Công nghệ số giúp vận hành thông suốt chính quyền địa phương 2 cấp
Cần Thơ đang từng bước hoàn thiện hệ thống, nâng cao năng lực cán bộ; đồng thời đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin để chính quyền vận hành phục vụ người dân hiệu quả.
Lực lượng đoàn viên, thanh niên hỗ trợ người dân sử dụng ứng dụng VNeID trong giải quyết thủ tục hành chính. 
Ảnh: Hồng Thái - TTXVN

Thành phố Cần Thơ đang đẩy mạnh triển khai áp dụng chuyển đổi số như phương thức giúp chính quyền địa phương 2 cấp vận hành hiệu quả, minh bạch và phục vụ người dân tốt hơn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ đảm bảo quản lý, điều hành liên tục trong bối cảnh thay đổi địa giới hành chính mà còn hiện đại hóa, tạo bước tiến quan trọng, hướng đến mục tiêu giải quyết thủ tục hành chính “phi địa giới”.

* Khi thủ tục được xử lý “một chỗ”

Xã Hỏa Lựu được sáp nhập từ 3 xã: Hỏa Lựu, Hỏa Tiến và Tân Tiến; có diện tích tự nhiên 59,68 km2, quy mô dân số 24.095 người với 4.983 hộ, trong đó có 49 hộ nghèo.

Hướng tới mục tiêu các thủ tục hành chính trên địa bàn theo hướng “phi địa giới”, không phụ thuộc vào địa bàn cư trú, nơi làm việc hay nơi cấp giấy tờ gốc của người dân, hiện Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Hỏa Lựu có thẩm quyền giải quyết 260 thủ tục hành chính thuộc 12 lĩnh vực. Theo ông Trang Ích Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công xã Hỏa Lựu, từ ngày 1/7 đến sáng 14/7, Trung tâm đã tiếp nhận 99 hồ sơ thuộc 5 nhóm lĩnh vực (tư pháp, hộ tịch, đất đai, bảo trợ xã hội, quản lý cư trú); đã giải quyết 80 hồ sơ, còn 19 hồ sơ đang xử lý.

Đến Trung tâm phục vụ hành chính công xã Hỏa Lựu để đăng ký trích lục hồ sơ giấy tờ đất, chị Đào Cẩm Tú đến ngay máy bấm số tự động để thao tác. Máy in thẻ có số thứ tự, có hướng dẫn quầy thủ tục. Hài lòng khi đến làm thủ tục, chị Tú chia sẻ, sau sáp nhập, Trung tâm được đầu tư khang trang, có ghế ngồi đợi, có máy bấm số thứ tự tự động, không còn lộn xộn, người lớn tuổi đến làm thủ tục được hướng dẫn tỉ mỉ…“Từ khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, người dân rất phấn khởi, mong thủ tục được giải quyết nhanh, dễ dàng hơn”, chị Tú cho biết.

Cùng người thân đến làm thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Hỏa Lựu, chị Khưu Thị An Trường cho biết, từ khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, người dân không phải đi lại vất vả trong quá trình làm thủ tục, giấy tờ. Trước đây, người dân phải đến xã để ký xác nhận giấy chứng nhận độc thân cho người muốn kết hôn, sau đó phải di chuyển đến UBND thành phố Vị Thanh (nay là phường Vị Thanh) để thực hiện tiếp các hồ sơ khác. Bây giờ, người dân chỉ cần đến Trung tâm sẽ có cán bộ hướng dẫn làm thủ tục trực tuyến, giải quyết ngay tại địa phương. Với chị Trường, giải quyết thủ tục tại “một chỗ” đỡ vất vả cho người dân trong việc đi lại.

Thực hiện thủ tục hành chính “phi địa giới” không chỉ là yêu cầu đơn thuần, đó còn là định hướng của thành phố Cần Thơ trong xây dựng chính quyền số, lấy người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm phục vụ. Một phần không thể tách rời của quá trình này là số hóa hồ sơ. Khi người dân nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa, toàn bộ giấy tờ sẽ được quét, lưu trữ và chuyển cho đơn vị chuyên môn xử lý. Điều này không chỉ giúp tăng tốc độ giải quyết mà còn khiến việc quản lý dữ liệu thống nhất.

Tương tự, ngoài đội ngũ công chức làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Vị Tân, UBND phường đã trang bị cho đơn vị đầy đủ máy tính, máy photo, máy in để thực hiện công việc nhập liệu, tra cứu dữ liệu, in ấn, sao chép các tài liệu liên quan đến những thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp kết nối với các hệ thống thông tin của chính quyền - bà Võ Thị Thúy Băng, Phó Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công phường Vị Tân nhấn mạnh.

* Vận hành thông suốt

Để chính quyền địa phương 2 cấp hoạt động xuyên suốt và đồng bộ, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai, sử dụng 17 hệ thống thông tin, nền tảng và hạ tầng kỹ thuật dùng chung cho toàn thành phố; trong đó, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính được đánh giá là “huyết mạch”.

Giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng giúp rút ngắn thời gian cho người dân. 
Ảnh: Hồng Thái - TTXVN

Ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ thông tin, thành phố đã đồng bộ Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành sau hợp nhất 3 địa phương (thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang cũ và Sóc Trăng cũ) cho 120 đơn vị; 14 sở, ban, ngành và 103 xã phường với 8.851 tài khoản đã tạo (cán bộ 5.615 tài khoản, công dân 3.167 tài khoản, doanh nghiệp 69 tài khoản).

