Người dân, doanh nghiệp chờ được gỡ khó từ những điểm mới của Luật Đất đai
Nhiều điểm mới trong Luật Đất đai 2024 được xác định sẽ hỗ trợ tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp bất động sản và cả người dân. Tuy nhiên, sau gần 3 tháng Luật Đất đai có hiệu lực, việc ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai theo thẩm quyền của địa phương vẫn còn chậm. Trong khi đó, người dân và doanh nghiệp vẫn chờ đợi được gỡ khó từ những điểm mới của luật.
Sớm đưa Luật Đất đai vào cuộc sống được coi là nhiệm vụ cấp bách để giải quyết các khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn.
Ảnh minh họa: TTXVN.

Trước thực tế này, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đầy đủ, kịp thời các nội dung đã chỉ đạo tại Công điện số 105/CĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung chỉ đạo, triển khai thi hành Luật Đất đai. Trong đó, phải tập trung chỉ đạo ban hành đầy đủ các nội dung được giao quy định chi tiết trong Luật Đất đai và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai; việc ban hành văn bản quy định chi tiết được giao tại Luật Đất đai và các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật phải hoàn thành trước ngày 31/10/2024, báo cáo kết quả về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu để chậm trễ ban hành các văn bản nêu trên.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, dù 63/63 tỉnh, thành phố đã ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai theo thẩm quyền của địa phương nhưng một số tỉnh, thành phố tiến độ ban hành văn bản còn rất chậm, có nơi mới ban hành từ 2 đến 5 trên tổng số 20 nội dung được giao trong Luật.

Việc các địa phương chưa ban hành đầy đủ các văn bản thuộc thẩm quyền đã hạn chế hiệu quả của việc triển khai thi hành Luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp, thủ tục hành chính, hiệu lực hiệu quả trong thực hiện các chính sách mới của Luật Đất đai. Trong khi đó việc sớm đưa Luật Đất đai vào cuộc sống được coi là nhiệm vụ cấp bách để giải quyết các khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn.

Ông Nguyễn Đắc Nhẫn - Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Luật Đất đai 2024 gồm 16 chương, 260 điều, tăng 2 chương so với Luật Đất đai năm 2013; bổ sung 1 chương về Phát triển Quỹ đất; tách riêng chương về Thu hồi đất, trưng dụng đất và chương về Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Luật Đất đai có 8 điểm mới nổi bật xoay quanh các vấn đề gồm: phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước về đất đai; quyền của người sử dụng đất; quy hoạch sử dụng đất; thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; tài chính đất đai; chế độ sử dụng đất.

Điển hình như việc phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước về đất đai, Luật mới đã phân cấp toàn bộ thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa cho HĐND cấp tỉnh; phân cấp cho Chính phủ phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh...

Cùng đó là phân cấp cho UBND cấp huyện thu hồi đất thuộc trường hợp quy định tại Điều 78 và Điều 79 của Luật Đất đai không phân biệt người sử dụng đất, tổ chức, cá nhân đang quản lý, chiếm hữu đất; thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thuộc trường hợp quy định tại Điều 81 và Điều 82 của Luật Đất đai. Ngoài ra, Luật còn phân cấp thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể cho Chủ tịch UBND cấp huyện (đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất…) thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện.

Vấn đề quyền của người sử dụng đất cũng rất mới khi Luật Đất đai 2024 quy định cá nhân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam đều là "cá nhân" sử dụng đất. Như vậy, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam có đầy đủ quyền và nghĩa vụ trong quản lý, sử dụng đất như cá nhân trong nước. Quy định này sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Với trường hợp người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam, thì ngoài việc được mua, thuê mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở, Luật Đất đai 2024 còn cho phép nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà ở theo quy định của pháp luật về dân sự; nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở từ những người thuộc hàng thừa kế theo quy định của pháp luật về dân sự.

Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên HĐTV chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia Cấn Văn Lực đánh giá, bản thân các doanh nghiệp bất động sản và người dân cũng đón nhận bộ luật mới này một cách rất tích cực và chờ được hướng dẫn một cách cụ thể để áp dụng thực thi hiệu quả nhất.

Theo ông Lực, định giá đất theo nguyên tắc thị trường là một trong những vấn đề đầu tiên cần nắm rõ. Luật Đất đai 2024 đã bỏ khung giá đất (ban hành 5 năm/lần như hiện nay), thay bằng Bảng giá đất được công bố hàng năm từ ngày 1/1/2026; trong đó, quy định rõ trách nhiệm của "Tổ chức Tư vấn định giá đất", "Hội đồng thẩm định bảng giá đất/giá đất cụ thể"...

Với quy định này của Luật, các tổ chức tư vấn định giá đất có cơ sở, căn cứ pháp lý để hoạt động an toàn, trách nhiệm và hiệu quả hơn. Tổ chức tư vấn theo đó không chịu trách nhiệm về tính chính xác của giá đất, mà chỉ có trách nhiệm tư vấn.

Cùng đó, nguyên tắc thị trường là điểm mới quan trọng nhất, tạo điều kiện để định giá đất sát với giá thị trường, tháo gỡ bất cập giá đất, nhất là hiện tượng hai giá như trước đây; đồng thời, làm cơ sở khi thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng hay nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, cũng như xác định giá bất động sản, tính toán chi phí - hiệu quả đầu tư dự án... Đặc biệt, việc quy định trách nhiệm các bên liên quan cũng rất rõ ràng.

Theo ông Cấn Văn Lực, việc mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, cho phép tích tụ đất đai cũng là một trong những điểm mới của Luật Đất đai 2024 cần lưu ý. Bởi hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp được mở rộng lên tới 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của cá nhân đối với mỗi loại đất; cho phép tích tụ, tập trung đất nông nghiệp thông qua chuyển đổi, chuyển nhượng, góp vốn, thuê, hợp tác kinh doanh quyền sử dụng đất.

Điều này khuyến khích tổ chức, cá nhân ứng dụng khoa học công nghệ để sử dụng hiệu quả quỹ đất đã tích tụ, thúc đẩy nông nghiệp phát triển hiệu quả và bền vững hơn, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả chiến lược quốc gia về xây dựng nông thôn mới...

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận xét, với Luật Đất đai 2024, các quy định đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng “lấy người dân làm trọng tâm", bảo vệ lợi ích tối đa cho người mua nhà. Cụ thể, trước thực trạng các khu nhà tái định cư được xây dựng, nhưng bị bỏ hoang do không phù hợp với nhu cầu của người dân, Luật Đất đai 2024 đã quy định phải bố trí tái định cư xong mới được ra quyết định thu hồi đất.

Bên cạnh đó, Luật Đất đai 2024 cũng hướng đến quyền lợi của người mua nhà khi chính thức cấp chứng nhận quyền sở hữu cho đất chưa có sổ từ sau năm 2014./.

Tin liên quan

Thông tin người đã mua nhà ở xã hội sẽ được công khai trên toàn hệ thống

Trước lo ngại trục lợi chính sách nhà ở xã hội khiến nguồn cung phân khúc này đã khan hiếm lại đi không đúng đối tượng, các chuyên gia cho rằng, điều này đã được hóa giải trong Nghị định số 94/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản về xây dựng và quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản.

Bộ Tài chính ý kiến về đề nghị xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng

Cử tri tỉnh Bạc Liêu vừa có kiến nghị gửi Bộ Tài chính về đề nghị xem xét, sửa đổi, bổ sung lại Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi việc người tiêu dùng phải chịu 10% thuế giá trị gia tăng do người dân đã trả phí tiêu dùng thì việc phải chịu thêm 10% thuế giá trị gia tăng như vậy là không phù hợp.

Tin cùng chuyên mục

Chặn đứng lãng phí tài sản công - Bài cuối: Đảng viên đi trước, làng nước theo sau

Có thể khẳng định lãng phí tài sản công gắn liền với trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Như vậy, để có thể chặn đứng “căn bệnh trọng” này và tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, hướng tới hình thành một văn hóa ứng xử trong thời đại mới, nhất thiết cán bộ, đảng viên phải là những người nêu gương.

Nhiều thuận lợi để phát triển điện hạt nhân

Năm 2009, Việt Nam đã nghiên cứu, triển khai dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận, nhưng do nhiều yếu tố mà phải tạm dừng dự án. Tuy nhiên, hiện nay bối cảnh trong nước và trên thế giới có nhiều chuyển biến tích cực. Chính vì vậy, Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục nghiên cứu tình hình phát triển điện hạt nhân trên thế giới để xây dựng một chiến lược dài hạn. Đây là điều cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và đạt mục tiêu Netzero .

Huyện biên giới Mường Tè quan tâm phát triển giáo dục và đào tạo

Những năm qua, tỉnh Lai Châu đã sử dụng nhiều nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất ngành giáo dục tại huyện Mường Tè. Nhờ đó, diện mạo ngành giáo dục đã thay đổi rõ nét, từng bước đáp ứng tốt công tác dạy và học tại các điểm trường, trường học khu vực biên giới phía Bắc.

Tổng Bí thư Tô Lâm trao Quyết định phân công đồng chí Trần Cẩm Tú giữ chức Thường trực Ban Bí thư

Tổng Bí thư Tô Lâm đã trao Quyết định số 1616-QĐNS/TW ngày 25/10/2024 của Bộ Chính trị phân công đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương giữ chức Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương và tặng hoa chúc mừng Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú.

Kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu

Bão số 3 (Yagi) là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Bắc, gây thiệt hại nghiêm trọng và tác động lớn tới đời sống của người dân, hạ tầng đường sá, sản xuất nông nghiệp, các ngành, lĩnh vực kinh tế... Bão qua đi để lại những bài học về kinh nghiệm ứng phó, cùng với đó là các giải pháp bền vững và dài hạn để chủ động đối phó, hạn chế thiệt hại trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Đây là những giải pháp, hành động cần có theo tinh thần Kết luận số 81-KL/TW ngày 4/6/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.