50 năm Thống nhất đất nước: Nguồn cảm hứng vượt thời gian về chiến thắng của công lý và quyền tự quyết
Chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975 của nhân dân Việt Nam như một lời nhắc nhở vượt thời gian về chiến thắng của công lý và quyền tự quyết, truyền cảm hứng chống lại mọi sự trỗi dậy của chủ nghĩa đế quốc và tăng cường tình đoàn kết, hợp tác giữa các quốc gia đang phát triển ở Nam Bán cầu… Đó là nhận định của Tiến sĩ Chheang Vannarith - chuyên gia phân tích ở Phnom Penh, đồng thời là Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng nhóm cố vấn của Quốc hội Vương quốc Campuchia - về sự kiện kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của Việt Nam (30/4/1975 - 30/4/2025).

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, nhà phân tích Vannarith cho rằng ngày 30/4/1975 là sự kiện quan trọng đối với nhân dân và dân tộc Việt Nam, cũng như toàn thể nhân loại. Sự kiện phản ánh cuộc đấu tranh của một dân tộc vì nền tự do, độc lập và chủ quyền của mình. Đó là quyền của con người ở mọi quốc gia, mọi dân tộc về độc lập và thống nhất dân tộc.

Theo chuyên gia người Campuchia, cuộc đấu tranh thống nhất đất nước ở Việt Nam diễn ra trong bối cảnh chiến tranh có tại Đông Dương. Đây cũng là một di sản của Chiến tranh Lạnh, khi nước Đức lúc bấy giờ phân chia thành Đông Đức và Tây Đức, Việt Nam phân chia hai miền, và Triều Tiên vẫn chia tách hai miền đến tận ngày nay. Từ luận cứ đó, nhà phân tích Vannarith khẳng định: “Đó là vấn đề quyền con người, danh dự và phẩm giá của con người. Sự hòa hợp và thống nhất đó phản ánh ước mơ của nhân loại, của mọi dân tộc, không riêng gì nhân dân Việt Nam”.

Bên cạnh đó, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Campuchia cũng cho rằng sự kiện lịch sử 30/4/1975 còn phản ánh khả năng tự cường và phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam. Nhờ đó mà trong bối cảnh chiến tranh tàn phá, thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng kinh tế nhưng Việt Nam vẫn có thể và tiếp tục đấu tranh. Theo nhà phân tích này, điều đó cho thấy khả năng tự cường của nhân dân Việt Nam, xuất phát từ trái tim yêu nước, dám xả thân hy sinh vì đất nước. "Đó là điều chúng ta phải công nhận và trân trọng tinh thần yêu nước của người dân Việt Nam thời kỳ đó”, Tiến sĩ Vannarith nhấn mạnh.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN, nhà phân tích Vannarith bày tỏ ấn tượng với khả năng hồi phục sau chiến tranh, gắn liền với tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Theo ông, tuy chiến tranh đã phá hủy nặng nề hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế, văn hóa và xã hội, song đà hồi phục và phát triển của Việt Nam rất đáng ghi nhận, đặc biệt là sau công cuộc Đổi mới năm 1986. Bên cạnh đó, Việt Nam đã hội nhập nhanh vào tiến trình phát triển của khu vực và thế giới, đặc biệt sau khi gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995. Đây được xem là điểm khởi đầu quan trọng trong tiến trình hội nhập khu vực của Việt Nam, tiếp đó là việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), một bước tiến mới trong tiến trình hội nhập quốc tế, hội nhập với thế giới về kinh tế và thương mại.

Trưởng nhóm cố vấn của Quốc hội Campuchia nêu rõ: “Lợi ích và thành công điển hình trong tiến trình hội nhập của Việt Nam chính là công cuộc xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội. Việt Nam đang ở vị thế của một nền kinh tế phát triển mạnh và được quan tâm ở khu vực Đông Nam Á, cả về quy mô và tiềm lực kinh tế”.

Từ góc nhìn trên, chuyên gia Campuchia bày tỏ kỳ vọng về bước tiến tiếp theo của Việt Nam: đó là gia nhập Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Theo ông, ở khu vực Đông Nam Á, Indonesia đã gia nhập nhóm này và trong tương lai, nếu tốc độ phát triển kinh tế vẫn được duy trì như hiện nay, Việt Nam có thể sẽ trở thành thành viên tiếp theo của G20. “Đó là thành công lớn lao của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước sau ngày giải phóng cách đây 50 năm. Có thể thấy trong 50 năm qua, Việt Nam đã thành công với tốc độ phát triển đáng ghi nhận, cũng là một hình mẫu, bài học về xây dựng kinh tế đất nước thời hậu chiến đối với các quốc gia đang phát triển”, ông nói.

