Đột phá theo Nghị quyết 57: Nguồn nhân lực - Yếu tố then chốt trong phát triển khoa học công nghệ tại Thái Lan
Xây dựng nguồn nhân lực là yếu tố then chốt trong phát triển khoa học công nghệ. Đây là nhận định của một số học giả Thái Lan trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Bangkok về những kinh nghiệm của Thái Lan trong hành trình chuyển đổi từ một nước được định hướng bởi công nghiệp sang một đất nước được định hướng bởi công nghệ cao.

Theo Phó giáo sư Chawalit Jeenanunta, Giám đốc Trung tâm Xuất sắc về Kỹ thuật và Công nghệ Hệ thống Chuỗi cung ứng và Hậu cần, Viện Công nghệ quốc tế Sirindhorn (SIIT) - Đại học Thammasat, vấn đề phát triển khoa học công nghệ đã được Chính phủ Thái Lan quan tâm thúc đẩy từ 40 năm trước, bắt đầu bằng việc lập các dự án nghiên cứu khoa học cơ bản. Tuy vậy, một vấn đề nảy sinh là mặc dù Thái Lan khi đó không thiếu trường đại học nhưng lại không có những nhà khoa học trình độ để thực hiện các nghiên cứu này. Trước thực tế đó, Chính phủ đã thực hiện đồng thời nhiều biện pháp, bao gồm rót tiền cho các dự án nghiên cứu khoa học, cấp học bổng cho các sinh viên tài năng để theo đuổi các môn khoa học thuần túy và thành lập các viện nghiên cứu khoa học cơ bản. Có nhiều người đã được chính phủ cấp học bổng từ khi còn đang học trung học để học lên đại học, rồi tiếp tục được cấp học bổng để học sau đại học ở các nước phát triển như Mỹ, Anh, Nhật Bản cho đến khi đạt bằng tiến sĩ khoa học.

Cùng với việc xây dựng nguồn nhân lực làm công tác nghiên cứu khoa học, Thái Lan cũng đầu tư mạnh vào việc thành lập các viện nghiên cứu khoa học để các nhân tài sau khi học xong ở nước ngoài trở về “có đất dụng võ”, ngoài việc trở thành giảng viên tại các trường đại học hoặc các viện nghiên cứu của trường. Điển hình có thể kể đến là Cơ quan Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NSTDA) với 5 viện nghiên cứu bên trong tập trung vào các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ nano, hóa học, sinh học, năng lượng. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng có các viện khoa học khác như viện công nghệ hạt nhân, viện nghiên cứu thiên văn học… Phó Giáo sư Chawalit khẳng định việc chính phủ thành lập nhiều cơ quan để phát triển khoa học cơ bản là một bước đi sáng suốt bởi khi tập trung vào nghiên cứu khoa học cơ bản, có một số công nghệ kỹ thuật phụ từ các nghiên cứu đó sẽ xuất hiện phục vụ cho các ngành công nghiệp khác nhau.

Phó Giáo sư Chavalit lấy ví dụ như Trung Quốc hay ở Ấn Độ thúc đẩy khoa học vũ trụ, nghiên cứu vũ trụ để chế tạo một số tên lửa, sau đó họ có thể tách ra để xây dựng ngành công nghiệp ô tô từ công nghệ tiên tiến này. Thái Lan cũng làm điều tương tự và phát triển cơ sở hạ tầng song song với phát triển nguồn nhân lực.

Trong khi đó, Phó Giáo sư Teerayut Horanont, Giám đốc Trung tâm Xuất sắc về Đất số và Công nghệ đang nổi, SIIT - Đại học Thammasat, khẳng định việc Thái Lan có một cơ quan chuyên trách nền kinh tế số như Bộ Xã hội và Kinh tế Số (MDES) giúp bảo đảm chiến lược chuyển đổi số được thực hiện xuyên suốt và có đầu mối tập trung nguồn lực cũng như đánh giá mức độ hiệu quả của từng kế hoạch trong thực thi chiến lược, ví dụ như kế hoạch thành lập các thành phố thông minh (sử dụng các giải pháp Dữ liệu lớn để cải thiện đời sống công cộng và giải quyết các vấn đề hằng ngày của người dân).