Hệ thống hoàn thành kết nối chính thức với Cổng dịch vụ công quốc gia từ ngày 30/6 để đảm bảo hệ thống được vận hành thông suốt sau khi thực hiện việc sắp xếp lại bộ máy, đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Hệ thống đã đồng bộ 2.151 thủ tục hành chính, hoàn thành kết nối với các hệ thống khác như: Cổng dịch vụ công liên thông của Bộ Công an; Phần mềm quản lý đất đai VBDLIS; Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số (Hệ thống EMC); đang kiểm thử kết nối cấp phiếu Lý lịch tư pháp qua VNeID.

Theo thống kê số liệu từ Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Cần Thơ, từ ngày 1 - 13/7, các đơn vị, sở, ban, ngành và 103 xã, phường đã tiếp nhận 16.581 hồ sơ (trong đó, 9.075 hồ sơ trực tuyến), số hồ sơ đang xử lý là 7.121 hồ sơ, số hồ sơ dừng/hủy là 26 hồ sơ.

“Đến thời điểm này, các hệ thống vận hành trơn tru, liên tục, đáp ứng yêu cầu công việc, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Song song đó, trên 2.000 thủ tục hành chính thành phố, trên 300 thủ tục hành chính cấp xã được cập nhật liên tục, liên thông đến Cổng thông tin dữ liệu quốc gia, Cổng thông tin điện tử Chính phủ để triển khai thông suốt. Hiện nay, người dân ở bất cứ nơi đâu đến tất cả trung tâm phục vụ hành chính công đều có thể yêu cầu phục vụ thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức”, ông Ngô Anh Tín cho biết.

Việc áp dụng chuyển đổi số trong bối cảnh vận hành chính quyền địa phương 2 cấp không chỉ giúp duy trì hoạt động quản lý liên tục khi thay đổi địa giới hành chính mà còn tạo ra nền hành chính hiện đại, minh bạch, hướng đến sự hài lòng của người dân. Cần Thơ đang từng bước hoàn thiện hệ thống, nâng cao năng lực cán bộ; đồng thời đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin để chính quyền vận hành phục vụ người dân hiệu quả./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục

Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của phụ nữ

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy vai trò to lớn của phụ nữ trong lịch sử và thực tiễn cách mạng. Người cho rằng sự nghiệp cách mạng không thể thành công nếu không có phụ nữ tham gia: “xem trong lịch sử cách mệnh chẳng có lần nào là không có đàn bà, con gái tham gia”; “An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công”.

UNESCO phê duyệt Di sản Thế giới liên biên giới Việt Nam - Lào

Ngày 13/7, tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới ở thủ đô Paris, UNESCO đã chính thức thông qua quyết định lịch sử: điều chỉnh ranh giới Di sản Thiên nhiên Thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, trong đó bao gồm cả Vườn quốc gia Hin Nam Nô của Lào, tạo nên di sản thế giới liên biên giới đầu tiên mang tên "Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô".

30 năm bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ: Điểm sáng khắc phục hậu quả chiến tranh

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, năm 2025 là cột mốc quan trọng đánh dấu 30 năm Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ song phương (1995–2025), đồng thời đánh dấu 50 năm kết thúc Chiến tranh Việt Nam (1975–2025). Đây không chỉ là dịp để kỷ niệm những bước ngoặt lịch sử, mà còn là thời điểm nhìn lại và tiếp tục đẩy mạnh hợp tác thực chất giữa hai quốc gia, trong đó khắc phục hậu quả chiến tranh là một trong những trụ cột quan trọng nhất. Nỗ lực của hai quốc gia từng là cựu thù này trong việc giải quyết các di sản chiến tranh, bao gồm khảo sát và xử lý bom mìn, xác minh người mất tích trong chiến tranh và xử lý ô nhiễm chất độc da cam/dioxin, đã trở thành nền tảng cho mối quan hệ Việt Nam – Mỹ phát triển lên cấp độ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

30 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ: Tin tưởng tương lai tươi sáng của quan hệ song phương

Nhân kỷ niệm 30 năm Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ song phương (11/7/1995 – 11/7/2025 theo giờ Mỹ, tức 12/7/1995 – 12/7/2025 theo giờ Việt Nam), cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam David B. Shear (nhiệm kỳ 2011–2014) và các bạn trẻ người Mỹ đã chia sẻ nhận định về những tiến triển ấn tượng của quan hệ song phương, đồng thời bày tỏ tin tưởng vào tương lai tươi sáng của mối quan hệ này.

Việt Nam - Điểm đến ưa thích hàng đầu của người Australia

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, trang tin Sky News (Australia) mới đây đăng bài viết cho biết khi du khách Australia muốn tìm kiếm “những cuộc phiêu lưu văn hóa có ý nghĩa”, Việt Nam đã được họ đưa vào đầu danh sách bởi du lịch ở quốc gia Đông Nam Á này có chất lượng tốt và giá rẻ hơn so với bất kỳ điểm đến phổ biến nào khác.

Đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày”

Bác Hồ đã nhiều lần giải thích rõ về tiết kiệm để mọi người hiểu cho đúng, để thực hiện cho tốt: “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn. Khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng. Như thế mới đúng là kiệm. Tiết kiệm phải kiên quyết chống xa xỉ… Xa xỉ có tội với Tổ quốc, với đồng bào”.

Phát huy vai trò và sức mạnh của kiều bào với quê hương, đất nước

Trong hành trình tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy vai trò vô cùng quan trọng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Bác đã tích cực tuyên truyền, vận động, thành lập các cơ sở cách mạng ở Pháp, Trung Quốc, Thái Lan và một số nước khác với sự đùm bọc, chở che của bà con Việt kiều để phục vụ cho cách mạng.