Thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Thái Lan thực chất và hiệu quả hơn
Nhận lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Hoàng gia Thái Lan thăm chính thức Việt Nam và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 4 Nội các chung Việt Nam – Thái Lan từ ngày 15-16/5. Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Bangkok có cuộc phỏng vấn với Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phạm Việt Hùng về ý nghĩa chuyến thăm, thế mạnh trong quan hệ hai nước và cách thức thúc đẩy quan hệ song phương. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

Phóng viên: Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa chuyến thăm của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra đối với quan hệ hai nước Việt Nam – Thái Lan trong giai đoạn hiện nay?

Đại sứ Phạm Việt Hùng: Đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của một Thủ tướng Thái Lan sau 11 năm kể từ chuyến thăm của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha năm 2014, diễn ra vào thời điểm hai nước đang hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1976–2026), dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường giữa Việt Nam và Thái Lan tiếp tục phát triển tốt đẹp, toàn diện và ngày càng đi vào chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực, chuyến thăm sẽ là dịp quan trọng để hai bên đưa mối quan hệ đó tiếp tục phát triển lên tầm cao mới, thực chất và hiệu quả hơn.

Phóng viên: Xin Đại sứ cho biết những vấn đề nào sẽ là nội dung trọng tâm trong chuyến thăm của Thủ tướng Paetongtarn?

Đại sứ Phạm Việt Hùng: Trong chuyến thăm, hai bên sẽ tiến hành họp Nội các chung lần thứ 4, cơ chế với tên gọi rất đặc biệt thể hiện sự quan tâm cao và quyết tâm chung nhằm phát triển quan hệ song phương.

Dưới sự đồng chủ trì và chỉ đạo trực tiếp của hai Thủ tướng hai nước, hai bên sẽ rà soát, giải quyết những vấn đề đang đặt ra và xác định phương hướng hợp tác trên tất các lĩnh vực. Về chính trị – ngoại giao, hai bên sẽ tập trung trao đổi các biện pháp tiếp tục củng cố sự tin cậy chính trị, trao đổi đoàn và hợp tác giữa tất cả các kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội và địa phương, phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt trong khuôn khổ ASEAN và các cơ chế tiểu vùng Mekong. Về kinh tế - thương mại – đầu tư, hai bên sẽ cùng rà soát tiến độ triển khai các kế hoạch, sáng kiến trong lĩnh vực này, trong đó có sáng kiến “Ba kết nối”, đồng thời thúc đẩy các biện pháp mở rộng hợp tác, hướng tới mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 25 tỷ USD trong thời gian tới theo hướng cân bằng, bền vững; thu hút đầu tư của Thái Lan vào những lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam. Về văn hóa, giáo dục và giao lưu nhân dân, hai bên sẽ thảo luận về biện pháp kết nối giữa các địa phương, cũng như tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa, du lịch, tạo nền tảng xã hội bền vững cho quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Phóng viên: Bên cạnh những vấn đề mà Đại sứ vừa đề cập, theo Đại sứ, trong thời gian tới, có thêm những lĩnh vực mới nào mà hai nước đang có dư địa và tiềm năng hợp tác lớn?

Đại sứ Phạm Việt Hùng: Bên cạnh các lĩnh vực hợp tác truyền thống đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thời gian tới, Việt Nam và Thái Lan có rất nhiều dư địa để mở rộng hợp tác trong một số lĩnh vực mới, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay và chiến lược phát triển của mỗi nước như: chuyển đổi số và kinh tế số; năng lượng tái tạo và tăng trưởng xanh…

Phóng viên: Đại sứ kỳ vọng gì vào kết quả chuyến thăm lần này của Thủ tướng Paetongtarn?

Đại sứ Phạm Việt Hùng: Chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra sẽ đánh dấu một mốc quan trọng, góp phần đưa quan hệ Việt Nam – Thái Lan lên một tầm cao mới, giúp củng cố mạnh mẽ lòng tin chính trị và sự hiểu biết lẫn nhau giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, là dịp để hai bên rà soát toàn diện các lĩnh vực hợp tác, tháo gỡ vướng mắc, thống nhất các định hướng lớn và biện pháp cụ thể, tạo xung lực mới cho hợp tác song phương trong thời gian tới. Các văn kiện hợp tác dự kiến được hai bên ký kết sẽ tạo nền tảng mới cho hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức xã hội cũng như tăng cường kết nối giữa nhân dân hai nước, góp phần củng cố vững chắc nền tảng hữu nghị và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực.

Phóng viên: Xin cám ơn Đại sứ!./.

