Các tuyến đường được bê tông hóa, mở rộng nhờ người dân tự nguyện hiến đất. |
Ảnh: TTXVN phát |
Phát huy phẩm chất Bộ đội cụ Hồ, truyền thống “Trung thành - Đoàn kết - Gương mẫu - Đổi mới”, Hội Cựu chiến binh tỉnh Bình Định đã có nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, đóng góp quan trọng vào thành công chung của chương trình nông thôn mới, đô thị văn minh
Toàn tỉnh hiện có trên 33 nghìn hội viên, sinh hoạt tại 1.141 chi hội. Với số lượng hội viên đông đảo, Hội Cựu chiến binh tỉnh đã phối hợp với các ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên về ý nghĩa, mục đích của chương trình; đồng thời, phát động phong trào "Cựu chiến binh nêu gương sáng, tích cực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", với mục tiêu mỗi cơ sở hội có ít nhất một công trình, phần việc. Bên cạnh đó, Hội còn lồng ghép nội dung xây dựng nông thôn mới với các phong trào "Cựu chiến binh gương mẫu", "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", các cuộc vận động “Hiến kế, góp công, góp tiền, hiến đất”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”…
Kết quả, trong 5 năm qua, nhiều hội viên đã đồng thuận, tự nguyện hiến hơn 80 nghìn m2 đất, đóng góp hàng trăm triệu đồng, tham gia gần 63 nghìn ngày công làm đường giao thông nông thôn, lắp điện chiếu sáng, vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, xây dựng tuyến đường kiểu mẫu…
Đặc biệt, từ năm 2022 đến nay, Hội Cựu chiến binh tỉnh đã thành lập hơn 50 mô hình Câu lạc bộ “Cựu chiến binh bảo vệ môi trường”. Các hội viên trong câu lạc bộ là lực lượng nòng cốt, nhân tố tích cực tham gia tuyên truyền công tác bảo vệ môi trường tới cán bộ, nhân dân.
Nhằm nâng cao đời sống cho hội viên, góp phần thực hiện tiêu chí về thu nhập trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, Hội Cựu chiến binh các cấp đẩy mạnh phong trào thi đua “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”. Phong trào đã khơi dậy tinh thần đồng chí, đồng đội, tương thân, tương ái… góp phần giúp đỡ hàng trăm hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững.
Các tuyến đường được bê tông hóa, mở rộng nhờ người dân tự nguyện hiến đất. |
Ảnh: TTXVN phát |
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Bình Định Trần Đức Thắng cho hay, để có nguồn vốn hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, Hội đã nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội giúp trên 13.600 lượt hội viên vay vốn, tổng dư nợ trên 841 tỷ đồng. Ngoài ra, hội viên còn tự đóng góp được hàng tỷ đồng, cho nhau vay không lãi suất để phát triển sản xuất, kinh doanh. Toàn tỉnh hiện có 77 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 6 hợp tác xã, 8 tổ hợp tác, 40 trang trại, 519 gia trại, 5.448 hộ kinh doanh dịch vụ do cựu chiến binh làm chủ, thu hút gần 15 nghìn lao động.
Đặc biệt, để thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo trong toàn tỉnh, các cấp Hội còn huy động được trên 420 triệu đồng để mua, tặng 42 con trâu, bò giống cho hội viên nghèo ở các huyện miền núi. Với những hoạt động tích cực, hằng năm, các cấp Hội trong tỉnh giảm từ 1,3-1,5% hộ nghèo; có 96 xã, phường, thị trấn và 7 huyện, thị xã, thành phố không còn hội viên nghèo.
Để góp phần hoàn thành tiêu chí về nhà ở, Hội Cựu chiến binh tỉnh thường xuyên kiểm tra, khảo sát những gia đình hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trên cơ sở đó vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ; phát động các hội viên tham gia đóng góp hơn 870 nghìn đồng/hội viên/năm để gây Quỹ “Nghĩa tình đồng đội”, giúp các trường hợp này được an cư lạc nghiệp.
Theo Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Bình Định Trần Đức Thắng, thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo của tập thể, cá nhân hội viên trong tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững; thực hiện tốt chương trình hỗ trợ nhà ở cho hội viên, tạo điều kiện để hội viên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu chính đáng./.