Chính quyền, đoàn thể xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, thường xuyên vận động người dân duy trì thực hiện mô hình "3 xanh, 4 có, 5 không". |
Ảnh: Hồng Thái - TTXVN |
Những năm qua, phong trào “Dân vận khéo” ở Hậu Giang đã trở thành một phong trào vì nhân dân, hướng tới nhân dân. Nhiều mô hình, điển hình đã góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết, củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.
Nội dung xây dựng cột cờ trong mô hình "3 xanh, 4 có, 5 không" được sự đồng thuận cao của người dân trong tỉnh Hậu Giang. |
Ảnh: Hồng Thái - TTXVN |
* Dân đồng thuận và ủng hộ “3 xanh, 4 có, 5 không”
Trước kia, dọc tuyến đường ấp 4, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, chỉ thuần màu nâu của đất, giờ đây hai bên đường là hàng dài cây xanh, hoa nhiều màu sắc và có cột cờ kết hợp đèn thắp sáng tạo nên sự tươi mới cho vùng nông thôn. Đó là thành quả bước đầu của mô hình “3 xanh, 4 có, 5 không” (đường xanh, nhà xanh, vườn rau xanh; có nước sạch, có nhà vệ sinh, có cột cờ, hộ có người tham gia vào tổ chức các đoàn thể; không rác thải nhựa, không bạo lực gia đình, không ma túy, không dùng xung điện đánh bắt cá, uống rượu bia không tham gia giao thông) được chính quyền địa phương và người dân ấp 4, ấp 6 xây dựng. Tuy mới triển khai từ đầu năm 2024, nhưng mô hình đã được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Gặp ông Lê Phước Nhỏ (ấp 4, xã Hòa Mỹ - một người dân tích cực tham gia thực hiện mô hình) – khi đang cắt tỉa hàng cây trước nhà, ông hồ hởi chia sẻ: Nếu như trước đây, nhiều bà con chưa quan tâm đến cảnh quan môi trường, rác thải nhựa chưa được thu gom để xử lý, vẫn xảy ra tệ nạn xã hội. Từ lúc thực hiện mô hình, địa phương đã khởi sắc hơn, nhà nào cũng sáng, xanh, sạch, đẹp, không xảy ra bạo lực gia đình, không tệ nạn xã hội. Gia đình ông cùng bà con đều được thụ hưởng lợi ích nên rất đồng tình và sẽ cố gắng thực hiện”.
Mô hình “3 xanh, 4 có, 5 không” được Ban Dân vận Huyện ủy phối hợp Đảng ủy xã Hòa Mỹ thực hiện trên tuyến đường dài 4,2 km nối liền ấp 4 và ấp 6 với 206 hộ, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Khi ra mắt mô hình, Ban Dân vận Huyện ủy phối hợp với các bên liên quan tuyên truyền, vận động người dân tích cực thực hiện và nhận được sự đồng thuận cao.
Đến nay, tất cả các hộ gia đình ở 2 ấp đều có hàng rào cây xanh, nước sạch và cột cờ; 95% hộ có vườn rau xanh; 94,66% hộ có nhà vệ sinh bảo vệ môi trường; trên 85% hộ có người tham gia các tổ chức đoàn thể. Các hộ dân cam kết không để xảy ra tình trạng vi phạm trật tự, an toàn giao thông. Địa phương có biện pháp phòng, chống, đấu tranh hiệu quả với tệ nạn xã hội; nâng cao hoạt động, trách nhiệm của các Tổ tự quản về trật tự An toàn xã hội và không để xảy ra trọng án; tội phạm về tệ nạn xã hội.
Ông Kim Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hòa Mỹ cho biết, để triển khai mô hình, địa phương tổ chức họp dân và tuyên truyền trực quan sinh động, trình chiếu video clip các cách làm hay, các đoạn đường đẹp kiểu mẫu ở một số nơi để người dân tham khảo, thống nhất. Nhờ vậy, người dân dễ dàng tiếp nhận. Các nội dung của mô hình đều gắn liền với lợi ích cuộc sống của người dân nên nhận được sự đồng thuận cao, đây là một yếu tố làm nên thành công của mô hình. Đối với rác thải nhựa, ấp cử 1 người đi thu gom rác (vận động bà con đóng phí hằng tháng) vận chuyển ra điểm trung chuyển để đơn vị chức năng chuyển đi xử lý. Xã cũng vận động nhà hảo tâm gắn 2 camera trên tuyến để quản lý tình hình an ninh trật tự.
