“Cô đỡ thôn bản” nơi địa đầu của Tổ quốc

“Cô đỡ thôn bản” nơi địa đầu của Tổ quốc

Đề án "Cô đỡ thôn bản" được triển khai tại tỉnh Hà Giang từ năm 2008, đến nay đã đào tạo được 139 cô đỡ. Đội ngũ này như những hạt nhân trong việc vận động các bà mẹ mang thai và đang nuôi con nhỏ đi tiêm chủng; khám, phát hiện và chuyển tuyến kịp thời các trường hợp thai nhi to, tiền sản giật, băng huyết… Bên cạnh đó, các cô đỡ sẽ tuyên truyền giúp người dân bỏ dần các hủ tục, tiếp cận với điều kiện chăm sóc sức khỏe cho người mẹ và trẻ trong cả quá trình mang thai và sinh đẻ. Chính vì vậy, mô hình cô đỡ thôn bản là người dân tộc cần được nhân rộng và duy trì bền vững, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN
Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình)

Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình)

Tràng An là khu du lịch sinh thái nằm trong Quần thể di sản thế giới Tràng An thuộc tỉnh Ninh Bình. Được UNESCO công nhận là di sản thế giới kép. Với hệ thống dãy núi đá vôi có tuổi địa chất khoảng 250 triệu năm, qua thời gian dài phong hóa bởi sự biến đổi của trái đất, khí hậu, biển tiến, biển thoái đã mang trong mình hàng trăm thung lũng, hang động, hồ đầm. Danh thắng này là nơi bảo tồn và chứa đựng nhiều hệ sinh thái rừng ngập nước, rừng trên núi đá vôi, các di chỉ khảo cổ học và di tích lịch sử văn hóa. Ảnh: TTXVN
Nhiều cách làm hay phát triển văn hóa đọc ở Đồng Nai

Nhiều cách làm hay phát triển văn hóa đọc ở Đồng Nai

Để xây dựng và phát triển văn hóa đọc, nhất là đối tượng học sinh, tỉnh Đồng Nai đang nỗ lực triển khai nhiều mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” và “thư viện xanh” tại các trường học. Đây là những giải pháp hữu hiệu để nuôi dưỡng tình yêu sách, góp phần duy trì văn hóa đọc, nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển toàn diện cho thế hệ trẻ. Ảnh: Lê Xuân-TTXVN
Giải đua ghe ngo mini chùa Khmer tỉnh Hậu Giang

Giải đua ghe ngo mini chùa Khmer tỉnh Hậu Giang

Ngày 10/11/2024, tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang diễn ra Giải đua ghe ngo mini chùa Khmer tỉnh Hậu Giang, với sự tham dự của 19 đội ghe từ các chùa Khmer địa bàn tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang. Giải đua chào mừng Lễ Ok Om Bok của đồng bào Khmer trên địa bàn. Ảnh: Duy Khương - TTXVN
Ngày hội hiến tóc “Trạm tóc ước mơ” lần thứ 3

Ngày hội hiến tóc “Trạm tóc ước mơ” lần thứ 3

Ngày hội hiến tóc “Trạm tóc ước mơ” lần thứ 3 đã diễn ra thành công tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương vào ngày 10/11/2024 khi nhận được 303 bộ tóc từ những tấm lòng nhân ái. Sau hai năm triển khai, chương trình đã nhận được sự ủng hộ to lớn của cộng đồng, với hơn 12.703 lượt hiến tóc gửi về. Những bộ tóc giả làm từ tóc thật đã được trao tận tay các em nhỏ tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương và Bệnh viện Nhi Trung ương, giúp các em có thêm niềm vui và sự tự tin. Ảnh: Hạnh Quyên - TTXVN
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024

Với chủ đề “Giao lộ sáng tạo”, Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 khai mạc ngày 9/11/2024 với tuyến trải nghiệm chính được đặt tại quận Hoàn Kiếm. Đây là nơi thể hiện tiềm năng, kết nối và thu hút các nguồn lực sáng tạo của người dân Hà Nội. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN
Đà Lạt – Thành phố du lịch

Đà Lạt – Thành phố du lịch

Thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) nằm trên cao nguyên Lâm Viên, ở độ cao 1500 m so với mặt nước biển, được các dãy núi cùng quần thể hệ thực vật rừng bao quanh, với khí hậu ôn hòa và dịu mát quanh năm. Lịch sử hơn một thế kỷ hình thành để lại cho thành phố một di sản kiến trúc giá trị, được ví như một bảo tàng kiến trúc châu Âu thế kỷ 20. Những tài nguyên thiên nhiên và sự thân thiện, mến khách của người dân giúp Đà Lạt trở thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam, thu hút hàng triệu du khách tới thăm và nghỉ dưỡng mỗi năm. Ảnh: TTXVN
Ninh Thuận: Phát triển nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Chăm

Ninh Thuận: Phát triển nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Chăm

Đồng bào dân tộc Chăm ở hai thôn Mỹ Nghiệp và Chung Mỹ thuộc huyện Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận) có nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Sản phẩm vải dệt thổ cẩm được may thành nhiều đồ tiêu dùng như: tấm drap, chăn, túi sách, ví, khăn, áo, nón, quà lưu niệm..., tiêu thụ mạnh tại các thành phố lớn phát triển về du lịch như TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Nha Trang, Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN
Mùa Dã quỳ ở Gia Lai

Mùa Dã quỳ ở Gia Lai

Cứ vào tháng 11 hàng năm, hoa dã quỳ bắt đầu bung nở trên các sườn đồi, khe suối Tây Nguyên. Tại Gia Lai, du khách có thể ngắm hoa dã quỳ trên đỉnh núi lửa Chư Đăng Ya, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh để cảm nhận không khí và vẻ đẹp của núi rừng Tây Nguyên. Màu vàng rực rỡ của hoa dã quỳ hòa quyện với màu xanh của cây cỏ trên miệng núi lửa Chư Đăng Ya tạo nên bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Cao Bằng thực hiện nhiều giải pháp để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Cao Bằng thực hiện nhiều giải pháp để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Tỉnh Cao Bằng có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng. Để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Cao Bằng triển khai đồng bộ các giải pháp: Khai thác và phát huy tối đa hiệu quả danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng và các danh lam thắng cảnh; xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc trở thành Khu du lịch trọng điểm; đào tạo nhân lực, nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm công tác du lịch. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch. Ảnh: Quốc Đạt - TTXVN
Bộ đội Biên phòng Long An tuần tra biên giới mùa nước nổi

Bộ đội Biên phòng Long An tuần tra biên giới mùa nước nổi

Vào mùa nước nổi (mùa lũ), nhiều vị trí trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia thuộc địa phận tỉnh Long An bị ngập trong nước. Tuy nhiên, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Long An vẫn nỗ lực vượt khó, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, công tác tuần tra, kiểm soát tuyến biên giới được triển khai thường xuyên nhằm thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới và bảo đảm an ninh trên tuyến biên giới. Ảnh: Bùi Giang - TTXVN
Vẻ đẹp sông Đà mùa nước nổi ở thị xã Mường Lay

Vẻ đẹp sông Đà mùa nước nổi ở thị xã Mường Lay

Mường Lay của tỉnh Điện Biên là thị xã nhỏ nhất cả nước, nằm yên bình bên lòng hồ thủy điện Sơn La. Mỗi năm, lòng hồ thủy điện khu vực thị xã Mường Lay sẽ dâng nước trong vòng 6 tháng (từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau). Mùa nước nổi, sông Đà trải dài như một bức tranh phong cảnh hữu tình với khung cảnh lòng hồ xanh biếc, núi non trùng điệp cùng những bản làng của đồng bào dân tộc Thái sinh sống ở ven sông. Ảnh: Trung Kiên - TTXVN
Ninh Bình xây dựng phát triển sản phẩm OCOP đặc sản, lợi thế và có giá trị gia tăng cao

Ninh Bình xây dựng phát triển sản phẩm OCOP đặc sản, lợi thế và có giá trị gia tăng cao

Tỉnh Ninh Bình triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm “OCOP” dựa trên các sản phẩm đặc sản, lợi thế và có giá trị gia tăng cao của các chủ thể là làng nghề, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp ở địa phương. Đến nay, Ninh Bỉnh có 186 sản phẩm OCOP gồm 69 sản phẩm đạt chất lượng 4 sao và 117 sản phẩm đạt chất lượng 3 sao. Việc xây dựng các sản phẩm “OCOP” góp phần phát triển kinh tế nông thôn và nâng cao thu nhập cho người dân, nâng tầm thương hiệu cho sản phẩm chủ lực của địa phương tiếp cận thị trường xuất khẩu. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN
Nữ đảng viên hết lòng vì sự phát triển của cộng đồng người Mông ở Hòa Bình

