Cử hành trọng thể Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Sáng 25/7, tại Nhà Tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), cùng thời gian này tại Hội trường Thống nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh (thành phố Hà Nội), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gia đình đã tổ chức trọng thể Lễ viếng đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, theo nghi thức Quốc tang.
Linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quàn tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
 Ảnh: TTXVN

Trong niềm xúc động, tiếc thương sâu sắc, từ sáng sớm, các đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ban, ngành, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang cùng đông đảo tầng lớp nhân dân Thủ đô và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã tập trung tại khu vực Nhà Tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội) dự Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo đã có nhiều công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Tại Nhà Tang lễ Quốc gia, Lễ viếng đồng chí Nguyễn Phú Trọng được cử hành trong không khí trang nghiêm, xúc động. Quàn tại vị trí trang trọng nhất, chính giữa đài lễ, linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được phủ Quốc kỳ đỏ thắm. Trên lễ đài là Quốc kỳ viền dải băng đen, nổi bật dòng chữ “Vô cùng thương tiếc đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam” và di ảnh của đồng chí.

Trong nền nhạc trầm buồn "Hồn tử sĩ", đúng 7 giờ, Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được cử hành trọng thể.

Đoàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước làm Trưởng đoàn, chuẩn bị vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. 
Ảnh: TTXVN

Với lòng tiếc thương vô hạn, Đoàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam làm Trưởng đoàn vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chia buồn cùng gia đình.

Vô cùng thương tiếc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đoàn Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng đoàn vào viếng và chia buồn cùng gia quyến.

Vô cùng thương tiếc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đoàn Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước làm Trưởng đoàn vào viếng và chia buồn cùng gia đình.

Vô cùng thương tiếc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đoàn Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng đoàn vào viếng và chia buồn cùng gia quyến.

Đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm Trưởng đoàn vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chia buồn cùng gia quyến.

Tới viếng và chia buồn cùng gia quyến đồng chí Nguyễn Phú Trọng còn có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; các nguyên Chủ tịch nước: Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; các nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân, Vương Đình Huệ cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Ðảng, Nhà nước.

Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đi vòng quanh linh cữu, xúc động vĩnh biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, một tấm gương sáng ngời về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, người đảng viên cộng sản kiên trung, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, hiện thân đầy đủ phẩm chất, tài năng, bản lĩnh, trí tuệ của thế hệ lãnh đạo Việt Nam thời kỳ đổi mới.

Với niềm tiếc thương vô hạn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Tô Lâm ghi sổ tang: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Người con yêu quý của dân tộc Việt Nam, Nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, người đảng viên cộng sản kiên trung, một tấm gương sáng ngời không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, người bạn lớn của Nhân dân thế giới; người đã dành trọn cuộc đời, tận tâm, tận lực, tận hiến cho đất nước, cho Đảng, cho Nhân dân; có nhiều công lao và cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, cho phong trào cộng sản quốc tế và duy trì hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Kính cẩn nghiêng mình trước Anh linh của Đồng chí, chúng tôi nguyện học tập, noi gương Đồng chí, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc mà Đồng chí trọn đời ấp ủ, phấn đấu hy sinh.

Tên tuổi, sự nghiệp, nhân cách và những cống hiến to lớn của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng in đậm trong lòng Nhân dân, mãi mãi lưu danh trong lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng”.

Trong sáng 25/7, nhiều đoàn đại biểu quốc tế, các bộ, ban, ngành, các tỉnh, thành phố cả nước vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chia buồn cùng gia đình.

Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất, ngày 25/7/2024. 
Ảnh: TTXVN

Cùng thời điểm này, Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức trọng thể tại Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội – quê hương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tại Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh), nhiều đoàn đại biểu các bộ, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương khu vực phía Nam, các tầng lớp nhân dân đã vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh do đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh làm Trưởng đoàn. Tại điểm cầu Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh), nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tiếp theo, Đoàn đại biểu Văn phòng Trung ương Đảng; Đoàn đại biểu Văn phòng Chính phủ; Đoàn đại biểu Văn phòng Quốc hội tại phía Nam; Đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5,7,9 và các binh chủng; Đoàn đại biểu Bộ Công an phía Nam vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà văn hóa thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội. 
Ảnh: TTXVN

Tại Hội trường Nhà văn hóa thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có Đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội; các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương… và đông đảo nhân dân đã đến viếng, bày tỏ lòng tiếc thương sâu sắc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người con ưu tú của quê hương Đông Hội.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Quân ủy Trung ương sinh ngày 14/4/1944; quê quán xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội; thường trú tại nhà số 5 phố Thiền Quang, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, tham gia công tác năm 1967, vào Đảng tháng 12/1967.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa VII, VIII, IX, X, XI, XII, XIII; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa VIII, IX, X, XI, XII, XIII; tham gia Thường trực Bộ Chính trị khóa VIII; Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, XII; Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa XI, XII, XIII; Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 – 2021, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh; Bí thư Quân ủy Trung ương; Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương; Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực. Đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII, XIII, XIV, XV.

Sau thời gian lâm bệnh, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ, chuyên gia đầu ngành tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc nhưng do tuổi cao, bệnh nặng đồng chí đã từ trần hồi 13 giờ 38 phút ngày 19/7/2024 (tức ngày 14/6 năm Giáp Thìn) tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hưởng thọ 80 tuổi.

Gần 60 năm công tác, đồng chí có nhiều công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế. Đồng chí mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân ta và gia quyến.

Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu từ 7 giờ 00 phút đến 22 giờ 00 phút ngày 25/7/2024 và từ 7 giờ 00 phút đến 13 giờ 00 phút ngày 26/7/2024./.

Tin liên quan

Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Sáng 25/7, tại Nhà Tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), cùng thời gian này tại Hội trường Thống nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh (thành phố Hà Nội), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gia đình đã tổ chức trọng thể Lễ viếng đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, theo nghi thức Quốc tang.

Tin cùng chuyên mục

Chuyên gia châu Á nêu bật dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với đất nước

“Tôi vô cùng đau buồn trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đảng Cộng sản và nhân dân Trung Quốc đã mất đi một người bạn tốt, một người đồng chí tốt, một người anh em tốt. Đảng và nhân dân Việt Nam mất đi một nhà lãnh đạo kiệt xuất. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất đi là một tổn thất to lớn cho sự nghiệp cải cách, mở cửa của Việt Nam”. Đó là chia sẻ của Giáo sư Mễ Lương (Miliang), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện trưởng Viện Luật của Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh trong cuộc trò chuyện với phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh.      

Chuyên gia nhận định di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng truyền cảm hứng cho thế hệ mai sau

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đóng vai trò rất quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của Việt Nam, với 3 di sản về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, phẩm chất liêm chính và đường lối “ngoại giao cây tre". Những di sản này không chỉ củng cố lòng tin của người dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng mà còn truyền nguồn cảm hứng cho thế hệ tương lai. Đây là đánh giá của Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) khi trao đổi với phóng viên TTXVN tại Singapore về những cống hiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Sáng 25/7, tại Nhà Tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), cùng thời gian này tại Hội trường Thống nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh (thành phố Hà Nội), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gia đình đã tổ chức trọng thể Lễ viếng đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, theo nghi thức Quốc tang.

Cựu lưu học sinh Campuchia: Những quyết sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng củng cố lòng tin trong nước và quốc tế

Bằng trải nghiệm thực tế khi học tập tại Việt Nam và các chuyến công tác sau này, nhà nghiên cứu Uch Leang của Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia (RAC) nhận định Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có những đóng góp hết sức quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đất nước, chăm lo đời sống người dân Việt Nam, với những điểm nhấn về chính sách ngoại giao cây tre và công cuộc phòng chống tham nhũng, giúp tạo dựng niềm tin và thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giản dị, nhân văn trong lòng bạn bè Mỹ Latinh

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo chính trực, nỗ lực không mệt mỏi và cống hiến phần lớn cuộc đời mình cho việc xây dựng và phát triển Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhà báo Martín Hacthoun của hãng thông tấn Mỹ Latinh (Prensa Latina) của Cuba đã chia sẻ như vậy với phóng viên TTXVN tại La Habana.    

Bác Trọng” trong trái tim nữ Đại tướng Campuchia Chey Beaupha

Phong cách giản dị, thanh liêm, dành trọn cuộc đời cống hiến cho công cuộc phát triển đất nước và hạnh phúc nhân dân của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã trở thành những chủ đề được tôn vinh, thảo luận nhiều trong những ngày qua, lan tỏa mạnh mẽ không chỉ ở Việt Nam, mà ở bạn bè khắp nơi trên thế giới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Thủ đô Hà Nội

Sinh ra, lớn lên và từng nhiều năm hoạt động trên các cương vị khác nhau tại Thủ đô Hà Nội nên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành cho mảnh đất và con người nơi đây những tình cảm thân thương, gần gũi. Tổng Bí thư cũng đã có rất nhiều chỉ đạo sâu sắc đối với sự phát triển không chỉ trước mắt mà lâu dài của Thủ đô. Người con ưu tú của mảnh đất ngàn năm văn hiến đã để lại những ấn tượng sâu sắc, tình cảm đặc biệt trong lòng cán bộ và nhân dân Thủ đô.

Những phát biểu, chỉ đạo nổi bật của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Quân đội nhân dân Việt Nam (phần 2)

Trên cương vị Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn dành tình cảm gần gũi, ấm áp, sâu sắc cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội, lực lượng dân quân tự vệ cả nước và có những chỉ đạo chiến lược góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.