![]() |
Chương trình “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” không chỉ mang lại chốn an cư bền vững mà còn thắp lên tinh thần đoàn kết, sẻ chia trong cộng đồng tại TP Hồ Chí Minh. |
Bài 1: Yên tâm an cư trong những ngôi nhà mới
Nhờ sự chung tay của cộng đồng và phát huy tinh thần “lá lành đùm lá rách”, nhiều hộ dân khó khăn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã được sửa sang, xây mới mái ấm sau nhiều năm sống trong cảnh dột nát, tạm bợ. Những căn nhà khang trang, an toàn giúp họ ngủ ngon hơn, vững lòng hơn, từ đó yên tâm ổn định cuộc sống và nuôi hy vọng vươn lên thoát nghèo ở ngay chính nơi từng là nỗi lo lớn nhất trong đời họ.
Từ mái dột, nền hư đến giấc ngủ bình yên
Sau nhiều năm sống cùng nỗi bất an mỗi mùa mưa, cụ bà Võ Thị Ai (84 tuổi, xã Quy Đức, huyện Bình Chánh) không giấu nổi những giọt nước mắt hạnh phúc khi căn nhà cấp bốn nhỏ bé của mình đã có diện mạo mới.
Cụ Ai kể, ngôi nhà này được gia đình xây năm 2007, khi cụ vẫn còn sức để chạy chợ, gói bánh, tằn tiện nuôi con. Nhưng sau hơn 15 năm gió mưa, mái tôn rỉ sét, nền nhà sụt lún, cứ hễ mưa là nước tràn vào. Có lần, đang đêm mưa lớn, nước ngập vào tận chỗ ngủ, cụ lật đật ôm tấm chăn mỏng lánh ra hiên trú. “Nhà mà như không có nhà. Tôi già rồi, chân yếu tay run, đi lại trơn trượt, ngã hoài”, cụ Ai vừa nói vừa xoa nhẹ lên lớp tường mới trát bằng đôi bàn tay gầy gò.
![]() |
Cụ Ai (bìa phải) vui mừng vì từ nay đã được ở trong căn nhà mới. |
Niềm vui đã đến với cụ Ai khi Mặt trận Tổ quốc TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng chính quyền huyện, xã hỗ trợ 48 triệu đồng để sửa lại căn nhà cho cụ. “Mái thay mới hết, nền nâng cao, chắc chắn lắm. Không ngờ tuổi này rồi tôi còn được ở trong căn nhà lành lặn. Cảm ơn mấy cô chú trên Thành phố, huyện, xã đã thương yêu và lo lắng cho người già như tôi”, cụ Ai xúc động, giọng run run.
Ở một góc khác của Thành phố, tại Phường 14, Quận 8, bà Huỳnh Kim Thắm cũng vừa dọn vào căn nhà mới sửa. Hai vợ chồng bà sống ở đây hơn 20 năm, nơi trước kia chỉ là căn chòi tạm che bằng tôn cũ, vách tường bong tróc, mỗi mùa nước lên là vật lộn với ẩm thấp, muỗi mòng và mùi ẩm mốc.
![]() |
Vợ chồng bà Huỳnh Thị Kim Thắm dọn dẹp vào nơi ở mới. |
"Nhà hồi xưa nhỏ, trời mưa là nước tràn từ trước ra sau. Gió lớn thổi bay tấm mái là vợ chồng ôm nhau ngồi chịu trận. Nhiều đêm chỉ biết khóc, không dám kêu ai vì xấu hổ. Nghèo mà!”, mắt bà Thắm nhìn về cái cửa nhà mới lắp còn thơm mùi sơn rưng rưng.
Nhận khoản hỗ trợ 48 triệu đồng từ Mặt trận Tổ quốc Quận 8, bà Thắm liền nhờ thêm anh em phụ giúp công, tự tay lo liệu từng viên gạch, tấm tôn. “Giờ có nhà vững rồi, ngủ ngon hơn, yên tâm hơn. Trời mưa sấm chớp không còn sợ nữa. Nếu không có mấy cô chú hỗ trợ thì chắc cả đời tôi cũng không dám mơ tới”, bà Thắm tâm sự.
