![]() |
Lãnh đạo tập đoàn Decathlon giới thiệu với Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng và đoàn công tác các sản phẩm thể thao sản xuất tại Việt Nam được bày bán tại siêu thị của tập đoàn. Ảnh: Thu Hà - P/v TTXVN tại Pháp |
Năm 2025 là mốc quan trọng đánh dấu 30 năm hiện diện và phát triển tại Việt Nam của Decathlon - tập đoàn bán lẻ thể thao hàng đầu thế giới. Bắt đầu từ một văn phòng đại diện nhỏ tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1995, đến nay Decathlon đã trở thành một trong những đối tác đầu tư và thương mại lớn nhất tại Việt Nam, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Do ông Michel Leclerc thành lập tại Pháp cách đây gần 50 năm với sứ mệnh "đưa thể thao đến với mọi người", Decathlon hiện đã có mặt tại 70 quốc gia với hơn 100.000 nhân viên và mạng lưới hơn 1.800 cửa hàng trên toàn cầu. Đối với Decathlon, Việt Nam hiện là quốc gia sản xuất lớn thứ 2 toàn cầu, chỉ sau Trung Quốc. Điều này khẳng định vị thế quan trọng của Việt Nam trong chiến lược phát triển của tập đoàn.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Pháp, ông Nuno Tinoco - Giám đốc sản xuất mảng giày dép của Decathlon, người từng làm việc tại Việt Nam 5 năm - chia sẻ: "Việt Nam là quốc gia có vai trò quan trọng nhất đối với chúng tôi. Chúng tôi không chỉ cung cấp sản phẩm cho châu Âu mà còn cho Nam Mỹ, châu Á, Trung Quốc... đây thực sự là một trong những trung tâm sản xuất quan trọng nhất của Decathlon". Theo ông, ngành sản xuất nổi bật nhất tại Việt Nam là giày dép, lĩnh vực chủ lực. Tiếp theo là dệt may. Ngoài ra, còn có các sản phẩm như bóng thể thao, găng tay… Ông Tinoco nói: "Hiện chúng tôi cũng đang phát triển thêm ngành sản xuất xe đạp, đặc biệt là các linh kiện xe đạp. Đây sẽ là các lĩnh vực mới mà chúng tôi kỳ vọng sẽ phát triển trong thời gian tới".
Hoạt động chính của Decathlon tại Việt Nam trong nhiều năm qua là sản xuất và cung ứng. Với doanh thu sản xuất đạt hơn 944 triệu euro (hơn 1,7 tỷ USD), Việt Nam đóng góp một phần đáng kể vào tổng doanh thu toàn cầu 16 tỷ euro của tập đoàn. Trong buổi làm việc mới đây với Đoàn công tác Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, đại diện tập đoàn cho biết Decathlon Việt Nam sản xuất khoảng 130 triệu sản phẩm thể thao mỗi năm tại Việt Nam thông qua hệ thống 104 nhà cung cấp, tạo việc làm cho khoảng 250.000 công nhân và nhân viên quản lý tại các nhà máy từ Bắc vào Nam. Các sản phẩm chủ lực bao gồm giày dép, dệt may và các phụ kiện khác như bóng thể thao, ba lô, túi xách, găng tay, lều.... Đặc biệt, giày dép chiếm 40% doanh thu sản xuất, đưa Việt Nam trở thành quốc gia số 1 về sản xuất giày cho Decathlon toàn cầu, và dệt may chiếm 22% doanh thu, đứng thứ 2 trong hệ thống cung ứng toàn cầu của tập đoàn.
![]() |
Lãnh đạo Tập đoàn Decathlon giới thiệu với Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng và đoàn công tác các sản phẩm thể thao sản xuất tại Việt Nam được bày bán tại siêu thị của tập đoàn.Ảnh: Thu Hà - P/v TTXVN tại Pháp |
Từ năm 2017, Decathlon bắt đầu mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam thông qua nền tảng thương mại điện tử. Bán hàng trực tuyến chiếm 20% doanh thu, thông qua website riêng và sàn thương mại điện tử Shopee. Năm 2019, cửa hàng đầu tiên được khai trương, đánh dấu bước ngoặt mới trong chiến lược phát triển. Hiện nay, Decathlon đã có 9 cửa hàng và dự kiến mở thêm 2 cửa hàng trong nửa cuối năm 2025, chủ yếu tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong thị trường bán lẻ thể thao Việt Nam (ước tính đạt 1 tỷ euro), Decathlon hiện đứng thứ 2, chỉ sau Adidas, và đang tiến gần đến vị trí dẫn đầu. Ông David Moynihan - Giám đốc bán lẻ của Decathlon Việt Nam - cho biết các thiết bị, phụ kiện thể thao của Decathlon được bán chạy ở Việt Nam là các sản phẩm phục vụ các môn chạy bộ (marathon, Ironman) và hiking, thể dục, yoga, pilates, bơi lội, bóng đá, bóng rổ và các môn thể thao sử dụng vợt (như tennis, pickleball, bóng bàn). Các sản phẩm dành cho trẻ em cũng rất được ưa chuộng, với 65% khách hàng đến mua sắm cùng gia đình. Ông Nuno Tinoco khẳng định: "Thương hiệu của chúng tôi ngày càng được người Việt Nam biết đến và đánh giá cao".
Không chỉ quan tâm đến hoạt động sản xuất, Decathlon cũng đặc biệt chú trọng đến phát triển bền vững. Tập đoàn đặt mục tiêu giảm 16% lượng phát thải CO2 trong năm 2024 và 46% trong năm tiếp theo.Bên cạnh các hoạt động kinh doanh, Decathlon cũng chú trọng các hoạt động xã hội. Thông qua Quỹ Decathlon đã hoạt động 20 năm qua với hơn 900 dự án xã hội trên toàn cầu, tập đoàn đang tiếp tục triển khai các dự án có ý nghĩa tại Việt Nam như chương trình giảm tỷ lệ đuối nước cho trẻ em.Với cam kết phát triển lâu dài tại Việt Nam, Decathlon đang tập trung vào các chiến lược cả về sản xuất và bán lẻ. Cụ thể Decathlon chủ trương nâng tỷ lệ linh kiện sản xuất tại Việt Nam lên 85%, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng thời phát triển ngành sản xuất mới đặc biệt là xe đạp và phụ tùng xe đạp, đa dạng hóa danh mục sản phẩm, tăng cường đội ngũ thiết kế cũng như nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam.
Về bán lẻ, Decathlon chủ trương mở rộng hệ thống cửa hàng sang các thành phố cấp 2 như Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ, đồng thời điều chỉnh sản phẩm phù hợp khách hàng thị trường châu Á và tăng cường kênh bán hàng online, không chỉ trên website riêng mà còn mở rộng hợp tác với các sàn thương mại điện tử.Ông Biện Xuân Dũng - Nhà quản lý Sáng tạo của Decathlon toàn cầu tại Pháp - nhận định: "Hiện tại, đối với Decathlon, Việt Nam luôn đứng ở vị trí tâm điểm trong đầu tư cả ngắn hạn và dài hạn về sản xuất... bởi vì, ở Việt Nam có rất nhiều thế mạnh như nhân công có kỹ năng cao, dịch vụ đầy đủ".
Đồng quan điểm với ông Biện Xuân Dũng, bà Virginie Sainte-Rose - Giám đốc đối ngoại toàn cầu của Decathlon - cũng cho rằng: “Người lao động Việt Nam có tay nghề rất cao trong lĩnh vực sản xuất giày dép, dệt may và ba lô túi xách. Chúng tôi rất hài lòng với chất lượng công việc tại Việt Nam, cũng như trình độ tay nghề, năng lực của các đối tác. Hơn nữa, thị trường tiêu dùng tại Việt Nam đang ngày càng có nhiều người yêu thích thể thao - điều này tạo ra tiềm năng phát triển rất lớn”.Không chỉ các nhà kinh doanh mà khách hàng Pháp cũng công nhận hàng Việt Nam chất lượng tốt, giá cả phải chăng.
Mân mê đôi giày hồng "Made in Vietnam" trên tay, cô bé Pauline (9 tuổi) cho biết rất thích đôi giày này vì đế giày rất đẹp, bên trong có đệm mút đi rất thoải mái. Cha bé Pauline, ông Florent Chamfroy, cũng nhận định đôi giày có chất lượng tốt và giá cả phải chăng, đó là điều quan trọng khiến khách hàng yêu thích và lựa chọn hàng Việt Nam. "Tôi chưa bao giờ thất vọng về những sản phẩm như thế này", ông nói.Sau 30 năm hiện diện tại Việt Nam, Decathlon không chỉ là một nhà đầu tư nước ngoài mà đã trở thành đối tác chiến lược trong ngành thể thao, đóng góp vào sự phát triển kinh tế và nâng cao đời sống người dân. Bà Virginie nói: "Với mục tiêu thay đổi cuộc sống thông qua thể thao tại Việt Nam và trên toàn thế giới, chúng tôi sẽ tập trung vào 4 lĩnh vực chiến lược: con người, hành tinh, lợi nhuận và số hóa".
Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ trong cả sản xuất và bán lẻ, Decathlon đang khẳng định cam kết lâu dài với thị trường Việt Nam, hứa hẹn sẽ tiếp tục là động lực quan trọng trong việc phát triển văn hóa thể thao và nâng cao sức khỏe cộng đồng trong những năm tới./.