Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam: "Bài kiểm tra" với doanh nghiệp Việt
Các doanh nghiệp trong nước đang bước vào giai đoạn chuyển động mạnh mẽ để tham gia sâu vào siêu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trị giá hơn 67 tỷ USD. Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đang mở ra một chương mới cho doanh nghiệp Việt Nam.
Mô hình tàu đường sắt cao tốc ở Indonesia. Ảnh minh họa: TTXVN

 Đây không chỉ là cơ hội tăng trưởng, mà còn là thách thức về năng lực, công nghệ và tư duy hợp tác chiến lược. Nếu vượt qua “bài kiểm tra này”, doanh nghiệp Việt Nam sẽ trưởng thành một bước lớn, không chỉ trên sân nhà, mà còn đủ sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Đầu tháng 5/2025, Công ty cổ phần Đầu tư VinSpeed – doanh nghiệp do Tập đoàn Vingroup thành lập – trở thành doanh nghiệp đầu tiên đề xuất đầu tư toàn tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam theo hình thức đối tác công tư (PPP). Với cam kết tổng vốn khoảng 1,5 - 1,6 triệu tỷ đồng; trong đó 20% là vốn đối ứng, VinSpeed kiến nghị Nhà nước cho vay phần còn lại với lãi suất 0% trong vòng 35 năm, không tính chi phí giải phóng mặt bằng.

Không chỉ đầu tư hạ tầng, VinSpeed hướng đến xây dựng chuỗi giá trị toàn diện cho đường sắt cao tốc: sản xuất đoàn tàu, thiết bị tín hiệu, phát triển đô thị gắn ga theo mô hình TOD – tận dụng thế mạnh bất động sản từ hệ sinh thái Vingroup. TOD (Transit Oriented Development) là mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng, trong đó các khu dân cư, thương mại, dịch vụ được quy hoạch xoay quanh các điểm trung chuyển lớn như ga đường sắt.

Các quy định mới trong Luật sửa đổi như miễn thuế nhập khẩu thiết bị, miễn thủ tục lập chủ trương đầu tư TOD, phân cấp quy hoạch đất đều giúp VinSpeed có cơ hội hiện thực hóa chiến lược này một cách đồng bộ.Ngay sau VinSpeed, Tập đoàn Trường Hải (Thaco) cũng đề xuất đầu tư toàn tuyến theo PPP, với mức cam kết tương đương. Điểm khác biệt là Thaco xác định mục tiêu nội địa hóa toàn diện thiết bị đường sắt tốc độ cao: từ đầu máy, toa xe, hệ thống depot, bảo trì đến cơ khí hạ tầng. Với nền tảng sản xuất ô tô và cơ khí kỹ thuật ở Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam), Thaco đặt kỳ vọng xây dựng ngành công nghiệp đường sắt nội địa mang tính cạnh tranh quốc tế.

Các cơ chế ưu đãi thuế, miễn thuế nhập khẩu và phân chia dự án theo cấu phần trong Luật sửa đổi giúp Thaco thuận lợi triển khai theo từng giai đoạn phù hợp năng lực. Đồng thời, việc thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ các quốc gia phát triển là điểm tựa chiến lược cho Thaco trong quá trình tham gia sâu.

Không trực tiếp đầu tư hay vận hành tuyến, Tập đoàn Hòa Phát lại giữ vai trò không thể thiếu trong chuỗi cung ứng vật liệu nền tảng. Ngày 29/5/2025, Hòa Phát ký hợp đồng với Tập đoàn SMS Group (Đức) để triển khai dây chuyền sản xuất thép ray tốc độ cao đầu tiên tại Đông Nam Á, công suất 700.000 tấn/năm, tại Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất (Quảng Ngãi). Sản phẩm được thiết kế đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cho tàu chạy 200–350 km/h, phù hợp tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Luật Đường sắt (sửa đổi) cũng đặt ra rào chắn nhập khẩu đối với sản phẩm mà trong nước đã sản xuất đạt chuẩn, gián tiếp tạo “lá chắn” cho thép ray nội địa như của Hòa Phát. Đồng thời, chính sách mới cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn nguyên liệu và vị trí bãi đổ thải – giảm đáng kể chi phí đầu vào luyện kim.

Ông Trần Đình Long – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hòa Phát khẳng định, Hòa Phát sẵn sàng cung ứng toàn bộ sản lượng thép cho các dự án trọng điểm đường sắt, với tổng khối lượng ước tính 10 triệu tấn và giá cả cạnh tranh hơn hàng nhập khẩu. Sau khi Dung Quất 2 đi vào vận hành, tổng công suất thép thô của Hòa Phát có thể đạt 15 triệu tấn/năm.

Nhiều doanh nghiệp xây dựng và hạ tầng trong nước đang tích cực chuẩn bị để tiếp cận dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả (mã chứng khoán: HHV), với kinh nghiệm thi công các công trình hầm quy mô lớn, đã tuyên bố sẵn sàng tham gia. Công ty cổ phần Fecon (mã chứng khoán: FCN) xác định đường sắt tốc độ cao là ưu tiên chiến lược đến năm 2030 và đang chuẩn bị nguồn lực nhân sự, công nghệ để tham gia các cấu phần của dự án. Công ty cổ phần Lizen (mã chứng khoán: LCG) khẳng định có thể đáp ứng đa số cơ cấu thi công và đang hợp tác với các đơn vị để nắm bắt thời cơ. Ngoài ra, Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (mã chứng khoán: VCG) cũng đang lên phương án tham gia dự án theo năng lực và thế mạnh riêng.

Với tổng vốn đầu tư hơn 1,713 triệu tỷ đồng, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam không chỉ là "cú hích" lớn về hạ tầng, mà còn là “phép thử” quan trọng đối với năng lực thực sự của doanh nghiệp Việt Nam. Khác với các dự án lớn trước đây, lần này Chính phủ đặt doanh nghiệp vào vai trò trung tâm – từ cung cấp vật tư, thiết bị, thi công đến vận hành, bảo trì. Chính phủ cũng yêu cầu hoàn tất lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng trước ngày 31/12/2026 – thể hiện quyết tâm khởi công sớm tuyến đường dài 1.541 km đi qua 20 tỉnh, thành và đóng vai trò huyết mạch cả về phát triển kinh tế – xã hội lẫn quốc phòng – an ninh.

Ngày 16/6, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Tờ trình dự án Luật Đường sắt (sửa đổi). Dự thảo luật thể hiện bước tiến lớn về thể chế, khi luật hóa 23 cơ chế, chính sách đặc thù – đặc biệt tập trung vào ưu đãi tài chính và cải cách thủ tục đầu tư, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho doanh nghiệp. Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam được xác định là đối tượng ưu tiên áp dụng các cơ chế này; trong đó có việc miễn thuế nhập khẩu thiết bị chưa sản xuất trong nước, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, tín dụng ưu đãi, phân cấp mạnh cho địa phương và cho phép chia nhỏ dự án thành tiểu dự án – mở rộng cơ hội tiếp cận theo năng lực thực tế của doanh nghiệp.Không những vậy, một phần quy định trong luật dự kiến có hiệu lực ngay từ 1/7/2025, thay vì đợi đến năm 2026, đã tạo tiền đề pháp lý kịp thời cho các dự án đang trong quá trình chuẩn bị, đặc biệt là đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam./.

Tin liên quan

Đề nghị Pháp hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghiệp đường sắt

Trong chương trình hoạt động song phương tại Cộng hoà Pháp, chiều 11/6 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm, làm việc tại Tổng công ty Đường sắt quốc gia Pháp (SNCF) ở thủ đô Paris. Đây là hoạt động cuối cùng của Thủ tướng Chính phủ trong chương trình công tác tham dự Hội nghị Đại dương Liên Hợp Quốc lần thứ 3 (UNOC 3); tiến hành các hoạt động song phương tại Cộng hòa Pháp từ ngày 7 đến 11/6 theo lời mời của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron. 

Lựa chọn kỹ càng cho đường sắt tốc độ cao Bắc Nam

Chính phủ đang quan tâm đến việc khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, nhưng việc lựa chọn doanh nghiệp đủ tài lực cần được cân nhắc kỹ lưỡng.

Đồng loạt giải phóng mặt bằng xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Sáng 9/7, kết luận Phiên họp thứ 3 Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt (Ban Chỉ đạo) trực tuyến với 19 địa phương có dự án đường sắt đi qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo chỉ đạo đồng loạt triển khai và hoàn thành giải phóng mặt bằng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vào cuối năm 2026.

Tin cùng chuyên mục

Bộ Công Thương lên kế hoạch thực hiện các giải pháp xúc tiến thương mại

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên vừa ký ban hành Quyết định số 1970/QĐ-BCT về ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 18/6/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để thúc đẩy hoạt động thương mại năm 2025.

Chính quyền địa phương hai cấp: Kỳ vọng thay đổi cho thị trường bất động sản

Việc đồng thời triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp và hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh đang tạo ra những chuyển động lớn trong cấu trúc điều hành địa phương. Với thị trường bất động sản, đây được xem là thời điểm bản lề để hy vọng tháo gỡ nút thắt thủ tục, tăng tính minh bạch và mở rộng dư địa đầu tư dài hạn.

Niềm tin của doanh nghiệp đang trở lại

Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), 6 tháng đầu năm 2025, cả nước đã có 152.700 doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2024.

Nâng cao năng lực kỹ thuật định danh hài cốt liệt sĩ

Phòng thí nghiệm ADN mới sẽ giúp đội ngũ cán bộ Việt Nam tiến hành phân tích ADN trên quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu trong việc giải trình tự các mẫu hài cốt lâu năm; mở ra khả năng khớp nối dữ liệu với mẫu thân nhân thông qua nền tảng sinh học phân tử tiên tiến.

Thành phố Hà Nội: Hơn 3.000 tỷ đồng hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh tiểu học

Chiều 9/7/2025, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội năm học 2025-2026. Thời gian hỗ trợ trong năm học 2025-2026, tính theo số ngày ăn thực tế và không quá 9 tháng/năm học. Dự kiến kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ bữa ăn bán trú cho 100% học sinh tiểu học năm học 2025-2026 khoảng 3.063 tỷ đồng. Số đối tượng được hỗ trợ khoảng 768.000 học sinh.

Mở đường cho dòng vốn quốc tế vào thị trường Việt Nam

Giữa bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn, Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm đến hấp dẫn của dòng vốn quốc tế nhờ nền tảng vĩ mô ổn định, chính sách cải cách mạnh mẽ và môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi.