Tạo nền tảng vững chắc đưa quan hệ song phương giữa Việt Nam và các nước lên tầm cao mới
Ngày 13/5, chuyên cơ chở Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về đến Sân bay Quốc tế Nội Bài, Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Azerbaijan, dự Lễ kỉ niệm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại và thăm chính thức Liên bang Nga, thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Belarus. Nhân dịp này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trả lời phỏng vấn báo chí về ý nghĩa và những kết quả nổi bật của chuyến thăm. Sau đây là nội dung phỏng vấn:

Phóng viên: Xin Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao cho biết ý nghĩa và những kết quả nổi bật của chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Azerbaijan, dự Lễ kỉ niệm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại và thăm chính thức Liên bang Nga, thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Belarus của Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam?

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Nhận lời mời của Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko, Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có chuyến công tác hết sức thành công, đạt được nhiều kết quả tốt đẹp tới Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Azerbaijan, Liên bang Nga và Cộng hòa Belarus từ ngày 5-12/5. Bên cạnh việc mở ra chương mới cho hợp tác với các nước bạn bè truyền thống thuộc Liên Xô cũ, chuyến công tác của Tổng Bí thư Tô Lâm không chỉ củng cố mà còn làm mới, định vị lại quan hệ với các nước trên nền tảng tình hữu nghị lâu đời đã được vun đắp qua các thế hệ lãnh đạo và nhân dân Việt Nam và các nước. Cùng với đó, chuyến thăm cũng là dịp đặc biệt để chúng ta chuyển tải thông điệp về tình cảm thủy chung, trước sau như một của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đối với các nước đã từng hết lòng ủng hộ sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như công cuộc xây dựng, phát triển đất nước của Việt Nam ngày nay. Lãnh đạo cấp cao và người dân các nước đã dành cho Tổng Bí thư Tô Lâm, Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam tình cảm chân thành, sự đón tiếp nồng ấm, trọng thị với nhiều biệt lệ.

Với hơn 80 hoạt động dày đặc, phong phú trong thời gian 8 ngày tại 4 quốc gia, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có các cuộc hội đàm, hội kiến với lãnh đạo cấp cao các nước, gặp gỡ và trao đổi với các chính đảng, các giới, doanh nghiệp, thăm một số cơ sở kinh tế, văn hóa, gặp mặt cộng đồng người Việt Nam ở các nước. Tổng Bí thư cũng đã tham dự Lễ Kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại tại Nga và Lễ Kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng phát xít tại Kazakhstan, qua đó thể hiện sự trân trọng và tôn vinh của Việt Nam đối với những hy sinh, mất mát to lớn của các nước thuộc Liên Xô cũ trong cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít, chấm dứt chiến tranh thế giới và mở ra trang sử mới cho phong trào cách mạng và giải phóng dân tộc trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Lãnh đạo các ban, bộ, ngành và địa phương tham gia đoàn cũng đã có các cuộc gặp gỡ trao đổi hiệu quả với các đối tác trên các lĩnh vực hợp tác. Chúng ta rất tự hào khi lãnh đạo và các giới của 4 nước đều đánh giá rất cao những thành tựu phát triển mạnh mẽ về mọi mặt hiện nay của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Tổng Bí thư Tô Lâm và những bước cải cách, chuyển mình mạnh mẽ, mang tính đột phá để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Chuyến công tác có những kết quả nổi bật như sau:

Thứ nhất, chuyến công tác đã góp phần triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Chúng ta đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược với Kazakhstan, Azerbaijan và Belarus, đưa tổng số nước có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam lên con số 37; đồng thời làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác Chiến lược toàn diện với Liên bang Nga, qua đó tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị, khai mở các hướng triển khai mới các lĩnh vực hợp tác cho tương xứng với tầm mức của quan hệ trong kỷ nguyên phát triển mới.

Thứ hai, Tổng Bí thư Tô Lâm và lãnh đạo cấp cao các nước đều khẳng định coi trọng và đặt ưu tiên cao đối với quan hệ bạn bè hữu nghị truyền thống được “tôi luyện” qua thăng trầm của thời gian và lịch sử nhưng vẫn luôn kề vai sát cánh trong đấu tranh giành độc lập trước đây và công cuộc phát triển đất nước ngày nay, nhất là trong bối cảnh thế giới có nhiều biến chuyển khó lường. Tinh thần này là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt trong các cuộc tiếp xúc giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko.

Thứ ba, các cuộc tiếp xúc quan trọng giữa Tổng Bí thư Tô Lâm với lãnh đạo cấp cao các nước đã có những kết quả rất tốt đẹp, định hình quan hệ song phương giữa Việt Nam và các nước trong thời gian tới, tạo nên xung lực mới không chỉ trong các khuôn khổ hợp tác truyền thống mà cả những lĩnh vực mới, nhiều tiềm năng, tương xứng với tầm vóc quan hệ được thiết lập mới. Tổng Bí thư Tô Lâm và lãnh đạo các nước nhất trí tăng cường tin cậy chính trị thông qua trao đổi đoàn, tiếp xúc các cấp, nhất là cấp cao và trên các kênh. Về kinh tế, thương mại, đầu tư, cơ chế Ủy ban liên Chính phủ được các nhà Lãnh đạo khẳng định tầm quan trọng và khuyến khích nâng cao hiệu quả, qua đó đề ra các biện pháp hiện thực hóa các cam kết, thỏa thuận đã ký, phấn đấu đạt kim ngạch thương mại song phương tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp. Môi trường kinh doanh cũng sẽ được cải thiện đáng kể để các doanh nghiệp mỗi bên đầu tư, kinh doanh lâu dài vào thị trường của nhau. Trong năng lượng, khai khoáng, các nhà lãnh đạo đã thống nhất thúc đẩy hợp tác trong thăm dò, cung cấp dịch vụ dầu khí đồng thời cùng nghiên cứu, đề ra các giải pháp phù hợp tăng cường hợp tác năng lượng bao gồm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo… Nhiều biện pháp cụ thể cũng đã được đề ra nhằm thúc đẩy hợp tác thực chất trong các lĩnh vực như an ninh - quốc phòng, khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, giáo dục – đào tạo, nông nghiệp công nghệ cao, giao thông vận tải, logistics, văn hóa, thể thao, du lịch, lao động, giao lưu nhân dân, hợp tác giữa các địa phương…

Thứ tư, trên bình diện đa phương, trong thời gian tới, chúng ta sẽ thấy rõ hơn nữa sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và các nước tại các tổ chức khu vực và quốc tế, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc và các tổ chức khác. Tổng Bí thư Tô Lâm và lãnh đạo các nước nhất trí nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định tại mỗi khu vực, cũng như việc giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Trong khuôn khổ chuyến công tác, Việt Nam và các nước Kazakhstan, Azerbaijan, Liên bang Nga và Belarus cũng đã ký khoảng 60 thỏa thuận hợp tác giữa các bộ, ngành, doanh nghiệp trong các lĩnh vực như ngoại giao, an ninh - quốc phòng, khoa học - công nghệ, năng lượng, giáo dục - đào tạo, hàng không…, tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng để quan hệ giữa Việt Nam và các nước đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả hơn.

Nhân dịp tham dự Lễ Kỷ niệm 80 năm Chiến thắng trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng có các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ với nguyên thủ, lãnh đạo các nước để trao đổi các ưu tiên trong phát triển quan hệ. Lãnh đạo các nước đã chúc mừng Việt Nam tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cũng như những thành tựu phát triển mọi mặt của Việt Nam.

Phóng viên: Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng Bí thư Tô Lâm và lãnh đạo cấp cao các nước đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực, là nền tảng quan trọng đưa quan hệ song phương giữa Việt Nam và các nước lên tầm cao mới. Xin cho biết Việt Nam sẽ có những biện pháp cụ thể nào để hiện thực hóa kết quả của chuyến công tác?

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Những kết quả đạt được trong chuyến công tác vừa qua của Tổng Bí thư Tô Lâm hết sức phong phú, nổi bật, cụ thể, có ý nghĩa thực chất, lâu dài. Những kết quả đó góp phần tạo nên nền tảng vững chắc, động lực mạnh mẽ, định hướng rõ ràng để Việt Nam cùng các nước hiện thực hóa những mục tiêu đề ra, xứng với tầm vóc quan hệ mới.

Để triển khai hiệu quả các kết quả quan trọng đạt được trong chuyến thăm, thời gian tới, các cấp làm việc của Việt Nam và các đối tác sẽ phối hợp tích cực, chặt chẽ, bám sát tinh thần các Tuyên bố chung, thỏa thuận hợp tác và nhận thức chung của các lãnh đạo cấp cao, trong đó tập trung một số phương diện chính sau:

Một là thường xuyên trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp trên tất cả các kênh, bao gồm thúc đẩy hợp tác giữa các chính đảng và tăng cường phối hợp hiệu quả, tích cực giữa Chính phủ, Quốc hội các nước, đồng thời nâng cao vai trò của các Ủy ban liên Chính phủ giữa Việt Nam và các đối tác. Qua đó, Việt Nam và các quốc gia sẽ duy trì hiệu quả đà phát triển của quan hệ song phương, tiếp tục củng cố, nâng cao tin cậy chính trị, làm sâu sắc thêm tình hữu nghị truyền thống lâu đời.

