Hải Phòng kiên cường và phát triển không ngừng: Bước vào kỷ nguyên làm chủ vận mệnh
Từ đô thị công nghiệp và cảng biển truyền thống, thành phố Hải Phòng đã vươn lên trở thành một trong những trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam

Hải Phòng sau những tháng năm kiên cường đã chính thức bước vào kỷ nguyên làm chủ vận mệnh. Trên hành trình bước vào thời kỳ mới, Hải Phòng không chỉ giữ vững nhịp phát triển mạnh mẽ mà còn hòa chung sức mạnh với tỉnh Hải Dương, mở ra một chương mới của sự hợp nhất, tạo nên động lực bứt tốc.

 Một góc thành phố Hải Phòng. Ảnh: TTXVN phát
Ảnh: TTXVN phát

*Làm chủ vận mệnh

Nguyên Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, hiện là Phó Chủ tịch chuyên trách, Hội đồng Lý luận Trung ương, Thượng tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thành chia sẻ, kể từ ngày giải phóng (13/5/1955), từ một đô thị công nghiệp và cảng biển truyền thống, thành phố Hải Phòng đã vươn lên trở thành một trong những trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam, là cực tăng trưởng trọng điểm khu vực phía Bắc. Với chiến lược quy hoạch hiệu quả, thu hút đầu tư mạnh mẽ và quản lý tài chính bền vững, Hải Phòng hiện nằm trong nhóm 5 địa phương có quy mô kinh tế dẫn đầu cả nước, cùng với Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai.

Hải Phòng đã xây dựng nhiều mô hình, trong đó có mô hình (CDS - City Development Strategy, năm 2000-2004), với sự trợ giúp của chuyên gia Ngân hàng Thế giới; Mô hình đô thị sinh thái - kinh tế (Eco2 - Ecological Cities as Economic Cities, năm 2004-2008), với sự hợp tác của chính tác giả mô hình Eco2, Giáo sư Hiroaki Suzuki, chuyên gia Ngân hàng Thế giới; các tiêu chuẩn đô thị toàn cầu (GCIF - Global City Indicators Facility, năm 2008-2012). Hải Phòng cũng xây dựng thành phố cảng xanh đạt chuẩn tăng trưởng xanh và thành phố carbon thấp năm 2012-2014; quy hoạch tăng trưởng xanh năm 2014 với sự giúp đỡ của chuyên gia thành phố Kitakyushu, Nhật Bản; cải thiện chất lượng không khí (Better Air Quality) năm 2015; Thành phố đa dạng sinh học (Biodiversify City).

Năm 2014, Hải Phòng được công nhận là Thành phố quốc tế đạt tiêu chuẩn ISO 37120:2014: Phát triển cộng đồng bền vững - Các chỉ số cho dịch vụ thành phố và chất lượng cuộc sống. Được vinh danh tại London (Anh), Hải Phòng sánh vai với 20 thành phố đầu tiên trên thế giới bắt kịp tiêu chuẩn phát triển mới này...

Thượng tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thành cho rằng, Hải Phòng lần đầu tiên dẫn đầu bảng xếp hạng về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2024. Đây là một chỉ dấu quan trọng phản ánh chất lượng điều hành kinh tế, môi trường đầu tư và năng lực quản trị của chính quyền của thành phố cảng. Đồng thời là minh chứng sinh động cho hành trình vươn tầm của thành phố cảng, từ một đô thị công nghiệp truyền thống trở thành trung tâm công nghiệp, logistics, dịch vụ và đổi mới sáng tạo tầm khu vực châu Á.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng Phạm Hồng Minh cho biết, 70 năm xây dựng và phát triển cùng đất nước, đặc biệt là gần 40 năm đổi mới, Hải Phòng đã vươn mình mạnh mẽ, khẳng định vị thế trung tâm kinh tế, công nghiệp, dịch vụ và đầu mối giao thông quan trọng của cả nước và khu vực... Hệ thống cảng biển Hải Phòng không chỉ là niềm tự hào mà còn là trụ cột chính của nhóm cảng biển số 1, đảm nhận vai trò cửa ngõ ra biển chiến lược cho toàn Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Nhờ lợi thế vị trí và mạng lưới giao thông đa phương thức (hàng không, đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa) kết nối hiệu quả tới các trung tâm kinh tế lớn khu vực phía Bắc, Hải Phòng đã xây dựng được một hệ sinh thái logistics tương đối hoàn chỉnh.

