Đổi mới toàn diện ở huyện 2 lần được phong anh hùng
Đảng bộ, chính quyền cùng nhân dân Cao Lãnh đã lập nên kỳ tích trên mặt trận chống đói nghèo, lạc hậu, chuyển từ một huyện thuần nông thành địa phương có cơ cấu kinh tế đa dạng, khởi sắc.
Một góc thị trấn Mỹ Thọ (Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) nhìn từ trên cao. 
Ảnh: Nhựt An-TTXVN

Sau 50 năm giải phóng, huyện Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) đã chuyển từ một huyện thuần nông thành địa phương có kinh tế phát triển, diện mạo ngày càng thay đổi, chất lượng đời sống của người dân nâng cao. Huyện được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; đạt huyện nông thôn mới vào năm 2021 và đang hoàn thành các hồ sơ, thủ tục để công nhận huyện nông thôn mới nâng cao.

Ngày xưa gian khó

Theo Lịch sử truyền thống cách mạng huyện Cao Lãnh, trải qua các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, vùng đất Cao Lãnh tự hào là cái nôi của truyền thống cách mạng, nơi hội tụ của phong trào yêu nước chống Pháp, các cuộc vận động của phong trào Đông Du, Duy Tân. Đặc biệt, nơi đây có Tổ Thanh niên Cách mạng đồng chí hội và Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng đầu tiên của tỉnh Sa Đéc (nay là Đồng Tháp). Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với địa thế và truyền thống cách mạng của nhân dân, Cao Lãnh là nơi đặt căn cứ của Tỉnh ủy Đồng Tháp (căn cứ Xẻo Quít), căn cứ An Ninh Khu 8 (xã Mỹ Long), căn cứ Thành Đoàn Sài Gòn - Gia Định (xã Bình Thạnh)…

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhân dân huyện Cao Lãnh dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện đã làm nên những chiến tích lẫy lừng, góp phần cùng cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với bề dày lịch sử trong 2 cuộc kháng chiến, đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Cao Lãnh đã vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 20/1/1995.

Cầu Sông Cái Nhỏ giúp xã cù lao Bình Thạnh (Cao Lãnh, Đồng Tháp) xóa cảnh ngăn sông cách đò, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. 
Ảnh: Nhựt An-TTXVN

Huyện Cao Lãnh có 9/18 xã, thị trấn và 5 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ông Lê Tuấn Kiệt ở xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh cho biết, Bình Thạnh là xã cù lao, nằm giữa sông Cái Nhỏ và sông Tiền. Trong kháng chiến , xã được chọn làm căn cứ của nhiều đơn vị, trong đó có Thành Đoàn Sài Gòn - Gia Định. Đồn, bốt của địch đóng quân dày đặc nhưng với sự chở che, đùm bọc của quần chúng nhân dân, lực lượng cách mạng vẫn có thể hoạt động trong lòng địch. Xã Bình Thạnh là một trong những địa phương ở Đồng Tháp sớm được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1976.

Trải qua 2 cuộc kháng chiến gian khổ, với nhiều hy sinh mất mát, đến ngày 30/4/1975, Đảng bộ và nhân dân huyện Cao Lãnh mới giành thắng lợi hoàn toàn. Cùng với cả nước, huyện Cao Lãnh chuyển sang giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Cùng với những thuận lợi, huyện Cao Lãnh gặp vô vàn khó khăn, nhất là trong giai đoạn 1975 - 1985. Nhiều địa phương bị chiến tranh tàn phá, đa số đồng bào phải tản cư rời bỏ nơi ở cũ, vào vùng địch kiểm soát, ruộng vườn bỏ hoang. Sau ngày giải phóng, có trên 15.000 người trở về quê cũ và khoảng 6.600 Việt kiều ở Campuchia hồi hương với “hai bàn tay trắng”.

Hằng năm, từ tháng 5 đến tháng 11 là mùa mưa, nước từ thượng nguồn sông Cửu Long tràn về, gây ngập lụt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của nhân dân. Nhiều diện tích đất bỏ hoang vì chiến tranh tàn phá và bị nhiễm phèn nặng. Đa số nông dân trồng lúa mùa nổi (1 vụ/năm), năng suất thấp. Hầu hết vùng nông thôn của huyện không có điện. Hệ thống giao thông đường bộ chưa phát triển, việc đi lại rất khó khăn, giao thông vận tải chủ yếu dùng đường thủy. Đời sống nhân dân còn nhiều thiếu thốn, trình độ dân trí thấp, phần lớn người dân bị mù chữ, nhất là ở các vùng sâu. Điều kiện chăm sóc sức khỏe nhân dân còn yếu kém, hầu hết các xã ở vùng nông thôn chưa có trạm y tế.

Ngày nay xuân thời

Theo Thường trực Huyện ủy Cao Lãnh, phát huy truyền thống anh hùng, 50 năm qua, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân trong huyện đã tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Vượt qua những khó khăn, thách thức, người dân Cao Lãnh cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất, quyết tâm, nỗ lực, từng bước đưa huyện Cao Lãnh phát triển. Năm 2020, huyện vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Trồng cây kiểng ở xã Bình Thạnh (Cao Lãnh, Đồng Tháp) mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ảnh: Nhựt An-TTXVN

Về Cao Lãnh hôm nay, nhiều người không khỏi bất ngờ trước sự “thay da, đổi thịt” của vùng đất anh hùng này. Đảng bộ, chính quyền cùng nhân dân Cao Lãnh đã lập nên kỳ tích trên mặt trận chống đói nghèo, lạc hậu, chuyển từ một huyện thuần nông thành địa phương có cơ cấu kinh tế đa dạng, khởi sắc với dáng dấp của huyện nông thôn mới nâng cao. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đầu tư đồng bộ. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng lên, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp nhiều lần so với năm 2010.

