“Bé xinh” nhưng quan trọng với nền kinh tế
Gần 98% số doanh nghiệp đang hoạt động ở nước ta có quy mô nhỏ và vừa với tổng nguồn vốn là 16,6 triệu tỷ đồng, tức gần 30% tổng nguồn vốn của toàn bộ khu vực doanh nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
 Ảnh: Dương Giang

Chỉ thị số 10/CT-TTg về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành ngày 25/3/2025 yêu cầu: Phải thực hiện quyết liệt mục tiêu phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa một cách nhanh chóng, bền vững, tăng trưởng về số lượng, chất lượng, quy mô, hiệu quả hoạt động và đóng góp quan trọng vào nền kinh tế. Phấn đấu từ nay đến năm 2030 có thêm ít nhất 1 triệu doanh nghiệp.

Vào đầu năm 2025 cả nước có hơn 940.000 doanh nghiệp đang hoạt động, bên cạnh đó là gần 30.000 hợp tác xã cùng hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Đây là sự phát triển vượt bậc nếu so với số đơn vị hoạt động cách đây 20 năm (năm 2004): 92.000 doanh nghiệp.

Trong tháng 1/2025 hơn 33.400 doanh nghiệp được thành lập mới hoặc quay trở lại hoạt động, tăng 15,0% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó gần 10.700 cơ sở đăng ký thành lập mới với tổng số vốn khoảng 94.100 tỷ đồng và tổng số lao động hơn 81.500 lao động.

Đáng chú ý là gần 98% số doanh nghiệp đang hoạt động ở nước ta có quy mô nhỏ và vừa với tổng nguồn vốn là 16,6 triệu tỷ đồng, tức gần 30% tổng nguồn vốn của toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Với tỷ trọng lớn như vậy, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa có vai trò rất quan trọng với nền kinh tế.

Thế nào là doanh nghiệp nhỏ và vừa?

Điều 4 của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 xác định: Doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa, có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân mỗi năm không quá 200 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí là tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng.

Doanh nghiệp siêu nhỏ có số lao động không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng.

Doanh nghiệp nhỏ có số lao động không quá 50 - 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 50 – 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 20 tỷ đồng.

Doanh nghiệp vừa có số lao động không quá 100 - 200 người và tổng doanh thu của năm không quá 200 – 300 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 100 tỷ đồng.

“Nhỏ là đẹp” (“Small is Beautiful”) là cách nói tổng quát để chỉ ra tính ưu việt của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong mọi nền kinh tế trên thế giới. Cách nói này xuất phát từ tác phẩm cùng tên của nhà kinh tế học người Đức E. F. Schumacher, một trong 100 cuốn sách về lĩnh vực kinh tế có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Theo quan điểm của Schumacher, các doanh nghiệp “nhỏ đẹp” có lợi thế hơn so với doanh nghiệp lớn trong sự phát triển bền vững và phát triển con người - chúng làm ra những sản phẩm ít tiền để nhiều người có thể tiếp cận, sử dụng.

Các doanh nghiệp có quy mô đầu tư nhỏ thì lợi nhuận cũng nhỏ, song chúng tạo việc làm, thu nhập cho người lao động ở trong điều kiện mà những doanh nghiệp lớn “ngó lơ”, nhờ đó mà “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Các doanh nghiệp “nhỏ đẹp” có vai trò quan trọng ở mọi quốc gia nhưng đặc biệt là ở những nước đang phát triển.

Hội thảo tham vấn ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 26/4/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Cao Bằng.
Ảnh: TTXVN phát

Tại Việt Nam, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp gần 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tạo ra 5,5 triệu việc làm (so với 9,8 triệu lao động của doanh nghiệp lớn), có vai trò quan trọng trong chính sách xóa đói giảm nghèo, cải thiện thu nhập cho người lao động. Đây là lực lượng chủ yếu khai thác các thị trường ngách mà các tập đoàn, doanh nghiệp lớn không mặn mà, huy động tối đa nguồn lực trong nhân dân để phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội.

Do có quy mô không lớn và cách hoạt động linh hoạt nên các doanh nghiệp nhỏ và vừa là nơi phù hợp để áp dụng các ý tưởng đổi mới, sáng tạo. Đây cũng là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia thông qua hình thức cung cấp nguyên liệu, dịch vụ hậu cần hoặc gia công sản phẩm.

Các doanh nghiệp lớn thường tập trung chủ yếu ở các thành phố, khu công nghiệp lớn, "nước chảy chỗ trũng" nên sẽ xảy ra tình trạng mất cân đối về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, miền. Do đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập sự cân bằng về trình độ phát triển giữa các vùng, miền và sự phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nông thôn thu hút nhiều lao động thời vụ trong các kỳ nông nhàn, chuyển dịch dần dần lao động làm nông nghiệp sang làm công nghiệp hoặc dịch vụ, thực hiện phương châm “ly nông bất ly hương”.

Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa thường tập trung vào các ngành, lĩnh vực nhằm khai thác lợi thế địa phương như nông sản, du lịch, làng nghề truyền thống.

