Vùng quê giàu truyền thống cách mạng thực hiện lời Bác dạy
Xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình đang vững bước trên con đường xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Xã Đông Lâm đang đổi thay từng ngày theo hướng chuẩn nông thôn mới. 
Ảnh: Vũ Quang – TTXVN

Xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình là một vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Khắc ghi lời Bác dạy 63 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Đông Lâm luôn chung sức đồng lòng vượt qua khó khăn, thử thách xây dựng quê hương ngày càng đổi mới.

* Niềm tự hào Bác Hồ về thăm

Ngày 26/3/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm xã Đông Lâm - sự kiện trở thành niềm tự hào và nguồn động lực to lớn cho Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Đông Lâm không ngừng nỗ lực xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.  

Ông Lương Văn Bang, thôn Nho Lâm Đông, xã Đông Lâm, người từng được gặp Bác, xúc động nhớ lại khi ấy ông 22 tuổi. Tại kỳ đài, Bác đã gặp gỡ, nói chuyện với Đảng bộ, nhân dân xã Đông Lâm và đại biểu các huyện, thị, một số xã trong tỉnh, biểu dương phong trào thi đua yêu nước, tăng gia sản xuất ở địa phương. Trước khi ra về, Bác căn dặn: “Tỉnh ta có gần 77.000 đảng viên và đoàn viên thanh niên lao động. Trung ương giao nhiệm vụ cho mỗi đồng chí phải nâng cao tinh thần cách mạng, phấn đấu vươn lên..., phải gương mẫu, làm đầu tàu cho đồng bào trong phong trào thi đua yêu nước, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để xây dựng Tổ quốc giàu mạnh và nâng cao đời sống nhân dân”.

Ông Phan Thanh Hương, một trong những người cao tuổi ở xã Đông Lâm (ông Hương sinh năm 1946), nhớ lại, khi Bác về thăm Đông Lâm, người dân ai cũng mừng và xúc động, được tiếp đón Bác - người lãnh tụ vô cùng giản dị, gần gũi với nhân dân. Năm nay, chuẩn bị đến ngày kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025), ông Hương đã làm chiếc diều nghệ thuật rộng 12m2 gắn theo đuôi diều dòng chữ tuyên truyền kỷ niệm 63 năm Bác Hồ về thăm xã Đông Lâm, để buông vào các buổi chiều tại sân Đền thờ Bác.

Riêng ông Lương Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch HĐND xã Đông Lâm, người đã dành nhiều tâm huyết tìm hiểu về sự kiện này cho biết: Bác Hồ về thăm xã Đông Lâm vào ngày 26/3/1962 là một dấu ấn lịch sử vô cùng to lớn cho Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Đông Lâm. Tình cảm, sự quan tâm của Bác dành cho nhân dân Đông Lâm đã trở thành động lực tinh thần không ngừng nghỉ, giúp người dân vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong lao động sản xuất và xây dựng quê hương.

Đền thờ Bác Hồ tại xã Đông Lâm (huyện Tiền Hải) - "địa chỉ đỏ" về nguồn, nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau ở địa phương. 
Ảnh: Vũ Quang – TTXVN

Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Đông Lâm đã xây dựng Công trình tưởng niệm, giáo dục truyền thống - Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Anh hùng liệt sĩ không chỉ là biểu tượng của lòng tri ân, còn là minh chứng cho sự phát triển, vươn lên của Đông Lâm trên nền tảng truyền thống cách mạng.

Đền thờ Bác Hồ tại Đông Lâm được xây dựng theo hình thức ba gian hai trái truyền thống trên diện tích hơn 480m2. Gian chính giữa trang trọng thờ phụng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hai bên thờ các vị lãnh tụ tiền bối, anh hùng liệt sĩ và những người có công với quê hương, đất nước. Điểm nhấn đặc biệt của đền thờ là tại đây trưng bày những hình ảnh, tài liệu quý giá về quá trình phát triển kinh tế - xã hội của xã Đông Lâm từ trước năm 1930 đến nay. Những tư liệu này là "kho báu" vô giá, giúp thế hệ trẻ và du khách hiểu rõ hơn về lịch sử hình thành, phát triển của mảnh đất Đông Lâm, về những thăng trầm đã trải qua và đặc biệt là về những dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên quê hương. Đền thờ đã trở thành một "địa chỉ đỏ" về nguồn, nơi giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc. Đây cũng là nơi cán bộ và nhân dân đến báo công, thể hiện quyết tâm đi theo con đường Bác đã chọn.