Học giả Thái Lan cũng đánh giá tầm quan trọng của việc thúc đẩy sự liên kết ba bên giữa nhà khoa học, chính phủ và doanh nghiệp, giống như một nội dung trong Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia ở Việt Nam đã đề ra. Theo Phó Giáo sư Chawalit, sự hỗ trợ của chính phủ, như ưu đãi thuế, là rất cần thiết để tiếp sức cho các ngành công nghiệp nhỏ đầu tư nghiên cứu cho quá trình chuyển đổi. Ông nói: “Một doanh nghiệp lớn, chẳng hạn như một tập đoàn xăng dầu, có thể cần thực hiện rất nhiều nghiên cứu trong quá trình chuyển đổi xanh và họ sẽ sẵn sàng thuê các nhà khoa học trong lĩnh vực này để thực hiện nghiên cứu. Nhưng các doanh nghiệp nhỏ hơn không phải lúc nào cũng có thể trang trải chi phí cho nghiên cứu và khi đó họ cần sự hỗ trợ của chính phủ, ví dụ như ưu đãi thuế, để có động lực chi tiền cho việc này”.

Về vấn đề thu hút người tài trở về đóng góp cho đất nước, hai nhà khoa học Thái Lan đều có chung ý kiến rằng điều kiện, môi trường làm việc cùng mức lương xứng đáng là những yếu tố quan trọng quyết định sự trở về nước làm việc của các nhà khoa học sau thời gian học tập và làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, Phó Giáo sư Chawalit cho rằng việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, phê duyệt, cấp phép cho các dự án nghiên cứu khoa học cũng là những yếu tố góp phần tạo động lực cho đội ngũ làm khoa học yên tâm cống hiến./.

Đỗ Sinh – Huy Tiến

Tin cùng chuyên mục

Đột phá theo Nghị quyết 57: Hướng đi đúng đắn cho kỷ nguyên phát triển vượt bậc về khoa học công nghệ

Năm 1956, giữa những bộn bề của đất nước non trẻ vừa bước ra khỏi chiến tranh, Việt Nam đã đưa ra một quyết định mang tính chiến lược: tham gia sáng lập Viện Liên hiệp Nghiên cứu Hạt nhân (Joint Institute for Nuclear Research – JINR) tại Dubna, Liên Xô (nay thuộc Liên bang Nga). Ngay từ những năm 1960 khi chiến tranh còn chưa chấm dứt, Việt Nam đã cử hàng trăm cán bộ sang Dubna học tập và nghiên cứu. Nhiều người trong số họ sau này trở thành các nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực vật lý và công nghệ hạt nhân, như GS. Nguyễn Đình Tứ – người tham gia phát hiện phản hạt sigma âm, GS. Nguyễn Văn Hiệu – chuyên gia về lý thuyết đối xứng của các hạt cơ bản và quá trình sinh nhiều hạt ở vùng năng lượng cao, giải thưởng Lenin năm 1986. Đây không chỉ là một hành động mang tính biểu tượng về hội nhập khoa học quốc tế, mà còn là minh chứng cho tầm nhìn của các nhà lãnh đạo trí thức Việt Nam thời kỳ đó, những người tin rằng khoa học và công nghệ – đặc biệt là khoa học cơ bản – sẽ là nền tảng cho sự phát triển bền vững, độc lập và hiện đại của quốc gia.

75 năm quan hệ Việt Nam-Trung Quốc: Áo dài Việt Nam tỏa sáng tại Bắc Kinh

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, nhằm thiết thực kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Trung Quốc và “Năm Giao lưu Nhân văn Việt-Trung”, từ ngày 18-20/4 tại Bắc Kinh, đại diện Cộng đồng Việt Nam tại Trung Quốc tổ chức Chương trình biểu diễn thời trang “Áo Dài Việt Nam – Di Sản Kết Nối”.

Từ đại thắng đến đại công trình, hạ tầng kiến tạo tầm vóc quốc gia

Trong không khí hào hùng những ngày cả nước đang hướng tới 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát lệnh đồng loạt khởi công, khánh thành 80 dự án, công trình lớn, trọng điểm trên cả nước ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam, với tổng vốn đầu tư khoảng 450.000 tỷ đồng.

Hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh biến động thuế quan

Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 753/QĐ-TTg ngày 12/4/2025, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, chủ động thích ứng với tình hình mới để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sản xuất, xuất khẩu, duy trì tăng trưởng bền vững, Bộ Công Thương vừa tổ chức Hội nghị “Hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh Hoa Kỳ áp dụng thuế đối ứng lên hàng xuất khẩu từ Việt Nam”.

Tăng tốc đưa xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 65 tỷ USD

Xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam từ đầu năm 2025 đến nay ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, trong bối cảnh bất định, đặc biệt là việc Hoa Kỳ dự kiến xem xét lại thuế đối ứng sau 90 ngày thì việc nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm và minh bạch trong truy xuất nguồn gốc trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đây được xem là những yếu tố then chốt để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 65 tỷ USD, phấn đấu đạt 70 tỷ USD trong năm nay.