Ngân hàng UOB nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam lên 6,9%
Với diễn biến tích cực trong quý II/2025, Ngân hàng UOB (Singapore) điều chỉnh nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam trong năm 2025 lên 6,9%, thay vì mức 6% trước đó.
Khu công nghiệp Phúc Khánh (Thái Bình). Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN

Đây là điểm đáng chú ý trong báo cáo tăng trưởng kinh tế Việt Nam do Bộ phận Nghiên cứu Thị trường và Kinh tế toàn cầu của Ngân hàng UOB công bố ngày 8/7.

Theo phân tích của UOB, GDP thực tế của Việt Nam trong quý II/2025 đã phục hồi mạnh mẽ, đạt mức tăng 7,96% so với cùng kỳ năm trước, vượt xa so với dự báo của Bloomberg (6,85%) và dự báo của UOB (6,1% trong quý II), cũng như so với mức đã điều chỉnh của quý I/2025 là 7,05%.

Trong nửa đầu năm 2025, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,52% so với cùng kỳ, đây là mức tăng mạnh nhất trong nửa đầu năm kể từ khi có số liệu từ năm 2011.Đà tăng trưởng mạnh mẽ chủ yếu đến từ việc các doanh nghiệp tranh thủ thực hiện đơn hàng xuất khẩu trong khoảng thời gian 90 ngày mà Tổng thống Mỹ Donald Trump tạm ngừng chính sách áp thuế “đối ứng”, thay vào đó áp dụng mức thuế cơ bản 10%.

Trong nửa đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 219 tỷ USD, trong khi nhập khẩu tăng 17,9%, đạt 212 tỷ USD. Những con số này tương đương tốc độ tăng trưởng cả năm 2024 (xuất khẩu tăng 14%, nhập khẩu tăng 16%).

Máy tính và sản phẩm điện tử tiếp tục là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất trong nửa đầu năm 2025, tăng vọt 42% so với cùng kỳ lên 47,7 tỷ USD. Tiếp theo là điện thoại di động (giảm 1,1%, còn 26,9 tỷ USD) và máy móc thiết bị (tăng 16,3%, lên 27 tỷ USD). Ba nhóm hàng này chiếm khoảng 46% tổng kim ngạch xuất khẩu trong kỳ, cho thấy mức độ phụ thuộc lớn của Việt Nam vào các lĩnh vực này.

Tuy nhiên, dữ liệu từ chỉ số sản xuất ngành công nghiệp Việt Nam (PMI) cho thấy lĩnh vực sản xuất vẫn chưa thực sự quay lại nhịp tăng trưởng. Trong 7 tháng gần nhất, chỉ số PMI nằm dưới mức 50 tới 6 lần, phản ánh ngành sản xuất vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là do sự sụt giảm của đơn hàng mới.Theo S&P Global, đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 6 giảm với tốc độ mạnh nhất kể từ tháng 9/2021, tương đương mức giảm từng ghi nhận vào tháng 5/2023.

Mặt khác, dù dòng vốn FDI vẫn ghi nhận tích cực trong nửa đầu năm, khi tăng 8,1% so với cùng kỳ và là mức cao nhất trong 6 tháng đầu năm kể từ 2021. Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu và các biện pháp thuế quan đang được áp dụng, dòng vốn FDI có thể chịu những biến động của môi trường thương mại quốc tế.Với những diễn biến tích cực trong đàm phán thương mại với Mỹ gần đây, các chuyên gia của UOB cho rằng, giai đoạn tồi tệ nhất có thể đã qua, nhưng chính sách thuế vẫn là rào cản lớn với Việt Nam.

Theo UOB, điểm tích cực với Việt Nam là vào ngày 2/7, Tổng thống Mỹ đã tuyên bố áp mức thuế 20% đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ, và 40% đối với hàng trung chuyển. Dù vẫn là mức thuế đáng kể, con số này thấp hơn nhiều so với mức 46% ban đầu công bố ngày 2/4 và được xem là một sự giảm nhẹ đáng kể cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Tuy vậy, các yêu cầu liên quan đến vấn đề “hàng hoá trung chuyển” sẽ là vấn đề cần phải theo dõi, do có ảnh hưởng đáng kể đến ngành sản xuất Việt Nam. Mặt khác, dù mức thuế mới được điều chỉnh giảm còn 20%, thay vì mức cao tới 46% trước đó, Việt Nam và các nước xuất khẩu khác vẫn sẽ phải đối mặt với nhu cầu tiêu dùng và đơn hàng từ Mỹ suy yếu, do người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ sẽ phải trả giá cao hơn cho các sản phẩm nhập khẩu.Với diễn biến của mức thuế mới, UOB điều chỉnh dự báo xuất khẩu sang Mỹ sẽ tăng nhẹ 5% (so với mức tăng 23% trong năm 2024), thay vì giảm 20% như ước tính trước đó sau tuyên bố vào ngày 2/4 của Mỹ.