Tích cực tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Ảnh: TTXVN phát

Tuy vậy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam còn non trẻ, chưa có tích lũy nhiều về vốn, tri thức, công nghệ và kinh nghiệm, truyền thống kinh doanh, gặp nhiều khó khăn, gặp nhiều rào cản trên con đường phát triển bền vững. Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia thị trường đang có xu hướng giảm - trong tháng 1/2025 đã có 58.300 doanh nghiệp rời khỏi thị trường.

Các doanh nghiệp trong khu vực này có số vốn ít, chủ yếu là dưới 10 tỷ đồng, khả năng huy động vốn hạn chế, công nghệ lạc hậu, trình độ quản lý chưa cao, chưa chuyên nghiệp... Phần lớn doanh nghiệp hoạt động manh mún, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, tỷ trọng doanh nghiệp tham gia sản xuất rất hạn chế, tốc độ chuyển dịch quy mô chậm. 

Một trong những vấn đề nan giải của khối này là khó tiếp cận vốn vay ngân hàng do không đảm bảo được điều kiện về tài sản thế chấp vì các chủ doanh nghiệp thường lấy nhà làm trụ sở công ty, tài sản cá nhân với tài sản doanh nghiệp không tách biệt rõ ràng.

Nhằm tháo gỡ các rào cản, khó khăn, tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp nhỏ và vừa bứt phá, trong Chỉ thị số 10/CT-TTg Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Ưu tiên bố trí nguồn lực hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh tham gia chuỗi giá trị; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển các mô hình kinh doanh mới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện chính sách, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Với số lượng áp đảo tuyệt đối, với vai trò quan trọng và sự nỗ lực không ngừng, một khi được hỗ trợ tối đa về nguồn vốn, đổi mới về cơ chế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ góp phần hết sức quan trọng vào việc tăng trưởng GDP đạt mức 8% trong năm 2025 và 10% GDP trở lên trong các năm tiếp theo./.

Tin liên quan

Hơn 560 doanh nghiệp được người tiêu dùng bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao 2025

Sáng 18/3, tại TP. Hồ Chí Minh, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao công bố kết quả cuộc khảo sát Người tiêu dùng bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao 2025, ghi nhận hơn 121.000 lượt bình chọn các doanh nghiệp, qua đó có 562 doanh nghiệp chính thức đạt nhãn hiệu chứng nhận này do người tiêu dùng bình chọn.

Tin cùng chuyên mục

Ấm lòng những nghĩa cử của đoàn cứu trợ Việt Nam tại Myanmar

Sau 5 ngày xảy ra trận động đất kinh hoàng, tại thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar vẫn còn hàng chục nghìn người dân phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất, thiếu thốn điện, nước và các nhu yếu phẩm cơ bản. Trước tình hình đó, đoàn cứu trợ của Bộ Công an Việt Nam không chỉ tập trung vào công tác tìm kiếm và cứu nạn, mà còn cử các tổ công tác hỗ trợ, giúp người dân ổn định cuộc sống tại các khu lán trại tạm thời.

Đột phá theo Nghị quyết 57: Giải pháp tận dụng nguồn chất xám

Với nhiều điểm mới tích cực, Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia thể hiện đường lối đúng đắn và quyết tâm của Đảng và Nhà nước, đưa khoa học công nghệ trở thành động lực phát triển của đất nước. Đây là nhận định của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Huấn, chuyên ngành kỹ thuật truyền thông số tại Đại học Middlesex (Anh) và Chủ tịch Hội trí thức Việt Nam tại Anh và Ireland (VIS), trong cuộc trao đổi mới đây với phóng viên TTXVN tại Anh.

Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam phục hồi mạnh trong tháng 3

Ngành sản xuất của Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng trở lại trong tháng 3/2025, khi cả sản lượng và tổng số lượng đơn đặt hàng mới tăng trở lại. Đây là thông tin đáng chú ý trong kỳ công bố Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 3/2025 của S&P Global - Tập đoàn đa quốc gia hoạt động trong lĩnh vực cung cấp thông tin và dữ liệu tài chính.

Kinh tế tư nhân: Vững mạnh cùng kinh tế đất nước

“Kinh tế tư nhân phải là lực lượng tiên phong trong kỷ nguyên mới, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, có trách nhiệm xã hội, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, tham gia xây dựng xã hội văn minh, hiện đại và góp phần xây dựng một Việt Nam năng động và hội nhập quốc tế".

Kinh tế Việt Nam qua góc nhìn quốc tế: Cơ hội bứt phá

Việt Nam đang trên hành trình trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao, với tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm nhanh nhất Đông Nam Á. Những cải cách kinh tế mạnh mẽ cùng chiến lược phát triển bài bản đã giúp Việt Nam duy trì đà tăng trưởng ấn tượng trong nhiều năm qua.

Chủ tịch Quốc hội bắt đầu thăm chính thức Armenia

Tối 1/4 giờ địa phương (rạng sáng 2/4 giờ Hà Nội), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đến thủ đô Yerevan, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Armenia theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan.

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Hội nghị Quân ủy Trung ương

Sáng 2/4, tại Hà Nội, Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã tổ chức Hội nghị lần thứ mười ba, xem xét, cho ý kiến vào Đề án về tổ chức quân sự địa phương “tinh, gọn, mạnh” đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương chủ trì Hội nghị. Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng điều hành Hội nghị. Dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Lương Cường, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương.