Thắp lên nhiệt huyết của giáo viên mầm non nhờ chính sách
Tây Ninh triển khai chính sách thu hút và hỗ trợ giáo viên mầm non công lập giai đoạn 2025 - 2030 có thể được xem là một trong những bước đột phá của tỉnh trong công tác tuyển dụng và giữ chân giáo viên.
Giáo viên mầm non dạy các kỹ năng cho trẻ. 
Ảnh: Giang Phương - TTXVN

Trong bối cảnh hiện nay, việc thu hút và giữ chân giáo viên mầm non là một thách thức lớn đối với nhiều địa phương. Tại tỉnh Tây Ninh, tình trạng thiếu giáo viên mầm non đang trở thành một vấn đề nan giải, mặc dù ngành Giáo dục đã nỗ lực tuyển dụng. Nhiều giáo viên mầm non không thể bám trụ với nghề do tiền lương không đủ hấp dẫn trong khi áp lực công việc mỗi ngày một cao dẫn đến sự thiếu hụt nhân lực ngày càng trầm trọng. Việc tìm kiếm giải pháp khắc phục là rất cần thiết để khuyến khích, thu hút giáo viên mầm non yêu nghề, bám trụ với công việc, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và sự phát triển của thế hệ mầm non.

* Khó tuyển dụng giáo viên mầm non

Dù đã nỗ lực tuyển dụng nhưng ngành Giáo dục tỉnh Tây Ninh còn thiếu 872 giáo viên các bậc học, trong đó, riêng mầm non đang thiếu 368 giáo viên.
 Ảnh: Giang Phương - TTXVN

Theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh, dù đã nỗ lực tuyển dụng nhưng ngành Giáo dục tỉnh hiện vẫn còn thiếu 872 giáo viên các bậc học, trong đó cấp mầm non đang thiếu đến 368 giáo viên.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh đánh giá, do nhu cầu phát triển giáo dục mầm non, số trẻ ra lớp tăng, số giáo viên nghỉ việc ngày càng nhiều. Cụ thể, từ năm 2020 - 2023, giáo viên mầm non nghỉ việc 136 người, trong khi số lượng tuyển dụng mới chưa đáp ứng nhu cầu, chưa bù đắp số nghỉ việc và chuyển đi ngoài tỉnh công tác. Song song đó, ảnh hưởng từ những điều chỉnh của văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện Luật Giáo dục năm 2019 nên việc tuyển dụng viên chức mầm non thời gian qua gặp khó khăn vì thiếu nguồn tuyển, chế độ tiền lương thấp, thời gian làm việc nhiều.

Trước đây, ngoài số giáo viên được đào tạo tại tỉnh, còn có nguồn giáo viên từ ngoài tỉnh. Tuy nhiên, trong 3 năm gần đây, hầu hết các tỉnh đều thiếu giáo viên nên rất ít nguồn giáo viên từ các nơi khác đăng ký tham gia dự tuyển. Đặc biệt, các huyện vùng sâu, biên giới càng gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng, bởi người ứng tuyển thường chọn các trường ở vùng thuận lợi để đăng ký tham gia tuyển, nếu không có chính sách hỗ trợ cho các địa phương này thì khó có thể đảm bảo đủ đội ngũ giáo viên để giảng dạy.

Thực tế cho thấy công tác tuyển dụng giáo viên, vấn đề đội ngũ giáo viên còn nhiều bất cập; số lượng chỉ tiêu hằng năm và số lượng dự tuyển có sự chênh lệch khá lớn. Từ năm 2019 đến năm 2023, toàn tỉnh đã tuyển dụng được 409/1.454 chỉ tiêu giáo viên mầm non, chỉ đạt 28,1%.

Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh nhìn nhận thực tế, mầm non là một bậc học đặc thù, đòi hỏi giáo viên không chỉ có kiến thức chuyên môn mà còn cần sự tận tụy và kiên nhẫn từ việc chăm sóc, dạy dỗ đến tổ chức các hoạt động phát triển kỹ năng cho trẻ. Trong khi đó, thời gian làm việc ở trường của giáo viên trên 10 tiếng/ngày. Áp lực công việc lớn nhưng mức lương của giáo viên mầm non không đủ sống khiến nhiều người không chọn nghề giáo viên mầm non và những giáo viên đang giảng dạy không bám trụ nổi với nghề.

Qua ghi nhận thực tế, một ngày làm việc của giáo viên mầm non bắt đầu từ sáng sớm khi họ tất bật chuẩn bị để đón từng em nhỏ vào lớp. Từ khoảnh khắc ấy, họ không chỉ đóng vai trò là người thầy hướng dẫn mà còn là "người mẹ thứ hai" và người bạn thân thiết của hàng chục đứa trẻ. Mỗi em mang một cá tính riêng và chính điều đó khiến công việc của giáo viên trở thành một hành trình vừa đáng yêu, vừa thách thức.

Cô Nguyễn Thị Mỹ Khanh, Giáo viên Trường Mầm non 1 Tháng 6, thành phố Tây Ninh dẫn chứng, mỗi ngày, cô và các đồng nghiệp có mặt ở lớp lúc 6 giờ 30 phút, do đó nhiều cô ở xa trường phải chuẩn bị đi làm từ rất sớm. Ở lớp, công việc của giáo viên diễn ra liên tục, từ việc dỗ dành những trẻ khóc đòi mẹ, chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, cho đến cùng các em học hát, tập múa hay chơi trò sáng tạo đều luôn phải kiên nhẫn và khéo léo.

Đáng nói, không phải lúc nào mọi thứ cũng suôn sẻ. Có những em quá hiếu động, nghịch ngợm, khiến lớp học đôi khi giống như một “chiến trường” thu nhỏ, nơi giáo viên phải xử lý mọi tình huống trong sự ồn ào, náo nhiệt. Không chỉ vậy, giáo viên mầm non còn phải lên giáo án, tổ chức hoạt động, sáng tạo trò chơi để kích thích sự phát triển của trẻ. Đặc biệt, những áp lực vô hình từ kỳ vọng của phụ huynh, quy định của nhà trường hay chính nỗi lo lắng về mức thu nhập hạn chế khiến họ phải gồng mình mỗi ngày. Đó cũng là lý do khiến nhiều giáo viên trẻ mới vào ngành không trụ được với nghề thời gian qua.

* Thu hút, giữ chân giáo viên mầm non bằng chính sách

Mầm non là một bậc học đặc thù, đòi hỏi giáo viên không chỉ có kiến thức chuyên môn mà còn cần sự tận tụy và kiên nhẫn từ việc chăm sóc trẻ, dạy dỗ đến tổ chức các hoạt động phát triển kỹ năng cho trẻ. 
Ảnh: Giang Phương - TTXVN

Trước những thách thức lớn về bài toán thiếu giáo viên mầm non hiện nay và sau thời gian nghiên cứu, lấy ý kiến, Tây Ninh đã chính thức ban hành và triển khai chính sách ưu đãi để thu hút và giữ chân giáo viên mầm non.

Theo đó, từ ngày 1/1/2025, Chính sách thu hút và hỗ trợ đối với giáo viên tại cơ sở giáo dục mầm non công lập trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2025 - 2030 chính thức được triển khai. Cụ thể, giáo viên được tuyển dụng từ năm 2025 vào làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập thuộc các xã biên giới được hỗ trợ 50 triệu đồng/người; thuộc các xã còn lại được hỗ trợ 40 triệu đồng/giáo viên và làm việc tại các phường, thị trấn 30 triệu đồng/giáo viên. Ngoài ra, giáo viên đang trực tiếp giảng dạy tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập cũng được hỗ trợ từ 700 nghìn đồng đến 2 triệu đồng/người/tháng tùy khu vực.

Chính sách mới này đã tạo niềm vui lớn không chỉ đối với giáo viên mà cả những người quản lý công tác giáo dục tại Tây Ninh. Bà Đinh Thị Thu Hoài, Hiệu trưởng Trường Mầm non 1 Tháng 6, thành phố Tây Ninh nhận định, trước đây, chế độ cho giáo viên mầm non thấp khiến đời sống của giáo viên chưa đảm bảo, thu hút giáo viên mới rất khó. Tuy nhiên, sự quan tâm của ngành, của tỉnh bằng chế độ chính sách sẽ là một trong những động lực lớn để giáo viên yêu nghề, bám trụ với nghề.

Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho biết, cùng với ngành Giáo dục, UBND, HĐND tỉnh, Tỉnh ủy Tây Ninh đã xác định được những cực nhọc của giáo viên mầm non.

“Khi chính sách mới này được chính thức ban hành, toàn bộ ngành Giáo dục đều rất mừng. Số tiền thu hút, hỗ trợ không phải nhiều nhưng là niềm sự động viên lớn mà tỉnh dành cho đội ngũ giáo viên mầm non. Qua đó, giúp giáo viên mầm non an tâm đến trường, đến lớp, tiếp tục cho sự nghiệp trồng người của mình thời gian tới”, ông Nguyễn Văn Phước nhấn mạnh.

Việc Tây Ninh triển khai chính sách thu hút và hỗ trợ giáo viên mầm non công lập giai đoạn 2025 - 2030 có thể được xem là một trong những bước đột phá của tỉnh trong công tác tuyển dụng và giữ chân giáo viên. Qua đó, khuyến khích, động viên đội ngũ giáo viên mầm non an tâm công tác, tạo hành lang pháp lý trong thu hút tuyển dụng nguồn nhân lực trong tỉnh và các địa phương khác, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cấp học mầm non trong thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục

Đảng ủy Thông tấn xã Việt Nam triển khai nhiệm vụ năm 2025

Năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Thực hiện nhiệm vụ của cơ quan thông tấn quốc gia, bám sát chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Đảng ủy, Ban Lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam đã chỉ đạo thông tin sát sao, quyết liệt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng thông tin, hoàn thành tốt các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra. Đây là nội dung được đề cập tại Hội nghị tổng kết công tác Đảng năm 2024 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025 của Đảng ủy Thông tấn xã Việt Nam diễn ra chiều ngày 06/1.

Năm 2024, GDP của cả nước đạt mức tăng trưởng 7,09%

Kinh tế - xã hội nước ta năm 2024 tiếp tục xu hướng phục hồi rõ nét, tăng trưởng khởi sắc dần qua từng tháng, từng quý, lạm phát thấp hơn mức mục tiêu, các cân đối lớn được đảm bảo, kết quả trên nhiều lĩnh vực quan trọng đạt và vượt mục tiêu đề ra, là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong khu vực và trên thế giới.

‘Đô thị di sản' Huế khoác áo mới

Từ ngày 1/1/2025, Huế đã trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam, đồng thời là thành phố trực thuộc Trung ương có tính chất “đô thị di sản” đầu tiên của cả nước. Với bề dày lịch sử và văn hóa đặc sắc, Huế đã sẵn sàng vươn mình trở thành một đô thị xanh, hiện đại, đáng sống, đồng thời giữ vững bản sắc văn hóa, đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển chung của đất nước.

Tổng Bí thư dự kỷ niệm 50 năm giải phóng Phước Long

Tối 5/1, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Phước đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Phước Long 6/1/1975 và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm.