Thể chế hóa các quy định mới của Bộ Chính trị về công tác cán bộ
Các nội dung về giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ, tạm đình chỉ chức vụ… sẽ được sửa đổi đồng bộ với quy định của Đảng, phù hợp với thực tiễn thực hiện.

Bộ Nội vụ cho biết đang tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thể chế hóa các quy định của Bộ Chính trị mới được ban hành về công tác cán bộ, nhằm bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Đảng và quy định của pháp luật, giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện phân cấp mạnh mẽ cho bộ, ngành, địa phương trong công tác cán bộ. Các nội dung về giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ, tạm đình chỉ chức vụ, chuẩn mực đạo đức cán bộ… sẽ được sửa đổi đồng bộ với quy định của Đảng và phù hợp với thực tiễn thực hiện.

* Thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong việc bổ nhiệm cấp phó

Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 của Bộ Chính trị về thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ có nội dung về thẩm quyền giới thiệu nhân sự bổ nhiệm cấp phó tại bước 1 và về thẩm quyền, trình tự thủ tục bổ nhiệm cấp trưởng của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở cấp hành chính do người đứng đầu trực tiếp quản lý khác với quy trình bổ nhiệm 5 bước tại Quy định số 80-QĐ/TW của Bộ Chính trị quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.

Trong khi đó, Nghị định 138/2020/NĐ-CP (về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức) hiện hành quy định, trường hợp các bộ, cơ quan ngang bộ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thí điểm chế độ tập sự lãnh đạo, quản lý và thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý theo chủ trương của Đảng thì quy trình bổ nhiệm thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về tổ chức thí điểm.

Để bảo đảm thống nhất trong quá trình thực hiện, Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ sửa đổi Nghị định 138 theo hướng bổ sung nội dung thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong việc bổ nhiệm cấp phó. Cụ thể là, trường hợp các bộ, cơ quan ngang bộ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thí điểm chế độ tập sự lãnh đạo, quản lý; thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý; thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong việc bổ nhiệm cấp phó (nhân sự từ nguồn tại chỗ hoặc nhân sự từ nguồn ở nơi khác) và đối với bổ nhiệm, miễn nhiệm cấp trưởng của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở cấp hành chính do mình trực tiếp quản lý thì quy trình bổ nhiệm thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

* Tạm đình chỉ công tác

Theo Bộ Nội vụ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ đã rà soát các quy định hiện hành về tạm đình chỉ chức vụ có trong Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng, Nghị định số 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 71/2023/NĐ-CP). Qua rà soát, Bộ Nội vụ đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định về tạm đình chỉ và các nội dung này sẽ được đưa vào Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 138.

Đáng chú ý là sẽ bổ sung quy định về tạm đình chỉ công tác đối với công chức trong trường hợp cần thiết, gồm các quy định về thẩm quyền, căn cứ, thời hạn, quy trình xem xét tạm đình chỉ. Trong đó, công chức bị tạm đình chỉ theo các căn cứ quy định tại Điều 81 của Luật cán bộ, công chức. Ngoài ra, dựa vào các căn cứ như: Có hành vi vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống gây ảnh hưởng tiêu cực, bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến uy tín tổ chức, cá nhân; có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trong quá trình thực thi công vụ; cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Công chức đang bị xem xét, xử lý kỷ luật mà cố ý không thực hiện yêu cầu của cấp có thẩm quyền trong quá trình xem xét, xử lý vi phạm của bản thân hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, ảnh hưởng của mình, của người khác để tác động, gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý. Bên cạnh đó, công chức đã bị xử lý kỷ luật Đảng và đang trong thời gian chờ xem xét, xử lý chức vụ chính quyền mà nếu tiếp tục công tác sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; có văn bản đề nghị tạm đình chỉ công tác của cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc của cơ quan khác có thẩm quyền thì cũng sẽ bị tạm đình chỉ công tác.

Thẩm quyền tạm đình chỉ công tác đối với công chức thực hiện theo quy định của cấp có thẩm quyền. Thời hạn tạm đình chỉ công tác không quá 15 ngày; trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài thời gian tạm đình chỉ nhưng không quá 15 ngày. Riêng trường hợp có văn bản đề nghị tạm đình chỉ công tác của cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc của cơ quan khác có thẩm quyền thì thời hạn tạm đình chỉ sẽ thực hiện theo đề nghị của cơ quan đề nghị.

Bộ Nội vụ cho biết, khi xác định có căn cứ tạm đình chỉ, trong thời hạn 2 ngày, bộ phận tham mưu về tổ chức cán bộ có trách nhiệm tiến hành xác minh, báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền. Chậm nhất sau 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề xuất, người đứng đầu ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với công chức.

