Đột phá theo Nghị quyết 57: Hướng đi đúng đắn cho kỷ nguyên phát triển vượt bậc về khoa học công nghệ
Năm 1956, giữa những bộn bề của đất nước non trẻ vừa bước ra khỏi chiến tranh, Việt Nam đã đưa ra một quyết định mang tính chiến lược: tham gia sáng lập Viện Liên hiệp Nghiên cứu Hạt nhân (Joint Institute for Nuclear Research – JINR) tại Dubna, Liên Xô (nay thuộc Liên bang Nga). Ngay từ những năm 1960 khi chiến tranh còn chưa chấm dứt, Việt Nam đã cử hàng trăm cán bộ sang Dubna học tập và nghiên cứu. Nhiều người trong số họ sau này trở thành các nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực vật lý và công nghệ hạt nhân, như GS. Nguyễn Đình Tứ – người tham gia phát hiện phản hạt sigma âm, GS. Nguyễn Văn Hiệu – chuyên gia về lý thuyết đối xứng của các hạt cơ bản và quá trình sinh nhiều hạt ở vùng năng lượng cao, giải thưởng Lenin năm 1986. Đây không chỉ là một hành động mang tính biểu tượng về hội nhập khoa học quốc tế, mà còn là minh chứng cho tầm nhìn của các nhà lãnh đạo trí thức Việt Nam thời kỳ đó, những người tin rằng khoa học và công nghệ – đặc biệt là khoa học cơ bản – sẽ là nền tảng cho sự phát triển bền vững, độc lập và hiện đại của quốc gia.

Tầm nhìn ấy bước sang giai đoạn mới kể từ năm 1982, khi Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) được Chính phủ giao làm đại diện toàn quyền tại Cơ sở nghiên cứu khoa học hiện đại nhất Liên Xô khi đó, cũng là cơ sở hiện đại hàng đầu thế giới. Dưới vai trò này, VAST không ngừng thúc đẩy hợp tác, đồng thời dẫn dắt hoạt động nghiên cứu của Việt Nam tại Dubna một cách bài bản và hiệu quả. Từ năm 2022, hợp tác giữa hai bên bước vào giai đoạn phát triển mới, gắn liền giữa nghiên cứu cơ bản và nhu cầu thực tiễn trong nước thông qua việc xây dựng và triển khai nhiều đề xuất dự án nghiên cứu song phương, mở rộng phạm vi hợp tác từ vật lý hạt nhân cơ bản sang các lĩnh vực ứng dụng như vật liệu, sinh học, y học và môi trường.

GS.TS. Trần Tuấn Anh – Phó Chủ tịch VAST, Đại diện toàn quyền Việt Nam tại JINR - cho biết trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ hiện nay, công tác nghiên cứu và đào tạo cán bộ khoa học Việt Nam tại JINR đã được tiếp thêm nền tảng pháp lý mạnh mẽ khi TW Đảng ban hành Nghị quyết 45 về phát triển đội ngũ trí thức và Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. GS.TS. Trần Tuấn Anh tin tưởng chắc chắn rằng, với việc nối lại chủ trương sử dụng điện nguyên tử và quy hoạch điện nguyên tử, đội ngũ các nhà khoa học Việt Nam đang làm việc và học tập tại Dubna sẽ đóng góp vai trò then chốt vào phát triển kinh tế-xã hội, góp phần đào tạo khoa học kỹ thuật trình độ cao, đặc biệt là khoa học cơ bản cũng như ứng dụng của nó.

Cùng chung quan điểm này, GS. TS. Grigory Trubnikov - Viện sĩ Viện Hàn lâm Lhoa học LB Nga, Giám đốc JINR - cho rằng Việt Nam đã lựa chọn hướng đi đúng đắn khi đặt mục tiêu đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thành động lực chính cho phát triển kinh tế-xã hội.

Là một trong những cán bộ nghiên cứu có thâm niên cao tại JINR, TS Vật lý Nguyễn Văn Tiệp thuộc Phòng thí nghiệm phản ứng hạt nhân chia sẻ Nghị quyết 57 cho thấy Việt Nam đang tiến cùng các nước tiên tiến nhất trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc trong việc thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ. Theo TS Nguyễn Văn Tiệp, nguồn trí thức Việt đang học tập và công tác ở nước ngoài có những lợi thế không thể phủ nhận như có cơ hội tiếp cận với các công nghệ tiên tiến, phương pháp nghiên cứu hiện đại và mạng lưới chuyên gia quốc tế, có khả năng tham gia vào quá trình chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, có nền tảng học thuật vững chắc và kinh nghiệm làm việc quốc tế, có năng lực tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn, hội thảo quốc tế, có khả năng hợp tác với các tổ chức giáo dục để nâng cao năng lực cho cộng đồng khoa học Việt Nam. Vì vậy, sử dụng hiệu quả lực lượng này không chỉ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam mà còn góp phần đưa đất nước tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045.

Nghiên cứu sinh Mai Quỳnh Anh đang làm việc tại Phòng thí nghiệm phản ứng hạt nhân của JINR đánh giá cao môi trường làm việc tại Viện. Hiện Quỳnh Anh đang tham gia nghiên cứu, phát triển các công nghệ cốt lõi như phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ cho quá trình chuyển đổi số. Ứng dụng AI và dữ liệu lớn (big data) trong giám sát, tối ưu hóa hiệu suất lò phản ứng, phân tích an toàn bức xạ và bảo trì hệ thống; blockchain trong quản lý nhiên liệu hạt nhân nhằm đảm bảo tính minh bạch và an toàn trong chuỗi cung ứng nhiên liệu từ khai thác, làm giàu uranium đến xử lý chất thải phóng xạ. Quỳnh Anh cho biết JINR thu hút được nhiều nhà khoa học quốc tế nhờ có cơ chế làm việc linh hoạt, cho phép tham gia nghiên cứu mà không cần chuyển hoàn toàn nơi sinh sống. Cô nghiên cứu viên trẻ hy vọng tới đây, nhờ quyết sách mới, Việt Nam cũng sẽ xây dựng được hạ tầng nghiên cứu chất lượng cao, có cơ chế hợp tác linh hoạt để kết nối với các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời xây dựng môi trường khoa học đổi mới, thu hút nhân tài và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào phát triển kinh tế-xã hội.

Với sự hỗ trợ tích cực của Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga cũng như những hoạt động trao đổi chuyên môn của đại diện khoa học công nghệ Việt Nam tại Nga, nhóm nghiên cứu trẻ Việt Nam tại JINR đã hình thành một cộng đồng gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau trong nghiên cứu và ổn định cuộc sống cả về vật chất và tinh thần. Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga đã phối hợp chặt chẽ trong việc đưa các đoàn sinh viên Việt Nam và con em cộng đồng người Việt tại Liên bang Nga tới thăm Dubna để vừa tìm hiểu về hoạt động nghiên cứu của một tổ chức quốc tế hàng đầu thế giới như JINR, vừa giúp các em giao lưu với những cán bộ tại đây để cùng chia sẻ tình nghĩa đồng bào, góp phần gắn kết cộng đồng người Việt tại Liên bang Nga. Đặc biệt, Chi bộ Việt Nam tại JINR đã được Đảng bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga phê chuẩn hoạt động vào tháng 12/2022 và góp phần củng cố phẩm chất chính trị cho các nhà khoa học trẻ Việt Nam – những người đang sống và làm việc trong cộng đồng khoa học quốc tế đa dạng về quốc tịch và văn hóa.

Đại sứ Đặng Minh Khôi cho biết chất lượng đào tạo cơ bản tại Liên bang Nga luôn được khẳng định ở đẳng cấp thế giới. Khoa học, công nghệ và nghiên cứu hạt nhân là thế mạnh của Nga. Vì vậy, các thế hệ sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam tại Nga có đầy đủ điều kiện tốt về môi trường học tập và nghiên cứu. Viện Dubna là nơi đào tạo nhiều thế hệ nhà khoa học trẻ cho Việt Nam. Đại sứ tin rằng đội ngũ các nhà khoa học trẻ tại Dubna nói riêng và các cơ sở đào tạo của Nga nói chung sẽ tiếp bước các thế hệ đi trước, trở thành nòng cốt trong các ngành khoa học trong công cuộc đưa đất nước lên tầm cao mới về khoa học công nghệ và đi vào kỷ nguyên mới: kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Tính đến năm 2024, số cán bộ Việt Nam đang làm việc tại JINR đã tăng lên 36 người và dự kiến sẽ là 45 người trong năm 2025, con số cao nhất từ trước tới nay và nằm trong nhóm nước có số lượng cán bộ đông đảo nhất tại JINR. Đội ngũ không chỉ tăng về số lượng mà còn có sự chuyển biến về chất lượng. Trong năm ngoái, các nhà khoa học Việt Nam công bố 36 bài báo quốc tế, trong đó hơn một nửa được đăng trên các tạp chí Q1 có uy tín. Các nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam đã tham gia vận hành thiết bị máy gia tốc, thực hiện các thí nghiệm với chùm neutron và ion nặng, nghiên cứu vật liệu nano, cũng như đóng góp vào các nhóm vật lý lý thuyết – những lĩnh vực đòi hỏi kỹ năng và nền tảng học thuật cao.

Đào tạo sau đại học tiếp tục được đẩy mạnh. Năm 2023 đã có 5 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và một học viên cao học hoàn thành chương trình tại Đại học Dubna. Hầu hết các đề tài đều gắn liền với nghiên cứu thực nghiệm tại JINR, giúp tạo ra một thế hệ nhà khoa học mới vừa vững lý thuyết, vừa thành thạo thiết bị hiện đại, sẵn sàng phục vụ chiến lược phát triển các lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam. Điều đáng chú ý là, chính nhờ môi trường nghiên cứu cơ bản tại JINR – nơi đào sâu vào bản chất vật chất, tương tác hạt và các phản ứng neutron – mà Việt Nam có thể chuẩn bị một cách bài bản cho chương trình điện hạt nhân quốc gia. Năng lực phân tích, mô phỏng và vận hành hệ thống hạt nhân sẽ không thể hình thành nếu thiếu nền tảng khoa học lý thuyết và thực nghiệm về vật lý hạt nhân.

Trong bối cảnh Nghị quyết 57 đã được Bộ Chính trị ban hành và đẩy mạnh thực hiện, vai trò của khoa học–công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực chính cho phát triển kinh tế–xã hội thì những thành quả từ JINR là một minh chứng sống động cho tinh thần chủ động, sáng tạo và hợp tác đúng hướng của Việt Nam. Đầu tư cho khoa học cơ bản không phải là điều xa xỉ mà là nền tảng cho mọi đột phá ứng dụng. Hợp tác với JINR dưới sự dẫn dắt của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nói riêng và hợp tác quốc tế về khoa học có hệ thống nói chung sẽ tiếp tục là một trong những trụ cột quan trọng trong hành trình xây dựng một Việt Nam phát triển, tự chủ, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên hội nhập công nghệ toàn cầu./.

Tâm Hằng

Tin cùng chuyên mục

75 năm quan hệ Việt Nam-Trung Quốc: Áo dài Việt Nam tỏa sáng tại Bắc Kinh

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, nhằm thiết thực kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Trung Quốc và “Năm Giao lưu Nhân văn Việt-Trung”, từ ngày 18-20/4 tại Bắc Kinh, đại diện Cộng đồng Việt Nam tại Trung Quốc tổ chức Chương trình biểu diễn thời trang “Áo Dài Việt Nam – Di Sản Kết Nối”.

Từ đại thắng đến đại công trình, hạ tầng kiến tạo tầm vóc quốc gia

Trong không khí hào hùng những ngày cả nước đang hướng tới 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát lệnh đồng loạt khởi công, khánh thành 80 dự án, công trình lớn, trọng điểm trên cả nước ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam, với tổng vốn đầu tư khoảng 450.000 tỷ đồng.

Hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh biến động thuế quan

Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 753/QĐ-TTg ngày 12/4/2025, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, chủ động thích ứng với tình hình mới để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sản xuất, xuất khẩu, duy trì tăng trưởng bền vững, Bộ Công Thương vừa tổ chức Hội nghị “Hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh Hoa Kỳ áp dụng thuế đối ứng lên hàng xuất khẩu từ Việt Nam”.

Tăng tốc đưa xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 65 tỷ USD

Xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam từ đầu năm 2025 đến nay ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, trong bối cảnh bất định, đặc biệt là việc Hoa Kỳ dự kiến xem xét lại thuế đối ứng sau 90 ngày thì việc nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm và minh bạch trong truy xuất nguồn gốc trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đây được xem là những yếu tố then chốt để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 65 tỷ USD, phấn đấu đạt 70 tỷ USD trong năm nay.

Thủ tướng dự chương trình nghệ thuật “Ký ức để lại” tại Tây Ninh

Tối 19/4, tại Quảng trường Đài tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ tỉnh Tây Ninh, Đảng ủy Công an Trung ương (Bộ Công an) phối hợp UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức chương trình nghệ thuật chính luận “Ký ức để lại”, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 65 năm Ngày thành lập Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam. Dự buổi lễ có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ ngành Trung ương và các địa phương.