Cầu Hoàng Văn Thụ, thành phố Hải Phòng. 
Ảnh: TTXVN phát

Quy mô và tầm vóc của hệ thống cảng biển Hải Phòng được thể hiện rõ qua sản lượng năm 2024, với tổng lượng hàng hóa thông qua đạt khoảng 106,5 triệu tấn (trong đó sản lượng container khoảng 7,4 triệu TEU). Đây là những đóng góp quan trọng vào tổng sản lượng chung của hệ thống cảng biển Việt Nam. Với kết quả này, Hải Phòng giữ vững vai trò là trung tâm cảng biển lớn nhất khu vực phía Bắc và là một trong hai cụm cảng container có sản lượng thông qua lớn nhất cả nước. Những con số trên không chỉ phản ánh năng lực khai thác mà còn khẳng định vị thế không thể thiếu của Hải Phòng trong bản đồ logistics và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

* Hòa chung sức mạnh

Đất nước đang bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của khát vọng vươn mình mạnh mẽ, hội nhập sâu rộng và toàn diện với thế giới. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và cuộc cách mạng trong tổ chức bộ máy, cải cách hành chính đang mở ra cơ hội và cả những thách thức lớn chưa từng có đối với các địa phương, trong đó có Hải Phòng. Đặc biệt, việc hợp nhất Hải Phòng và Hải Dương là thời cơ lịch sử để xây dựng một đô thị lớn, trở thành một cực tăng trưởng mới, xứng tầm quốc gia và khu vực.

Theo Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu, Hải Phòng và Hải Dương có sự gắn kết sâu sắc về lịch sử, văn hóa, kinh tế và xã hội. Từ lâu, hai địa phương đã chung một cội nguồn, cùng là vùng đất xứ Đông kiên trung, địa linh nhân kiệt. Hai bên có chung không gian văn hóa châu thổ sông Hồng, với phong tục, lễ hội, nếp sống tương đồng; cùng có cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ phát triển năng động, giao thương mật thiết và dân cư cần cù, hiếu học, có truyền thống cách mạng.

Việc hợp nhất không chỉ là yêu cầu từ chủ trương của Đảng mà còn là cơ hội để hai địa phương cộng hưởng thế mạnh, mở rộng không gian phát triển, tối ưu nguồn lực, phát huy vai trò động lực vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, xây dựng một trung tâm công nghiệp, dịch vụ, logistics hiện đại, phát triển bền vững và nâng cao đời sống nhân dân.

Trung tâm hành chính mới thành phố Hải Phòng.
 Ảnh: TTXVN phát

Tại Hội thảo khoa học "70 năm xây dựng và phát triển Hải Phòng - Thành tựu và khát vọng vươn mình" ngày 9/5, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khánh, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, hợp nhất tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng là một bước đi mang tính chiến lược, có thể tạo ra một "siêu đô thị ven biển" với quy mô, năng lực và vai trò vượt trội trong mạng lưới đô thị quốc gia và khu vực.

Trên cơ sở những lợi thế tổng hợp về vị trí địa lý, hạ tầng cảng biển - hàng không - logistics, truyền thống công, nông nghiệp - thương mại và nền tảng văn hóa - xã hội, thành phố Hải Phòng mở rộng sẽ có cơ hội tái định vị mình trở thành cửa ngõ chiến lược của Việt Nam hướng ra biển lớn. Trung tâm logistics, cùng nền công, nông nghiệp hiện đại gắn với chuỗi giá trị toàn cầu, trở thành động lực phát triển mới cho vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, với năng lực kết nối liên vùng và xuyên biên giới ngày càng cao.

Tuy nhiên, cơ hội lớn luôn đi kèm với thách thức. Để làm được điều đó, thành phố cần có tư duy quy hoạch mới, tầm nhìn dài hạn và cơ chế quản trị linh hoạt nhằm đảm bảo sự phát triển cân bằng giữa công nghiệp hóa và chất lượng sống đô thị; đồng thời huy động và phân bổ nguồn lực thông minh, hiệu quả, trong đó nhân lực chất lượng cao, công nghệ và thể chế giữ vai trò trung tâm.