Sinh ra và lớn lên ở huyện Cao Lãnh, ông Lê Minh Khánh nhận thấy rõ sự chuyển mình của quê hương. Ông chia sẻ, từ sau giải phóng đến nay, nhất là khi triển khai xây dựng nông thôn mới rồi nông thôn mới nâng cao, diện mạo quê hương của ông có nhiều khởi sắc. Xác định muốn kinh tế - xã hội phát triển thì giao thông phải đi trước một bước nên ông tích cực đóng góp, hiến phần đất hơn 1.700m2 để làm đường. Con đường đất nhỏ hẹp trước nhà của ông, hiện giờ đã thay thế bằng con đường đan rộng 3,5m và tương lai gần, tuyến đường này sẽ nâng cấp, mở rộng ra 5,5m. Những căn nhà tạm bợ xưa kia cũng nhường chỗ cho những ngôi nhà kiên cố, khang trang hiện tại.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh Huỳnh Thanh Sơn khẳng định, việc xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực, là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - văn hóa - xã hội phát triển, mang lại diện mạo mới cho nông thôn Cao Lãnh ngày nay. Năm 2011, huyện bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Phát huy những thành tựu đã đạt được, với quyết tâm cao, Cao Lãnh tiếp tục dựa vào sức dân và nhanh chóng trở thành điểm sáng, được chọn là huyện điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Đến năm 2021, huyện Cao Lãnh đạt chuẩn nông thôn mới.

Đường giao thông nông thôn ở huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) được bê tông hóa, sạch đẹp.
Ảnh: Nhựt An-TTXVN

Huyện thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tổ chức lại sản xuất phù hợp với lợi thế và định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương; xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất lúa, cây ăn quả quy mô lớn gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo quy hoạch, trồng các loại cây chủ lực, tiềm năng. Huyện có gần 200 hợp tác xã và tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, tập trung vào liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đặc biệt, huyện có 86 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 - 4 sao, đã đưa 100% các sản phẩm này lên các sàn thương mại điện tử.

Theo ông Huỳnh Thanh Sơn, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện giảm từ 12,87% năm 2011 xuống còn 1,75% năm 2024. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 96,62%; gần 86% hộ có nhà ở đạt chuẩn; trên 95% hộ dân sử dụng nước sạch. Mỗi xã đều có tuyến đường kiểu mẫu; cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Với sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, Cao Lãnh có 17/17 xã được công nhận xã nông thôn mới; 10/17 xã đạt nông thôn mới nâng cao. Địa phương duy trì các tiêu chí huyện nông thôn mới và hoàn thành hồ sơ minh chứng đề nghị cấp thẩm quyền công nhận đạt huyện nông thôn mới nâng cao./.


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục

50 năm thống nhất đất nước: Hành trình Thống nhất – Chuyến tàu văn hóa 3 miền tại Nga

Theo phóng viên TTXVN tại Nga, hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), Hội sinh viên Việt Nam Trường Đại học hữu nghị các dân tộc Patrice Lumumba (RUDN) tại Moskva đã lấy chủ đề "Hành trình Thống nhất – Chuyến tàu văn hoá 3 miền" cho Tuần lễ Văn hóa Việt Nam tại trường.

Thủ tướng kiểm tra dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam

Trong chương trình công tác tại Bình Định, chiều 22/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới khảo sát hầm Sơn Triệu, nghe báo cáo về 2 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam là Hoài Nhơn - Quy Nhơn và Quy Nhơn - Chí Thạnh thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam.

Việt Nam tăng 8 bậc trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới

Trong những năm gần đây, Việt Nam là một trong những quốc gia có xếp hạng chỉ số hạnh phúc liên tục tăng nhanh, nhất là 3 năm trở lại đây. Năm 2024, Việt Nam xếp thứ 46 trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng, tăng 8 bậc so với năm 2023. Trước đó, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 77 vào năm 2021. Đến năm 2022 vươn lên vị trí thứ 65 và đạt vị trí 54 trong năm 2023. Tính riêng khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng vị trí thứ 2 chỉ sau Singapore.  

Đột phá theo Nghị quyết 57: Tính chiến lược của chủ trương đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia mang tính chiến lược rất cao, cả về thời điểm lẫn nội dung. Đây là nhận định được Giáo sư Nghiêm Đức Long, Giám đốc Trung tâm môi trường và nước thuộc Đại học Công nghệ Sydney (UTS), Chủ tịch Hội trí thức và chuyên gia Việt Nam tại Australia (VASEA), đưa ra khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Sydney.

Chương trình “Gặp gỡ lưu học sinh, sinh viên Việt Nam - Trung Quốc các thời kỳ”

Ngày 20/3/2025, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các cơ quan hữu quan tổ chức chương trình “Gặp gỡ lưu học sinh, sinh viên Việt Nam - Trung Quốc các thời kỳ”, nhân dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc 2025, nhằm góp phần thực hiện nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước về việc kế thừa và phát huy tình hữu nghị truyền thống, tăng cường tin cậy chính trị, củng cố nền tảng xã hội, thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững.  

Khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 51% GDP

Với gần một triệu doanh nghiệp, khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 3 0% ngân sách nhà nước, tạo ra hơn 40 triệu việc làm, sử dụng hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế, đóng góp gần 60% vốn đầu tư toàn xã hội. Kinh tế tư nhân không chỉ giúp mở rộng sản xuất, thương mại, dịch vụ mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia.