Phát huy sức trẻ trong xây dựng nông thôn mới
Điểm sáng trong phong trào thanh niên chung sức xây dựng nông thôn mới ở xã là xây dựng công trình "Thắp sáng đường quê" với những cột đèn năng lượng mặt trời, bóng cao áp dài 3km, trị giá hơn 160 triệu đồng.
Đoàn viên, thanh niên tham gia đổ bê tông sân Nhà văn hóa xã Khánh Hội, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.
 Ảnh: Thùy Dung - TTXVN

Chung tay xây dựng nông thôn mới từ lâu đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi của tuổi trẻ Ninh Bình. Nhiều công trình, phần việc góp phần đổi mới quê hương, xây dựng diện mạo nông thôn ngày càng tươi sáng của thanh niên đã để lại dấu ấn đẹp ở nhiều miền quê, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.

* Dấu ấn tuổi trẻ

Xã Khánh Hồng (huyện Yên Khánh) đang nỗ lực hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao. Thời gian qua, Đoàn Thanh niên xã đã huy động sức trẻ hỗ trợ trên 200 lượt ngày công làm đường bê tông, tu sửa nhà văn hóa, xây dựng tuyến đường thanh niên tự quản. Đồng thời xây dựng các điểm vui chơi cho trẻ em, trồng cây xanh làm đẹp cảnh quan, lắp biển bảng tuyên truyền, tham gia trang trí những tuyến đường bích họa…

Bí thư Đoàn Thanh niên xã Khánh Hồng Đào Văn Sinh cho biết, điểm sáng trong phong trào thanh niên chung sức xây dựng nông thôn mới ở xã là xây dựng công trình "Thắp sáng đường quê" với những cột đèn năng lượng mặt trời, bóng cao áp dài 3km, trị giá hơn 160 triệu đồng. Công trình không chỉ tỏa sáng đường làng, ngõ xóm, đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân mà còn góp phần nâng cao hiệu quả việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, làm thay đổi diện mạo nông thôn mới, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Với sự nỗ lực, tích cực vào cuộc của các cấp bộ Đoàn huyện Yên Khánh đã góp phần làm thay đổi diện mạo ở những vùng quê. Các công trình, phần việc đã góp phần giáo dục, định hướng lối sống đẹp cho đoàn viên, thanh niên; đồng thời xây dựng hình ảnh tuổi trẻ địa phương có trách nhiệm với xã hội, sẵn sàng xung kích, tình nguyện vì cộng đồng. Anh Nguyễn Văn Khuê, Bí thư Huyện đoàn Yên Khánh cho biết, thời gian tới, tuổi trẻ nơi đây tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt các công trình, phần việc xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Hoa Lư là huyện có nhiều khu, điểm du lịch, thường xuyên thu hút lượng lớn du khách tham quan. Hiểu rõ những tiềm năng, thế mạnh trong phát triển du lịch ở địa phương, tuổi trẻ Hoa Lư luôn đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền chung tay tổ chức các hoạt động phát triển du lịch mang màu sắc riêng, mang lại hiệu quả tích cực. Qua đó, góp phần tạo dựng văn minh du lịch, xây dựng điểm đến thân thiện, lan tỏa hình ảnh đẹp về đất và người cố đô.

Công trình điểm quét mã QR của đoàn viên, thanh niên tại thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. 
Ảnh: Thùy Dung - TTXVN

Bảng mã QR là công trình “Số hóa di tích lịch sử, văn hóa” được Huyện đoàn Hoa Lư thực hiện để quảng bá du lịch, tạo dấu ấn đậm nét, được cấp ủy, chính quyền, người dân và du khách ghi nhận, đánh giá cao. Huyện đoàn đã phối hợp xây dựng được 9 điểm quét mã QR tại các di tích lịch sử, điểm du lịch. Các thông tin tích hợp đều được tìm hiểu kỹ, biên tập chính xác, ngắn gọn để du khách dễ nhớ, dễ hiểu.

Chị Nguyễn Thị Minh Yến, Bí thư Huyện đoàn Hoa Lư cho biết, xác định đoàn viên thanh niên là lực lượng đông đảo, hoạt động trong nhiều lĩnh vực, Đoàn các cấp đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động và định hướng cho các thế hệ đoàn viên, thanh, thiếu niên trong việc chung tay tham gia tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sâu rộng hình ảnh, văn hóa và con người địa phương. Thời gian tới, Huyện đoàn tiếp tục khảo sát để thực hiện số hóa các di tích lịch sử còn lại trên địa bàn, ưu tiên thực hiện trước những di tích được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh.

* Tạo sức lan tỏa

Đến nay, Ninh Bình có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 8/8 huyện, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Hơn 10 năm qua, tuổi trẻ Ninh Bình đã thực hiện hàng vạn công trình, phần việc chung sức cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân, góp phần làm đổi mới diện mạo nông thôn. Nhiều công trình của tuổi trẻ để lại dấu ấn đậm nét, trở thành "thương hiệu" của thanh niên.

Với phương châm “Mỗi cơ sở Đoàn một công trình, phần việc, mỗi đoàn viên thanh niên là một hoạt động thiết thực tham gia xây dựng nông thôn mới”, các hoạt động tập trung vào những vấn đề trọng yếu trong xây dựng nông thôn mới. Đó là xây dựng cảnh quan và bảo vệ môi trường nông thôn, xung kích ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế ở nông thôn; hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, phát triển kinh tế; xây dựng hạ tầng nông thôn…

Đoàn viên, thanh niên tham gia đổ bê tông sân Nhà văn hóa xã Khánh Hội, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. 
Ảnh: Thùy Dung - TTXVN

Từ năm 2018 đến nay, tuổi trẻ toàn tỉnh triển khai hiệu quả công trình “Thắp sáng đường quê” tới các xã vùng sâu, vùng khó khăn với gần 200km đoạn đường nông thôn được thắp sáng trị giá trên 2 tỷ đồng. Trong 5 năm qua, Đoàn các cấp triển khai xây dựng mới trên 600 mô hình “Lắp đặt dụng cụ thể dục thể thao cho thanh, thiếu nhi và nhân dân” với nhiều loại hình vui chơi. Các cấp bộ Đoàn đã triển khai 213 điểm wifi công cộng tại nhà văn hóa thôn, xóm, phố trên toàn tỉnh và số hóa 46 di tích, “địa chỉ đỏ” được người dân cùng chính quyền địa phương ghi nhận…

Phát huy tinh thần xung kích của đoàn viên, thanh niên trong phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, làm giàu chính đáng, vươn lên thoát nghèo, các cấp bộ Đoàn đã vận động đoàn viên, thanh niên áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, học nghề... Đồng thời phối hợp để định hướng cho thanh niên thực hiện các mô hình phát triển phù hợp, hỗ trợ vốn, tạo chuỗi liên kết tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp từ các mô hình phát triển kinh tế của thanh niên…

Anh Nguyễn Đức Hiệp, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Ninh Bình đánh giá, bằng những công trình, phần việc cụ thể, tuổi trẻ địa phương đã chung tay góp sức tạo sự chuyển biến, làm thay đổi diện mạo, góp phần cùng địa phương từng bước thực hiện đạt các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch, lộ trình đã đề ra. Thời gian tới, tuổi trẻ Ninh Bình tập trung thực hiện các phần việc trong chuyển đổi số, nâng cao năng lực số cho người dân; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường...

Bên cạnh phát huy tính tiên phong, xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ, các cấp bộ Đoàn sẽ huy động tối đa sự vào cuộc của người dân, nguồn lực xã hội hóa để thực hiện hiệu quả công trình, phần việc nhằm lan tỏa mô hình “Làng quê đáng sống”. Từ đó, giúp thay đổi toàn diện, từ diện mạo nông thôn đến nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường sống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa ở địa phương./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục

Nông dân trẻ đam mê sáng tạo máy nông nghiệp

Là người đầu tiên của xã được vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc”, anh Hảo mang lại niềm tự hào cho xã Krông Búk và góp phần thúc đẩy phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn ngày càng phát triển.

3 nữ doanh nhân Việt Nam vào danh sách “Những người phụ nữ quyền lực nhất châu Á 2024"

Tạp chí Fortune của Mỹ tháng 10/2024 công bố danh sách “Những người phụ nữ quyền lực nhất châu Á năm 2024”, gồm 100 phụ nữ hàng đầu đại diện cho nhiều lĩnh vực khác nhau như tài chính, năng lượng, vận tải, thực phẩm và đồ uống, và dịch vụ khách sạn…, trong số đó có 3 nữ doanh nhân Việt Nam.

Hội sinh viên Việt Nam tại Singapore sáng tạo, sâu sắc cùng “Đấu trường trí tuệ”

Tại trường Đại học Curtin (Singapore), Hội sinh viên Việt Nam tại Singapore đã lần đầu tiên tổ chức sự kiện “V-Challenge 2024: Đấu trường trí tuệ”, thu hút đông đảo các học sinh, sinh viên Việt Nam tại Singapore tham gia. Đây là một sân chơi trí tuệ hấp dẫn và thiết thực, trang bị cho học sinh, sinh viên Việt Nam tại Singapore những kỹ năng cần thiết khi học tập và sinh sống tại đây, đồng thời “ôn luyện” những kiến thức văn hóa, lịch sử địa lý…của Việt Nam để truyền đi tinh thần không quên nguồn cội.

Vì một tương lai an toàn trước thiên tai

Sáng 11/10, tại Trường Trung học phổ thông Chuyên Quốc học Huế, thành phố Huế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan đại diện của Liên hợp quốc tại Việt Nam và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai (13/10) và Ngày ASEAN Quản lý thiên tai năm 2024 với chủ đề “Trao quyền cho thế hệ trẻ vì một tương lai an toàn trước thiên tai”.

Phục dựng ảnh cho những gia đình ở Làng Nủ

Làng Nủ có thể nói là địa danh chịu thiệt hại nặng nề nhất trong bức tranh đau thương do thảm kịch thiên tai vừa qua gây ra. Hiện việc tìm kiếm nạn nhân mất tích đã chính thức dừng lại. Những ngày qua, cả nước đã cùng chung tay hướng về Làng Nủ với những nghĩa cử cao đẹp, chia sẻ đau thương, mất mát. Trong đó, một nhóm bạn trẻ đã khởi động dự án Nét ảnh vượt bão, phục dựng những bức ảnh gia đình đoàn tụ để tặng cho những người thân còn lại. Và đằng sau mỗi bức ảnh phục dựng là những câu chuyện nghẹn lòng.

Những bông hoa giữa vùng "chảo lửa" Krông Pa

Phát huy vai trò người phụ nữ thời đại mới, nhiều cán bộ nữ người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Krông Pa (Gia Lai) luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, vượt khó, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Krông Pa - địa hình khó khăn, khí hậu khắc nghiệt được mệnh danh là "chảo lửa" của vùng Tây Nguyên nhưng những người phụ nữ dân tộc thiểu số nơi đây luôn tự tin tỏa sáng trên các lĩnh vực, như những bông hoa giữa núi rừng, tỏa hương làm đẹp cho đời.