Cách đây ít lâu, một nam sinh 17 tuổi ở Hà Nội phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng rối loạn tâm thần, trầm cảm, xơ hóa phổi, thông khí kém, tắc nghẽn mạn tính như ở người hút thuốc lá lâu năm, trong khi trên thực tế nam sinh này mới chỉ hút thuốc lá điện tử khoảng 1 năm. Trường hợp khác là một sinh viên sau khi sử dụng thuốc lá điện tử bỗng xuất hiện co giật, bất tỉnh và được đưa đi cấp cứu trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, co giật, tụt huyết áp, suy thận, tổn thương đa cơ quan. Điều nguy hiểm hơn là cả hai trường hợp trên kết quả xét nghiệm mẫu thuốc lá điện tử còn có chứa ma tuý tổng hợp.
Trên đây chỉ là một vài trong số rất nhiều các trường hợp ngộ độc liên quan tới thuốc lá điện tử. Theo báo cáo của Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024 cơ sở này đã tiếp nhận khoảng 100 ca ngộ độc thuốc lá điện tử, trong khi hai năm trước đó chỉ có gần 130 ca nhập viện vì lý do này. Điều đáng báo động là tình trạng người sử dụng thuốc lá điện tử tại Việt Nam trong những năm gần đây có xu hướng gia tăng, đặc biệt là ở lứa tuổi còn rất trẻ gồm cả nam lẫn nữ, thậm chí có em mới chỉ là học sinh phổ thông cơ sở.
Một bệnh nhân sinh năm 2006 điều trị tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) nghi ngộ độc ma tuý có trong tinh dầu thuốc lá điện tử. Ảnh: Minh Quyết – TTXVN |
Trên thực tế, việc sử dụng thuốc lá điện tử đã trở thành trào lưu, đặc biệt là đối với giới trẻ, trong những năm gần đây. Nhiều thanh thiếu niên xem việc hút thuốc lá điện tử là để thể hiện sự sành điệu với chúng bạn. Theo kết quả khảo sát tại nhiều tỉnh thành do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phối hợp với Bộ Y tế thực hiện, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ gia tăng rất nhanh từ 2,6% năm 2019 lên 3,6% năm 2020 và 8,1% năm 2023 ở nhóm tuổi 13 – 17. Đặc biệt, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nữ giới tuổi 11 - 18 cũng lên đến 4,3% năm 2023.
Với những chiêu thức quảng cáo coi thuốc lá điện tử là một giải pháp thay thế thuốc lá truyền thống và có thể giúp người dùng sớm bỏ thuốc lá, cùng với hương vị hấp dẫn, thiết kế bắt mắt theo xu hướng công nghệ, “mốt thời thượng” này được giới trẻ đón nhận một cách nhanh chóng mà không lường trước được những nguy hại cho sức khỏe và tinh thần của các em. Thậm chí nhiều người còn quan niệm rằng thuốc lá điện tử không gây nghiện và mùi thơm hương liệu cũng rất quyến rũ song thực tế thành phần chính của thuốc lá điện tử vẫn là nicotine được hoà tan trong dung môi propylene glycol hoặc glycerin rất độc hại. Mặt khác, thuốc lá điện tử với các ống dung dịch đốt không có định lượng về nồng độ nicotine và tạp chất, dẫn đến nguy cơ người sử dụng tăng liều lượng nicotine và gây ra ngộ độc cấp tính. Ngoài ra các loại hương liệu để tạo mùi thơm đều là các loại dầu có chứa hoá chất và kim loại có thể gây tổn hại tới phổi. Nguy hiểm hơn, thuốc lá điện tử trộn ma túy thế hệ mới, khi hút vào đường hô hấp gần như hấp thu 100% giống như tiêm thẳng vào tĩnh mạch. Theo WHO, thuốc lá điện tử chứa khoảng 7.000 chất hóa học và là nguyên nhân gây ra 25 nhóm bệnh khác nhau, trong đó có ung thư.
Có một thực tế là thuốc lá điện tử hiện nay chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại Việt Nam, song cũng chưa có hành lang pháp lý phù hợp để quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. Chính vì vậy việc mua bán, quảng cáo đang diễn ra tràn lan, đặc biệt là trên môi trường mạng và hầu như ai cũng có thể dễ dàng tiếp cận với loại sản phẩm độc hại này.
Sản phẩm thuốc lá điện tử nghi nhập lậu tại kho hàng ở tỉnh Hưng Yên. Ảnh: TTXVN phát |
Trước thực trạng ngộ độc thuốc lá điện tử đáng báo động, rõ ràng các cơ quan liên quan cần khẩn trương xây dựng thể chế, sớm triển khai chính sách nghiêm ngặt, đặc biệt là cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc mới khác có thể sẽ xuất hiện trong tương lai, đồng thời có những chế tài đủ sức nặng răn đe. Cùng với đó, việc tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, tiếp thị thuốc lá điện tử trái phép, nhất là việc bán cho trẻ vị thành niên, là hết sức cần thiết để có thể hạn chế tối đa những tác động tiêu cực từ thuốc lá điện tử.
Nhìn rộng ra thì trên thế giới đã có ít nhất 39 quốc gia và vùng lãnh thổ quy định cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử, trong đó chỉ riêng khu vực ASEAN đã có 5 nước thực hiên quy định này là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei và Campuchia. Ít nhất 3 quốc gia và vùng lãnh thổ chuyển từ quy định kiểm soát như dược phẩm sang quy định cấm là Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc) và Venezuela.
Mặt khác, công tác tuyên truyền thường xuyên, liên tục về tác hại của việc lạm dụng thuốc lá điện tử, cũng như sự giám sát của gia đình đối với các em học sinh cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng, đồng thời các trường nên có các chương trình phù hợp để trang bị kiến thức giúp cho học sinh tránh khỏi sự cám dỗ của những thú vui vô bổ như thuốc lá điện tử. Và chỉ có như vậy thì những trào lưu không lành mạnh như vậy mới có thể được giảm thiểu, góp phần lành mạnh hoá xã hội và tạo dựng một thế hệ trẻ khỏe mạnh vì tương lai của đất nước.