"Nếu thực hiện được mục tiêu đề ra, Hải Phòng sẽ không chỉ tiếp nối vai trò "thành phố cảng trung tâm" như đã được khẳng định trong lịch sử, mà còn vươn mình trở thành hình mẫu quản trị đô thị tiên tiến, nơi hội tụ các yếu tố hiện đại, văn minh và bền vững; đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển quốc gia đến năm 2045, góp phần đưa đất nước bước vào hàng ngũ các quốc gia công nghiệp phát triển, sánh vai với các cường quốc năm châu", Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khánh chia sẻ./.

Tin liên quan

Vùng đất anh hùng chuyển mình trong kỷ nguyên mới

Thị xã Ngã Năm giờ đây được xem là cửa ngõ phía Tây của tỉnh, giáp hai tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu và huyện Mỹ Tú, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) với hạ tầng đầu tư đồng bộ và là đô thị trẻ đầy tiềm năng với khát vọng phát triển.

50 năm Thống nhất đất nước: Những giá trị trường tồn đưa Việt Nam vào kỷ nguyên mới

Những bài học đã làm nên Chiến thắng ngày 30/4/1975 là cơ sở nền tảng để Việt Nam vững bước vào kỷ nguyên mới, trong đó tinh thần đoàn kết dân tộc, tự lực tự cường... là những yếu tố then chốt mang giá trị trường tồn. Đó là chia sẻ của những trí thức Việt Nam tại Đài Loan (Trung Quốc) trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại địa bàn về ý nghĩa của ngày Chiến thắng 30/4 cũng như sự vươn lên mạnh mẽ và đầy kỳ tích của đất nước Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục

Lễ công bố Ga Hải Phòng trở thành "Điểm du lịch" và khai trương đoàn tàu chất lượng cao mang tên "Hoa Phượng Đỏ"

Chào mừng kỷ niệm 70 năm giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 - 13/5/2025), sáng 10/5/2025, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với thành phố Hải Phòng tổ chức Lễ công bố Ga Hải Phòng trở thành "Điểm du lịch" và khai trương đoàn tàu chất lượng cao mang tên "Hoa Phượng Đỏ". Ga Hải Phòng được xây dựng từ năm 1902, là một trong những nhà ga cổ kính và có giá trị lịch sử bậc nhất của ngành đường sắt. Ngày 21/10/1946, chuyến tàu khởi hành từ nơi đây đã đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Thủ đô Hà Nội sau khi tham dự hội nghị Fontainebleau tại Pháp. Từ đó, ngày 21/10 đã trở thành Ngày truyền thống của Đường sắt Việt Nam. Với kiến trúc Pháp cổ, ga Hải Phòng không chỉ là điểm trung chuyển giao thông, còn là công trình mang đậm giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật gắn liền với quá trình hình thành, phát triển của thành phố Cảng. Đoàn tàu "Hoa Phượng Đỏ" là sản phẩm du lịch mang đậm dấu ấn đặc trưng của thành phố Cảng, chắc chắn sẽ trở thành lựa chọn mới của du khách khi đến với Hải Phòng.

Chính phủ thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã năm 2025

Tại Nghị quyết số 125/NQ-CP và Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 9/5/2025, Chính phủ đã thông qua hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025 và thông qua 34 hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025 do Bộ Nội vụ trình. Theo đó, cả nước có 34 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh gồm 6 thành phố trực thuộc trung ương (Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh) và 28 tỉnh (gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Gia Lai, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đồng Nai, Tây Ninh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cà Mau, An Giang). Sau khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã năm 2025, cả nước còn tổng số 3.321 ĐVHC cấp xã (2.636 xã, 672 phường và 13 đặc khu). Trong đó có 3.193 ĐVHC cấp xã hình thành mới do sắp xếp, sáp nhập, điều chỉnh ĐVHC cấp xã và 128 ĐVHC không thực hiện sắp xếp (giữ nguyên), giảm 6.714 ĐVHC cấp xã (từ 10.035 xuống còn 3.321) so với trước khi sắp xếp ĐVHC cấp xã (đạt tỉ lệ giảm 66,91%).

Tuần Văn hóa Du lịch Hà Nam năm 2025

Tuần Văn hóa Du lịch Hà Nam năm 2025 khai mạc vào tối 10/5/2025 tại thành phố Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) với chương trình nghệ thuật đặc biệt chủ đề “Rực rỡ Hà Nam” và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận 3 Bảo vật Quốc gia, 2 Di tích cấp Quốc gia tại Hà Nam, kết hợp bắn pháo hoa tầm cao phục vụ nhân dân và du khách. Tuần Văn hóa, du lịch Hà Nam năm 2025 sẽ có các hoạt động như: Lễ khai mạc; Chương trình Famtrip khảo sát, giới thiệu sản phẩm du lịch; Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển du lịch tỉnh Hà Nam năm 2025; Hội thảo phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng gia đình, làng nghề; Trưng bày chuyên đề “Hà Nam theo dòng lịch sử” và “Tinh hoa cổ vật Hà Nam”; Giải Trilathon Cup thế giới và Giải vô địch Trilathon Quốc gia năm 2025; Carnival đường phố “Mùa Hè rực rỡ” năm 2025… Tuần Du lịch-Văn hóa Hà Nam năm 2025 nhằm giới thiệu, quảng bá những nét đặc sắc, hấp dẫn, giá trị nổi bật về tài nguyên du lịch của tỉnh, đồng thời tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ du lịch và lan tỏa bản sắc văn hóa Hà Nam đến du khách trong nước và quốc tế. Qua đó, khẳng định thương hiệu du lịch Hà Nam là điểm đến đặc sắc, an toàn và thân thiện.

Những nội dung cốt lõi trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cách đây tròn 60 năm, ngày 10/5/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết những dòng đầu tiên của bản Di chúc lịch sử. Trong 4 năm cuối đời, cứ vào trung tuần tháng 5, vài ngày trước sinh nhật, Người lại dành thời gian để viết và sửa những lời dặn dò trong Di chúc. Từng câu, từng lời trong Di chúc là kết tinh của sự suy xét, trù tính thấu đáo, vừa cụ thể, vừa bao quát toàn bộ công việc, từ việc riêng cho đến những việc trọng đại của quốc gia, dân tộc. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản vô giá của Đảng và nhân dân ta, một văn kiện ở tầm cương lĩnh về sự lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam, định hướng cho tương lai phát triển của dân tộc. Cho đến ngày nay, Di chúc của Người đã luôn đồng hành, soi rọi, dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và anh hùng cách mạng Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam -Liên bang Nga

Trưa 11/5 (theo giờ địa phương), tại Moskva, Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Kinh tế phát triển Liên bang Nga, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Liên bang Nga. Tổng Bí thư Tô Lâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Dmitry Chernyshenko dự Diễn đàn. Cùng dự có một số thành viên đại biểu cấp cao Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương và đông đảo doanh nghiệp hai nước.

Những kỳ vọng lớn lao từ chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm tại LB Nga

Ngày 11/5, Tổng Bí thư Tô Lâm đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức kéo dài 3 ngày tại LB Nga và dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Chuyến thăm với nhiều hoạt động và gần 20 thỏa thuận được ký kết đã thực sự là sự kiện chính trị và văn hoá nổi bật tại Moskva trong những ngày qua. Phóng viên TTXVN tại Moskva đã trao đổi với một số nhà học giả, chuyên gia tại nước sở tại về những kỳ vọng lớn lao từ chuyến thăm.

Xây dựng nước Việt Nam độc lập - hùng cường

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, định nghĩa về mùa Xuân của dân tộc không chỉ dừng lại ở mùa Xuân của đất trời, của vạn vật, mà cao cả hơn là hướng đến mùa Xuân của dân tộc độc lập, tự do, mùa Xuân của CNXH. Trong bài viết “Cách mạng tháng Mười Nga mở đầu cho các dân tộc trên thế giới” (tháng 11/1962), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Sau mùa Đông lạnh lùng, là mùa Xuân ấm áp. Sau đêm tối mù mịt, đến rạng đông sáng tươi. Sau những thế kỷ nô lệ, là thời đại độc lập tự do, chủ nghĩa xã hội”.