Qua rà soát và báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, cả nước có khoảng 1.500 dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc, thuộc 20 nhóm vấn đề, trong đó có cả các dự án đầu tư công, dự án đầu tư ngoài ngân sách và dự án đầu tư theo hình thức PPP.
Tuy nhiên, do chất lượng báo cáo của các cơ quan, đơn vị không đồng đều; báo cáo của các địa phương chưa sát thực tế, chưa cung cấp đủ thông tin, số liệu các dự án; vẫn còn tình trạng sợ sai, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm giải pháp xử lý các khó khăn, vướng mắc… nên cần tiếp tục đánh giá thêm và nỗ lực hơn trong xử lý các vướng mắc tại các dự án.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc tại các dự án tồn đọng có ý nghĩa lớn, vừa tháo gỡ các ách tắc, bức xúc của người dân, doanh nghiệp; vừa giải toả được các nguồn lực rất lớn, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân từ các dự án này; vừa tạo cảnh quan, vệ sinh môi trường và góp phần chống lãng phí như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Đánh giá cao Ban Chỉ đạo, nhất là Trưởng Ban Chỉ đạo rất tâm huyết, trách nhiệm, giải quyết có tính “đầu ra”, gỡ vướng, Thủ tướng cho rằng số dự án có khó khăn, vướng mắc có thể chưa thống kê hết, do đó Bộ Tài chính cùng Văn phòng Chính phủ dự thảo tiếp một Công điện của Thủ tướng Chính phủ rà soát lại các công việc, định hướng, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá, phân loại các dự án tồn đọng, vướng mắc, đề xuất các phương án xử lý phù hợp, khả thi, hiệu quả; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/4/2025; nếu không báo cáo đúng ngày này, sau khi “khoá sổ” thì lãnh đạo các địa phương phải chịu trách nhiệm về sau này.
Thủ tướng chỉ rõ, mục tiêu là tháo gỡ khó khăn cho các dự án tồn đọng, kéo dài, không để lãng phí nguồn lực bao gồm nguồn lực của Nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư; khắc phục được hậu quả, đưa nguồn lực vào phục vụ sự phát triển. Từ đó góp phần huy động nguồn lực cho nền kinh tế tăng trưởng 8% năm 2025 và 2 con số những năm tiếp theo; khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; “không để sai chồng sai, không để tạo tiền lệ cho những cái sai tiếp theo”.
Thủ tướng lưu ý quá trình xử lý cần phân loại, đưa ra nguyên tắc, xác định thẩm quyền; nếu có quy định của pháp luật rồi thì vận dụng giải quyết; nếu vấn đề đặc thù mà chưa có cơ chế thì phải đề xuất cơ chế; phải bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng, trong sáng; không né tránh; trách nhiệm của ai thì quá trình làm, rõ đến đâu thì xử lý đến đó; không được để lợi dụng tình hình để trục lợi; tinh thần là hướng đến “đầu ra”, không thắt nút.
Đối với những nhóm dự án vướng mắc về giải phóng mặt bằng, Thủ tướng yêu cầu các địa phương, nhất là cấp xã phường phải giải quyết dứt điểm; bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân.
Đối với nhóm vấn đề liên quan quy hoạch, Thủ tướng yêu cầu rà soát lại quy hoạch, nhất là quy hoạch chuyên ngành, làm căn cứ triển khai các dự án bảo đảm phù hợp, đồng bộ hệ thống quy hoạch chung.
Đối với nhóm dự án vướng mắc liên quan pháp luật về đất đai, liên quan kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án, cho phép các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chính sách đặc thù đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 170 và 171/2024/QH15; tổng hợp các khó khăn, vướng mắc tương tự, thuộc thẩm quyền của ai thì đề xuất tiếp tục vận dụng, coi đây là án lệ, miễn là bảo đảm công khai, minh bạch, phân cấp xuống địa phương để xử lý.
Đối với nhóm các dự án sai phạm trong quá trình thực hiện, đã được triển khai cơ bản khó thu hồi dự án, Thủ tướng yêu cầu tập trung giải pháp, tháo gỡ khó khăn từ thực tiễn, bảo đảm minh bạch, ai sai thì vẫn phải xử lý, không để lọt sai phạm, không làm thất thoát tài sản của Nhà nước, không ảnh hưởng quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng chỉ rõ, các vấn đề kinh tế phải được xử lý bằng vấn đề kinh tế; việc xử lý bằng biện pháp hình sự chỉ là giải pháp cuối cùng; cách xử lý phải hiệu quả, nhân văn, phù hợp, lấy biện pháp kinh tế là cơ bản.
Đối với các dự án khó khăn, vướng mắc, hoặc chưa có quy định của pháp luật điều chỉnh, không áp dụng được cơ chế, chính sách đặc thù mà Quốc hội đã ban hành thì phải nghiên cứu, phân loại, đề xuất cơ chế, chính sách, nhất là phải trình vào Kỳ họp Quốc hội sắp tới.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động, tích cực, khách quan tháo gỡ theo thẩm quyền, vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp thẩm quyền; nỗ lực xử lý dứt điểm trong năm 2025 các dự án này./.