Tập trung xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 3 nhóm đối tượng
Tỉnh Bạc Liêu tập trung xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 3 nhóm đối tượng gồm hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn; hộ nghèo, cận nghèo và hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số.
Cán bộ, chiến sĩ Công an các cấp và lực lượng an ninh trật tự cơ sở tích cực tham gia hỗ trợ ngày công lao động. 
Ảnh: TTXVN phát

Chung tay cùng cả nước, tỉnh Bạc Liêu đã huy động tối đa nguồn lực từ sự hỗ trợ của các ban, bộ, ngành Trung ương, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, triển khai thực hiện chương trình “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát”, góp phần mang lại “mái ấm” kiên cố cho người dân trong tỉnh vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

* Lá lành đùm lá rách

Đại tá Hồ Việt Triều, Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết, “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” là phong trào có ý nghĩa, hết sức nhân văn, thể hiện truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc. Từ đầu năm 2025, Bộ Công an đã đồng hành cùng tỉnh Bạc Liêu hỗ trợ xây dựng 700 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo với tổng số tiền 35 tỷ đồng. Bên cạnh hỗ trợ từ Bộ Công an, tỉnh cũng đối ứng 7 tỷ đồng để đảm bảo đồng bộ mức hỗ trợ 60 triệu đồng/căn nhà. Ngay sau khi có chủ trương của lãnh đạo Bộ Công an về việc hỗ trợ 700 căn nhà cho tỉnh, Công an tỉnh đã phối hợp chính quyền địa phương khảo sát, lựa chọn những hộ gia đình thật sự khó khăn về nhà ở, bảo đảm đúng đối tượng cần được hỗ trợ.

Công an tỉnh đã phối hợp với các đơn vị, sở, ngành để tham mưu Bộ Công an, UBND tỉnh thống nhất thiết kế, kết cấu, diện tích… đảm bảo căn nhà đáp ứng đủ tiêu chí 3 cứng (nền cứng, tường cứng, mái cứng), bảo đảm bền, đẹp, tiết kiệm chi phí.

Đại tá Hồ Việt Triều, Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu trực tiếp khảo sát các hộ dân. 
Ảnh: TTXVN phát

Trên tinh thần quyết tâm, quyết liệt để đảm bảo tiến độ đề ra, Công an tỉnh Bạc Liêu đã thành lập Ban Chỉ đạo và tổ chức khảo sát xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh. Qua khảo sát, thị xã Giá Rai có 200 hộ, huyện Hòa Bình có 45 hộ, huyện Vĩnh Lợi có 100 hộ, huyện Phước Long có 55 hộ, huyện Đông Hải có 250 hộ và huyện Hồng Dân có 50 hộ đủ điều kiện nhận hỗ trợ để triển khai xây dựng nhà.

Cán bộ, chiến sĩ Công an các cấp tích cực tham gia hỗ trợ người dân tháo dỡ nhà cũ, vận chuyển vật liệu xây dựng 2 căn nhà mẫu để thẩm định tiêu chuẩn tổ chức lễ bàn giao vào ngày 3/4/2025; sau đó khởi công xây dựng đồng loạt 698 căn nhà còn lại, dự kiến sẽ được hoàn thành trước ngày 19/5/2025 để bàn giao đúng vào dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bám sát kế hoạch đề ra, Công an tỉnh đã phối hợp cùng chính quyền địa phương chọn 2 hộ trong danh sách được nhận hỗ trợ là hộ bà Trương Thị Tuyết (sinh năm 1953) và hộ anh Nguyễn Văn Bi (sinh năm 1978), cùng ngụ ấp Phước Hòa Tiền, thị trấn Phước Long, huyện Phước Long, để triển khai xây dựng nhà mẫu. Đến nay, 2 căn nhà mẫu đã hoàn thiện, đạt chất lượng đúng tiêu chuẩn đề ra.

Trong căn nhà còn thơm mùi sơn mới, bà Trương Thị Tuyết không giấu được niềm xúc động: “Tôi đã ngoài 70 rồi, thuộc diện hộ nghèo, chi phí sinh hoạt hằng ngày đều trông chờ vào tiền công của cháu ngoại làm thợ hồ, thu nhập cũng không ổn định. Căn nhà này xuống cấp từ lâu, tôi chưa từng dám mơ ước mình có tiền để sửa lại. Nay được Bộ Công an xây tặng căn nhà mới khang trang là niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi để an hưởng tuổi già”.

* Vận động các nguồn lực

Để thực hiện hiệu quả phong trào “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát”, tỉnh Bạc Liêu đã thành lập Ban chỉ đạo 3 cấp để chỉ đạo sát sao, kịp thời công tác xóa nhà tạm trên toàn tỉnh; phân bổ chỉ tiêu tới các địa phương cụ thể và kiểm tra, giám sát thường xuyên để có hướng chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời. Tỉnh Bạc Liêu cũng đã đề nghị các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị kêu gọi người dân, doanh nghiệp cùng chung sức thực hiện phong trào mang ý nghĩa nhân văn này.

Qua rà soát, toàn tỉnh Bạc Liêu cần xây dựng, sửa chữa 2.880 căn nhà cho người có công với cách mạng; 1.760 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo; 176 căn nhà cho đồng bào dân tộc thiểu số, dự kiến nguồn lực cần huy động là gần 263 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Út, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bạc Liêu cho biết, năm 2025, tỉnh Bạc Liêu sẽ tập trung thực hiện công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 3 nhóm đối tượng gồm hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn; hộ nghèo, cận nghèo và hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số. Được Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao là cơ quan thường trực, thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã tăng cường vận động các nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành có liên quan cũng như các Huyện ủy, UBND các huyện, thị xã, thành phố tích cực triển khai xây dựng nhà ở cho các nhóm đối tượng để kịp tiến độ được giao.

Với sự quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị tỉnh, chỉ trong 2 tháng triển khai đến trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, toàn tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng hoàn thành và bàn giao 779 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo, giúp người dân có “mái ấm” khang trang đón Tết.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, thời gian qua, tỉnh Bạc Liêu đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để thực hiện thắng lợi mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát. Do nguồn lực của tỉnh có hạn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất mong các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, tập thể, cá nhân trong và ngoài tỉnh tiếp tục hỗ trợ xây dựng mái ấm cho các gia đình hộ nghèo, cận nghèo không có khả năng tự xây dựng nhà, thực hiện tốt hơn công tác an sinh xã hội.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều cho biết, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo; động viên, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo. Tỉnh Bạc Liêu sẽ có những giải pháp cụ thể, thiết thực, giải quyết tốt các vấn đề xã hội và chăm lo tốt hơn đời sống mọi mặt cho nhân dân./.


Tin liên quan

Tuổi trẻ Yên Bái chung tay xóa nhà tạm

Đây không chỉ là hoạt động an sinh xã hội ý nghĩa mà còn thể hiện vai trò xung kích, trách nhiệm của tuổi trẻ trong cải thiện chất lượng sống cho cộng đồng.

Xóa nhà tạm, xây tương lai

Bình Dương sẽ hoàn thành xây mới, sửa chữa 608 căn nhà cho người có công với cách mạng, hộ nghèo và gia đình có hoàn cảnh khó khăn trước ngày 30/6.

Tin cùng chuyên mục

Đổi thay ở huyện nông thôn mới nâng cao đầu tiên của Long An

Từ khi thực hiện xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, người dân luôn đồng tình, nhất trí cao, đồng thuận hiến đất, đóng góp tiền để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, công trình nước sạch và tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Việt Nam - Điểm đến của nhiều lãnh đạo thế giới trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu

Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, tờ Infobae của Argentina đăng bài viết nhận định chuyến thăm của Tổng thống Brazil Lula da Silva đến Việt Nam vào tháng 3 vừa qua, cho thấy sự quan tâm của các nhà lãnh đạo thế giới đối với Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng do tác động từ chính sách thuế quan mới của Mỹ.

Đột phá mới trong quan hệ thương mại số Việt Nam - Ấn Độ

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Việt Nam và Ấn Độ vừa có bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác thương mại điện tử xuyên biên giới thông qua hội thảo chuyên đề được tổ chức tại thành phố Noida, Ấn Độ. Hội thảo với chủ đề "Hợp tác Việt Nam - Ấn Độ trong Thương mại Điện tử Xuyên biên giới" đánh dấu một bước ngoặt mới trong quan hệ hợp tác kinh tế số giữa hai quốc gia đang phát triển năng động bậc nhất châu Á. Sự kiện được tổ chức dưới sự phối hợp của Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương Việt Nam), Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cùng nhiều tổ chức thương mại và công nghiệp của Ấn Độ như GTTCI, WASME, ECMEI, AAFT và Marwah Studios.

Tạo sinh kế bền vững cho người dân làng Nủ

Khi đã “an cư” trong những ngôi nhà kiên cố, người dân Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đang bắt đầu nghĩ đến tương lai “lạc nghiệp”. Tận dụng lợi thế của địa phương, bà con đang nỗ lực tìm hướng đi để tạo sinh kế bền vững. Không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định, đây cũng là cách để người dân mạnh mẽ đứng dậy sau nỗi đau.

Ngày 31/3/2025: Việt Nam cử thêm 3 cán bộ hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar

Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) vừa cử 3 cán bộ tình nguyện tham gia Lực lượng đánh giá nhanh và ứng phó khẩn cấp ASEAN (ASEAN-ERAT) hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar. 3 cán bộ tình nguyện của Việt Nam đã đến Yangon, Myanmar vào tối 31/3/2025. Đây là lần đầu tiên 3 cán bộ tình nguyện của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) tham gia ASEAN-ERAT để phối hợp cùng các cán bộ từ các quốc gia ASEAN hỗ trợ Myanmar điều phối nguồn lực hỗ trợ quốc tế, đánh giá nhanh thiệt hại, xác định những nhu cầu cấp thiết để huy động các nguồn lực hỗ trợ. Trước đó, ngày 28/3/2025, trận động đất có độ lớn 7,7 xảy ra gần Mandalay, thành phố lớn thứ 2 của Myanmar gây ra thiệt hại lớn về người và tài sản tại quốc gia này.

HỌC BÁC MỖI NGÀY: Đồng bào Tây Nguyên khắc ghi lời Bác Hồ dạy

Trong thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam họp tại Pleiku, ngày 19/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “… Ðồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Ðê, Xơ Ðăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau. Vậy nên, tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta… Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt…”.