Vì việc chọn người
Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh đề nghị phải lấy tiêu chuẩn cao nhất là vì yêu cầu công việc, sau đó mới đến các tiêu chí khác, liên quan đến vấn đề sắp xếp nhân sự khi sáp nhập, hợp nhất và nhân sự Đại hội đảng bộ các cấp.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Quan điểm chỉ đạo và định hướng đó của Tổng Bí thư Tô Lâm đã giúp giải tỏa những băn khoăn trong giai đoạn hiện nay về việc lựa chọn nhân sự, nhất là nhân sự đứng đầu, khi tiến hành sáp nhập, hợp nhất các tỉnh, thành phố và cấp xã, hướng đến Đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIV của Đảng. Như vậy, có thể hiểu, khi các nhân sự đều đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, tiêu chí theo quy định, thì thực tiễn năng lực xử lý công việc và khả năng, triển vọng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới sẽ được xem xét như là yếu tố ưu tiên để quyết định lựa chọn cán bộ. Nói cách khác, nhân sự được lựa chọn là “con người của tình huống”, với những yêu cầu bức thiết đặt ra trong bối cảnh sáp nhập, hợp nhất hiện nay: Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; có tư duy đổi mới, đột phá; có tầm nhìn chiến lược…

Lịch sử cho thấy, trong mỗi giai đoạn phát triển của đất nước lại cần những người “đứng mũi chịu sào” phù hợp và đủ năng lực để giải quyết những vấn đề đặt ra của thời điểm đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một hình mẫu về nghệ thuật dùng người, quan tâm “chiêu hiền đãi sĩ”, luôn sáng suốt lựa chọn nhân tài, sử dụng người tài trong những hoàn cảnh cụ thể. Trường hợp của Cụ Huỳnh Thúc Kháng được giao Quyền Chủ tịch nước khi Bác Hồ sang Pháp năm 1946, với lời nhắn nhủ, gửi gắm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” là một ví dụ điển hình. Hay như Đại hội VI của Đảng đã chứng kiến tư duy đột phá của Đảng ta, với người đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, để thực hiện công cuộc Đổi mới, xóa bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp… Đồng chí NVL, hay đồng chí “Nói và Làm” đã cho thấy sự linh hoạt và khả năng thích ứng, xoay chuyển tình thế trong hoạch định đường lối, chính sách…

Tại Hội nghị Trung ương 11 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã kết luận hàng loạt “Những việc cần làm ngay”, trong đó có vấn đề nhân sự: “Nhiều đồng chí băn khoăn vấn đề sắp xếp nhân sự khi sáp nhập, hợp nhất và sắp xếp nhân sự Đại hội… Tôi đề nghị phải lấy tiêu chuẩn cao nhất là vì yêu cầu công việc, sau đó mới đến các tiêu chí khác. Ban Thường vụ cấp tỉnh (có sáp nhập, hợp nhất) phải bàn bạc kỹ với nhau về vấn đề này, tạo sự thống nhất cao trong thực hiện, nhất là bố trí người đứng đầu các cơ quan sau khi sáp nhập”.

Quan điểm mạnh mẽ và dứt khoát này trước đó cũng từng được Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2024: Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất “vì việc tìm người” trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được; có cơ chế hữu hiệu, sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín; sử dụng người có năng lực nổi trội.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, tại điểm cầu Trung ương. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Thực tế cho thấy, nếu sắp xếp không “đúng người, đúng việc” sẽ dẫn đến bê trễ công việc hoặc công việc thiếu hiệu quả làm ỳ trệ sự phát triển chung của đơn vị, địa phương và rộng ra là của đất nước. Chưa kể, nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; tình trạng tham nhũng, tiêu cực… đã được đưa ra ánh sáng trong thời gian vừa qua cũng liên quan đến những hạn chế trong công tác cán bộ và sử dụng cán bộ. Như vậy, khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nếu không “vì việc tìm người”, “vì yêu cầu công việc” thì bộ máy mới cũng khó có thể hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả như mong muốn. Vẫn là câu chuyện “so bó đũa, chọn cột cờ” nhưng bối cảnh và yêu cầu nhiệm vụ hiện nay là chính động cơ quan trọng để lựa chọn được cán bộ có khả năng thích ứng tốt.

Hơn thế, liên quan đến công tác lựa chọn, bố trí lãnh đạo, nhất là người đứng đầu các cơ quan cấp tỉnh, cấp xã sau khi sáp nhập, Trung ương cũng đặt ra yêu cầu phải tính toán đồng bộ, liên thông giữa cả 4 giai đoạn: Bố trí cán bộ sau khi hợp nhất - Nhân sự đại hội Đảng cấp tỉnh, cấp xã - Nhân sự Đại hội XIV - Nhân sự bầu cử Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. “Công tác nhân sự đã rất quan trọng, nay lại càng quan trọng hơn trước yêu cầu mới”, Tổng Bí thư Tô Lâm một lần nữa nhấn mạnh điều này tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Bộ máy khi được tinh gọn tất yếu rất cần những nhân sự đủ năng lực vận hành, được sắp xếp “đúng người, đúng việc”. Đó phải là những người hội tụ “đủ đức - đủ tài - đủ tâm - đủ tầm - đủ sức - đủ nhiệt huyết cách mạng” để gánh vác trọng trách lịch sử của đất nước - bước vào kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc Việt Nam. Trong tình hình hiện nay, không có chỗ cho những cán bộ cơ hội, bon chen, trung bình chủ nghĩa, lừng chừng, ngại đổi mới, thu vén cá nhân. Chỉ với những người xứng đáng được lựa chọn, bộ máy mới hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tất cả vì lợi ích chung của đất nước, chăm lo ngày một tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Tin cùng chuyên mục

Điện Biên nâng cao chất lượng y tế cơ sở

Với tỉnh miền núi như tỉnh Điện Biên, y tế cơ sở đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Nhận thức rõ điều này, tỉnh Điện Biên luôn nỗ lực nâng cao chất lượng hoạt động của tuyến y tế cơ sở, từ đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đến nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế, góp phần mang lại dịch vụ y tế tốt hơn cho người dân.

Phát triển hạ tầng để Đồng bằng sông Cửu Long cất cánh

Kết luận hội nghị về tình hình triển khai các dự án giao thông trọng điểm tại khu vực phía Nam vào chiều 21/4 tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, giải quyết thông suốt tất cả các phương thức giao thông đường bộ, hàng không, đường biển, đường sông, đường sắt thì Đồng bằng sông Cửu Long sẽ thoát nghèo, phát triển; do đó chúng ta phải quyết tâm thực hiện, mỗi thế hệ làm một ít để hoàn thành mục tiêu đề ra.

Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt tướng lĩnh, anh hùng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2025), tiếp tục các hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh, chiều 21/4, Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương đã gặp mặt đại biểu tướng lĩnh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, điệp báo, biệt động Sài Gòn, du kích, cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.

Người dân đồng thuận cao hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh và xã

Các địa phương trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đồng loạt tổ chức họp cộng đồng dân cư để lấy ý kiến nhân dân đối với phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã và hợp nhất tỉnh Tuyên Quang với tỉnh Hà Giang. Qua ghi nhận thực tế, người dân bày tỏ sự đồng thuận, ủng hộ cao với các phương án sắp xếp, thể hiện niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và kỳ vọng vào bước phát triển mới sau sáp nhập.

Đột phá theo Nghị quyết 57: Nguồn nhân lực - Yếu tố then chốt trong phát triển khoa học công nghệ tại Thái Lan

Xây dựng nguồn nhân lực là yếu tố then chốt trong phát triển khoa học công nghệ. Đây là nhận định của một số học giả Thái Lan trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Bangkok về những kinh nghiệm của Thái Lan trong hành trình chuyển đổi từ một nước được định hướng bởi công nghiệp sang một đất nước được định hướng bởi công nghệ cao.

Đột phá theo Nghị quyết 57: Hướng đi đúng đắn cho kỷ nguyên phát triển vượt bậc về khoa học công nghệ

Năm 1956, giữa những bộn bề của đất nước non trẻ vừa bước ra khỏi chiến tranh, Việt Nam đã đưa ra một quyết định mang tính chiến lược: tham gia sáng lập Viện Liên hiệp Nghiên cứu Hạt nhân (Joint Institute for Nuclear Research – JINR) tại Dubna, Liên Xô (nay thuộc Liên bang Nga). Ngay từ những năm 1960 khi chiến tranh còn chưa chấm dứt, Việt Nam đã cử hàng trăm cán bộ sang Dubna học tập và nghiên cứu. Nhiều người trong số họ sau này trở thành các nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực vật lý và công nghệ hạt nhân, như GS. Nguyễn Đình Tứ – người tham gia phát hiện phản hạt sigma âm, GS. Nguyễn Văn Hiệu – chuyên gia về lý thuyết đối xứng của các hạt cơ bản và quá trình sinh nhiều hạt ở vùng năng lượng cao, giải thưởng Lenin năm 1986. Đây không chỉ là một hành động mang tính biểu tượng về hội nhập khoa học quốc tế, mà còn là minh chứng cho tầm nhìn của các nhà lãnh đạo trí thức Việt Nam thời kỳ đó, những người tin rằng khoa học và công nghệ – đặc biệt là khoa học cơ bản – sẽ là nền tảng cho sự phát triển bền vững, độc lập và hiện đại của quốc gia.

75 năm quan hệ Việt Nam-Trung Quốc: Áo dài Việt Nam tỏa sáng tại Bắc Kinh

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, nhằm thiết thực kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Trung Quốc và “Năm Giao lưu Nhân văn Việt-Trung”, từ ngày 18-20/4 tại Bắc Kinh, đại diện Cộng đồng Việt Nam tại Trung Quốc tổ chức Chương trình biểu diễn thời trang “Áo Dài Việt Nam – Di Sản Kết Nối”.