Đột phá theo Nghị quyết số 57: Thúc đẩy tinh thần đổi mới và khởi nghiệp khoa học
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đề ra các mục tiêu chiến lược để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo theo Nghị quyết số 57.
Giáo sư, Tiến sỹ Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Ảnh: Diệu Thúy - TTXVN

Quán triệt thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm) đã đề ra các mục tiêu chiến lược nhằm xây dựng Viện Hàn lâm thành Trung tâm khoa học công nghệ hàng đầu Việt Nam, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao.

* Biến phòng thí nghiệm thành "vườn ươm" công nghệ

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Viện Hàn lâm đã xây dựng Kế hoạch 116/QĐ-VHL, đề ra các mục tiêu chiến lược nhằm xây dựng Viện Hàn lâm thành Trung tâm khoa học công nghệ hàng đầu Việt Nam, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao. Phát triển Viện Hàn lâm thành một trong các cơ quan tư vấn hàng đầu của Nhà nước trong hoạch định chính sách, chiến lược phát triển khoa học công nghệ và kinh tế - xã hội của đất nước.

Cùng với đó, Viện Hàn lâm đẩy mạnh hợp tác công - tư, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tăng tỷ lệ chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ, góp phần biến sáng tạo thành động lực kinh tế; phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, biến phòng thí nghiệm thành "vườn ươm" công nghệ, đưa sản phẩm khoa học công nghệ vào cuộc sống.

Về các mục tiêu cụ thể đến năm 2030, Giáo sư, Tiến sỹ Chu Hoàng Hà nêu rõ, trước hết về nâng cao chất lượng nghiên cứu, Viện Hàn lâm sẽ tăng 50% số công bố quốc tế (SCIE/Scopus) và văn bằng sở hữu trí tuệ so với giai đoạn 2020 - 2025; phát triển 30 công nghệ lõi làm chủ hoàn toàn, tập trung vào trí tuệ nhân tạo, vật liệu tiên tiến, công nghệ sinh học. Về xây dựng nguồn nhân lực, Viện Hàn lâm sẽ thu hút 20 -30 nhà khoa học trẻ tài năng/năm, đào tạo 5.000 nhà khoa học trình độ quốc tế; phát triển 20 nhóm nghiên cứu mạnh đạt chuẩn khu vực…

Đánh giá về 7 nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết 57, Giáo sư, Tiến sỹ Chu Hoàng Hà cho rằng, những nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết đưa ra là toàn diện, bao trùm cả thể chế, nhân lực, tài chính, hợp tác quốc tế, quản trị và chuyển đổi số. Trong đó, điểm đột phá là việc xác định rõ vai trò trung tâm của lực lượng trí thức, nhà khoa học và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; đồng thời yêu cầu đổi mới mạnh mẽ phương thức quản trị khoa học, giải phóng nguồn lực, thúc đẩy tự chủ và tinh thần khởi nghiệp sáng tạo. Những nhiệm vụ này nếu được triển khai đồng bộ, hiệu quả sẽ là nền tảng để nâng tầm năng lực khoa học công nghệ quốc gia, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển bền vững dựa trên tri thức. "Thuận lợi lớn nhất là sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương và sự hưởng ứng tích cực từ đội ngũ cán bộ khoa học", Giáo sư, Tiến sỹ Chu Hoàng Hà khẳng định.

Để triển khai hiệu quả Nghị quyết 57-NQ/TW, Giáo sư, Tiến sỹ Chu Hoàng Hà cho rằng, trước hết cần có chiến lược cụ thể theo ba hướng: Khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học; cần ưu tiên tháo gỡ các rào cản về cơ chế và nguồn lực để thúc đẩy ứng dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học. Hiện nay, các thủ tục hành chính và quy định tài chính còn cứng nhắc đang làm chậm quá trình chuyển giao công nghệ, do đó, việc triển khai đồng bộ Nghị quyết 57-NQ/TW với Nghị quyết 193/2024/QH15 sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi để hình thành doanh nghiệp khoa học công nghệ ngay trong các viện nghiên cứu. Trong mô hình này, nhà khoa học được chuyên tâm nghiên cứu và hưởng lợi trực tiếp từ thành quả của mình thông qua chia sẻ lợi nhuận, cổ phần hoặc chính sách tài chính ưu đãi góp phần thúc đẩy tinh thần đổi mới và khởi nghiệp khoa học.

