Bộ Công Thương lên kế hoạch thực hiện các giải pháp xúc tiến thương mại
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên vừa ký ban hành Quyết định số 1970/QĐ-BCT về ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 18/6/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để thúc đẩy hoạt động thương mại năm 2025.
Trụ sở Bộ Công Thương. Ảnh: TTXVN

Kế hoạch hành động xác định nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của các đơn vị thuộc Bộ Công Thương làm căn cứ tổ chức thực hiện một cách động bộ và hiệu quả Chỉ thị số 18/CT-TTg hiện thực hóa mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ và bền vững thị trường nội địa, nâng cao năng lực ứng phó với rào cản thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào thị trường truyền thống để giữ vững đà phục hồi và phát triển kinh tế bền vững trong năm 2025.

Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức tăng cường thực hiện đa dạng, hiệu quả hoạt động xúc tiến phục vụ xuất nhập khẩu. Đặc biệt, đa dạng hóa các chương trình xúc tiến thương mại quy mô lớn, chuyên sâu theo từng ngành hàng tại các thị trường EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN...

Ngoài ra, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại với các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh tại thị trường đã có FTA với Việt Nam, đồng thời mở rộng sang  thị trường ngách và thị trường mới. Chẳng hạn như thị trường Halal, Saudi Arabia, Ai Cập, UAE...; tăng cường đẩy mạnh xúc tiến thương mại với sản phẩm công nghệ cao, đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, máy móc thiết bị, năng lượng tái tạo...

Mặt khác, chủ trì phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện xúc tiến thương mại phát triển thị trường nội địa hướng đến mục tiêu tăng cường xúc tiến thương mại liên kết vùng, liên kết ngành trong tiêu thụ sản phẩm nội địa, hội chợ, triển lãm hàng hóa; tập trung tổ chức hiệu quả chương trình khuyến mại tập trung trên phạm vi toàn quốc...

Với Cục Xuất nhập khẩu, Bộ trưởng đề nghị theo dõi chặt chẽ diễn biến kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu theo từng ngành hàng, từng thị trường; phân tích nguyên nhân biến động, xu hướng phát sinh để kịp thời tham mưu, đề xuất Bộ Công Thương giải pháp điều hành, điều chỉnh chính sách xuất nhập khẩu phù hợp, góp phần ổn định thị trường, bảo đảm cân đối cung cầu, thúc đẩy xuất khẩu và kiểm soát nhập khẩu hợp lý.

Cùng đó, chủ động cung cấp cho cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu thông tin cập nhật về thị trường, chính sách thương mại, xu hướng tiêu dùng và yêu cầu kỹ thuật của đối tác thuộc các thị trường có FTA/CEPA với Việt Nam, nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).Mặt khác, tổ chức hội thảo chuyên đề, lớp tập huấn chuyên sâu nhằm hướng dẫn doanh nghiệp tận dụng tối đa ưu đãi thuế quan, đáp ứng đầy đủ và hiệu quả tiêu chuẩn xuất khẩu quốc tế, nhất là truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường, lao động; từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và khai thác bền vững cơ hội từ FTA thế hệ mới.

Chủ động nghiên cứu, đánh giá thực trạng cán cân thương mại song phương với  đối tác trọng yếu như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc; từ đó đề xuất giải pháp tổng thể và dài hạn nhằm thúc đẩy xuất khẩu nhóm hàng có giá trị gia tăng cao, mở rộng thị phần hàng Việt Nam tại các thị trường phát triển. Đồng thời, kiểm soát hiệu quả nhập khẩu, từng bước cân bằng cán cân thương mại với thị trường lớn, nhất  là giảm dần mức thâm hụt thương mại với Trung Quốc theo hướng bền vững và có lợi cho sản xuất trong nước.

Phối hợp với Vụ Thị trường nước ngoài tổ chức nghiên cứu, phân tích sâu tác động của các chính sách thương mại quốc tế mới (như chính sách thuế quan của Hoa Kỳ, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon - CBAM của EU) với xuất nhập khẩu của Việt Nam, qua đó tham mưu đề xuất giải pháp ứng phó hiệu quả.

Với Vụ Phát triển thị trường nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Công Thương giao nhiệm vụ phối hợp với cơ quan liên quan của Bộ Ngoại giao, hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài và tổ chức xúc tiến thương mại quốc tế xây dựng, phát triển và duy trì cơ sở dữ liệu toàn diện, cập nhật thường xuyên về thông tin thị trường xuất khẩu; tập trung vào chính sách thương mại, thuế quan, rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, yêu cầu về môi trường và phát triển bền vững của các thị trường trọng điểm như EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi và Mỹ Latinh.

Ngoài ra, nghiên cứu, phân tích các cam kết trong  FTA, CEPA đã ký kết để tham mưu xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả ưu đãi thuế quan, đồng thời đề xuất giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận và mở rộng thị trường, nhất là tại khu vực có FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA.Bộ trưởng yêu cầu phối hợp chặt chẽ với Cục Xúc tiến thương mại trong việc xây dựng và triển khai các chương trình kết nối giao thương có trọng tâm, trọng điểm. Qua đó, nhằm tạo cầu nối hiệu quả giữa doanh nghiệp Việt Nam và các nhà phân phối, nhập khẩu, chuỗi bán lẻ quốc tế lớn.