Thời gian qua, ở huyện Phụng Hiệp xuất hiện 546 mô hình “Dân vận khéo”. Trong đó, mô hình “Đêm sáng, ngày xanh”, “3 xanh, 4 có, 5 không” là một mô hình tiêu biểu, hiệu quả, có sức lan tỏa và có khả năng ứng dụng cao.
Phó Trưởng ban Dân vận huyện Phụng Hiệp Phạm Thúy Phượng thông tin, để xây dựng mô hình “Dân vận khéo” đạt hiệu quả, phải tìm hiểu nhu cầu của người dân, chọn nội dung gắn với cuộc sống, đáp ứng được nhu cầu thiết thực nhằm tạo sự đồng thuận từ người dân. Sắp tới, Ban Dân vận tiếp tục tham mưu Huyện ủy công nhận, duy trì, nhân rộng những mô hình có hiệu quả trong những năm trước; tìm hiểu rõ nhu cầu thực tế, đáp ứng đời sống vật chất, tinh thần của người dân khi xây dựng mô hình mới, góp phần nâng cao chất lượng phong trào.
Người dân tham gia chăm sóc cây xanh thực hiện mô hình "3 xanh, 4 có, 5 không" trên địa bàn xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp. |
Ảnh: Hồng Thái - TTXVN |
*Xây dựng phong trào “Dân vận khéo” phù hợp từng đơn vị, địa bàn
Trong 10 năm qua (2014-2024) đến nay, Hậu Giang có trên 11.670 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” ở các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng – an ninh, xây dựng hệ thống chính trị. Chất lượng, hiệu quả và sức lan tỏa của các mô hình cho thấy phong trào thi đua “Dân vận khéo” góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị, địa phương, trở thành một phương thức hiệu quả trong công tác vận động quần chúng, góp phần tạo đồng thuận xã hội. Đồng thời vận động người dân ủng hộ, huy động được nhiều nguồn lực trong nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phát triển kinh tế - xã hội.
“Dân vận khéo” trở thành một phong trào vì nhân dân, hướng tới nhân dân, góp phần tham gia giải quyết vấn đề cấp thiết của cuộc sống; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; khơi dậy tinh thần trách nhiệm trong đoàn viên, hội viên và nhân dân về truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ nhau giảm nghèo vươn lên trong cuộc sống.
Ông Sầm Hoàng Minh, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Hậu Giang nhấn mạnh, từ thực tiễn phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong nhiều năm qua, có thể khẳng định đây là một chủ trương đúng đắn, một phong trào thiết thực, hiệu quả, hợp lòng dân. Phong trào được cộng đồng hưởng ứng, tham gia, góp phần quan trọng vào ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Phong trào đạt hiệu quả cao phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, phối hợp đồng bộ của chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Mô hình phải phù hợp với điều kiện địa phương, mang lại hiệu quả, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị rút kinh nghiệm, phổ biến cách làm hiệu quả để không ngừng hoàn thiện các mô hình, phù hợp từng lĩnh vực, giai đoạn; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, hướng dẫn kỹ năng công tác dân vận và xây dựng thực hiện mô hình, điển hình “Dân vận khéo”.
Ông Sầm Hoàng Minh cho biết, thời gian tới, tỉnh tiếp tục nâng cao nhận thức về công tác dân vận, phong trào thi đua “Dân vận khéo” nhằm tạo sự chuyển biến thực chất trong quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Đồng thời xác định đây là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị. Tỉnh tăng cường tuyên truyền, định hướng phong trào gắn với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông đại chúng trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân.
Nội dung trọng tâm phong trào thi đua “Dân vận khéo” phù hợp với điều kiện từng cơ quan, đơn vị, địa bàn, từng đối tượng; chú trọng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, gắn với chuyển đổi số và số hóa, mô hình kinh tế hợp tác và hợp tác xã; các phong trào thi đua yêu nước. Đồng thời, xây dựng, phát triển mô hình, điển hình “Dân vận khéo” ở những nơi khó khăn, phức tạp, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có tôn giáo, trong cải cách hành chính, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân. Tỉnh sẽ chú trọng định hướng, phát triển các mô hình “Dân vận khéo” trên cơ sở bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương; hướng đến nhu cầu, lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân./.