* Xác định rõ tầm nhìn dài hạn cho khoa học cơ bản

Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đại Lâm, Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đề xuất Nhà nước cần xác định rõ tầm nhìn dài hạn cho khoa học cơ bản. 
Ảnh: TTXVN phát

Đồng tình với nhận định của Tổng Bí thư nhấn mạnh vai trò “lực lượng nòng cốt” của giới trí thức bởi trong kỷ nguyên tri thức, nhà khoa học không chỉ là người nghiên cứu mà còn phải là người kiến tạo tương lai”, Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đại Lâm, Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng, giới tri thức cần nuôi dưỡng tinh thần trách nhiệm với đất nước, khát vọng vươn lên, sẵn sàng đón nhận thử thách và đặt tiêu chuẩn quốc tế làm thước đo cho mọi kết quả nghiên cứu. Giới khoa học cũng cần chủ động, sáng tạo trong hợp tác liên ngành, liên lĩnh vực, gắn nghiên cứu với nhu cầu phát triển thực tiễn, đổi mới cách nghĩ, cách làm để không chỉ tạo ra tri thức mới mà còn tạo ra giá trị thực tiễn.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đại Lâm, hiện Viện Khoa học vật liệu đã chủ động rà soát, điều chỉnh chiến lược nghiên cứu theo tinh thần của Nghị quyết 57, trong đó nhấn mạnh đến việc phát triển vật liệu mới, làm cơ sở để phát triển các công nghệ lõi, có tính ứng dụng cao trong các ngành công nghệ cao, công nghiệp nền tảng, quốc phòng - an ninh.

Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 57, Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đại Lâm đề xuất, Nhà nước cần xác định rõ tầm nhìn dài hạn cho khoa học cơ bản, vì đây là lĩnh vực không mang lại kết quả tức thì nhưng lại đóng vai trò nền tảng cho các đột phá công nghệ trong tương lai. Chiến lược phát triển khoa học cơ bản cần có thời hạn tối thiểu 20 năm, với các định hướng rõ ràng vào những lĩnh vực mà thế giới mới đang ở giai đoạn khởi đầu như: Công nghệ lượng tử, trí tuệ nhân tạo, khoa học vật liệu mới, tổng hợp sinh học, năng lượng nhiệt hạch… Đây là những trụ cột chiến lược có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam nếu đầu tư sớm và có trọng điểm.

Bên cạnh tầm nhìn dài hạn, theo Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đại Lâm, việc phát hiện và ươm mầm nhân tài cũng cần được coi là ưu tiên hàng đầu, cần xây dựng cơ chế phát hiện, tuyển chọn và đào tạo học sinh giỏi, có năng khiếu từ bậc phổ thông, đặc biệt trong các môn khoa học cơ bản như toán học, vật lý, hóa học, sinh học. Đề xuất đưa các môn học này thành nội dung bắt buộc trong chương trình đào tạo của các trường chuyên, trường năng khiếu, đi kèm với chính sách học bổng, cam kết đào tạo chuyên sâu và hỗ trợ phát triển sự nghiệp lâu dài. Việc nuôi dưỡng tài năng cần được thực hiện một cách hệ thống, liên tục và có sự đồng hành của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành.

Ngoài ra, nhằm bảo đảm định hướng phát triển đúng đắn, Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đại Lâm cho rằng, cần thành lập Hội đồng tư vấn cấp quốc gia hoạch định chiến lược dài hạn và xuyên suốt phát triển về khoa học cơ bản (Hội đồng này khác với các Hội đồng do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia thành lập để xác định các vấn đề nghiên cứu tương đối cụ thể có qui mô không lớn và phải hoàn thành trong thời gian khá ngắn 2-3 năm), nhằm giúp cơ quan quản lý hình thành các chương trình khoa học cơ bản có chiều sâu, đồng thời bảo đảm sự ổn định và tính liên tục trong các chiến lược phát triển khoa học cơ bản một cách dài hạn...

“Là Viện chuyên ngành lớn của quốc gia trong lĩnh vực khoa học vật liệu, Viện Khoa học vật liệu xác định vai trò hạt nhân trong việc thực thi các định hướng lớn từ Nghị quyết 57, trở thành trung tâm kết nối, tham gia tích cực và có vai trò thúc đẩy các chương trình nghiên cứu và ứng dụng trọng điểm của quốc gia liên quan đến vật liệu, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và đóng góp trực tiếp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong kỷ nguyên mới”, Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đại Lâm nhấn mạnh./.


Tin liên quan

Đột phá theo Nghị quyết 57: Học giả của Đại học Cambridge chỉ ra những lợi thế đối với Việt Nam

Trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại London về Nghị quyết 57-NQ/TW, được Bộ Chính trị ban hành tháng 12/2024, về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Bằng, trường Quản lý kinh doanh Judge Business School, Đại học Cambridge, Anh, đã chỉ ra những lợi thế của Việt Nam khi thực hiện nghị quyết, trong đó có dân số trẻ, nắm bắt nhanh các công nghệ tiên tiến mới, hình ảnh Việt Nam liên tục được cải thiện nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối tốt, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong nhiều ngành, có điều kiện hạ tầng như sân bay, bến cảng lớn...

Đột phá theo Nghị quyết 57: Chuyên gia Nga khẳng định hướng đi đúng của chính sách phát triển khoa học, công nghệ

Việt Nam đã lựa chọn hướng đi đúng đắn khi đặt mục tiêu đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thành động lực chính cho phát triển kinh tế-xã hội. Đây là khẳng định được Tiến sĩ Grigory Trubnikov, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học LB Nga, Giám đốc Viện liên hợp nghiên cứu hạt nhân (JINR), gọi tắt là Viện Dubna, tại thành phố Dubna, đưa ra trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Nga về Nghị quyết 57-NQ/TW, được Bộ Chính trị ban hành tháng 12/2024, về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Đột phá theo Nghị quyết 57: Bước đi phát triển bền vững, hiện đại hóa và hội nhập sâu rộng

Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là bước đi quan trọng giúp Việt Nam phát triển bền vững, hiện đại hóa và hội nhập sâu rộng trong giai đoạn mới. Chủ tịch Hội trí thức Việt Nam tại Nhật Bản, Tiến sĩ Lê Đức Anh, đã đưa ra khẳng định trên khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Tokyo.

Đột phá theo Nghị quyết 57: Chiến lược toàn diện để đưa Việt Nam tiến xa hơn trong kỷ nguyên số

Nghị quyết 57-NQ/TW có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với giai đoạn phát triển hiện nay của Việt Nam, khi đất nước đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ để bắt kịp với xu hướng cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây là nhận định của ông Nguyễn Tuấn Nghĩa, chuyên gia về trí tuệ nhân tạo (AI) được Hiệp hội Kỹ sư Australia phong danh hiệu Tổng công trình sư (Fellow of Engineers Australia), thành viên Hội Trí thức và Chuyên gia Việt Nam tại Australia (VASEA), trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Sydney.

Tin cùng chuyên mục

Bộ Dân tộc và Tôn giáo chúc Tết đồng bào Khmer tại Bạc Liêu

Ngày 11/4, tại Bạc Liêu, Đoàn công tác của Bộ Dân tộc và Tôn giáo do Thứ trưởng Nguyễn Hải Trung làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết và tặng quà các tổ chức, cá nhân tiêu biểu là người dân tộc Khmer, các hộ nghèo và chức sắc Phật giáo Nam tông Khmer.

Đa dạng nguồn sinh kế, xóa vùng "lõi nghèo"

Lào Cai triển khai đồng bộ, lồng ghép các nhiệm vụ, giải pháp về thông tin và truyền thông, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp nông thôn, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, đào tạo nghề và giải quyết việc làm… đem lại hiệu quả cao trong giảm nghèo tại các xã nghèo.

Tìm ‘cơ’ trong ‘nguy’

Chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ đã làm cả thế giới dậy sóng và Việt Nam nhanh chóng triển khai những biện pháp ứng phó nhằm vượt qua thách thức.

Ngày Hợp tác xã Việt Nam 11/4/2025: Kinh tế tập thể, hợp tác xã đóng góp khoảng 4,8% GDP cả nước

Ngày 11/4 hằng năm được chọn Ngày Hợp tác xã Việt Nam nhằm tôn vinh và thúc đẩy vai trò của kinh tế hợp tác trong sự nghiệp phát triển đất nước. Kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã (HTX), là thành phần kinh tế quan trọng, với nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, có vai trò quan trọng về mặt kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội đối với đất nước. Theo số liệu thống kê, đóng góp của khu vực kinh tế tập thể, HTX vào GDP của cả nước trung bình đạt khoảng 4,8%; đóng góp gián tiếp khoảng 30% GDP cả nước thông qua giá trị gia tăng của kinh tế hộ thành viên. Khu vực kinh tế tập thể cung ứng cho thị trường từ 18% - 32% hàng lương thực, thực phẩm và nhiều mặt hàng tiêu dùng khác, góp phần vào ổn định giá cả thị trường và kiềm chế lạm phát…

Cầu nối giữa các sáng kiến công nghệ và quá trình chuyển đổi số quốc gia

Cổng thông tin điện tử sản phẩm, giải pháp khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được Bộ Khoa học và Công nghệ ra mắt ngày 9/4/2025 tại địa chỉ https://nq57.mst.gov.vn. Đây là một sự kiện quan trọng nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị, góp phần thúc đẩy hệ sinh thái khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Cổng thông tin điện tử được xây dựng nhằm tạo lập một nền tảng công khai, minh bạch và hiệu quả để tiếp nhận, tổng hợp, đánh giá và công bố các sản phẩm, giải pháp khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tiêu biểu – bao gồm cả những giải pháp, sản phẩm đã triển khai thành công và những giải pháp, sản phẩm mới, có tiềm năng ứng dụng trong tương lai. Đây không chỉ là công cụ hỗ trợ quá trình chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, mà còn là cầu nối quan trọng giữa sáng kiến công nghệ với chính sách phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa 2025: Không gian di sản văn hóa biển, đảo Khánh Hòa

Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa 2025 diễn ra từ ngày 10/4 - 27/6/2025 với gần 40 hoạt động, sự kiện sẽ là tâm điểm bùng nổ mùa du lịch hè, thu hút du khách đến với thành phố biển Nha Trang nổi tiếng. Các hoạt động, sự kiện hấp dẫn đáng chú ý gồm: Trại điêu khắc đá mỹ thuật toàn quốc; lễ hội kinh khí cầu Khánh Hòa với tên gọi “Biển, đảo yêu thương nhìn từ bầu trời”; hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Khánh Hòa gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”; lễ hội trầm hương; lễ hội áo dài; lễ hội ẩm thực quốc tế; lễ hội yến sào Khánh Hoà; con đường sách Festival Biển 2025; giải vô địch ván chèo đứng quốc tế - Nha Trang sup championship; đại cảnh lễ hội cầu ngư… Chương trình chính thức của Festival Biển 2025 diễn ra từ ngày 7 - 9/6/2025, với các hoạt động, sự kiện: Lễ khai mạc, chương trình canaval “Phố biển vào hội”, các hoạt động thể thao trên biển, chương trình nghệ thuật quốc tế “Về đây với biển”, Lễ bế mạc Festival Biển 2025.

Tôn vinh tiếng Việt: Nhịp cầu yêu thương tại Brussels

Tháng Tư về, Brussels vẫn nhộn nhịp với nhịp sống châu Âu hiện đại. Nhưng ở một góc nhỏ trong thư viện Muntpunt, thư viện lớn nhất ở thủ đô Brussels của Bỉ nơi lặng lẽ nuôi dưỡng tình yêu sách cho bao thế hệ, một làn gió mới vừa thổi qua. Lần đầu tiên, trên kệ sách của thư viện này, tiếng Việt - thứ ngôn ngữ giàu âm điệu và chan chứa hồn dân tộc - chính thức hiện diện như một phần không thể thiếu trong bức tranh văn hóa đa sắc màu của Brussels. Đây không chỉ đơn thuần là những cuốn truyện mà còn là cầu nối những đứa trẻ xa quê với cội nguồn văn hóa của cha ông.

Văn hóa soi đường: Tinh hoa và khát vọng Việt Nam tỏa sáng tại UNESCO

Theo phóng viên TTXVN tại Paris, tối 9/4, tại trụ sở của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO ) ở thủ đô Paris của Pháp, tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tổ chức thành công chương trình "Việt Nam - Tinh hoa văn hóa và khát vọng vươn mình", nhằm quảng bá các giá trị văn hóa Việt Nam, đặc biệt là vận động UNESCO công nhận tranh dân gian Đông Hồ là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Việt Nam phối hợp chặt chẽ trong triển khai các sáng kiến tài chính, ngân hàng của ASEAN

Ngày 9/4, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ 12 (AFMGM 12) tại Kuala Lumpur, Đoàn đại biểu Bộ Tài chính Việt Nam do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng dẫn đầu và Đoàn đại biểu Ngân hàng Nhà nước do Phó Thống đốc Nguyễn Đức Cảnh dẫn đầu đã có nhiều đóng góp tại hội nghị. Đây là các sự kiện thường niên trong khuôn khổ chuỗi Hội nghị cấp cao về hợp tác tài chính, ngân hàng ASEAN nhằm chia sẻ quan điểm và trao đổi về các vấn đề mang tính chiến lược của khu vực.