“Trường hợp tạm đình chỉ công tác không đúng quy định hoặc khi có kết luận công chức không vi phạm, chậm nhất sau 3 ngày làm việc kể từ ngày có đủ cơ sở, người đứng đầu ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ công tác đối với công chức, đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý công chức”, Bộ Nội vụ cho hay.

Đồng thời, để đáp ứng với yêu cầu thực tiễn quản lý, điều hành, Bộ Nội vụ bổ sung quy định đối với các trường hợp khác không thuộc thẩm quyền tạm đình chỉ của Thủ tướng Chính phủ thì Thủ tướng Chính phủ có quyền yêu cầu cấp có thẩm quyền thực hiện việc tạm đình chỉ theo thẩm quyền. Đối với các trường hợp công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý quyết định hoặc phân cấp, ủy quyền việc quyết định tạm đình chỉ theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 6 Quy định số 148-QĐ/TW (về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước).

* Thống nhất với quy định của Đảng về từ chức, miễn nhiệm, quy trình bổ nhiệm

Cũng theo Bộ Nội vụ, qua rà soát hệ thống các bản quy phạm hiện hành đã có các quy định cụ thể tiêu chuẩn, yêu cầu về đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức, văn hóa công vụ; quyền, nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức; những điều cán bộ, công chức, viên chức không được làm... Nội dung các quy định này về cơ bản phù hợp với Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới; đồng thời, các quy định nêu trên có thể áp dụng trực tiếp, bảo đảm thống nhất với các quy định của pháp luật hiện hành. Do đó, Bộ đề xuất không bổ sung và áp dụng trực tiếp nội dung quy định tại Quy định số 144-QĐ/TW và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Hiện Bộ Nội vụ đang tiếp tục rà soát, chỉnh lý quy định chung bảo đảm thống nhất với quy định của Đảng về từ chức, miễn nhiệm, quy trình bổ nhiệm; bổ sung quy định giao Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức vụ, chức danh liền kề trong cơ quan hành chính nhà nước. Để bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc công tác cán bộ là công tác của Đảng thì trong trường hợp có sự khác nhau giữa văn bản của Đảng và văn bản của Nhà nước do chưa kịp thể chế hóa, Bộ Nội vụ đề xuất bổ sung quy định trường hợp cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy định về công tác cán bộ có nội dung thí điểm hoặc có nội dung khác với quy định hiện hành thì thực hiện theo quy định mới của cấp có thẩm quyền. Bộ Nội vụ hướng dẫn việc thực hiện các quy định này, bảo đảm thực hiện đồng bộ, thống nhất trong các cơ quan hành chính theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước họp Thường trực Tiểu ban Văn kiện

Ngày 13/8, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm - Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng đã chủ trì cuộc họp Thường trực Tiểu ban để cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo chính trị do Tổ Biên tập xây dựng trên cơ sở Đề cương chi tiết Báo cáo chính trị đã được Hội nghị Trung ương 9 khóa XIII thông qua.

Doanh nhân kiều bào tâm huyết với việc đưa hàng Việt Nam vào thị trường Thái Lan

“Chúng tôi sẽ luôn tích cực thực hiện và hưởng ứng Đề án 1797 của Thủ tướng Chính phủ về ‘Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài, giai đoạn 2020-2024’”. Đây là khẳng định của ông Hồ Văn Lâm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Thái-Việt toàn Thái Lan tại hội nghị thường niên lần thứ nhất năm 2024 của Hiệp hội diễn ra mới đây tại tỉnh Udon Thani.

Đảng Cộng sản Việt Nam củng cố đoàn kết dân tộc và đặt nền móng cho một xã hội kiên cường

Bài viết với tựa đề “Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm là tuyên bố tầm nhìn mạnh mẽ, nêu bật những ưu tiên trọng tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay. Đây là đánh giá của Giáo sư Archana Upadhyay, trường Đại học Jawaharlal Nehru, trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại New Delhi.

Tiếp tục chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

Chiến tranh đã qua đi nửa thế kỷ song sự khốc liệt vẫn hiện hữu trong không ít gia đình của những người trở về từ cuộc chiến, bởi di chứng chất độc hóa học do quân đội Mỹ rải xuống chiến trường miền Nam. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam không chỉ là vấn đề từ thiện, nhân đạo; mà còn thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, là lương tâm và trách nhiệm của mỗi người Việt Nam.

Học giả Argentina bày tỏ tin tưởng vào công cuộc phát triển đất nước của Việt Nam

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Buenos Aires nhân sự kiện Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam kiện toàn chức danh Tổng Bí thư, nhà báo Gaston Fiorda - chuyên gia nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á của Đài Phát thanh Quốc gia Argentina - bày tỏ tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được những bước phát triển rực rỡ và nâng vị thế quốc tế của Việt Nam lên tầm cao mới.