Huy động hiệu quả vốn xã hội hóa để xây cầu nông thôn vùng đồng bào dân tộc Khmer
Từ năm 2022 đến nay, toàn huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) vận động xây dựng được gần 60 cầu giao thông nông thôn từ nguồn xã hội hóa.
Từ năm 2022 đến nay, huyện Mỹ Tú đã xã hội hóa xây dựng 60 cây cầu giao thông nông thôn. 
Ảnh: Tuấn Phi-TTXVN

Ngày 16/6, tại xã Thuận Hưng (huyện Mỹ Tú), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng phối hợp với UBND huyện Mỹ Tú tổ chức khánh thành 2 cây cầu nông thôn (Vạn Duyên và Khiêm Hương) với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc Khmer giao thương dễ dàng, trẻ em đi học thuận lợi.

Lãnh đạo UBND huyện Mỹ Tú cho biết, thời gian qua, địa phương đã chú trọng phát triển hạ tầng giao thông nông thôn nói chung và ở vùng đồng bào dân tộc Khmer nói riêng. Tuy nhiên, do ngân sách hạn chế nên địa phương đã đẩy mạnh vận động các nguồn lực xã hội hóa để xây dựng cầu giao thông nông thôn.

Từ năm 2022 đến nay, toàn huyện vận động xây dựng được gần 60 cầu giao thông nông thôn từ nguồn xã hội hóa. Các cây cầu được xây dựng ở vùng đồng bào dân tộc đã góp phần giúp bà con Khmer có điều kiện phát triển kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng cao.

Theo lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Mỹ Tú, cầu Vạn Duyên (xã Mỹ Thuận) dài 27m; rộng 3,3m. Còn cầu Khiêm Hương (xã Thuận Hưng) dài 35m;  rộng 3,3m. Tổng kinh phí xây dựng là 838 triệu đồng, trong đó các nhà hảo tâm hỗ trợ 60% kinh phí (mua vật liệu xây dựng), còn địa phương đối ứng ngày công lao động.

Bà Châu Thị Muỗi, Chủ tịch UBND xã Thuận Hưng (huyện Mỹ Tú) thông tin, xã có trên 50% dân số là đồng bào dân tộc Khmer. Cầu Khiêm Hương hoàn thành và đưa vào sử dụng đã tạo thêm niềm vui cho đồng bào bởi từ nay, các em học sinh có thể đi đến trường dễ dàng, người dân giao thương hàng hóa thuận tiện hơn.

Cùng chung niềm vui với người dân Khmer, Đại đức Lý Thành, Trụ trì chùa Tà On (xã Thuận Hưng) gửi lời cảm ơn chính quyền địa phương đã quan tâm, tạo điều kiện cùng sự giúp đỡ của nhiều nhà hảo tâm để người dân nơi đây đi lại, giao thương dễ dàng hơn, góp phần nâng cao đời sống.

Tại buổi lễ, Ban tổ chức cùng các nhà hảo tâm đã trao 200 phần quà cho hộ nghèo (huyện Mỹ Tú), 73 xe đạp cho học sinh các huyện Kế Sách, Châu Thành, Long Phú và thị xã Ngã Năm, tặng 37 suất học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tổng kinh phí lên tới gần 400 triệu đồng./.

Tin cùng chuyên mục

Sức sống mãnh liệt nơi đại ngàn Trường Sơn

Dưới mái nhà chung là dãy Trường Sơn hùng vĩ, từ bao đời nay, cộng đồng các dân tộc thiểu số gồm Bru-Vân Kiều, Pa Cô/Tà Ôi, Cơ Tu, Kor, Xơ Đăng, Bhnoong và các dân tộc anh em khác ở các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng còn giữ nguyên vẹn nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng độc đáo và phong phú. Trên vùng đất này, tuy vẫn còn nhiều khó khăn, song với khát vọng vươn lên từ bản lĩnh, ý chí và tinh thần đoàn kết, đồng bào các dân tộc anh em luôn tích cực thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, tích cực xóa bỏ những tập tục lạc hậu, đồng thời giữ gìn và phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.