Hai là triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác để nâng tầm hợp tác thực chất trên tất cả các lĩnh vực. Sau chuyến thăm, các cấp làm việc giữa Việt Nam và các đối tác sẽ tích cực trao đổi, phối hợp để cụ thể hóa các văn kiện hợp tác đã ký kết. Trên tinh thần Tuyên bố chung và nhận thức chung giữa các lãnh đạo cấp cao, Việt Nam và các nước sẽ cùng thống nhất các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác, trong đó có việc tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ chế hợp tác song phương, đồng thời đề ra các biện pháp để cùng nhau tháo gỡ các vướng mắc còn tồn đọng.

Về kinh tế, thương mại, đầu tư, Việt Nam sẽ cùng các đối tác phối hợp tốt ở cả bình diện song phương thông qua cơ chế Ủy ban liên chính phủ và qua cơ chế đa phương như Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU), hướng tới cải thiện môi trường kinh doanh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp các bên đầu tư, kinh doanh lâu dài vào thị trường của nhau. Việt Nam cũng sẽ cùng các đối tác nghiên cứu, tìm hiểu để mở rộng, đa dạng hóa các mặt hàng xuất nhập khẩu, đồng thời phát triển kết nối giao thông, vận tải đa phương thức để tăng cường xúc tiến thương mại, bảo đảm tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của các bên.

Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam và các nước sẽ cùng nhau trao đổi, nghiên cứu để mở rộng các dự án hợp tác sẵn có trong các lĩnh vực truyền thống như năng lượng, dầu khí, công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, kết nối đường sắt, hàng không…, đồng thời từng bước xây dựng, triển khai các dự án hợp tác trong các lĩnh vực mới như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo…

Ba là tăng cường giao lưu nhân dân giữa Việt Nam và các nước thông qua các hoạt động trao đổi văn hóa, nghiên cứu, giáo dục - đào tạo, du lịch…, nhằm củng cố nền tảng nhân văn vững chắc cho quan hệ giữa Việt Nam và các đối tác. Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục chăm lo đời sống cộng đồng người Việt Nam tại các nước và ngược lại, tạo điều kiện cho người dân các nước đến học tập, làm việc, du lịch tại Việt Nam, để các thế hệ sau hiểu và tiếp tục đóng vai trò cầu nối, vun đắp quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời, lịch sử giữa Việt Nam và các nước.

Bốn là duy trì phối hợp, hợp tác và ủng hộ lẫn nhau trong các cơ chế, diễn đàn đa phương, đặc biệt là Liên hợp quốc. Với nền tảng quan hệ hữu nghị truyền thống, tin cậy cao, Việt Nam sẽ tích cực trao đổi với các nước về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, qua đó chung tay đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác khu vực và trên thế giới. Việt Nam sẵn sàng là cầu nối để các quốc gia tăng cường hợp tác với ASEAN và khu vực Đông Nam Á, đồng thời mong rằng các đối tác sẽ là cầu nối giúp Việt Nam tăng cường hợp tác, kết nối với các khu vực khác.

Chuyến công tác của Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Kazakhstan, thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Azerbaijan, thăm chính thức Liên bang Nga và dự Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong chiến tranh Vệ quốc vĩ đại và thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Belarus đã thành công hết sức tốt đẹp. Chuyến thăm được dư luận khu vực và quốc tế quan tâm theo dõi và đánh giá cao, góp phần nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam.

Những kết quả đạt được trong chuyến công tác sẽ là cơ sở quan trọng, là động lực và là nguồn cảm hứng để Việt Nam và các nước tiếp tục kế thừa, phát huy và nâng tầm quan hệ hữu nghị truyền thống, đóng góp vào sự phát triển của mỗi nước, vì lợi ích của nhân dân, vì hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao!./.

Nguyễn Hồng Điệp

Tin cùng chuyên mục

Tổng Bí thư gặp cán bộ Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Belarus

Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Belarus từ ngày 11-12/5/2025, sáng 12/5 (giờ địa phương), Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có cuộc gặp gỡ các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Belarus, đại diện cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Belarus.

Vợ chồng U90 nấu cơm chay miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn

Nhiều năm qua, căn nhà số 207 Nguyễn Văn Đậu (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) đã trở thành một địa chỉ quen thuộc, giúp "ấm lòng" cho những người lao động nghèo. Nơi đây, vợ chồng cụ Trần Văn Hồng (90 tuổi) và cụ Nguyễn Thị My (74 tuổi) đã lặng lẽ nấu hàng trăm suất cơm chay miễn phí để tặng cho những người có hoàn cảnh khó khăn.

Hải Phòng - thành phố nơi cửa biển vươn mình

Trong “Thư gửi đồng bào Hải Phòng” đăng trên báo Nhân dân ngày 14/5/1955, nhân dịp thành phố vừa được giải phóng vào ngày 13/5/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ân cần hỏi thăm đời sống của nhân dân thành phố và nhắc nhở mọi người phải đoàn kết, thực hiện tốt những nhiệm vụ cấp thiết trước mắt, khẩn trương khôi phục thành phố sau những năm chiến tranh.

Thúc đẩy hợp tác ngoại giao Việt Nam – Thuỵ Điển

Chiều 12/5, tại Trụ sở Chính phủ, tiếp ông Benjamin Dousa, Bộ trưởng Hợp tác phát triển quốc tế và Ngoại thương Thụy Điển, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn coi trọng tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt tốt đẹp với Thụy Điển; tin tưởng chuyến thăm của Bộ trưởng Benjamin Dousa tới Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác hai nước thời gian tới.

Lễ công bố Ga Hải Phòng trở thành "Điểm du lịch" và khai trương đoàn tàu chất lượng cao mang tên "Hoa Phượng Đỏ"

Chào mừng kỷ niệm 70 năm giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 - 13/5/2025), sáng 10/5/2025, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với thành phố Hải Phòng tổ chức Lễ công bố Ga Hải Phòng trở thành "Điểm du lịch" và khai trương đoàn tàu chất lượng cao mang tên "Hoa Phượng Đỏ". Ga Hải Phòng được xây dựng từ năm 1902, là một trong những nhà ga cổ kính và có giá trị lịch sử bậc nhất của ngành đường sắt. Ngày 21/10/1946, chuyến tàu khởi hành từ nơi đây đã đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Thủ đô Hà Nội sau khi tham dự hội nghị Fontainebleau tại Pháp. Từ đó, ngày 21/10 đã trở thành Ngày truyền thống của Đường sắt Việt Nam. Với kiến trúc Pháp cổ, ga Hải Phòng không chỉ là điểm trung chuyển giao thông, còn là công trình mang đậm giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật gắn liền với quá trình hình thành, phát triển của thành phố Cảng. Đoàn tàu "Hoa Phượng Đỏ" là sản phẩm du lịch mang đậm dấu ấn đặc trưng của thành phố Cảng, chắc chắn sẽ trở thành lựa chọn mới của du khách khi đến với Hải Phòng.

Chính phủ thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã năm 2025

Tại Nghị quyết số 125/NQ-CP và Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 9/5/2025, Chính phủ đã thông qua hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025 và thông qua 34 hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025 do Bộ Nội vụ trình. Theo đó, cả nước có 34 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh gồm 6 thành phố trực thuộc trung ương (Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh) và 28 tỉnh (gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Gia Lai, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đồng Nai, Tây Ninh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cà Mau, An Giang). Sau khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã năm 2025, cả nước còn tổng số 3.321 ĐVHC cấp xã (2.636 xã, 672 phường và 13 đặc khu). Trong đó có 3.193 ĐVHC cấp xã hình thành mới do sắp xếp, sáp nhập, điều chỉnh ĐVHC cấp xã và 128 ĐVHC không thực hiện sắp xếp (giữ nguyên), giảm 6.714 ĐVHC cấp xã (từ 10.035 xuống còn 3.321) so với trước khi sắp xếp ĐVHC cấp xã (đạt tỉ lệ giảm 66,91%).

Tuần Văn hóa Du lịch Hà Nam năm 2025

Tuần Văn hóa Du lịch Hà Nam năm 2025 khai mạc vào tối 10/5/2025 tại thành phố Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) với chương trình nghệ thuật đặc biệt chủ đề “Rực rỡ Hà Nam” và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận 3 Bảo vật Quốc gia, 2 Di tích cấp Quốc gia tại Hà Nam, kết hợp bắn pháo hoa tầm cao phục vụ nhân dân và du khách. Tuần Văn hóa, du lịch Hà Nam năm 2025 sẽ có các hoạt động như: Lễ khai mạc; Chương trình Famtrip khảo sát, giới thiệu sản phẩm du lịch; Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển du lịch tỉnh Hà Nam năm 2025; Hội thảo phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng gia đình, làng nghề; Trưng bày chuyên đề “Hà Nam theo dòng lịch sử” và “Tinh hoa cổ vật Hà Nam”; Giải Trilathon Cup thế giới và Giải vô địch Trilathon Quốc gia năm 2025; Carnival đường phố “Mùa Hè rực rỡ” năm 2025… Tuần Du lịch-Văn hóa Hà Nam năm 2025 nhằm giới thiệu, quảng bá những nét đặc sắc, hấp dẫn, giá trị nổi bật về tài nguyên du lịch của tỉnh, đồng thời tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ du lịch và lan tỏa bản sắc văn hóa Hà Nam đến du khách trong nước và quốc tế. Qua đó, khẳng định thương hiệu du lịch Hà Nam là điểm đến đặc sắc, an toàn và thân thiện.