Vượt chỉ tiêu, vượt thời gian
Khởi động từ tháng 3/2023, “Công trình xây dựng, sửa chữa 500 căn nhà cho hộ gia đình khó khăn” được xem là điểm sáng trong 61 công trình thi đua chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Dự kiến ban đầu sẽ hoàn tất trước ngày 30/4/2025, nhưng đến đầu tháng 4/2025, hơn 570 căn nhà đã được hoàn thành và bàn giao, về đích sớm gần một năm, vượt 114% kế hoạch.
Điều đáng quý là toàn bộ kinh phí đều đến từ những tấm lòng nhân ái: Doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, Mạnh Thường Quân và người dân cùng góp sức. Không chỉ xây nhà, dự án đã xây cả niềm tin, hy vọng vào tương lai cho những người từng sống trong khó khăn, chật vật.
Bà Lê Thị Thu Thủy (quận Phú Nhuận), một trong những hộ dân sắp được bàn giao nhà mới, chia sẻ với niềm vui háo hức: “Hồi đó ai nó về nhà chơi là tôi ngại lắm, vì nhà dột, xập xệ. Giờ sắp có nhà đẹp rồi, tôi mong lắm vì có tổ ấm tử tế, tự tin hơn”.
![]() |
Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh phối hợp với các đơn vị trao tặng nhà tình thương cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. |
Bà Thủy sống cùng con trai và cháu nhỏ trong căn nhà xuống cấp nghiêm trọng. Cách đây vài năm, chồng mất sớm, một mình bà xoay xở đủ nghề, từ bán vé số đến nhặt ve chai, chỉ mong sao có đủ tiền ăn học cho cháu. “Từ khi Thành phố lo cho cái nhà, tôi nhẹ cả gánh hơn. Sau khi sửa xong nhà, tôi lại có thêm động lực làm việc tiếp, nuôi cháu học đến nơi đến chốn và sau này sẽ hướng cháu làm người có ích cho xã hội”, bà Thủy nói.
Theo đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, các Quận 8, quận Phú Nhuận, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi… những nơi nào còn “dấu vết” của nghèo khó, nơi đó xuất hiện hình bóng của các đoàn công tác, tình nguyện viên, cán bộ Mặt trận, chính quyền địa phương. Nhiều nơi, người dân ban đầu còn rụt rè, nghĩ mình không đủ điều kiện nhận hỗ trợ. Nhưng rồi họ được cán bộ đến tận nhà thăm hỏi, giải thích, động viên. Những bản danh sách được rà soát kỹ càng, mở rộng thêm từng trường hợp khó khăn mới.
Từ những căn nhà vững chãi mọc lên, người dân không chỉ có nơi che mưa che nắng mà còn có thêm niềm tin "họ không đơn độc". Bởi cái khó không chỉ là nghèo, mà là cảm giác bị bỏ lại phía sau. Vì vậy, sau những lần đi vận động, khảo sát hỗ trợ nhà tình thương, chứng kiến hoàn cảnh nhiều cụ già đã không nói được, chỉ biết ôm tay cán bộ mà khóc; có những người sống co cụm trong góc nhà bị thấm nước, cũ kỹ thì nay lại rạng rỡ khoe ngôi nhà mới với bạn bè, người thân…
Cứ thế, những mái ấm tình thương tại TP Hồ Chí Minh đã lan tỏa đúng giá trị của nó. Đây không chỉ là cuộc thi đua mà là chất xúc tác để đánh thức tinh thần “lá lành đùm lá rách” vốn đã chảy trong mạch sống của người Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh. Việc phát huy tinh thần “lá lành đùm lá rách” hiệu quả của TP Hồ Chí Minh đã khiến bà Ai, cụ Thắm, bà Thủy và hàng trăm hộ dân khác, những người từng sống giữa chật vật, giờ đã có thể ngồi trước thềm nhà, hít thở yên bình, nghe tiếng cười của con cháu và những cơn mưa lớn không còn là điều khiến họ lo sợ nữa.
Bài cuối: Phát huy truyền thống “Lá lành đùm là rách”