Với các thị trường ngoài Mỹ, UOB kỳ vọng xuất khẩu sẽ tăng 10%, tương đương mức tăng 11,3% trong năm 2024. Tổng thể, xuất khẩu của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 8,5% trong năm 2025, thấp hơn đáng kể so với mức 14% của năm trước.Dựa trên các giả định này, và sau khi tính đến tác động đối với sản xuất và dòng vốn FDI, Bộ phận Nghiên cứu Thị trường và Kinh tế toàn cầu của UOB ước tính tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2025 sẽ cao hơn 0,9 điểm phần trăm so với dự báo cơ sở ban đầu, lên mức 6,9% (so với dự báo trước đó là 6,0%).

Riêng 2 quý cuối năm, UOB dự báo tăng trưởng GDP các quý ở mức khoảng 6,4%. Trong điều kiện này, dòng vốn FDI thực hiện dự kiến sẽ đạt khoảng 20 tỷ USD trong năm nayĐối với chính sách tiền tệ, UOB cho rằng, kết quả tăng trưởng tích cực của nền kinh tế nói chung có thể đã làm giảm áp lực phải nới lỏng chính sách. Do vậy, ngân hàng kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách hiện tại, với lãi suất tái cấp vốn được duy trì ở mức 4,5%.

Tuy nhiên, nếu tình hình kinh doanh trong nước và thị trường lao động xấu đi đáng kể trong 1–2 quý tới, các chuyên gia của UOB cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có thể hạ lãi suất chính sách một lần xuống mức thấp trong thời kỳ COVID-19 là 4%, và tiếp theo là một đợt giảm 50 điểm cơ bản xuống còn 3,5%, với điều kiện thị trường ngoại hối ổn định và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất. Hiện tại, kịch bản cơ sở của ngân hàng này vẫn là Ngân hàng Nhà nước sẽ không thay đổi chính sách điều hành tiền tệ./.

Tin liên quan

6 tháng, GDP của cả nước tăng 7,52%, mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2025

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực còn nhiều bất ổn… nhưng với việc theo dõi chặt chẽ những biến động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, các bộ, ngành, địa phương nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đạt mục tiêu đề ra, kinh tế quý II/2025 đạt mức tăng trưởng 7,96%, mức tăng này chỉ thấp hơn tốc độ tăng 8,56% của quý II/2022 trong giai đoạn 2020 -2025.

Mở đường cho dòng vốn quốc tế vào thị trường Việt Nam

Giữa bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn, Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm đến hấp dẫn của dòng vốn quốc tế nhờ nền tảng vĩ mô ổn định, chính sách cải cách mạnh mẽ và môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi.

Tin cùng chuyên mục

Chất lượng làm nên thương hiệu nhãn lồng Hưng Yên

Còn khoảng 1 tháng nữa, "thủ phủ" nhãn lồng Hưng Yên sẽ vào mùa thu hoạch chính vụ. Năm nay, thời tiết thuận lợi, nhãn cho tỷ lệ đậu quả cao nên người dân rất phấn khởi. Ngoài việc mở rộng diện tích, những năm gần đây người dân đặc biệt chú trọng đến yếu tố chất lượng, qua đó khẳng định thương hiệu nhãn lồng Hưng Yên.

Đà Nẵng khai mạc Đại hội điểm cấp xã

Ngày 12/7, Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Hiệp Đức lần thứ I, nhiệm kỳ 2025–2030 đã khai mạc. Đây là 1trong 10 xã, phường được thành phố Đà Nẵng lựa chọn làm Đại hội điểm. Đại hội có sự tham dự của 242 đại biểu chính thức, đại diện cho 790 đảng viên trong toàn Đảng bộ; các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam (cũ); các mẹ Việt Nam Anh hùng.

Bộ Công Thương lên kế hoạch thực hiện các giải pháp xúc tiến thương mại

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên vừa ký ban hành Quyết định số 1970/QĐ-BCT về ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 18/6/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để thúc đẩy hoạt động thương mại năm 2025.

Chính quyền địa phương hai cấp: Kỳ vọng thay đổi cho thị trường bất động sản

Việc đồng thời triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp và hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh đang tạo ra những chuyển động lớn trong cấu trúc điều hành địa phương. Với thị trường bất động sản, đây được xem là thời điểm bản lề để hy vọng tháo gỡ nút thắt thủ tục, tăng tính minh bạch và mở rộng dư địa đầu tư dài hạn.