gia được xem như “điểm tựa” của người dân có hoàn cảnh khó khăn, người dân tộc thiểu số tiếp cận được những dịch vụ xã hội nâng cao. Qua đó, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và hướng đến từng bước làm giàu trên quê hương./.


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục

Tạo điều kiện dạy và học tốt hơn ở vùng biên Sơn La

Nằm trong các hoạt động của Chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng Biên giới Việt Nam - Lào lần thứ 2 năm 2024, vừa qua, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tổ chức Lễ khánh thành và bàn giao công trình khu phòng học Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Công trình có ý nghĩa sâu sắc, góp phần cải thiện cơ sở vật chất, giúp giáo viên và học sinh của nhà trường có điều kiện dạy và học tốt hơn.

Cơ hội để dòng vốn đổ về Việt Nam

Các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam, có thể tận dụng cơ hội trong bối cảnh các nhà đầu tư bắt đầu rút vốn chuyển về Mỹ sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống thứ 47 của Mỹ ngày 5/11 vừa qua. Trên đây là nhận định của Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, giảng viên cao cấp tại Đại học Bristol (Anh) trong cuộc trao đổi mới đây với phóng viên TTXVN tại Anh về tác động của kết quả bầu cử Mỹ đối với kinh tế châu Âu và các thị trường mới nổi, bao gồm Việt Nam.

Việt Nam tham gia Lễ hội văn hóa ẩm thực tại Macau (Trung Quốc)

Lễ hội văn hóa ẩm thực thường niên lần thứ 24 đang diễn ra tại Khu hành chính đặc biệt Macau (Trung Quốc), với sự tham gia của hơn 140 gian hàng địa phương và quốc tế. Cộng đồng người Việt Nam tại Macau đã có gian hàng trưng bày, bán sản phẩm và tham gia biểu diễn các tiết mục văn nghệ đặc sắc nhằm quảng bá văn hóa Việt Nam đến với bạn bè sở tại và quốc tế.

Việt Nam trở thành nước đi đầu trong xu hướng dịch chuyển sản xuất toàn cầu

Trang riotimesonline.com (Brazil) ngày 17/11 có bài viết về tình hình sản xuất toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng, trích dẫn dữ liệu mới đây từ nhà cung cấp dịch vụ thông tin tài chính hàng đầu thế giới S&P Global Market Intelligence (Mỹ), trong đó cho biết Việt Nam đã trở thành điểm đến hàng đầu để các công ty dịch chuyển sản xuất và sự dịch chuyển này nhằm bảo vệ chuỗi cung ứng không bị gián đoạn.

Tăng cường thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư xanh vào Việt Nam

Ngày 18/11, nhằm tăng cường thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư xanh vào Việt Nam, hội thảo chuyên đề “Xu hướng đầu tư vào Việt Nam - Giới thiệu các khu công nghiệp tiên phong với sáng kiến trung hòa carbon” đã được tổ chức tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Sự kiện, do Tập đoàn Viglacera phối hợp với Ngân hàng Mizuho, cùng các tổ chức Trung tâm ASEAN Nhật Bản (AJC) và Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức, đã thu hút được nhiều ý kiến đóng góp tích cực cho môi trường đầu tư của Việt Nam.

Tập đoàn Vietravel mở rộng hoạt động tại Ấn Độ

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, cuối tuần qua, tập đoàn Vietravel đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) với MakeMyTrip - nền tảng du lịch trực tuyến hàng đầu Ấn Độ nhằm mục đích thu hút nhiều khách du lịch Ấn Độ hơn bằng cách cung cấp sự kết hợp độc đáo giữa các gói kỳ nghỉ thú vị.

Việt Nam tham gia Lễ hội ẩm thực, trưng bày và phân phối sản phẩm tại Lào

Từ ngày 13-17/11 tại tỉnh Khammouane thuộc Trung Lào đã diễn ra lễ hội ẩm thực, trưng bày và phân phối sản phẩm tỉnh Khammouane năm 2024. Tham dự sự kiện có Thủ tướng Chính phủ Lào Sonexay Siphandone; đại diện Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại tỉnh Savannakhet thuộc Trung Lào; đại diện chính quyền tỉnh Khammouane, cùng đông đảo đại diện các doanh nghiệp của 3 nước Lào – Việt Nam – Thái Lan và người dân tỉnh Khammouane.

Việt Nam triển khai hiệu quả các định hướng hợp tác APEC

Theo đặc phái viên TTXVN, sáng 16/11 theo giờ địa phương, tại thành phố Lima (Peru), Chủ tịch nước Lương Cường đã tham dự Hội nghị các Nhà Lãnh đạo của các nền kinh tế APEC lần thứ 31. Tham dự Hội nghị có các nhà Lãnh đạo và Trưởng đoàn 21 nền kinh tế thành viên và khách mời là Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).