Kim ngạch xuất khẩu hoa vượt mốc 100 triệu USD
Diện tích trồng hoa, cây cảnh hiện đạt gần 45.000 ha, tăng gấp 8 lần so với năm 2000. Giá trị sản lượng ngành hoa, cây cảnh cũng tăng trưởng ấn tượng, khoảng 6-8% mỗi năm; giá trị sản xuất bình quân đạt từ 350 triệu - 2,5 tỷ đồng/ha/năm.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Hoàng Trung chia sẻ về định hướng phát triển hoa, cây cảnh Việt Nam. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN


 Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu hoa đã vượt mốc 100 triệu USD, với các sản phẩm chủ lực như hoa lan, hoa hồng, hoa cúc... Ngành hàng này đã mang lại giá trị thu nhập cao cho nông dân và là một trong những ngành trồng trọt có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất.

Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Hoàng Trung chia sẻ tại “Festival hoa, cây cảnh VNUA 2025 - Vì một ngành hoa cây cảnh Việt Nam hiện đại, bền vững và vươn tầm quốc tế!” do Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp cùng Hội Sinh vật cảnh Việt Nam tổ chức sáng 10/5. Sự kiện nhằm hướng tới kỷ niệm Ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam (18/5), thiết thực triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Đây cũng là hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 66 năm ngày Bác Hồ về thăm Học viện (24/5/1959 – 24/5/2025), nhằm tôn vinh giá trị của khoa học – công nghệ, lan toả tinh thần đổi mới sáng tạo, kết nối nghiên cứu với thực tiễn sản xuất và phát triển bền vững.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Hoàng Trung, Việt Nam là quốc gia có truyền thống sản xuất và thưởng ngoạn hoa cây cảnh từ ngàn đời nay. Đến nay, diện tích hoa cây cảnh cả nước đã được mở rộng đáng kể với nhiều vùng sản xuất lớn như Đà Lạt, Hà Nội, Nam Định, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Tháp...

Không chỉ trong nước, hoa, cây cảnh cũng là một ngành hàng phát triển và được quan tâm nhiều trên thế giới. Ngành công nghiệp hoa cắt cành đạt giá trị 60 tỷ USD. Năm 2024, hoa cắt cành xuất khẩu trên thế giới đạt doanh số 3,45 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng 8%/năm.

Để phát triển hoa cây cảnh thành ngành kinh tế bền vững, Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề ra 5 nhóm giải pháp trọng tâm. Một là hoàn thiện thể chế, chính sách công nhận hoa cây cảnh là ngành kinh tế chính thức; xây dựng chính sách ưu đãi về tín dụng, đất đai, thuế; rà soát sửa đổi Đề án phát triển ngành hoa, cây cảnh đến năm 2030 cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Hai là tổ chức lại sản xuất, hình thành vùng chuyên canh tại các địa phương có lợi thế; khuyến khích hợp tác xã, chuỗi liên kết với doanh nghiệp trung tâm; xây dựng hệ sinh thái ngành hoa có truy xuất nguồn gốc và tiêu chuẩn bền vững.

Ba là ứng dụng khoa học công nghệ tron nghiên cứu giống mới; áp dụng công nghệ cao như nhà kính, tưới nhỏ giọt, nuôi cấy mô, AI, IoT; xây dựng trung tâm công nghệ, vườn ươm và trạm bảo quản hiện đại.

Bốn là ngành hàng cần phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu, mở rộng tiêu thụ nội địa qua thương mại điện tử, kết hợp du lịch sinh thái; đẩy mạnh xuất khẩu, xây dựng thương hiệu quốc gia và mạng lưới sàn giao dịch hoa kết nối khu vực, quốc tế.

Năm là để phát triển nguồn nhân lực cần đào tạo kỹ năng nghề cho nông dân, nghệ nhân; mở chương trình đào tạo chuyên sâu tại các trường; phát huy vai trò viện nghiên cứu, các tổ chức chuyên ngành trong đào tạo và tư vấn chính sách.

Bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đánh giá, ngành đang được gắn với du lịch nông nghiệp và sinh thái, mang lại giá trị gia tăng. Việc ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số như nhân giống mô, nhà kính tự động, IoT, truy xuất nguồn gốc... giúp nâng cao sức cạnh tranh. Đề án phát triển ngành đến 2030 đặt mục tiêu xuất khẩu từ 180–200 triệu USD. Tuy nhiên, ngành còn đối mặt với thách thức về công nghệ giống, tỷ lệ ứng dụng khoa học kỹ thuật còn thấp, sản xuất nhỏ lẻ, liên kết chuỗi giá trị còn yếu.

Trong lĩnh vực hoa cây cảnh, Học viện Nông nghiệp Việt Nam sở hữu đội ngũ chuyên môn cùng hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại về di truyền giống, dinh dưỡng, kỹ thuật canh tác, bảo quản và thiết kế cảnh quan. Nhiều nghiên cứu tại đây ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và quản lý theo chuỗi giá trị.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam hiện đã làm chủ công nghệ nhân giống bằng nuôi cấy mô và sản xuất hoa thương phẩm như lan hồ điệp, sen, cúc, loa kèn, lan huệ, hoa hiên, phong vũ... phù hợp với điều kiện khí hậu và thị trường Việt Nam, đồng thời chuyển giao kỹ thuật đến người sản xuất tại nhiều địa phương. Ngoài ra, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tích cực hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với các địa phương, doanh nghiệp, hội sinh vật cảnh và nhà vườn tại Hà Nội, Hưng Yên, Sơn La, Lâm Đồng…, bà Nguyễn Thị Lan chia sẻ.

Festival hoa, cây cảnh VNUA 2025 là diễn đàn mở, nơi hội tụ trí tuệ, sáng tạo, tinh hoa và kết nối giữa nhà trường – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp – nghệ nhân – nhà nông, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, sinh thái, hiệu quả và bền vững.

Trong chuỗi sự kiện Festival hoa, cây cảnh VNUA 2025 diễn ra từ ngày 5/5 đến ngày 18/5/2025, tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội còn có: Lễ ra mắt sàn đấu giá, thương mại điện tử hoa, cây cảnh VNUA; không gian chợ đêm VNUA; hội chợ việc làm và kết nối doanh nghiệp VNUA 2025; Ngày hội Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo…/.

Tin liên quan

Hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh biến động thuế quan

Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 753/QĐ-TTg ngày 12/4/2025, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, chủ động thích ứng với tình hình mới để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sản xuất, xuất khẩu, duy trì tăng trưởng bền vững, Bộ Công Thương vừa tổ chức Hội nghị “Hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh Hoa Kỳ áp dụng thuế đối ứng lên hàng xuất khẩu từ Việt Nam”.

Ba kịch bản tăng trưởng xuất khẩu nông lâm thủy sản

Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường vừa dự báo 3 kịch bản tác động của thuế quan Mỹ đối với xuất khẩu nông lâm thủy sản. Hiện nay Mỹ là thị trường  xuất khẩu nông lâm thủy sản  (NLTS) lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Trung Quốc), chiếm 20,2% tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS của Việt Nam.   

Các công ty Canada chuyển hướng tìm kiếm sang thị trường Việt Nam

Thực hiện quyết tâm đa dạng hóa thị trường và nguồn cung, Cơ quan Xúc tiến Xuất khẩu Canada (EDC) đã phối hợp với Đại học Dalhousie và Thương vụ Việt Nam tại Canada tổ chức buổi tọa đàm giúp các sinh viên là đại diện của những doanh nghiệp khởi nghiệp tại Nova Scotia, bờ Đông Canada, sang Việt Nam tìm hiểu thực tế.

Tin cùng chuyên mục

Hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống sau thiên tai

Nhằm hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả của siêu bão Yagi (bão số 3) đổ bộ vào miền Bắc Việt Nam tháng 9 năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các tổ chức quốc tế tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ người dân tại Yên Bái và Lào Cai trong hai ngày 8 và 9/5/2025.

Hướng tới nền báo chí cách mạng hiện đại

Những điểm mới trong Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) rất cần thiết trong bối cảnh đất nước, thế giới có nhiều thay đổi rất nhanh như hiện nay, nhất là tác động sâu rộng của công nghệ, của trí tuệ nhân tạo (AI).

Đề xuất áp dụng lương tối thiểu vùng sau sáp nhập tỉnh, thành

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định phân cấp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực nội vụ. Dự thảo quy định UBND cấp tỉnh căn cứ điều kiện kinh tế xã hội cụ thể của từng địa bàn xã, phường để lựa chọn và quyết định áp dụng mức lương tối thiểu cụ thể theo vùng đối với xã, phường. Theo đó, bảo đảm mức lương tối thiểu trên địa bàn đơn vị hành chính cấp cơ sở không thấp hơn mức lương tối thiểu tương ứng với địa bàn do Chính phủ quy định hằng năm.