Cán bộ tín dụng chính sách tâm huyết, hết lòng vì dân
Để đồng vốn đến được với người dân, phát huy hiệu quả vốn vay, có vai trò không nhỏ của nhân viên các Ngân hàng chính sách xã hội


Chị Ngô Thị Xuân Hồng thường xuyên đi cơ sở để thăm hỏi, động viên người dân an tâm sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống. 
Ảnh: Thanh Tân - TTXVN

Từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội của Ngân hàng chính sách xã hội, đến nay trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã có 120 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Để đồng vốn đến được với người dân, phát huy hiệu quả vốn vay, có vai trò không nhỏ của nhân viên các Ngân hàng chính sách xã hội trong tỉnh. Một trong số điển hình đó là chị Ngô Thị Xuân Hồng, Phó Phòng nghiệp vụ tín dụng - Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh.

* Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ

Chị Ngô Thị Xuân Hồng vào công tác tại Ngân hàng chính sách xã hội được hơn 20 năm, trong quá trình công tác, bản thân chị luôn chủ động tham mưu cho Ban Giám đốc Chi nhánh để thực hiện điều hành, quản lý các hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn làm sao cho có hiệu quả nhất.

Chị Ngô Thị Xuân Hồng chia sẻ: “Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh gia đình một hộ nghèo tôi đã từng giúp đỡ hỗ trợ làm thủ tục cho vay vốn. Khi đó người chồng bị bệnh nặng không thể đi lại, người vợ đi bán vé số dẫn theo 3 người con. Gia đình anh, chị không có điều kiện để buôn bán, cũng như sản xuất kinh doanh. Từ khi được tiếp cận vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội, gia đình anh, chị đã có nguồn vốn để chăn nuôi bò sinh sản. Trong quá trình cho vay vốn, bản thân tôi cũng như các tổ chức hội thường xuyên đến hướng dẫn và động viên gia đình". Chị Hồng cho biết thêm: Sau 5 năm với ý chí và sự phấn đấu vươn lên, gia đình này đã thoát nghèo và chính những điều tưởng như đơn giản ấy lại nung nấu trong chị niềm say mê với công việc.

Chị Ngô Thị Xuân Hồng làm thủ tục giải ngân cho người dân tại UBND phường 1, thành phố Tây Ninh.
Ảnh: Thanh Tân - TTXVN

Đồng vốn tín dụng chính sách đến được tay của người dân nhờ vào sự đóng góp tích cực của Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn làm đầu mối, trợ giúp người dân làm các thủ tục vay vốn. Đây thực sự là “cánh tay nối dài” của Ngân hàng chính sách xã hội. Chị Ên Ha Sina, dân tộc Chăm, ngụ phường 1, thành phố Tây Ninh là một điển hình. Trong những năm qua, chị đã cùng sát cánh với nhân viên Ngân hàng chính sách, chung tay giúp cho hàng trăm hộ người dân tộc thiểu số được vay vốn tín dụng chính sách.

Chị Ên Ha Sina cho biết, chị Hồng rất nhiệt tình, dễ gần gũi với bà con, mặc dù hai ngôn ngữ khác nhau nhưng chị rất quan tâm đến việc hỗ trợ vốn cho người dân tộc như về nguồn vốn chăn nuôi, nguồn vốn sinh viên để con em được ăn học, có nghề nghiệp ổn định.

“Khi gia đình khó khăn nào có con là sinh viên chuẩn bị nhập học thì chị luôn chủ động hỏi giấy báo nhập học để hỗ trợ khoản vay cho các em. Đối với nguồn vốn vay chăn nuôi, chị luôn quan tâm xem có đủ để mua con giống, làm chuồng trại và có cần bổ sung vốn để mở rộng chăn nuôi hay không. Mỗi lần xuống, chị đều giải thích rất rõ ràng, quan tâm đến bà con, tình cảm chị giành cho bà con rất nhiều. Nhưng trước tiên là cám ơn đến chính sách của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương. Ngân hàng chính sách xã hội luôn quan tâm đến người dân tộc của chúng tôi”, chị Ên Ha Sina nhấn mạnh.

Chị Ngô Thị Xuân Hồng tâm sự: Từ khi công tác tại Ngân hàng chính sách xã hội, bản thân có cơ hội được tạo điều kiện cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vay vốn, giúp họ tiếp cận và hưởng những ưu đãi từ nguồn vốn tín dụng chính sách. Từ đó giúp cho người dân có điều kiện sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm và ổn định cuộc sống. Chính những điều đó đã làm cho bản thân càng thấy yêu ngành để rồi gắn bó, tận tâm với công việc, với phương châm thấu hiểu lòng dân để phục vụ.

Chị Ngô Thị Xuân Hồng hướng dẫn các Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn tra cứu thông tin trên app của Ngân hàng chính sách xã hội.
Ảnh: Thanh Tân - TTXVN

* Đoàn viên tiêu biểu xuất sắc

Bà Nguyễn Thị Minh Hằng, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Tây Ninh cho biết, chị Ngô Thị Xuân Hồng là một trong những đoàn viên tiêu biểu xuất sắc của đơn vị. Chị Hồng rất vui vẻ, nhiệt tình, hòa đồng với đồng nghiệp, có mối quan hệ tốt với chính quyền địa phương cơ sở, làm việc rất tâm huyết, trách nhiệm, có tinh thần cầu tiến và rất chịu khó học tập, nghiên cứu văn bản nên nắm chắc các chế độ, nghiệp vụ và luôn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chị Hồng có nhiều đề xuất, giải pháp mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.

Cán bộ ngân hàng chính sách xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người dân nghèo tiếp cận vốn, phát triển kinh tế. Nhiều cá nhân đã trở thành những tấm gương sáng, tận tâm với công việc, góp phần thay đổi cuộc sống của hàng ngàn hộ gia đình.

Ông Trần Hữu Ngọc, Chủ tịch phường 1, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh cho biết, Phường 1 là phường bán thị, bán thôn, nên nhu cầu vay vốn về giải quyết việc làm, cũng như hỗ trợ cho học sinh, sinh viên là rất lớn. Qua công tác, chị Ngô Thị Xuân Hồng đã tích cực hỗ trợ địa phương và thường xuyên, kịp thời báo cáo với lãnh đạo ngân hàng để bố trí kịp thời nguồn vốn để giải ngân cho địa phương. Thời gian qua, tổng số tiền mà Ngân hàng chính sách đã cho người dân trên địa bàn phường vay qua các gói tín dụng là hơn 44 tỷ đồng. Ngoài ra, chị Hồng còn tích cực bám sát các Tổ tín dụng, xử lý nợ, qua đó chất lượng Tổ tín dụng rất tốt, 2 năm liền (2023, 2024) trên địa bàn phường không còn nợ xấu, nợ quá hạn. Có thể nói Ngân hàng chính sách nói chung và vai trò cá nhân chị Ngô Thị Xuân Hồng nói riêng đã góp phần rất tích cực trong việc phát triển, nâng cao đời sống kinh tế xã hội cho người dân.

Thời gian qua, nhờ cán bộ Ngân hàng chính sách xã hội tận tụy nên đã triển khai cho vay kịp thời các chương trình tín dụng chính sách, góp phần thực hiện tốt, có hiệu quả các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội và quốc phòng an ninh. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đầu tư đến 100% các ấp, khu phố trên địa bàn toàn tỉnh Tây Ninh./.


Tin liên quan

Hiện thực ước mơ an cư của người nghèo

Xóa nhà tạm, nhà dột nát không chỉ là việc làm thiết thực, ý nghĩa, để người nghèo có cơ hội được sống trong những ngôi nhà an toàn, kiên cố, mà còn là nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Đưa các nghị quyết giảm nghèo vào cuộc sống

Những Nghị quyết của HĐND tỉnh Ninh Bình ban hành thời gian qua thực sự đã đi vào cuộc sống, được cán bộ, đảng viên, người dân đánh giá cao bởi tính kịp thời, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần thiết thực đảm bảo an sinh xã hội.

Tin cùng chuyên mục

Thường trực Ban Bí thư họp về tổng kết Nghị quyết 18

Chiều 24/12, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú, đã làm việc với đại diện lãnh đạo các cơ quan, Ban Đảng, đơn vị sự nghiệp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội ở Trung ương về tình hình tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".

Chăm lo Tết, mang niềm vui đến với người lao động

Điểm nhấn của hoạt động chăm lo Tết năm nay là Chương trình “Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng” với chuỗi hoạt động thăm, tặng quà, chúc Tết đoàn viên, người lao động, hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở “Mái ấm Công đoàn”.

VinaCapital: Các yếu tố nội tại sẽ quyết định tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2025

Sự gia tăng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã hỗ trợ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay, nhưng dự kiến sẽ chậm lại trong năm tới. Tuy nhiên, các yếu tố trong nước, bao gồm việc tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của Chính phủ, sự phục hồi của thị trường bất động sản và chi tiêu tiêu dùng, sẽ giúp Việt Nam duy trì tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,5% trong năm 2025.