Đây là một trong 3 di tích lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở “xứ sở Chùa Vàng”, đồng thời là công trình duy nhất được thiết kế và xây dựng hoàn toàn bởi ngân sách của chính phủ và chính quyền địa phương Thái Lan, thể hiện mối quan hệ lịch sử hữu nghị gắn bó lâu đời giữa hai quốc gia Đông Nam Á.
Theo phóng viên TTXVN tại Thái Lan, Bảo tàng Bản Đông Hồ Chí Minh là công trình do Khoa kiến trúc Đại học Naresuan (tỉnh Phitsanulok) thiết kế với phương châm khoa học, hiện đại và thân thiện nhằm tạo thuận lợi cho mọi đối tượng khách tham quan. Trong bảo tàng có nơi trưng bày triển lãm cố định, với chủ đề “Vén màn bí ẩn Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bản Đông qua ký ức Thái Lan – Việt Nam”. Triển lãm được chia theo các nội dung trưng bày gồm: Mối quan hệ Thái Lan – Việt Nam; Bản Đông xưa; Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam; Địa lý Bản Đông, tỉnh Phichit; Cộng đồng Bản Đông; Những bí mật của Bản Đông; Hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Xiêm (Siam – tên gọi trước đây của Thái Lan); Nỗ lực giải phóng dân tộc; và Người anh hùng.
Chính quyền tỉnh Phichit coi Bảo tàng Bản Đông Hồ Chí Minh là biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị Thái Lan-Việt Nam, luôn dành sự quan tâm, đầu tư cho việc duy trì, nâng cấp và mở rộng khu di tích.
Tại buổi tiếp đoàn công tác của Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, do Đại sứ Phạm Việt Hùng dẫn đầu tới thăm bảo tàng ngày 12/12, ông Phuri Hong Thong, phụ trách quản lý khu bảo tàng cho biết kể từ khi mở cửa năm 2018, Bảo tàng Bản Đông Hồ Chí Minh đã trở thành địa chỉ du lịch văn hóa và học tập nổi bật của tỉnh Phichit. Bảo tàng đã đón tiếp nhiều đoàn khách tham quan của Thái Lan và quốc tế, trong đó có những đoàn doanh nhân, người cao tuổi, học sinh, sinh viên...
Sau vài năm gián đoạn vì dịch COVID-19, Ban quản lý bảo tàng đang tổ chức trở lại nhiều hoạt động, trong đó có kế hoạch khởi động lại giải chạy marathon mini “Theo dấu chân Bác Hồ” từ Bảo tàng Bản Đông Hồ Chí Minh đến ga xe lửa Phichit trong năm 2025 để quảng bá với công chúng về lịch sử và hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất nước Thái Lan, đặc biệt là tại địa danh Bản Đông, tỉnh Phichit.
Đại sứ Phạm Việt Hùng bày tỏ xúc động lần đầu tiên tới thăm Bảo tàng Bản Đông Hồ Chí Minh và bất ngờ với cách bài trí rất khoa học của bảo tàng, với các khu trưng bày và hiện vật được chú thích bằng cả tiếng Việt, tiếng Thái và tiếng Anh, không chỉ kể lại một cách sống động một giai đoạn lịch sử hoạt động cách mạng của Bác Hồ trên đất nước Thái Lan mà còn cho người xem biết thêm về lịch sử văn hóa của địa phương cùng mối quan hệ hữu nghị gắn bó lâu đời giữa hai dân tộc Việt Nam – Thái Lan. Đại sứ Phạm Việt Hùng cảm ơn chính quyền các cấp ở Thái Lan và nhân dân địa phương đã xây dựng, bảo tồn và tuyên truyền giá trị lịch sử của di tích, đồng tình với kế hoạch triển khai các hoạt động sắp tới của Ban quản lý bảo tàng, đồng thời khẳng định Đại sứ quán Việt Nam sẽ hết sức ủng hộ việc kết nối với các cơ quan hữu quan của Việt Nam về công tác sưu tầm tư liệu, hiện vật cho bảo tàng, cũng như phối hợp, tham gia các sự kiện, hoạt động do bảo tàng tổ chức để góp phần quảng bá thêm cho nhân dân Việt Nam biết tới và đến thăm bảo tàng.
Hiện tại, Bảo tàng Bản Đông Hồ Chí Minh đã vận động bà con người Thái gốc Việt, cơ quan chính quyền các cấp của Thái Lan, các tổ chức tư nhân, trong đó có cả người Việt tham gia bảo tồn và phổ biến các giá trị lịch sử của cộng đồng Bản Đông và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, ông Lê Viết Trọng, Phó Chủ tịch Tổng hội người Việt Nam tại Thái Lan, Chủ tịch Hội người Việt tỉnh Chayaphum, xúc động cho biết ông rất ngưỡng mộ tâm huyết của người dân và chính quyền sở tại đã xây dựng khu bảo tàng về Bác Hồ, để những người Thái gốc Việt như ông khi đến đây có dịp được thấy lại những dấu tích của Bác tại Phichit trong hành trình tìm đường cứu nước. Ông Lê Viết Trọng cho biết trong thời gian qua, Tổng hội đã có những hoạt động để quảng bá, giới thiệu về khu di tích và tổ chức các chuyến đưa bà con kiều bào tại Thái Lan tới thăm quan bảo tàng. Trong năm tới, Tổng hội cũng có kế hoạch tổ chức cuộc gặp mặt với ban lãnh đạo xã Pamakab để thảo luận cách thức mà Tổng hội có thể phối hợp, đóng góp với chính quyền xã nhằm phát triển bảo tàng hơn nữa.
Trước đó, đoàn công tác của Đại sứ Phạm Việt Hùng đã có buổi làm việc với lãnh đạo chính quyền tỉnh Phichit. Quyền Tỉnh trưởng tỉnh Phichit, bà Taneeya Naipinit, bày tỏ vinh dự đón tiếp Đại sứ Phạm Việt Hùng tới thăm tỉnh, khẳng định chính quyền và nhân dân tỉnh Phichit mong muốn thúc đẩy quan hệ mọi mặt với Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp với nhiều sản vật của tỉnh hiện đã có mặt tại Việt Nam như gạo thơm, xoài… Lãnh đạo tỉnh Phichit cũng mong muốn Đại sứ quán làm cầu nối giúp Phichit kết nghĩa với một địa phương của Việt Nam để góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác gắn bó giữa hai bên./.
Đỗ Sinh – Huy Tiến