Đỗ Sinh – Huy Tiến

Tin cùng chuyên mục

Tạo nền tảng vững chắc đưa quan hệ song phương giữa Việt Nam và các nước lên tầm cao mới

Ngày 13/5, chuyên cơ chở Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về đến Sân bay Quốc tế Nội Bài, Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Azerbaijan, dự Lễ kỉ niệm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại và thăm chính thức Liên bang Nga, thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Belarus. Nhân dịp này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trả lời phỏng vấn báo chí về ý nghĩa và những kết quả nổi bật của chuyến thăm. Sau đây là nội dung phỏng vấn:

Tổng Bí thư gặp cán bộ Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Belarus

Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Belarus từ ngày 11-12/5/2025, sáng 12/5 (giờ địa phương), Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có cuộc gặp gỡ các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Belarus, đại diện cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Belarus.

Vợ chồng U90 nấu cơm chay miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn

Nhiều năm qua, căn nhà số 207 Nguyễn Văn Đậu (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) đã trở thành một địa chỉ quen thuộc, giúp "ấm lòng" cho những người lao động nghèo. Nơi đây, vợ chồng cụ Trần Văn Hồng (90 tuổi) và cụ Nguyễn Thị My (74 tuổi) đã lặng lẽ nấu hàng trăm suất cơm chay miễn phí để tặng cho những người có hoàn cảnh khó khăn.

Hải Phòng - thành phố nơi cửa biển vươn mình

Trong “Thư gửi đồng bào Hải Phòng” đăng trên báo Nhân dân ngày 14/5/1955, nhân dịp thành phố vừa được giải phóng vào ngày 13/5/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ân cần hỏi thăm đời sống của nhân dân thành phố và nhắc nhở mọi người phải đoàn kết, thực hiện tốt những nhiệm vụ cấp thiết trước mắt, khẩn trương khôi phục thành phố sau những năm chiến tranh.

Thúc đẩy hợp tác ngoại giao Việt Nam – Thuỵ Điển

Chiều 12/5, tại Trụ sở Chính phủ, tiếp ông Benjamin Dousa, Bộ trưởng Hợp tác phát triển quốc tế và Ngoại thương Thụy Điển, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn coi trọng tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt tốt đẹp với Thụy Điển; tin tưởng chuyến thăm của Bộ trưởng Benjamin Dousa tới Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác hai nước thời gian tới.

Lễ công bố Ga Hải Phòng trở thành "Điểm du lịch" và khai trương đoàn tàu chất lượng cao mang tên "Hoa Phượng Đỏ"

Chào mừng kỷ niệm 70 năm giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 - 13/5/2025), sáng 10/5/2025, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với thành phố Hải Phòng tổ chức Lễ công bố Ga Hải Phòng trở thành "Điểm du lịch" và khai trương đoàn tàu chất lượng cao mang tên "Hoa Phượng Đỏ". Ga Hải Phòng được xây dựng từ năm 1902, là một trong những nhà ga cổ kính và có giá trị lịch sử bậc nhất của ngành đường sắt. Ngày 21/10/1946, chuyến tàu khởi hành từ nơi đây đã đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Thủ đô Hà Nội sau khi tham dự hội nghị Fontainebleau tại Pháp. Từ đó, ngày 21/10 đã trở thành Ngày truyền thống của Đường sắt Việt Nam. Với kiến trúc Pháp cổ, ga Hải Phòng không chỉ là điểm trung chuyển giao thông, còn là công trình mang đậm giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật gắn liền với quá trình hình thành, phát triển của thành phố Cảng. Đoàn tàu "Hoa Phượng Đỏ" là sản phẩm du lịch mang đậm dấu ấn đặc trưng của thành phố Cảng, chắc chắn sẽ trở thành lựa chọn mới của du khách khi đến với Hải Phòng.

Chính phủ thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã năm 2025

Tại Nghị quyết số 125/NQ-CP và Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 9/5/2025, Chính phủ đã thông qua hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025 và thông qua 34 hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025 do Bộ Nội vụ trình. Theo đó, cả nước có 34 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh gồm 6 thành phố trực thuộc trung ương (Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh) và 28 tỉnh (gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Gia Lai, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đồng Nai, Tây Ninh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cà Mau, An Giang). Sau khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã năm 2025, cả nước còn tổng số 3.321 ĐVHC cấp xã (2.636 xã, 672 phường và 13 đặc khu). Trong đó có 3.193 ĐVHC cấp xã hình thành mới do sắp xếp, sáp nhập, điều chỉnh ĐVHC cấp xã và 128 ĐVHC không thực hiện sắp xếp (giữ nguyên), giảm 6.714 ĐVHC cấp xã (từ 10.035 xuống còn 3.321) so với trước khi sắp xếp ĐVHC cấp xã (đạt tỉ lệ giảm 66,91%).