Nữ đảng viên hết lòng vì sự phát triển của cộng đồng người Mông ở Hòa Bình

Nữ đảng viên Sùng Y Múa (dân tộc Mông), cán bộ trạm y tế xã Hang Kia (Mai Châu, Hòa Bình), là tấm gương đi đầu trong các công tác xã hội. Những năm qua, chị Sùng Y Múa đã tuyên truyền giúp cộng đồng người Mông đến trạm y tế khám chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe sinh sản; cùng các cơ quan đoàn thể, những người có uy tín tại xã Hang Kia thành lập các nhóm tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước cho người Mông ở xã Hang Kia. Chị là người tiên phong trong phong trào phụ nữ Mông làm Homestay, góp phần phát triển kinh doanh dịch vụ du lịch, tăng thêm thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Chị đã được vinh danh tại hạng mục Sống đẹp của giải thưởng Kova năm 2022. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN
Cây chanh leo giúp người dân các xã vùng cao Tam Đường (Lai Châu) thoát nghèo

Cây chanh leo giúp người dân các xã vùng cao Tam Đường (Lai Châu) thoát nghèo

Những năm qua, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cây chanh leo đã trở thành “cây giảm nghèo”, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã vùng cao của huyện Tam Đường (Lai Châu). Hiện, toàn huyện Tam Đường có gần 300ha chanh leo được liên kết với Công ty cổ phần Chanh leo Lai Châu, trong đó có 280ha đang trong giai đoạn phát triển tốt và cho thu hoạch, mang lại thu nhập cho người dân trên 200 triệu đồng/ha. Ảnh: Quý Trung – TTXVN
Hà Tĩnh nỗ lực thu hút đầu tư, phát triển các khu kinh tế và công nghiệp trọng điểm

Hà Tĩnh nỗ lực thu hút đầu tư, phát triển các khu kinh tế và công nghiệp trọng điểm

Với các điều kiện tự nhiên, giao thông và cảng biển được đầu tư đồng bộ, tỉnh Hà Tĩnh đã thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án quy mô lớn từ các tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Từ đó, tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển của các khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm trong tương lai. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN
Khám phá vẻ đẹp

Khám phá vẻ đẹp "đảo cò" Gia Lạc (Ninh Bình)

Đảo cò thuộc xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn cách thành phố Ninh Bình 20km. Nơi đây có hàng nghìn con cò trắng từ khắp nơi về sinh sống, kiếm ăn và sinh sản. Đây là điểm đến hấp dẫn với nhiều du khách khi được hòa mình vào thiên nhiên và tìm hiểu về sinh hoạt của loài cò trắng, các loài chim. Ảnh: Minh Đức - TTXVN
Nhộn nhịp chợ phiên Tà Mung ở Lai Châu

Nhộn nhịp chợ phiên Tà Mung ở Lai Châu

Chợ phiên bản Nậm Pắt, xã Tà Mung, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu cách trung tâm huyện khoảng gần 40 km. Chợ phiên xã Tà Mung luôn nhộn nhịp và rực rỡ sắc màu, không chỉ là nơi để người dân giao thương buôn bán, trao đổi hàng hóa mà còn là điểm đến được du khách yêu thích bởi sự phong phú và đa dạng của đời sống dân tộc thiểu số vùng núi phía bắc Việt Nam. Ảnh: Quý Trung – TTXVN
Trải nghiệm dù lượn ngắm vẻ đẹp vùng đất di sản Ninh Bình

Trải nghiệm dù lượn ngắm vẻ đẹp vùng đất di sản Ninh Bình

Ninh Bình đang là điểm đến thu hút những người đam mê bộ môn thể thao dù lượn có động cơ mới phát triển mạnh trong khoảng 2 năm trở lại đây. Đây là loại dù cất cánh không cần điểm cao, ít phụ thuộc vào gió, được thiết kế có các dây điều khiển hướng bay và cần điều khiển ga cho động cơ gắn sau lưng để thay đổi tốc độ cánh quạt. Mỗi chuyến bay trải nghiệm sẽ kéo dài từ 10 đến 15 phút. Người chơi sẽ có cơ hội ngắm nhìn trọn vẹn vẻ đẹp của vùng đất di sản từ giữa không trung. Ảnh: Thùy Dung - TTXVN