Trên tinh thần đó, Phó Tổng thư ký Quốc hội Campuchia nhận định cột mốc lịch sử 30/4/1975 không chỉ có ý nghĩa với người dân Việt Nam mà còn với cộng đồng yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Ông nêu rõ: “Đó là di sản truyền cảm hứng chống lại mọi sự trỗi dậy của chủ nghĩa đế quốc và tăng cường tình đoàn kết, hợp tác giữa các quốc gia đang phát triển ở Nam Bán cầu cùng cam kết bảo vệ nền độc lập của các quốc gia và định hình một trật tự quốc tế công bằng, bình đẳng hơn”./.

Huỳnh Thảo - Quang Anh

Tin cùng chuyên mục

50 năm Thống nhất đất nước: Liên minh chiến đấu Việt-Lào đồng cam cộng khổ, cùng chung vui niềm tự hào ngày chiến thắng

Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trang điện tử báo Kongthap (Quân đội nhân dân Lào) vừa đăng bài viết “Lời cam kết của liên minh chiến đấu: đồng cam cộng khổ, sống chết có nhau, cùng chung vui niềm tự hào trong ngày chiến thắng”, khẳng định niềm kiêu hãnh và tự hào không gì có thể diễn tả hết của người dân Việt Nam trong ngày 30/4/2025, tròn 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng của không chỉ người dân Việt Nam, mà còn có ý nghĩa quan trọng sâu sắc đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào các dân tộc, cũng như Quân đội nhân dân Lào. Hai nước Việt Nam-Lào cùng mừng ngày chiến thắng vĩ đại và vinh quang tại Thành phố Hồ Chí Minh, giống như lời cam kết của liên minh chiến đấu “đồng cam cộng khổ, sống chết có nhau, cùng chung niềm tự hào trong ngày vui chiến thắng”.

50 năm Thống nhất đất nước: “Chân lý lịch sử 30/4” qua lăng kính kênh truyền hình CNC của Campuchia

Sau lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) được tổ chức với quy mô lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 30/4 vừa qua, kênh truyền hình CNC của Campuchia đã đăng phát nhiều chủ đề bài viết, bình luận liên quan. Trong số này, có chương trình bình luận đặc biệt với chủ đề “Tuần lễ báo chí thế giới trong bối cảnh chân lý lịch sử 30/4 của Việt Nam”, cùng diễn giả là nhà báo kỳ cựu Khieu Kola, người vừa trở về Campuchia từ đại lễ kỷ niệm ở quốc gia láng giềng.

50 năm Thống nhất đất nước: Báo chí Algeria ca ngợi sự phát triển ngoạn mục của Việt Nam

Trong một bài viết mang đậm chất trải nghiệm cá nhân và cảm xúc với tựa đề “Hòn ngọc phương Đông dang rộng vòng tay chào đón chúng ta: Bình yên, sang trọng và đầy gợi cảm!”, đăng trên chuyên mục quốc tế của tờ báo tiếng Pháp La Patrie News của Algeria, nhà báo Mohamed Abdoun, phóng viên được biệt phái đến Việt Nam để đưa tin về sự kiện “50 năm Thống nhất đất nước”, đã chia sẻ những ấn tượng sâu sắc về Việt Nam – một quốc gia đang từng bước khẳng định vị thế trong khu vực và trên thế giới nhờ vào sự kiên cường, phát triển năng động và bản sắc văn hóa phong phú.

“Đặt kế hoạch thật tốt và thật sát là rất cần”

Tại Hội nghị phổ biến kế hoạch nhà nước năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Đặt kế hoạch thật tốt và thật sát là rất cần, nhưng đó chỉ là bước đầu…”. “Kế hoạch 10 phần thì biện pháp cụ thể phải 20 phần, chỉ đạo thực hiện sát sao phải 30 phần. Có như thế mới chắc chắn hoàn thành tốt kế hoạch”.

Khơi dậy niềm tự hào dân tộc

Ông Phan Xuân Diệu chia sẻ, theo tiếng gọi của non sông Tổ quốc, năm 17 tuổi, ông rời quê hương xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình) lên đường chiến đấu.

Long An: 50 năm phát triển cùng đất nước

Long An đang từng bước khẳng định vị thế là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn. Đây cũng là địa phương có diện tích khu công nghiệp được quy hoạch lớn thứ 2 cả nước (sau Bình Dương)...

Chương trình Kỷ niệm 50 năm Giải phóng Côn Đảo

Tối 3/5, tại nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chỉ đạo, Đài Truyền hình Việt Nam và tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu phối hợp tổ chức Chương trình nghệ thuật chính luận “Kỷ niệm 50 năm Giải phóng Côn Đảo (1/5/1975–1/5/2025)” với chủ đề "Côn Đảo- Hùng ca ý chí Việt Nam".