Tọa lạc trên Đồi Capitol ở thủ đô Washinton, Thư viện Quốc hội có kiến trúc lộng lẫy với mái vòm lớn bao phủ phòng đọc trung tâm. Các chất liệu như đá cẩm thạch, đồng, vàng, gỗ gụ… được dùng để xây dựng thư viện khổng lồ này. Đây là những chất liệu đắt tiền, giúp cho công trình có thể bền vững và tồn tại hàng nghìn năm.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, tại Thư viện Quốc hội Mỹ, có một khu vực phòng đọc dành cho những người nghiên cứu về lịch sử các nước Đông Nam Á, trong đó có nhiều tư liệu lâu đời liên quan đến lịch sử Việt Nam như cuốn sách ghi lại trận Bạch Đằng năm 938, tấm bản đồ miền Bắc và miền Trung Việt Nam được xuất bản tại Roma năm 1650 từ ấn bản tiếng Pháp, cuốn Đại Việt sử ký toàn thư từ năm 1698 bằng chữ Hán và chữ Nôm, hay những bản in cuốn truyện Kiều cổ nhất của Nguyễn Du...
Thư viện Quốc hội Mỹ còn lưu giữ được nhiều tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với nhiều tài liệu, bài viết về Người và các nhân vật lịch sử khác. Ngoài ra, thư viện còn có hơn 500 cuốn phim tư liệu quý giá về cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Theo anh Doãn Mạnh Tiến, một nhân viên người Mỹ gốc Việt làm việc tại Thư viện Quốc hội Mỹ, sẵn có tình yêu với lịch sử và rời xa quê hương từ khi còn nhỏ nên anh đã tìm đọc nhiều cuốn sách ở đây để hiểu hơn về lịch sử của Việt Nam. Anh Tiến cho rằng các cuốn sách và những hiện vật lâu đời tại đây có giá trị to lớn không chỉ đối với người dân Mỹ mà đối với người dân trên toàn thế giới, nhất là những nhà nghiên cứu lịch sử.
Với quy mô lớn, Thư viện Quốc hội Mỹ có tiêu chí bổ sung cho kho tư liệu rất rõ ràng, qua việc mua tài liệu nghiên cứu quan trọng được xuất bản ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Công tác lưu trữ, bảo quản, phân loại và xác minh hiện vật được tiến hành rất khoa học, chính xác, mang lại hiệu quả cao cho công tác bảo tồn và nghiên cứu.
Anh Ryan Wolfson Ford, nhân viên Bộ phận Tham khảo Đông Nam Á của Thư viện Quốc hội Mỹ cho biết: “Thư viện có các tài liệu liên quan đến Việt Nam, khoảng 35.000 tài liệu bằng tiếng Việt, hơn 5000 bản đồ và tài liệu địa lý, bản đồ Việt Nam. Những tài liệu này rất thú vị bởi vì chúng không chỉ là bản đồ quân sự. Bản đồ của Thư viện Quốc hội được thu thập từ các cơ quan dân sự, Bộ Ngoại giao và các cơ quan chính phủ khác nhau. Vì vậy, chúng tôi cũng có một bộ sưu tập bản đồ rất đa dạng".
Thư viện cũng có một bộ sưu tập hơn 500 bộ phim về chiến tranh Việt Nam được tặng vào năm 1975. Hiện thư viện lưu giữ hơn 170 triệu cuốn sách và tài liệu từ khắp nơi trên thế giới, có những tài liệu bằng nhiều ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh, và chúng chiếm hơn một nửa số bộ sưu tập của thư viện. Do vậy, nó giống như một bộ sưu tập mang tính quốc tế. Thư viện có hơn 20 phòng đọc khác nhau, có phòng đọc dành riêng cho khu vực châu Á, nơi có những bộ sưu tập với hơn 200 ngôn ngữ châu Á. Những bộ sưu tập này thực sự lớn và có thể hỗ trợ cho nghiên cứu học thuật. Chúng tôi đã đón tiếp các nhà nghiên cứu tại Phòng đọc châu Á và chúng tôi cũng có thể tiếp đón mọi người từ bất cứ nơi nào chúng tôi có bộ sưu tập. Chúng tôi cũng tổ chức các chuyến tham quan phòng đọc châu Á, có thể kết nối mọi người với các chuyến tham quan Thư viện Thomas Jefferson, nơi lưu giữ nhiều tài liệu lịch sử. Thư viện cũng tổ chức những chuyến tham quan có hướng dẫn viên giới thiệu về lịch sử và các tài liệu của thư viện. Thư viện cũng hỗ trợ các trường đại học tổ chức cho sinh viên tốt nghiệp và giảng viên nghiên cứu với các bộ sưu tập của chúng tôi. Các bộ sưu tập của thư viện là dành cho tất cả mọi người, bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận.”
Với sứ mệnh lưu giữ nguồn kiến thức phổ quát và lâu dài cho Quốc hội và người dân Mỹ, đến với kho sử liệu đồ sộ này, độc giả còn có thể tiếp cận với những bộ sưu tập sách quý hiếm lớn nhất được phân khu một cách khoa học.
Nếu xếp các kệ sách trong thư viện với nhau, chúng sẽ có chiều dài lên đến 500km. Phòng đọc chính của Thư viện Quốc hội được bố trí theo hình bát giác lớn với 2500 chỗ ngồi đọc, tứ phía được chia thành phòng đọc cho nghị viện, phòng đọc báo, phòng đọc cho người khiếm thị…
Bà Trần Thị Kiệm, một du khách người Việt đến tham quan Thư viện Quốc hội Mỹ lần đầu tiên, đã không khỏi choáng ngợp trước sự đồ sộ của các hiện vật và đầu sách ở đây. Bà Kiệm chia sẻ, hai vợ chồng bà rất ngưỡng mộ những bộ sưu tập được lưu giữ tại thư viện, đặc biệt là những bộ sách về Việt Nam. Ông bà cảm thấy xúc động khi tham quan khu vực phòng đọc Đông Nam Á, được nhìn thấy những cuốn sách, những hình ảnh Việt Nam và cảm nhận được nước Mỹ ở một khía cạnh hoàn toàn khác.
Bạn Thanh Nhiên, đang học lớp 9 tại một trường trung học ở thủ đô Washington, chia sẻ: ”Đây là lần đầu tiên cháu đến thăm quan một thư viện ở Mỹ nên cháu thấy nó khác lạ so với thư viện ở Việt Nam. Ở đây thư viện rất to đẹp và giống như một điểm du lịch hấp dẫn khách tham quan...”.
Người Mỹ tự hào rằng họ đang sở hữu trong tay bộ sưu tập kiến thức vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Điều này hoàn toàn có cơ sở. Năm 1900, Thư viện Quốc hội Mỹ mới có 1 triệu đơn vị bảo quản, đến năm 1954 là 33 triệu, năm 1975 là 74 triệu, năm 1992 là 100 triệu và hiện nay đã lên tới con số 170 triệu, bao gồm sách báo, tạp chí, bản đồ, bản thảo chép tay, tranh ảnh, đĩa LP (đĩa than), CD, băng cassette, băng video, DVD, microfilm, microfiche…
Trung bình một ngày, thư viện tiếp nhận khoảng 22.000 vật phẩm trong nước và quốc tế, tối đa 7.000 trong số đó sẽ được đưa vào kho lưu trữ, với bản quyền đã được xác định rõ ràng. Nhưng thư viện cũng không giữ lại tất cả những gì đã được chọn. Một số vật phẩm sau khi hết giá trị sử dụng sẽ được dùng vào các mục đích khác, ví dụ như trao đổi với các thư viện trong và ngoài nước, làm từ thiện…
Sự đồ sộ và quy mô chuyên nghiệp của Thư viện Quốc hội Mỹ không chỉ dừng lại ở mức độ nghiên cứu dành cho các nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới thường đến đây khi không thể tìm thấy tài liệu ở bất cứ nơi nào, mà còn là điểm thăm quan nổi tiếng hấp dẫn những du khách khi đặt chân đến thủ đô Washington./.
Kiều Trang - Hồng Nguyên