Đổi mới công tác lập pháp, kiên quyết bỏ tư duy “không quản được thì cấm”
Tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã truyền đạt chuyên đề "Tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế".
Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. 
Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Sáng 1/12, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc, phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế.

Tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã truyền đạt chuyên đề "Tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế".

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, kế thừa, phát huy những ưu điểm, bài học kinh nghiệm của các nhiệm kỳ Quốc hội trước đây; lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, của doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là qua thực tiễn hoạt động; Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có những đổi mới ngay từ khâu chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Tư duy và phương thức tiến hành công tác lập pháp cũng được đổi mới sâu sắc theo hướng các luật ngắn gọn, rõ ràng; tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính; chuyển mạnh từ luật thiên về quản lý sang kết hợp hài hòa giữa quản lý có hiệu quả với kiến tạo phát triển, khuyến khích đổi mới sáng tạo, kiên quyết từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm"…

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 18 luật, xem xét, thông qua 21 nghị quyết, trong đó có 4 nghị quyết quy phạm pháp luật với tỷ lệ tán thành cao; Quốc hội cũng đã cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác. Kỳ họp đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, tháo gỡ kịp thời khó khăn vướng mắc, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy tối đa nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới.

Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua với tỷ lệ tán thành cao chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam - minh chứng rõ ràng cho tư duy đổi mới trong phát triển hạ tầng quốc gia, không chỉ là một công trình giao thông mà còn là biểu tượng của khát vọng, tinh thần đổi mới và hành động quyết liệt, sẵn sàng vượt qua thách thức để mở ra cơ hội lớn cho đất nước.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội quán triệt chuyên đề "Tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế". 
Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội sẽ phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, đổi mới, bứt phá, chú trọng các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có việc tổ chức triển khai nhanh chóng, kịp thời các luật, nghị quyết vừa được thông qua, khẩn trương quán triệt tinh thần đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật có hiệu quả, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong hệ thống chính trị và toàn dân...

Cụ thể, theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội sẽ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Trước hết, để thực hiện đồng bộ và hiệu quả các quyết sách tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cấp, các ngành, các cơ quan trong bộ máy nhà nước, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội tổ chức triển khai nhanh chóng, kịp thời các luật, nghị quyết vừa được thông qua, khẩn trương quán triệt tinh thần đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật có hiệu quả, tạo hiệu ứng lan toả tích cực trong hệ thống chính trị và toàn dân; chủ động phối hợp chuẩn bị nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 9, 10 Quốc hội khóa XV, chuẩn bị tổng kết toàn quốc hoạt động của Hội đồng nhân dân, đoàn đại biểu Quốc hội năm 2024; chú trọng việc lan tỏa, sâu rộng cho các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy và trách nhiệm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Quốc hội quán triệt nghiêm yêu cầu cấp bách của công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong giai đoạn mới; gắn chặt công tác tư tưởng với công tác tổ chức, cán bộ, tập trung nâng cao ý thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và người lao động, trước hết là sự nêu gương của người đứng đầu tại từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, trong đó: nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội, coi đây là một trong những yếu tố then chốt của then chốt để đổi mới hoạt động của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội cho biết Đảng đoàn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Quốc hội đã thành lập ban Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, họp bàn phân công cụ thể; Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội sẽ thống nhất cao và gương mẫu, đi đầu. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và quan hệ giữa các cơ quan, nhất là các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, bảo đảm chặt chẽ, hài hòa trong quy trình quản trị quốc gia. Sắp xếp, kiện toàn Hội đồng dân tộc, các Ủy ban, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đại biểu tham dự hội nghị. 
Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Quốc hội tiếp tục thường xuyên quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống lãng phí của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Văn phòng Quốc hội; trong đó xác định bốn giải pháp trọng tâm, bao gồm: nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên (với tư duy làm việc khoa học, quản lý thời gian hiệu quả, hình thành trách nhiệm đạo đức xã hội gắn với thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật); hoàn thiện thể chế phòng, chống lãng phí và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí; xây dựng văn hóa tiết kiệm, coi thực hành tiết kiệm, chống lãng phí  là nhiệm vụ thường xuyên, hằng ngày của mỗi cá nhân, tổ chức.

Xây dựng và triển khai kế hoạch tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Dự kiến cơ cấu, thành phần, nhân sự cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI; chỉ đạo triển khai công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.

Hội nghị Trung ương Đảng khóa XIII ngày 25/11/2024 đã xác định ba nhiệm vụ lớn trong thời gian tới gồm: đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị; tăng tốc, bứt phá để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng; chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thành công Đại hội XIV, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Tiếp nối và phát huy những kết quả của Hội nghị Trung ương Đảng và Kỳ họp thứ 8, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, đặc biệt là các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả hoạt động, đoàn kết, thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, chuẩn bị tốt nhất cho Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, tạo tiền đề cho công cuộc đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới của dân tộc./.

Tin liên quan

Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tinh gọn bộ máy

Sáng 19/11, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII - Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả (Ban Chỉ đạo) đã họp Phiên thứ nhất. Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Phiên họp. Tham dự Phiên họp có các đồng chí Phó ban Chỉ đạo: Chủ tịch nước Lương Cường; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Lê Minh Hưng.

Tin cùng chuyên mục

Hội nghị toàn quốc quán triệt tổng kết Nghị quyết 18

Sáng nay 1/12, Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế.

Grand Pioneers (Quảng Ninh) được vinh danh là “Hãng du thuyền xanh tốt nhất thế giới 2024”

Du thuyền Grand Pioneers Cruise trên Vịnh Hạ Long được vinh dự là đơn vị đầu tiên của Việt Nam nhận giải “Hãng du thuyền xanh tốt nhất thế giới 2024” tại World Cruise Awards. Đây không chỉ là niềm tự hào lớn lao cho Grand Pioneers mà còn đánh dấu bước tiến quan trọng của ngành du thuyền Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Festival “Đôi bờ Ví, Giặm - Kết nối tinh hoa di sản”

Festival “Đôi bờ Ví, Giặm - Kết nối tinh hoa di sản” nhân kỷ niệm 10 năm dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được tổ chức từ ngày 27 - 30/11/2024 tại Hà Tĩnh. Festival gồm các hoạt động: Trưng bày và trình diễn di sản văn hóa kết hợp các sản phẩm du lịch; Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh; hội nghị - hội thảo quốc gia đánh giá việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Điểm nhấn của Festival là cầu truyền hình trực tiếp chương trình nghệ thuật “Đôi bờ Ví, Giặm” diễn ra tối 27/11/2024 với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ thành danh. Sau 10 năm dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, việc lưu giữ, truyền dạy dân ca Ví, Giặm đã trở thành một trong những hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của di sản.