Đặc biệt phát huy vai trò của sự kiện Vietnam International Sourcing 2025 như một nền tảng xúc tiến thương mại quy mô quốc gia, giúp doanh nghiệp Việt chủ động tiếp cận, đàm phán, ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài, mở rộng kênh tiêu thụ trên thị trường toàn cầu giúp thúc đẩy gia tăng giá trị và vị thế hàng hóa Việt Nam trong chuỗi cung ứng quốc tế.

Với Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lưu ý phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai có hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, kết nối tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan lồng ghép thực hiện các nội dung của Đề án Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Cụ thể như đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá nâng cao chất lượng về hàng Việt Nam, xây dựng tổ chức các điểm bán hàng Việt; tổ chức các Hội nghị kết nối cung cầu tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa do Việt Nam sản xuất.

Mặt khác, phối hợp tổ chức các Hội chợ, phiên chợ đưa hàng Việt về khu công nghiệp, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới, góp phần đẩy mạnh phát triển sản xuất trong nước giúp người tiêu dùng tại vùng có điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn được tiếp cận, tiêu dùng sản phẩm có chất lượng tốt do Việt Nam sản xuất góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân các địa phương.

Ngoài ra, phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai biện pháp nghiệp vụ quản lý thị trường để tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm về kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa vi phạm về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ...

Với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ trưởng chỉ đạo chủ trì, phối hợp với các sàn thương mại điện tử, nền tảng kinh doanh trực tuyến lớn trong nước và quốc tế triển khai các chương trình kết nối thương mại điện tử, liên kết vùng trong thương mại điện tử, thương mại điện tử xuyên biên giới.

Đặc biệt, phát động các chương trình thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt và sản phẩm địa phương thông qua các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội và mô hình kinh doanh thương mại điện tử khác nhau, từ đó thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, nâng cao giá trị thương hiệu, hình ảnh địa phương cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ tại nội địa và hướng tới xuất khẩu./.

Tin liên quan

Thúc đẩy ký kết Hiệp định FTA với Brazil và Mercosur

Trong chương trình tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng và hoạt động song phương tại Cộng hòa Liên bang Brazil, chiều 7/7, giờ địa phương, tại thành phố Rio de Janeiro, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo các tập đoàn kinh tế và tổ chức nghiệp đoàn doanh nghiệp Brazil để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực; cũng như góp phần thúc đẩy đàm phán ký kết các Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Brazil và Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur).

Tin cùng chuyên mục

Chính quyền địa phương hai cấp: Kỳ vọng thay đổi cho thị trường bất động sản

Việc đồng thời triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp và hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh đang tạo ra những chuyển động lớn trong cấu trúc điều hành địa phương. Với thị trường bất động sản, đây được xem là thời điểm bản lề để hy vọng tháo gỡ nút thắt thủ tục, tăng tính minh bạch và mở rộng dư địa đầu tư dài hạn.

Niềm tin của doanh nghiệp đang trở lại

Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), 6 tháng đầu năm 2025, cả nước đã có 152.700 doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2024.

Nâng cao năng lực kỹ thuật định danh hài cốt liệt sĩ

Phòng thí nghiệm ADN mới sẽ giúp đội ngũ cán bộ Việt Nam tiến hành phân tích ADN trên quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu trong việc giải trình tự các mẫu hài cốt lâu năm; mở ra khả năng khớp nối dữ liệu với mẫu thân nhân thông qua nền tảng sinh học phân tử tiên tiến.

Thành phố Hà Nội: Hơn 3.000 tỷ đồng hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh tiểu học

Chiều 9/7/2025, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội năm học 2025-2026. Thời gian hỗ trợ trong năm học 2025-2026, tính theo số ngày ăn thực tế và không quá 9 tháng/năm học. Dự kiến kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ bữa ăn bán trú cho 100% học sinh tiểu học năm học 2025-2026 khoảng 3.063 tỷ đồng. Số đối tượng được hỗ trợ khoảng 768.000 học sinh.

Mở đường cho dòng vốn quốc tế vào thị trường Việt Nam

Giữa bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn, Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm đến hấp dẫn của dòng vốn quốc tế nhờ nền tảng vĩ mô ổn định, chính sách cải cách mạnh mẽ và môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi.

Phấn đấu từ ngày 27/7/2025, không còn người có công nào phải ở trong nhà tạm, nhà dột nát

Ngày 9/7/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, chủ trì Phiên họp thứ 6 của Ban Chỉ đạo. Phiên họp tập trung đánh giá việc triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ sau Phiên họp thứ 5; thực hiện mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi toàn quốc, trong đó có việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công, thân nhân, gia đình liệt sĩ; rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp phù hợp mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Thủ tướng yêu cầu dứt khoát hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc trước ngày 31/8, đúng dịp chào mừng 80 năm Quốc khánh 2/9; riêng việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công, thân nhân, gia đình liệt sĩ hoàn thành trước ngày 27/7/2025 để tỏ lòng tri ân sâu sắc trước sự hy sinh, cống hiến của các anh hùng liệt sĩ, những người có công với cách mạng bằng những việc làm thiết thực, cụ thể.