Sức sống mãnh liệt ở miền núi Bác Ái anh hùng
Không chỉ giỏi trong đấu tranh chống giặc, thời bình đồng bào Raglai ở Bác Ái còn đảm đang, nỗ lực xóa cái “đói”, cái “nghèo” để vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất anh hùng này.
Bà con Raglai ở xã Phước Đại, phơi và thu lúa vụ Đông Xuân để bán cho thương lái.
Ảnh: Công Thử/TTXVN

Trong những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi tìm đến huyện miền núi Bác Ái, cái nôi của phong trào cách mạng đã sản sinh ra những người con ưu tú, kiên trung, bất khuất trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm đầy “hoa lửa”, tạo kỳ tích làm nên một Bác Ái anh hùng, góp phần vào thắng lợi to lớn của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đưa non sông thu về một mối.

Không chỉ giỏi trong đấu tranh chống giặc, thời bình đồng bào Raglai ở Bác Ái còn đảm đang, nỗ lực xóa cái “đói”, cái “nghèo” để vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất anh hùng này. Hòa chung sự kiện trọng đại của đất nước đón mừng 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất Đất nước, những ngày qua, sắc xuân “cờ hoa” đỏ thắm đã nở rộ đầy những con đường, cửa nhà, ngõ xóm ở Bác Ái; đồng bào vô cùng háo hức, phấn khởi chờ đón sự kiện lịch sử trọng đại này.

Vùng đất của những anh hùng cách mạng

Bẫy đá Pinăng Tắc (ở đường lên xã Phước Bình, địa điểm được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử kháng chiến), nơi do anh hùng Pinăng Tắc (Anh hùng LLVT Nhân dân) chỉ huy đánh trận phục kích bằng bẫy đá tiêu diệt hơn 100 tên dịch.
Ảnh: TTXVN phát 

Huyện Bác Ái được thành lập vào tháng 10/1950, là vùng đất có truyền thống cách mạng; đồng bào luôn có tinh thần yêu nước, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ. Phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đồng bào ở Bác Ái tích cực phối hợp cùng lực lượng vũ trang đứng lên đấu tranh, xây dựng Bác Ái thành căn cứ địa (CK 22) vững mạnh toàn diện để chống giặc. 

Suốt cuộc kháng chiến, căn cứ địa Bác Ái có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giữ vững đường dây liên lạc từ Trung ương đến các tỉnh cực Nam Trung Bộ và cơ sở. Cũng chính khu căn cứ này đã bảo vệ cơ quan lãnh đạo tỉnh, xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang địa phương; đồng thời đào tạo hàng trăm cán bộ đảng viên, cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong tỉnh. Nơi đây cũng đã trở thành tiền phương vững chắc cho các cơ quan dân chính đảng và lực lượng vũ trang chiến đấu diệt thù.

Trong những năm kháng chiến, lực lượng vũ trang địa phương đã cùng với nhân dân trong huyện tiến hành đấu tranh chính trị, kết hợp đấu tranh vũ trang, tích cực xây dựng lực lượng, hình thành 3 thứ quân chống giặc; đặc biệt là lực lượng du kích phát triển rộng khắp với vũ khí thô sơ như cung tên, hầm chông, bẫy đá… tự chế đã làm cho quân thù phải khiếp sợ và giành nhiều chiến công hiển hách.

Một góc của Trung tâm huyện Bác Ái hiện nay.
Ảnh: Công Thử/TTXVN

Lãnh đạo Huyện ủy Bác Ái chia sẻ, suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, Bác Ái luôn là căn cứ địa cách mạng của huyện, của tỉnh và Quân khu 6. Các trận đánh đồn Tà Lú, Ma Ty, bẫy đá Đèo Gia Túc... là nơi diễn ra nhiều trận đánh quan trọng đã đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam, là mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng ở địa phương. Mảnh đất này đã sinh ra những người con đi vào lịch sử Quân sự Việt Nam, trở thành huyền thoại của núi rừng Bác Ái như: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Pinăng Tắc, Pinăng Thạnh, Chamaléa Châu… gắn liền với những chiến công hiển hách, góp phần giải phóng huyện Bác Ái sớm nhất miền Nam Việt Nam vào ngày 30/8/1960.

Qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, 10 tập thể và 4 cá nhân là đơn vị, là người con của Bác Ái đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; nhiều cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trong huyện được Nhà nước tặng huân, huy chương các loại. Đó là những tấm gương tiêu biểu cho ý chí bất khuất, tinh thần cách mạng của vùng đất kiên trung này.

Để ghi nhận công lao đóng góp, tri ân đồng bào các dân tộc địa phương đã có công nuôi dưỡng, đùm bọc cách mạng, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 19/2/2020 công nhận huyện Bác Ái là vùng an toàn khu của Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ. 

Nỗ lực phát triển cùng đất nước

Ông Phan Ninh Thuận, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái chia sẻ với phóng viên TTXVN về sự đổi thay của huyện sau 25 năm tái lập.
Ảnh: Công Thử/TTXVN

Được tái lập vào đầu năm 2001, kinh tế - xã hội của huyện Bác Ái hết sức khó khăn, là một trong 64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Huyện có 9 xã với 38 thôn, trong đó 31 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Tại thời điểm 2010, tỷ lệ hộ nghèo tới 66,72%, hộ cận nghèo trên 10%. Qua 25 năm tái lập, được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, sự nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân địa phương, huyện đã từng bước vượt qua những khó khăn và đạt được những thành tựu khá quan trọng.

Ông Phan Ninh Thuận, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái cho biết, từ một huyện cơ sở hạ tầng khó khăn, đến nay 100% xã trên địa bàn huyện đã có đường ô tô đến trung tâm; tỷ lệ đường giao thông đến các xã được rải nhựa hoặc cấp phôi đạt 98,9%; đường giao thông đến các thôn được bê tông hóa đạt trên 80%; trên 95% hộ dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia; mức độ tiếp cận của người dân với các dịch vụ xã hội cơ bản được nâng lên, giáo dục đào tạo, y tế được quan tâm và phủ khắp. Tổng giá trị sản xuất toàn huyện năm 2024 đạt 2.577 tỷ đồng; thu ngân sách 34,7 tỷ đồng đạt trên 100% kế hoạch. Bác Ái có quy mô dân số trên 35.000 người, trong đó đồng bào Raglai chiếm trên 87%. 

Huyện miền núi Bác Ái phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, tạo kết nối giao thương thuận lợi với miền xuôi trong tỉnh.
Ảnh: Công Thử/TTXVN

Đến nay toàn huyện không còn hộ đói; thu nhập bình quân đầu người được cải thiện đáng kể từ 18,2 triệu lên 30,2 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm bình quân trên 7%, đến cuối năm 2024 còn ở mức 20,74%, hộ cận nghèo còn 8,66%. Các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng được quan tâm triển khai thực hiện, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Hiện nay, nhiều chương trình, dự án đã và đang được đầu tư với quy mô lớn trên địa bàn huyện Bác Ái như: Dự án thủy lợi Tân Mỹ; Dự án thủy điện tích năng Bác Ái; nhiều dự án năng lượng tái tạo; nông nghiệp công nghệ cao… đã và đang phát huy hiệu quả tích cực, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện thời gian tới.

Anh Katơr Đoa, ở thôn Rã Trên (xã Phước Trung) tập trung phát triển chăn nuôi gia súc có sừng theo hướng trang trại.
Ảnh: Công Thử/TTXVN

Bên cạnh đó, nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc được bảo tồn và phát huy. Toàn huyện có 6 Nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Chữ viết Raglai đã được hình thành và được đưa vào mở lớp giảng dạy cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, góp phần tích cực trong việc truyền tải thông tin tuyên truyền các Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào.

Ông Katơr Đoa (sinh 1978, ở thôn Rã Trên, xã Phước Trung) phấn khởi cho biết, trước đây nhà cũng nghèo nhưng nhờ được tạo điều kiện vay vốn của Ngân hàng chính sách nên gia đình đã mua gia súc (bò) chăn nuôi. Qua tích góp được tiền, mở rộng chăn nuôi bài bản hơn, đầu tư khoan giếng lấy nước tưới cây, trồng cỏ chăn nuôi… Một năm gia đình có nguồn thu trên 100 triệu đồng từ buôn bán gia súc, các khoản thu khác đủ chi tiêu gia đình và nay đã không còn cảnh nghèo như trước nữa.    

Phó Chủ tịch Phụ trách UBND xã Phước Trung, ông  Đạo Văn Linh cho biết, cơ cấu nông nghiệp chính của xã là phát triển sản xuất và chăn nuôi. Nhờ có công trình thủy lợi tích nước tưới, khoảng 3.300 ha diện tích đất nông nghiệp đã được phủ tưới ở cả 3 vùng sản xuất. Toàn xã hiện có 753 hộ/2.000 nhân khẩu, đến nay đời sống của đồng bào đã có sự đổi khác hoàn toàn. Đến cuối năm 2024, số hộ nghèo toàn xã giảm chỉ còn 152 hộ; hộ cận nghèo còn 36 hộ; trung bình mỗi năm số hộ nghèo giảm khoảng 6%.

Trong kháng chiến, Phước Trung có đến 2 người con ưu tú làm nên kỳ tích trong chống giặc ngoại xâm, đó là Chamaléa Châu và Pinăng Thạnh, được Đảng, Nhà nước phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là niềm tự hào vô cùng lớn không chỉ riêng với đồng bào Raglai, mà của tất cả đồng bào trong tỉnh, ông Phạm Minh Phương - Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ. 

Chăn nuôi gia súc là thế mạnh phát triển của huyện miền núi Bác Ái hiện nay.
Ảnh: Công Thử/TTXVN

Bí thư Huyện ủy Bác Ái Võ Đình Vinh cho hay, để thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển nhanh và bền vững, Huyện ủy sẽ tiếp tục tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo các cấp ủy đảng nâng cao hiệu quả quản lý điều hành, hiệu quả hoạt động, đa dạng hóa công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong cán bộ và nhân dân về thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. 

Huyện cũng sẽ huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia; nỗ lực hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát; quan tâm thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư. Phấn đấu hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng các công trình lớn, công trình trọng điểm để thi công, sớm đưa vào khai thác, phục vụ phát triển của huyện. Đồng thời, huyện tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn, năng lực thực tiễn, có trách nhiệm đảm bảo hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao; đặc biệt tiếp tục khơi dậy, phát huy ý chí tự chủ, tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo trong nhân dân; đảm bảo phát triển kinh tế gắn kết chặt chẽ với quốc phòng an ninh, đảm bảo môi trường bền vững vì cuộc sống, vì tương lai phát triển trong những năm tới./.


Tin liên quan

Hành trình ý nghĩa 25 năm đồng hành hỗ trợ phát triển tại Việt Nam

GTV đã mở rộng lĩnh vực hoạt động và hiện đang triển khai những dự án hỗ trợ Việt Nam về lĩnh vực giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, nước sạch và vệ sinh, phòng chống buôn bán phụ nữ - trẻ em, bảo vệ trẻ em và cứu trợ khẩn cấp nhằm xoá đói giảm nghèo, chống bất bình đẳng phân biệt đối xử, thúc đẩy phát triển bền vững.

Tạo động lực để đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo

Thời gian qua, việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc kết hợp với nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giúp huyện miền núi tỉnh Ninh Bình phát triển sản xuất, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững. Ghi nhận tại huyện miền núi Nho Quan.

Đa dạng nguồn sinh kế, xóa vùng "lõi nghèo"

Lào Cai triển khai đồng bộ, lồng ghép các nhiệm vụ, giải pháp về thông tin và truyền thông, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp nông thôn, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, đào tạo nghề và giải quyết việc làm… đem lại hiệu quả cao trong giảm nghèo tại các xã nghèo.

Tin cùng chuyên mục

“Đặt kế hoạch thật tốt và thật sát là rất cần”

Tại Hội nghị phổ biến kế hoạch nhà nước năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Đặt kế hoạch thật tốt và thật sát là rất cần, nhưng đó chỉ là bước đầu…”. “Kế hoạch 10 phần thì biện pháp cụ thể phải 20 phần, chỉ đạo thực hiện sát sao phải 30 phần. Có như thế mới chắc chắn hoàn thành tốt kế hoạch”.

Khơi dậy niềm tự hào dân tộc

Ông Phan Xuân Diệu chia sẻ, theo tiếng gọi của non sông Tổ quốc, năm 17 tuổi, ông rời quê hương xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình) lên đường chiến đấu.

Long An: 50 năm phát triển cùng đất nước

Long An đang từng bước khẳng định vị thế là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn. Đây cũng là địa phương có diện tích khu công nghiệp được quy hoạch lớn thứ 2 cả nước (sau Bình Dương)...

Chương trình Kỷ niệm 50 năm Giải phóng Côn Đảo

Tối 3/5, tại nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chỉ đạo, Đài Truyền hình Việt Nam và tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu phối hợp tổ chức Chương trình nghệ thuật chính luận “Kỷ niệm 50 năm Giải phóng Côn Đảo (1/5/1975–1/5/2025)” với chủ đề "Côn Đảo- Hùng ca ý chí Việt Nam".

Doanh nghiệp Việt nắm bắt xu thế để vào thị trường Canada

Tham gia triển lãm thực phẩm lớn nhất Bắc Mỹ SIAL tại Canada năm nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã nắm bắt được xu thế đa dạng hóa thị trường và chuỗi cung ứng của phía Canada để tham gia với quy mô lớn cả về số lượng doanh nghiệp lẫn chủng loại hàng hóa. Điều này thể hiện sự nhạy bén của Thương vụ Việt Nam tại Canada trong việc kết nối các doanh nghiệp của hai nước trong bối cảnh phức tạp về thuế quan.  

Hưng Yên đinh ninh lời Bác

Hưng Yên là mảnh đất mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều sự quan tâm, quý mến. Sinh thời Bác đã 10 lần về thăm Hưng Yên. Trong những năm kháng chiến, lần đầu tiên về Hưng Yên Bác nhắn nhủ: "Tôi chỉ có một lời là chúng ta phải hết sức thương yêu nhau, đoàn kết chặt chẽ và làm việc giúp đỡ đồng bào kháng chiến đánh Pháp và giúp đỡ đồng bào cứu đói".

Lan tỏa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”

Năm 1947, khi được tin con trai bác sĩ Vũ Đình Tụng hy sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một bức thư gửi bác sĩ. Thư viết: “Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột. Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi; vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn luôn sống với non sông Việt Nam...”