Nông thôn mới đổi thay miền sơn cước
Bằng sự nỗ lực của người dân, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhiều bản làng vùng cao Nho Quan đã "thay da, đổi thịt" nhờ xây dựng nông thôn mới.
Mô hình trồng na cho hiệu quả kinh tế cao tại xã Phú Long, huyện Nho Quan (Ninh Bình). 
Ảnh: Thùy Dung - TTXVN

Đi lên từ một huyện miền núi có nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm và vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng nhân dân, đến nay, 100% các xã của huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Bằng sự nỗ lực của người dân, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhiều bản làng vùng cao Nho Quan đã "thay da, đổi thịt" nhờ xây dựng nông thôn mới.

Phát triển nông nghiệp góp phần thực hiện tiêu chí về kinh tế, thu nhập trong xây dựng nông thôn mới ở xã vùng cao Phú Long, huyện Nho Quan (Ninh Bình). 
Ảnh: Thùy Dung - TTXVN

*Sức bật mới ở miền sơn cước

Thạch Bình là xã có diện tích rộng nhất huyện Nho Quan với trên 100km đường giao thông các loại. 12 năm về trước, ở xã miền núi nghèo của huyện này, đời sống nhân dân khó khăn, 100% đường liên xã, thôn còn là đường đất lầy lội, trơn trượt mỗi khi mùa mưa bão về. Nền kinh tế của xã chủ yếu vẫn dựa vào nông - lâm nghiệp là chính, khó khăn bủa vây đời sống của người dân.

Mặc dù là xã đặc biệt khó khăn, địa bàn rộng, xa trung tâm, có 50% dân số là người dân tộc thiểu số, 20% theo đạo công giáo, song Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc nơi đây luôn đoàn kết, quyết tâm, huy động mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới và đạt chuẩn vào năm 2021, vượt 2 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.

Ông Vũ Dũng, Chủ tịch UBND xã chia sẻ, nhờ những cách làm sáng tạo, diện mạo làng quê Thạch Bình đã có nhiều chuyển biến rõ nét, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư cơ bản, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Trong xây dựng nông thôn mới, xã đặc biệt quan tâm tới xây dựng nông thôn văn minh, người dân không chỉ được nâng cao cuộc sống vật chất mà còn có đời sống hạnh phúc. Các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường phải được giữ gìn, bảo tồn và phát huy.

Với sự hỗ trợ của Nhà nước và sự tham gia tích cực của nhân dân, sau hơn 12 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến năm 2021, Thạch Bình đã hoàn thành 20/20 tiêu chí nông thôn mới. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Nếu như năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã lên tới 14,78% thì đến tháng 10/2024, tỷ lệ này còn 3,08%.

Để phát triển nông nghiệp bền vững, các địa phương ở huyện Nho Quan cũng tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành theo hướng liên kết, hình thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản giúp nông dân yên tâm sản xuất. Được tỉnh, huyện, các cơ quan chuyên môn và Liên minh Hợp tác xã tỉnh vào cuộc hỗ trợ, Hợp tác xã Na trái vụ và tiêu thụ trái cây an toàn Phú Long, xã Phú Long đã phát triển từ sản xuất manh mún lên mô hình lớn, từ 47 ha trồng na lên gần 200 ha theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Nguyễn Văn Thuật, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Na trái vụ và tiêu thụ trái cây an toàn Phú Long cho biết, sản phẩm của hợp tác xã đã đạt OCOP 4 sao. Khi xuất ra thị trường sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, địa chỉ rõ ràng, người tiêu dùng có thể kiểm định qua tem và mẫu mã bao bì, an toàn vệ sinh thực phẩm với sản phẩm. Với doanh thu đạt từ 300-350 triệu đồng/1 ha, sản phẩm na của hợp tác xã góp phần thực hiện tiêu chí về kinh tế, thu nhập trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu ở xã vùng cao Phú Long.

Ông Bùi Văn Thể, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nho Quan nhấn mạnh, những nỗ lực trong sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã đã góp phần vào kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn. Hoạt động hiệu quả của các hợp tác xã đã góp phần hoàn thành tiêu chí số 13 trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, thể hiện rõ nét ở lĩnh vực sản xuất theo quy hoạch với nhiều cánh đồng lớn, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa chủ lực đủ lớn để tham gia thị trường trong nước và phục vụ chế biến xuất khẩu.

Nhiều tuyến đường giao thông được nâng cấp nhờ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở xã Thạch Bình, huyện Nho Quan (Ninh Bình). 
Ảnh: Thùy Dung - TTXVN

*Xây dựng nông thôn mới bền vững

Đặc thù là huyện miền núi khó khăn của tỉnh, Nho Quan bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới với cơ sở hạ tầng nông thôn thiếu đồng bộ, giao thông thủy lợi nội đồng xuống cấp, ruộng đồng nhỏ lẻ manh mún. Huyện có địa bàn rộng, địa hình đồi núi chia cắt, cư dân sống rải rác, cơ sở hạ tầng thấp kém, tập quán canh tác lạc hậu. Bên cạnh đó, chất lượng cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn thiếu thốn. Năm 2011, thu nhập bình quân đầu người của huyện chỉ đạt 14,86 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ hộ nghèo tới 11,69%.

Hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Nho Quan đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; xây dựng lộ trình, hướng đi phù hợp với từng xã, với quyết tâm tạo sự chuyển biến trong xây dựng nông thôn mới.

Huyện đã ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các địa phương, nhất là các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nâng cấp, làm mới các tuyến đường giao thông, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu giao thương và sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân. Huyện đầu tư hạ tầng giao thông các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi làm giải pháp đột phá, đem lại những thay đổi tích cực trong đời sống vật chất và tinh thần của bà con. Điều này vừa góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các thôn, bản, vừa tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương ngày càng phát triển.

Sau hơn 12 năm thực hiện Chương trình, huyện đã huy động tổng kinh phí đầu tư xây dựng nông thôn mới đạt gần 9 nghìn tỷ đồng, trong đó huy động nguồn lực từ nhân dân tham gia chiếm hơn 14%. Đặc biệt, người dân đã hiến trên 74 ha đất và gần 266 nghìn ngày công lao động. Đến nay, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; hộ nghèo giảm còn 1,01%. Đời sống của bà con đã được nâng lên đáng kể.

Kinh tế phát triển, người dân tích cực tham gia các phong trào của địa phương, điển hình là chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, 7/7 xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2/7 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là Cúc Phương và Văn Phương. Đây là điều kiện quan trọng để hướng đến phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, rút ngắn khoảng cách về thu nhập với vùng phát triển, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.

Ông Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan khẳng định, sau hơn 10 năm thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tạo luồng sinh khí mới, làm "thay da, đổi thịt" khu vực nông thôn. Diện mạo nông thôn mới dần khởi sắc; cơ sở hạ tầng ngày một khang trang; kinh tế địa phương ngày càng được củng cố phát triển đi lên, cuộc sống người dân được cải thiện, nâng cao. Những thành quả trong xây dựng nông thôn mới đã và đang tạo bước chuyển tích cực trong đời sống người dân miền sơn cước. Đây cũng là động lực để Nho Quan không ngừng phát triển trong tương lai.

Nho Quan phấn đấu giai đoạn 2025-2030 là huyện nông thôn mới nâng cao. Trước mắt, năm 2025, huyện đặt mục tiêu giá trị sản xuất trên 1ha canh tác đạt 140 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người trên 75 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống dưới 1%... Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại gắn với phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Huyện chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và xây dựng các chuỗi hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, Nho Quan đẩy mạnh phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng, thế mạnh theo chương trình OCOP, phát triển, nhân rộng các mô hình du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới./.


Tin liên quan

Phát huy sức trẻ trong xây dựng nông thôn mới

Điểm sáng trong phong trào thanh niên chung sức xây dựng nông thôn mới ở xã là xây dựng công trình "Thắp sáng đường quê" với những cột đèn năng lượng mặt trời, bóng cao áp dài 3km, trị giá hơn 160 triệu đồng.

Cuộc 'cách mạng' xóa đói, giảm nghèo

Xóa đói, giảm nghèo là chính sách quan trọng, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua. Là quốc gia đầu tiên và duy nhất ở châu Á thực hiện chương trình giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, những nỗ lực của Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận như “một cuộc cách mạng” trong xóa đói, giảm nghèo, làm nên sự đổi thay trải đều và rộng khắp ở cả những vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh nhất.

Tin cùng chuyên mục

Hợp tác quốc tế để y tế Việt Nam vươn xa

Nhờ mở rộng hợp tác quốc tế, Bệnh viện Trung ương Huế đã huy động được nhiều nguồn lực; giúp đơn vị chuyển mình, vươn xa trên bản đồ y học thế giới; trở thành nơi khám, chữa bệnh uy tín.

Dấu ấn Việt Nam tại lễ hội giao lưu văn hóa châu Á ở Hong Kong (Trung Quốc)

Ngày 10/11, Lễ hội giao lưu văn hóa châu Á đã diễn ra tại Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) với sự tham gia của các đoàn đến từ hơn 23 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực. Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Hong Kong và Macau cùng đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Hong Kong đã tổ chức gian hàng giới thiệu các loại đặc sản và biểu diễn văn nghệ truyền thống để giới thiệu và quảng bá văn hóa Việt Nam tới bạn bè các nước.

Thụy Điển và Việt Nam kết nối dịch vụ giữa cảng Gothenburg và Vũng Tàu

Tại buổi Tọa đàm bàn tròn và Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Thụy Điển diễn ra ngày 12/11, hãng vận tải container hàng đầu thế giới - MSC đã công bố việc mở rộng dịch vụ SWAN từ năm 2025, theo đó lần đầu tiên kết nối trực tiếp giữa cảng Gothenburg (Thụy Điển) và Vũng Tàu (Việt Nam). Dịch vụ này dự kiến tăng cường luồng hàng hóa giữa hai khu vực, mang lại giải pháp vận chuyển hiệu quả, rút ngắn thời gian và củng cố mối quan hệ kinh tế song phương.

Cơ chế đặc biệt cho dự án đường sắt tốc độ cao

Theo báo cáo tiền khả thi, Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam có quy mô lớn với tổng mức đầu tư dự kiến xấp xỉ 70 tỷ USD. Dù đối mặt với những thách thức, nhưng công trình này hứa hẹn sẽ tạo bước đột phá, tác động rất lớn đến phát triển kinh tế, xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là thời điểm “chín muồi” cần các Bộ, ngành quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và đặc biệt cần có cơ chế chính sách đặc thù, đặc biệt để đảm bảo đúng tiến độ.

Việt Nam được vinh danh tại Giải thưởng ASOCIO DX Award 2024

Việt Nam có 9 đại diện được vinh danh tại Giải thưởng ASOCIO DX Award 2024. Đây là một trong những giải thưởng thường niên uy tín trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại khu vực châu Á - châu Đại dương, do Tổ chức Công nghiệp Điện toán Châu Á - Châu Đại Dương (ASOCIO - www.asocio.org) tổ chức, dành cho các cá nhân và doanh nghiệp đến từ 24 nền kinh tế thành viên.

Lợi ích kép từ bệnh án điện tử

Bắt đầu từ tháng 11/2024, Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai áp dụng Hệ thống Bệnh án điện tử sau 4 tháng thử nghiệm. Đây là bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt đầu tiên trong cả nước áp dụng mô hình này. Cũng trong quá trình triển khai bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe của người dân cũng đồng thời được tích hợp trên ứng dụng VNeID.

Chính quyền số đem nhiều lợi ích cho người dân

Theo Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử năm 2024 của Liên hợp quốc, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 71 trong tổng số 193 quốc gia, tăng 15 bậc so với năm 2022. Đây là lần đầu tiên Việt Nam được xếp vào nhóm các quốc gia có chỉ số Chính phủ điện tử ở mức rất cao kể từ khi bắt đầu tham gia đánh giá xếp hạng chính phủ điện tử của Liên hợp quốc năm 2003. Kết quả này khẳng định sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong phát triển nền quản trị gắn với chuyển đổi số. Qua đó tạo thuận lợi cho người dân doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.