Mô hình chăn nuôi bò theo nhóm hộ tại xã Sơn Trà, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi. |
Ảnh: TTXVN phát |
Sơn Mùa là một xã khó khăn của huyện miền núi Sơn Tây, để giảm nghèo hiệu quả, bền vững, chính quyền địa phương đã rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, phân tích nguyên nhân để có giải pháp cụ thể với từng hộ gia đình; tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Huyện tổ chức tập huấn khuyến nông, tư vấn hỗ trợ kỹ thuật để các hộ nghèo cải tạo vườn tạp, đưa các loại cây có giá trị kinh tế cao vào trồng trọt kết hợp với chăn nuôi... Với nhiều giải pháp đồng bộ, năm 2023, xã Sơn Mùa đã có 78 hộ thoát nghèo.
Từng là hộ nghèo của xã Sơn Mùa, huyện Sơn Tây, trước năm 2023, gia đình anh Đinh Văn Nhột (thôn Nước Min) phải sống trong ngôi nhà tạm bợ. Sau nhiều nỗ lực từ bản thân, hỗ trợ từ chính quyền và các tổ chức xã hội, năm 2021, anh Nhột được hỗ trợ 500 con gà, vay vốn để mua bò sinh sản. Từ một con bò, đến nay gia đình anh có 3 con, gia đình chăn nuôi kết hợp trồng cây keo. Năm 2023, bằng số tiền tích góp, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, anh Nhột đã xây dựng được ngôi nhà kiên cố; đến cuối năm, gia đình anh đã ra khỏi danh sách hộ nghèo. Có chỗ ở ổn định, vợ chồng anh lại tiếp tục cố gắng làm ăn để chăm lo cho các con...
Chủ tịch UBND xã Sơn Mùa Bùi Thanh Vân cho biết, cùng với hỗ trợ vốn, cây, con giống, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng định hướng cho người dân lựa chọn các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với các hội, đoàn thể để kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng các mô hình điểm, tăng cường tuyên truyền, vận động… giúp người dân chủ động, tự tin phát triển sản xuất để vươn lên thoát nghè
Mô hình chăn nuôi bò theo nhóm hộ tại xã Sơn Trà, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi. |
Ảnh: TTXVN phát |
Còn tại xã Sơn Trà, huyện Trà Bồng, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và Chương trình giảm nghèo bền vững, năm 2023, xã đã triển khai dự án nuôi bò theo nhóm cộng đồng. Sau hơn một năm, người dân nơi đây đã thu được tín hiệu tích cực trên hành trình giảm nghèo. Tham gia dự án có 14 nhóm, mỗi nhóm từ 5-6 hộ, mỗi hộ được hỗ trợ từ 2-3 con bò tùy đối tượng nghèo, cận nghèo. Cả nhóm sẽ cùng dựng chuồng trại, bầu nhóm trưởng biết làm ăn, phát triển kinh tế để dẫn dắt, giúp đỡ các hộ còn lại trong nhóm.
Anh Hồ Văn Diệu, nhóm hộ tổ 1 thôn Hà, xã Sơn Trà cho biết, với mô hình chăn nuôi này, mỗi ngày sẽ có 2 hộ đảm nhiệm việc chăm sóc bò. Bò được nuôi nhốt tập trung, tiết kiệm tiền làm chuồng. Các hộ học hỏi kinh nghiệm, cùng nhắc nhở nhau để đàn bò được chăm sóc kỹ, phát triển tốt.
Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Trà Phạm Hùng Thanh cho hay, theo kế hoạch, dự án sẽ thực hiện trong 3 năm. Để đạt được hiệu quả, chính quyền địa phương đã giao cho các thôn vận động nhân dân tham gia. Chính quyền thường xuyên theo dõi, kiểm tra, kịp thời nắm bắt khó khăn để tháo gỡ. Trong năm 2024, toàn xã hướng tới mục tiêu giảm 154 hộ nghèo, 98 hộ cận nghèo. Đây là một thách thức không nhỏ nên ngay từ đầu năm, địa phương đã chủ động tuyên truyền, lồng ghép các nguồn lực để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo khắc phục các tiêu chí để thoát nghèo.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi, đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 6,1% hộ nghèo, nhưng bình quân 5 huyện miền núi còn hơn 24% số hộ. Từ năm 2022-2024, tổng nguồn vốn đầu tư công thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở tỉnh là gần 963 tỷ đồng. Riêng nguồn vốn hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo là hơn 129 tỷ đồng. Tỉnh đã xây dựng và phê duyệt 81 dự án hỗ trợ sản xuất cho gần 1.300 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Các dự án chủ yếu là hỗ trợ theo hình thức nhóm hộ, tổ cộng đồng phù hợp với nhu cầu của hộ dân.
Ông Đỗ Đình Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng cho biết, để giảm nghèo bền vững, huyện tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa sinh kế, phát triển các mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất; hỗ trợ nhà ở; phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân vay vốn làm ăn, sản xuất, nâng cao nhận thức của người dân về tự lực để phát triển kinh tế hộ gia đình, giảm nghèo bền vững. UBND huyện cũng tập trung đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu về nước sản xuất, nước sinh hoạt, trường học..., góp phần thay đổi diện mạo khu vực miền núi, nâng cao chất lượng đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.