50 năm Thống nhất đất nước: Báo chí Algeria ca ngợi sự phát triển ngoạn mục của Việt Nam
Trong một bài viết mang đậm chất trải nghiệm cá nhân và cảm xúc với tựa đề “Hòn ngọc phương Đông dang rộng vòng tay chào đón chúng ta: Bình yên, sang trọng và đầy gợi cảm!”, đăng trên chuyên mục quốc tế của tờ báo tiếng Pháp La Patrie News của Algeria, nhà báo Mohamed Abdoun, phóng viên được biệt phái đến Việt Nam để đưa tin về sự kiện “50 năm Thống nhất đất nước”, đã chia sẻ những ấn tượng sâu sắc về Việt Nam – một quốc gia đang từng bước khẳng định vị thế trong khu vực và trên thế giới nhờ vào sự kiên cường, phát triển năng động và bản sắc văn hóa phong phú.

Theo phóng viên TTXVN tại Algeria, mở đầu bài viết, tác giả mô tả hành trình đến Việt Nam như một giấc mơ thành hiện thực, khi ông đặt chân tới Thành phố Hồ Chí Minh – trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, từng mang tên gọi Sài Gòn. Từ ấn tượng đầu tiên, thành phố hiện lên với hình ảnh “miền đất thần kỳ nhiệt đới”, nơi có vô số loại trái cây thơm ngon và người dân luôn thân thiện, hiền hòa với du khách dù bất đồng ngôn ngữ.

Tác giả đặc biệt nhấn mạnh đến sức sống và tinh thần vượt khó của người Việt Nam – một dân tộc từng chịu đựng hai cuộc chiến tranh tàn khốc, đối đầu với 2 cường quốc quân sự hàng đầu thế giới và bị tàn phá nặng nề nhưng vẫn đứng dậy mạnh mẽ để phát triển, xây dựng đất nước. Theo ông, Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ nhất châu Á, và điều đó phần lớn đến từ sự kiên định, tinh thần cộng đồng và ý chí vượt lên chính mình của người dân.

Đối với tác giả, Việt Nam không chỉ là một điểm đến du lịch, mà còn là biểu tượng của sự phục hồi và đổi mới. Ông trích dẫn những con số tăng trưởng kinh tế được các tổ chức tài chính quốc tế xác nhận để chứng minh cho sự phát triển của Việt Nam, bất chấp những khó khăn toàn cầu. Trong khi nhiều nơi trên thế giới còn chật vật vượt qua khủng hoảng, Việt Nam cho thấy một hướng đi kiên định, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc và hội nhập.

Tác giả cũng không quên nhắc đến những biểu tượng lịch sử gắn liền với Việt Nam như trận Điện Biên Phủ hay Đại tướng Võ Nguyên Giáp – những dấu ấn góp phần tạo dựng hình ảnh một dân tộc dũng cảm, giàu lòng tự tôn và sẵn sàng hi sinh vì độc lập, tự do.

Trong phần tiếp theo, bài viết dành nhiều thời gian để miêu tả trải nghiệm văn hóa độc đáo của tác giả khi khám phá Thành phố Hồ Chí Minh. Ông kể lại những giờ phút đi bộ giữa các con phố, ghé thăm các ngóc ngách nhỏ nhưng giàu tính nghệ thuật, chiêm ngưỡng vẻ đẹp hòa quyện giữa nhà cao tầng hiện đại và những ngôi chùa Phật giáo giản dị.

Một điểm nhấn đặc biệt trong bài viết là việc tác giả ghi nhận sự đoàn kết, tinh thần tập thể và lòng mến khách của người Việt. Hình ảnh người dân đổ ra đường mỗi tối để cùng tập thể dục, sinh hoạt cộng đồng, trò chuyện và chia sẻ đã khiến ông liên tưởng đến khái niệm “cộng sinh xã hội”, nơi mỗi cá nhân đều sẵn sàng hỗ trợ người khác và hướng đến sự phát triển chung.

Ngoài những cảm nhận cá nhân, bài viết cũng bày tỏ mong muốn thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Algeria, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ, công nghiệp ô tô, dệt may và trí tuệ nhân tạo. Theo tác giả, sự hợp tác giữa hai quốc gia đang phát triển và cùng chia sẻ khát vọng vươn lên sẽ mang lại lợi ích thiết thực và lâu dài cho cả hai bên.

Khép lại bài viết, tác giả khẳng định: “Không ai đến Sài Gòn rồi có thể rời xa hoàn toàn thành phố ấy. Cũng không ai có thể nói là mình đã thật sự đến nơi đó, bởi lẽ nơi đây luôn vận động, đổi mới và khiến người ta muốn trở lại”. Với lối viết đầy cảm xúc nhưng không kém phần sâu sắc, bài viết là minh chứng sống động cho sức hấp dẫn ngày càng lớn của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế – không chỉ ở khía cạnh du lịch, mà còn là hình mẫu phát triển giàu bản sắc và nhân văn./.

Trung Khánh

Tin cùng chuyên mục

“Đặt kế hoạch thật tốt và thật sát là rất cần”

Tại Hội nghị phổ biến kế hoạch nhà nước năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Đặt kế hoạch thật tốt và thật sát là rất cần, nhưng đó chỉ là bước đầu…”. “Kế hoạch 10 phần thì biện pháp cụ thể phải 20 phần, chỉ đạo thực hiện sát sao phải 30 phần. Có như thế mới chắc chắn hoàn thành tốt kế hoạch”.

Khơi dậy niềm tự hào dân tộc

Ông Phan Xuân Diệu chia sẻ, theo tiếng gọi của non sông Tổ quốc, năm 17 tuổi, ông rời quê hương xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình) lên đường chiến đấu.

Long An: 50 năm phát triển cùng đất nước

Long An đang từng bước khẳng định vị thế là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn. Đây cũng là địa phương có diện tích khu công nghiệp được quy hoạch lớn thứ 2 cả nước (sau Bình Dương)...

Chương trình Kỷ niệm 50 năm Giải phóng Côn Đảo

Tối 3/5, tại nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chỉ đạo, Đài Truyền hình Việt Nam và tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu phối hợp tổ chức Chương trình nghệ thuật chính luận “Kỷ niệm 50 năm Giải phóng Côn Đảo (1/5/1975–1/5/2025)” với chủ đề "Côn Đảo- Hùng ca ý chí Việt Nam".

Doanh nghiệp Việt nắm bắt xu thế để vào thị trường Canada

Tham gia triển lãm thực phẩm lớn nhất Bắc Mỹ SIAL tại Canada năm nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã nắm bắt được xu thế đa dạng hóa thị trường và chuỗi cung ứng của phía Canada để tham gia với quy mô lớn cả về số lượng doanh nghiệp lẫn chủng loại hàng hóa. Điều này thể hiện sự nhạy bén của Thương vụ Việt Nam tại Canada trong việc kết nối các doanh nghiệp của hai nước trong bối cảnh phức tạp về thuế quan.  

Hưng Yên đinh ninh lời Bác

Hưng Yên là mảnh đất mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều sự quan tâm, quý mến. Sinh thời Bác đã 10 lần về thăm Hưng Yên. Trong những năm kháng chiến, lần đầu tiên về Hưng Yên Bác nhắn nhủ: "Tôi chỉ có một lời là chúng ta phải hết sức thương yêu nhau, đoàn kết chặt chẽ và làm việc giúp đỡ đồng bào kháng chiến đánh Pháp và giúp đỡ đồng bào cứu đói".

Lan tỏa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”

Năm 1947, khi được tin con trai bác sĩ Vũ Đình Tụng hy sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một bức thư gửi bác sĩ. Thư viết: “Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột. Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi; vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn luôn sống với non sông Việt Nam...”