![]() |
Cán bộ, công chức Trung tâm phục vụ hành chính công xã biên giới Phước Chỉ, tỉnh Tây Ninh hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính ở cấp xã. |
Ảnh: Minh Phú - TTXVN |
Sau hơn 10 ngày triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp, các xã biên giới tỉnh Tây Ninh đã bước đầu vận hành ổn định, giải quyết kịp thời thủ tục hành chính cho người dân, được đánh giá chính quyền thân thiện, gần dân.
* Quyết tâm đổi mới vùng biên
Dù còn khó khăn về cơ sở vật chất, nhân lực và hạ tầng, nhưng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, chính quyền cấp xã đang dần khẳng định vai trò là cầu nối hiệu quả giữa Nhà nước với nhân dân nơi biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc. Sự chuyển động tích cực này không chỉ tạo niềm tin cho người dân vùng biên mà còn thể hiện rõ tinh thần cải cách hành chính vì dân, gần dân, sát dân của Đảng, nhà nước và các cấp chính quyền tỉnh Tây Ninh.
Những ngày này, không khí làm việc tại xã biên giới Hòa Hội, tỉnh Tây Ninh tràn đầy khí thế, kỷ cương với quyết tâm đổi mới. Người dân đến làm thủ tục đều được hướng dẫn tận tình, chu đáo.
Chuyển sang mô hình chính quyền địa phương hai cấp, anh Trương Văn Tuấn, cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Hòa Hội (tỉnh Tây Ninh) chia sẻ: vận hành mô hình chính quyền địa phương mới, trách nhiệm của cán bộ, công chức càng lớn, nhưng cũng là cơ hội để phục vụ nhân dân tốt hơn. Mỗi công chức không chỉ phải nắm vững chuyên môn, xử lý hồ sơ chính xác, mà còn phải nhanh chóng thích nghi công nghệ và tận tình hướng dẫn người dân còn bỡ ngỡ. Với tinh thần trách nhiệm, tập thể cán bộ tại trung tâm sẽ luôn nỗ lực hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục đúng nội dung, đủ thành phần, đảm bảo thời gian, lấy sự hài lòng làm thước đo thành công của chính quyền cơ sở mới.
Ông Nguyễn Hoàng Phi (65 tuổi, ngụ ấp Hiệp Phước, xã Hòa Hội, tỉnh Tây Ninh) bày tỏ sự đồng tình, tin tưởng vào chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính. Theo ông, đây là bước đi đúng đắn, phù hợp với yêu cầu đổi mới, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương. Người dân xã Hòa Hội kỳ vọng bộ máy chính quyền mới sẽ phát huy năng lực, làm việc hiệu quả, phục vụ nhân dân ngày càng nhanh chóng, kịp thời và chuyên nghiệp, từ đó góp phần xây dựng xã Hòa Hội ngày càng phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại.
![]() |
Người dân tra cứu thủ tục tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã biên giới Ninh Điền, tỉnh Tây Ninh. |
Ảnh: Minh Phú - TTXVN |
Còn tại xã biên giới Ninh Điền, tỉnh Tây Ninh, chính quyền địa phương đã có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng từ cơ sở vật chất đến con người, đảm bảo việc vận hành bộ máy chính quyền xã mới được thông suốt. Bà Trần Thị Ngọc Nương, Bí thư Đảng ủy xã Ninh Điền khẳng định: “Mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp không chỉ là sự điều chỉnh về mặt tổ chức, mà còn là yêu cầu cấp thiết để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng chính quyền gần dân, hiểu dân và phục vụ nhân dân tốt hơn”.
Cũng theo bà Trần Thị Ngọc Nương, mô hình chính quyền địa phương mới là điều kiện để xã Ninh Điền tinh gọn bộ máy, giảm tầng nấc trung gian, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cơ sở.
“Đảng ủy xã Ninh Điền cam kết sẽ đồng hành cùng chính quyền và nhân dân, trong đó, phát huy vai trò hạt nhân của cán bộ lãnh đạo ở địa phương, nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống chính trị, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả phục vụ”, Bí thư Đảng ủy xã Ninh Điền nhấn mạnh.
Trên nền tảng đó, xã Ninh Điền sẽ tập trung cải cách hành chính, đổi mới tư duy lãnh đạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm an ninh – quốc phòng, nhằm tạo dựng một chính quyền thật sự trong sạch, vững mạnh, hiệu quả và gần gũi với nhân dân trong giai đoạn phát triển mới.
Trong tiến trình đổi mới tổ chức bộ máy hành chính, việc triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp tại các xã biên giới không chỉ là bước đi phù hợp với yêu cầu thực tiễn, mà còn thể hiện rõ quyết tâm chính trị trong xây dựng một nền hành chính phục vụ, hiệu quả.
* Tạo dựng niềm tin trong cộng đồng
Xã Phước Chỉ, tỉnh Tây Ninh là địa bàn biên giới trọng yếu, giáp Vương quốc Campuchia, với đường biên dài hơn 14,6 km. Những ngày qua, người dân nơi đây rất phấn khởi trước chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp gần dân, sát dân, vì dân. Sự chuyển biến này không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ở cơ sở, mà còn tạo niềm tin vững chắc trong lòng người dân vùng biên, khẳng định quyết tâm của hệ thống chính trị trong xây dựng nền hành chính phục vụ.
Chị Nguyễn Thị Ngân Hà (38 tuổi, ngụ ấp Phước Hưng, xã Phước Chỉ, tỉnh Tây Ninh) chia sẻ niềm vui khi thực hiện thủ tục chỉnh sửa Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngay tại Trung tâm Hành chính công xã, thay vì trước đây phải đi xa lên huyện, nay mọi thủ tục đều gần gũi, thuận tiện, giúp người dân có thêm thời gian sản xuất, chăm lo gia đình. Không chỉ hài lòng với sự cải tiến quy trình, chị Nguyễn Thị Ngân Hà còn ấn tượng với tinh thần phục vụ nhiệt tình của đội ngũ cán bộ tiếp dân. Dù mới tiếp nhận công việc, đa số cán bộ, công chức đã nhanh chóng tạo dựng niềm tin trong cộng đồng. Kỳ vọng về một nền hành chính vì dân, chuyên nghiệp và minh bạch đang dần trở thành hiện thực tại vùng biên Tây Ninh.
![]() |
Cán bộ, công chức Trung tâm phục vụ hành chính công xã biên giới Ninh Điền, tỉnh Tây Ninh giải quyết thủ tục hành chính cho người dân vùng biên. |
Ảnh: Minh Phú – TTXVN |
Ông Trần Minh Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã, kiêm Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công xã Phước Chỉ, tỉnh Tây Ninh cho biết, chỉ trong 10 ngày đầu vận hành mô hình mới, trung tâm đã tiếp nhận, giải quyết trên 500 hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính của người dân. Dù là đơn vị mới, đội ngũ cán bộ đã thích nghi nhanh, phục vụ linh hoạt, đảm bảo quyền lợi của người dân. Đặc biệt, mô hình “bốn tại chỗ” và cơ chế hành chính “không biên giới” trong toàn tỉnh đã rút ngắn thời gian, giảm chi phí và tạo thuận lợi tối đa cho người dân.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Phước Chỉ, không dừng lại ở hành chính, xã Phước Chỉ hướng đến đẩy mạnh chuyển đổi số, hỗ trợ người dân tiếp cận công nghệ, từng bước đưa dịch vụ công lên nền tảng trực tuyến. Về phát triển kinh tế, địa phương đang khai thác tiềm năng nông nghiệp, đồng thời kêu gọi đầu tư dựa trên quy hoạch tổng thể liên vùng.
Là xã biên giới trọng điểm, Phước Chỉ luôn chú trọng quốc phòng – an ninh, đảm bảo thế trận vững chắc nơi tuyến đầu. Với định hướng rõ ràng, Phước Chỉ đang chuyển mình mạnh mẽ, trở thành hình mẫu về chính quyền vì dân, gần dân và tình hình kinh tế - xã hội của địa phương sẽ ngày càng phát triển bền vững.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, với sự nỗ lực bước đầu của hệ thống chính trị và cơ sở, những ngày qua, việc xử lý hồ sơ hành chính tại tỉnh nhìn chung đã đảm bảo đạt yêu cầu.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát lại quy chế làm việc, chức năng, nhiệm vụ, quy trình xử lý công việc để đảm bảo sự thông suốt trong chỉ đạo, điều hành. Việc tổ chức bộ máy không chỉ dừng ở sắp xếp con người, cơ sở vật chất khang trang, mà quan trọng hơn là xây dựng lề lối làm việc khoa học, hiệu lực, hiệu quả, gắn với tư duy quản trị hiện đại, gần dân, sát dân và phục vụ nhân dân tốt nhất.
Bên cạnh đó, chính quyền cấp xã cần đánh giá đúng tiềm năng, xác định rõ định hướng phát triển, các khó khăn, nhiệm vụ và giải pháp đột phá về phát triển kinh kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tây Ninh yêu cầu mỗi cán bộ, công chức, nhất là ở cấp xã, phải nắm chắc chức năng, thẩm quyền để thực hiện đúng, đủ, không chồng chéo, tránh phát sinh trách nhiệm không rõ ràng. Các hướng dẫn đã được cụ thể hóa trong sổ tay nghiệp vụ; việc ứng dụng phần mềm văn bản hợp nhất cũng cần được đẩy mạnh để tra cứu, cập nhật quy định pháp luật thuận lợi, chính xác. Đây là giai đoạn bản lề để mô hình chính quyền địa phương hai cấp ở cơ sở đi vào thực chất và hiệu quả, đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong giai đoạn mới./.