“Tiết học biên cương”: Bồi đắp tình yêu Tổ quốc cho thế hệ trẻ
Giáo án cho “Tiết học biên cương” được các thầy giáo "quân hàm xanh" xây dựng với các chuyên đề phù hợp đối với từng cấp học, sử dụng phần mềm trình chiếu slide powerpoint có minh họa hình ảnh sống động.
Đồn Biên phòng Bảo Lâm và học sinh Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở xã Bảo Lâm, huyện Cao Lộc, tham gia “Tiết học biên cương” tại cột mốc 1140. 
Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

Từ năm 2023, các Đồn Biên phòng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với các trường học trong tỉnh tổ chức hiệu quả chương trình “Tiết học biên cương”, qua đó góp phần bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ…

Thượng tá Nguyễn Xuân Thanh, Phó Chính ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Tiết học biên cương” năm 2024 triển khai từ tháng 5, đến nay đã tổ chức được 12 buổi cho hơn 700 cán bộ, giáo viên và học sinh. Tiết học được tổ chức theo tuần, tháng hoặc quý, nhân các ngày kỷ niệm lớn của đất nước, Ngày Biên phòng toàn dân và các dịp phù hợp.

Đối tượng tham gia gồm: Cán bộ, chiến sỹ các đồn Biên phòng; cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục... Địa điểm tổ chức chương trình tại doanh trại các đồn Biên phòng, tiểu đoàn huấn luyện - cơ động, Bộ đội Biên phòng tỉnh; nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ ở khu vực biên giới; các nhà trường trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng xã hội học tập; kế hoạch phối hợp giữa Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo về "Đẩy mạnh công tác xây dựng xã hội học tập" ở địa bàn khu vực biên giới, giai đoạn 2018 - 2025. Đây cũng là hoạt động nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về biên giới, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng; cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên đối với sự nghiệp xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, biên giới quốc gia, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn cho biết thêm, giáo án cho “Tiết học biên cương” được các thầy giáo "quân hàm xanh" xây dựng với các chuyên đề phù hợp đối với từng cấp học, sử dụng phần mềm trình chiếu slide powerpoint có minh họa hình ảnh sống động. Tại tiết học, các đoàn viên, đội viên, thiếu niên, nhi đồng sẽ được truyền đạt những kiến thức về truyền thống Bộ đội Biên phòng; quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của cư dân vùng biên; các kỹ năng nhận biết đâu là vùng cấm; dấu hiệu nhận biết đường biên, cột mốc biên giới; quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ, hoạt động trong khu vực biên giới...

Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và Trường Trung học Cơ sở thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tổ chức “Tiết học biên cương” tại cột mốc 1114/2. 
Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN

Sau khi đứng lớp “Tiết học biên cương” của Trường Trung học Cơ sở thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc) tổ chức tại cột mốc 1114/2, Trung tá Vũ Anh Linh, Chính trị viên, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị chia sẻ, đơn vị luôn quan tâm phối hợp, tổ chức “Tiết học biên cương” phù hợp với từng lứa tuổi, bậc học, kết hợp hướng dẫn cho giáo viên, học sinh trải nghiệm tại thực địa đường biên, cột mốc, giúp các em dễ hiểu, dễ nhớ và tạo sự hứng thú trong học tập. Ngoài ra, đơn vị đã tổ chức in ấn gần 4.700 vở học tập, trích một số điều Luật Biên phòng Việt Nam in trên trang bìa vở tặng cho học sinh các trường học trên địa bàn. Qua đó, góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của học sinh trong việc bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.

Tham gia cùng cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Bảo Lâm (huyện Cao Lộc) và giáo viên, học sinh Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở xã Bảo Lâm trong buổi thực tế trải nghiệm “Tiết học biên cương” tại cột mốc 1141, 1140, Thượng tá Đỗ Văn Thoan, Chính trị viên Đồn Biên phòng Bảo Lâm cho hay, bằng trực quan sinh động, giáo viên, học sinh được trực tiếp quan sát, tìm hiểu về cột mốc, biết vị trí đường biên giới trên thực địa. Qua đó, góp phần tuyên truyền, giáo dục cho giáo viên, học sinh về chủ quyền biên giới, đẩy mạnh phong trào quần chúng tham gia bảo vệ đường biên, mốc quốc giới trên địa bàn.

Qua “Tiết học biên cương”, thầy giáo mang quân hàm xanh của Đồn Biên phòng Bảo Lâm đã trực tiếp giảng dạy, giới thiệu đến các giáo viên, học sinh về đường biên, cột mốc, chủ quyền biên giới quốc gia; xem trình chiếu những hình ảnh về hoạt động tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc của lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh và hình ảnh người dân ở khu vực biên giới tham gia phát quang đường tuần tra, đường thông tầm nhìn biên giới, xây dựng đường kiểm tra cột mốc, bảo vệ biên giới trong thời gian qua. Các giáo viên, học sinh còn được giao lưu văn nghệ, tham quan doanh trại, trực tiếp trải nghiệm cách gấp chăn, màn, sắp xếp nội vụ của cán bộ, chiến sỹ Biên phòng.