* Trở thành điển hình nông thôn mới

Thấm nhuần lời dạy của Bác, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Đông Lâm đã “chuyển hóa” thành những việc làm cụ thể, thiết thực - xây dựng xã Đông Lâm từ một “vùng đất trẻ” được hình thành sau cuộc đại khẩn hoang của Doanh điền sử Nguyễn Công Trứ còn rất nhiều khó khăn, trở thành địa phương điển hình về xây dựng nông thôn mới.

Ông Ngô Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Lâm, cho biết, xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2014 và nông thôn mới nâng cao vào năm 2019. Hiện thu nhập bình quân đầu người xã Đông Lâm đạt hơn 75 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 1%/năm. Hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương và đi lại của người dân. Các công trình phúc lợi như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được xây dựng và hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Đông Lâm được đầu tư khang trang, sạch đẹp. 
Ảnh: Vũ Quang – TTXVN

Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Đông Lâm tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; tăng cường công tác quản lý tài chính ngân sách, đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường và hoàn thiện xây dựng quy hoạch khu dân cư. Đồng thời, địa phương đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế…

Với truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực tự cường và sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền, xã Đông Lâm đang vững bước trên con đường xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Xã Đông Lâm phấn đấu năm 2025, tổng giá trị sản xuất đạt trên 506 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt từ 13% trở lên, thu nhập bình quân đầu người đạt từ 81,2 triệu đồng/người/năm trở lên; tỷ lệ dân số tham gia Bảo hiểm y tế đạt trên 97%; 96% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa…/.


Tin liên quan

Đổi thay trên vùng quê An toàn khu Xuân Cẩm

Trong kháng chiến, Xuân Cẩm là “địa chỉ đỏ” nuôi giấu cán bộ cách mạng. Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, nơi đây tiếp tục vươn lên đạt được những thành tựu vượt bậc, xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng.

Vùng quê cách mạng Mỹ Phước trên đường đổi mới

Sau gần 50 năm thống nhất đất nước, vùng sâu ngày nào giờ đây đang trên đường đổi mới, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân không ngừng nâng lên, người dân càng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Tin cùng chuyên mục

Lễ công bố Ga Hải Phòng trở thành "Điểm du lịch" và khai trương đoàn tàu chất lượng cao mang tên "Hoa Phượng Đỏ"

Chào mừng kỷ niệm 70 năm giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 - 13/5/2025), sáng 10/5/2025, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với thành phố Hải Phòng tổ chức Lễ công bố Ga Hải Phòng trở thành "Điểm du lịch" và khai trương đoàn tàu chất lượng cao mang tên "Hoa Phượng Đỏ". Ga Hải Phòng được xây dựng từ năm 1902, là một trong những nhà ga cổ kính và có giá trị lịch sử bậc nhất của ngành đường sắt. Ngày 21/10/1946, chuyến tàu khởi hành từ nơi đây đã đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Thủ đô Hà Nội sau khi tham dự hội nghị Fontainebleau tại Pháp. Từ đó, ngày 21/10 đã trở thành Ngày truyền thống của Đường sắt Việt Nam. Với kiến trúc Pháp cổ, ga Hải Phòng không chỉ là điểm trung chuyển giao thông, còn là công trình mang đậm giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật gắn liền với quá trình hình thành, phát triển của thành phố Cảng. Đoàn tàu "Hoa Phượng Đỏ" là sản phẩm du lịch mang đậm dấu ấn đặc trưng của thành phố Cảng, chắc chắn sẽ trở thành lựa chọn mới của du khách khi đến với Hải Phòng.

Chính phủ thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã năm 2025

Tại Nghị quyết số 125/NQ-CP và Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 9/5/2025, Chính phủ đã thông qua hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025 và thông qua 34 hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025 do Bộ Nội vụ trình. Theo đó, cả nước có 34 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh gồm 6 thành phố trực thuộc trung ương (Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh) và 28 tỉnh (gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Gia Lai, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đồng Nai, Tây Ninh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cà Mau, An Giang). Sau khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã năm 2025, cả nước còn tổng số 3.321 ĐVHC cấp xã (2.636 xã, 672 phường và 13 đặc khu). Trong đó có 3.193 ĐVHC cấp xã hình thành mới do sắp xếp, sáp nhập, điều chỉnh ĐVHC cấp xã và 128 ĐVHC không thực hiện sắp xếp (giữ nguyên), giảm 6.714 ĐVHC cấp xã (từ 10.035 xuống còn 3.321) so với trước khi sắp xếp ĐVHC cấp xã (đạt tỉ lệ giảm 66,91%).

Tuần Văn hóa Du lịch Hà Nam năm 2025

Tuần Văn hóa Du lịch Hà Nam năm 2025 khai mạc vào tối 10/5/2025 tại thành phố Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) với chương trình nghệ thuật đặc biệt chủ đề “Rực rỡ Hà Nam” và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận 3 Bảo vật Quốc gia, 2 Di tích cấp Quốc gia tại Hà Nam, kết hợp bắn pháo hoa tầm cao phục vụ nhân dân và du khách. Tuần Văn hóa, du lịch Hà Nam năm 2025 sẽ có các hoạt động như: Lễ khai mạc; Chương trình Famtrip khảo sát, giới thiệu sản phẩm du lịch; Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển du lịch tỉnh Hà Nam năm 2025; Hội thảo phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng gia đình, làng nghề; Trưng bày chuyên đề “Hà Nam theo dòng lịch sử” và “Tinh hoa cổ vật Hà Nam”; Giải Trilathon Cup thế giới và Giải vô địch Trilathon Quốc gia năm 2025; Carnival đường phố “Mùa Hè rực rỡ” năm 2025… Tuần Du lịch-Văn hóa Hà Nam năm 2025 nhằm giới thiệu, quảng bá những nét đặc sắc, hấp dẫn, giá trị nổi bật về tài nguyên du lịch của tỉnh, đồng thời tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ du lịch và lan tỏa bản sắc văn hóa Hà Nam đến du khách trong nước và quốc tế. Qua đó, khẳng định thương hiệu du lịch Hà Nam là điểm đến đặc sắc, an toàn và thân thiện.

Những nội dung cốt lõi trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cách đây tròn 60 năm, ngày 10/5/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết những dòng đầu tiên của bản Di chúc lịch sử. Trong 4 năm cuối đời, cứ vào trung tuần tháng 5, vài ngày trước sinh nhật, Người lại dành thời gian để viết và sửa những lời dặn dò trong Di chúc. Từng câu, từng lời trong Di chúc là kết tinh của sự suy xét, trù tính thấu đáo, vừa cụ thể, vừa bao quát toàn bộ công việc, từ việc riêng cho đến những việc trọng đại của quốc gia, dân tộc. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản vô giá của Đảng và nhân dân ta, một văn kiện ở tầm cương lĩnh về sự lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam, định hướng cho tương lai phát triển của dân tộc. Cho đến ngày nay, Di chúc của Người đã luôn đồng hành, soi rọi, dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và anh hùng cách mạng Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam -Liên bang Nga

Trưa 11/5 (theo giờ địa phương), tại Moskva, Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Kinh tế phát triển Liên bang Nga, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Liên bang Nga. Tổng Bí thư Tô Lâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Dmitry Chernyshenko dự Diễn đàn. Cùng dự có một số thành viên đại biểu cấp cao Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương và đông đảo doanh nghiệp hai nước.

Những kỳ vọng lớn lao từ chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm tại LB Nga

Ngày 11/5, Tổng Bí thư Tô Lâm đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức kéo dài 3 ngày tại LB Nga và dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Chuyến thăm với nhiều hoạt động và gần 20 thỏa thuận được ký kết đã thực sự là sự kiện chính trị và văn hoá nổi bật tại Moskva trong những ngày qua. Phóng viên TTXVN tại Moskva đã trao đổi với một số nhà học giả, chuyên gia tại nước sở tại về những kỳ vọng lớn lao từ chuyến thăm.

Xây dựng nước Việt Nam độc lập - hùng cường

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, định nghĩa về mùa Xuân của dân tộc không chỉ dừng lại ở mùa Xuân của đất trời, của vạn vật, mà cao cả hơn là hướng đến mùa Xuân của dân tộc độc lập, tự do, mùa Xuân của CNXH. Trong bài viết “Cách mạng tháng Mười Nga mở đầu cho các dân tộc trên thế giới” (tháng 11/1962), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Sau mùa Đông lạnh lùng, là mùa Xuân ấm áp. Sau đêm tối mù mịt, đến rạng đông sáng tươi. Sau những thế kỷ nô lệ, là thời đại độc lập tự do, chủ nghĩa xã hội”.