Chiến sỹ Đồn Biên phòng Bảo Lâm hướng dẫn giáo viên, học sinh Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở xã Bảo Lâm gấp chăn theo cách của bộ đội trong “Tiết học biên cương”.
 Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

Em Hà Triệu Vy (lớp 7A1, Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở xã Bảo Lâm) tâm sự, được trải nghiệm thực tế biên giới và nghe các chú Bộ đội Biên phòng tuyên truyền, giới thiệu về lịch sử đường biên, cột mốc, chúng em hiểu thêm về chủ quyền biên giới quốc gia. Chúng em cần cố gắng học tập, phấn đấu nhiều hơn nữa để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cô Hà Thúy Vân, giáo viên Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở xã Bảo Lâm cho biết, “Tiết học biên cương” và các hoạt động ngoại khóa không chỉ giúp nâng cao hiểu biết, củng cố thêm tình yêu quê hương, đất nước cho giáo viên, học sinh mà còn giúp hiểu thêm về quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng, những quy định người dân cần phải chấp hành khi đi lại, ra vào khu vực biên giới. Hoạt động này có ý nghĩa sâu sắc và hiệu quả trong trường học. Bộ đội Biên phòng và các nhà trường cần tiếp tục phối hợp, triển khai sâu rộng hơn nữa "Tiết học biên cương" trong thời gian tới.

Lạng Sơn có 21 xã, thị trấn biên giới thuộc 5 huyện: Đình Lập, Lộc Bình, Cao Lộc, Văn Lãng và Tràng Định. Tại các xã, thị trấn biên giới hiện có trên 30 trường từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông với hơn 10.000 học sinh; có 11 Đồn Biên phòng đứng chân trên địa bàn... Từ năm 2023 đến nay, các Đồn Biên phòng đã phối hợp với các nhà trường trong tỉnh tổ chức được khoảng 50 “Tiết học biên cương” kết hợp hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa với trên 5.000 lượt giáo viên, học sinh tham gia./.

Tin cùng chuyên mục

10 di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO ghi danh

Ngày 8/5/2024, tại Hội nghị Toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO, hồ sơ “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” của Việt Nam chính thức được ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO. Đây là di sản tư liệu thứ 10 của Việt Nam được UNESCO ghi danh.

“Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO

Ngày 8/5/2024, trong khuôn khổ Hội nghị Toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO được tổ chức tại Mông Cổ, hồ sơ “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” được vinh danh Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO.

Nhiều hoạt động đắc sắc tại “Festival Biển đảo Việt Nam - TP Vũng Tàu 2024”

“Festival Biển đảo Việt Nam - TP Vũng Tàu 2024” diễn ra từ 23 - 26/5/2024. Sự kiện nhằm mục đích giới thiệu, tôn vinh, giữ gìn các giá trị di sản văn hóa miền biển, kích cầu du lịch khách nội địa, cổ vũ tình yêu, niềm tự hào về quê hương đất nước, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, vị trí chiến lược, tiềm năng vô cùng to lớn của Biển đảo Việt Nam.

298 bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam

Theo Quyết định số 323/QĐ-BGTVT, ngày 29/3/2024 của Bộ Giao thông Vận tải, cả nước có 298 bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam. Trong đó, Hải Phòng là địa phương có số lượng bến cảng nhiều nhất cả nước (50 bến cảng).

Việt Nam phấn đấu hình thành 7 cụm liên kết ngành kinh tế biển đến năm 2030

Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 hình thành 7 cụm liên kết ngành kinh tế biển; tạo dựng các cụm liên kết ngành kinh tế biển phát triển hiệu quả, có sức cạnh tranh hội nhập cao gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia, tạo động lực thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững kinh tế biển cả nước và các khu vực vùng biển-ven biển, hướng đến trở thành quốc gia biển mạnh thời kỳ đến năm 2030.

Việt Nam nỗ lực rất lớn trong hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người

Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền LHQ được Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố ngày 15/4/2024. Báo cáo cung cấp tình hình cập nhật với những dẫn chứng, thông tin và số liệu cụ thể, qua đó khẳng định nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người.

Việt Nam đạt nhiều thành tựu trong bảo vệ, thúc đẩy quyền con người

Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền LHQ được Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố ngày 15/4/2024. Theo đó, báo cáo cung cấp tình hình cập nhật với những dẫn chứng, thông tin và số liệu cụ thể, qua đó khẳng định nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người.