Chuyển đổi số - Chiến lược dài hạn để phát triển Thủ đô hiện đại
Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết quy định về mức phí, lệ phí bằng “không” khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Tuổi trẻ Thủ đô hỗ trợ nhân dân đăng ký điện tử, cài đặt, sử dụng ứng dụng VNEID và thực hiện dịch vụ công trực tuyến. 
Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Là trung tâm lớn về hành chính của cả nước, Hà Nội luôn xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ hàng đầu hỗ trợ cho công tác điều hành, chỉ đạo, cũng như kết nối, giải quyết thủ tục cho người dân và doanh nghiệp. Thành phố đang xem đây là nhiệm vụ "sống còn" và chiến lược dài hạn để phát triển Thủ đô hiện đại.

* Bước tiến lớn về công nghệ

Với quy mô hơn 10 triệu dân, số lượng đơn vị hành chính lớn (30 UBND quận, huyện, thị xã; 579 xã, phường, thị trấn), việc triển khai chuyển đổi số trên địa bàn Hà Nội có nhiều khó khăn hơn so với các tỉnh/thành phố khác. Tuy nhiên, thời gian gần đây, đặc biệt trong giai đoạn năm 2022-2023, với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền thành phố và sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, các hoạt động, sự kiện được thành phố triển khai với quy mô, phạm vi rộng, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết quy định về mức phí, lệ phí bằng “không” khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến; Nghị quyết quy định việc hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID trên địa bàn thành phố.

Lần đầu tiên lãnh đạo thành phố đã thực hiện ký số hoàn toàn trên hệ thống phần mềm dùng chung Quản lý văn bản và điều hành thành phố; 100% các cơ quan nhà nước của thành phố đã triển khai ký số văn bản trên hệ thống; các đơn vị đang triển khai tích cực việc xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng (trình ký hồ sơ/văn bản trên phần mềm).

Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của thành phố (LGSP) đã được triển khai kết nối với 7 hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu của thành phố và 14 hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu của quốc gia và các Bộ, ngành.

Đến tháng 6/2024, Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động một số hệ thống thông tin, ứng dụng phục vụ công dân, doanh nghiệp. Trong đó đã cung ứng một số dịch vụ đô thị thông minh như: Ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHaNoi) - lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, là môi trường tương tác giữa Chính quyền với người dân Thủ đô; Hồ sơ sức khỏe điện tử thành phố - quản lý khám chữa bệnh, kết nối với 661 cơ sở y tế, đồng bộ dữ liệu lên hệ thống thông tin của Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo quy định, sẵn sàng hiển thị trên ứng dụng VNeID; Cấp lý lịch tư pháp trên VNeID - Công dân thực hiện cấp phiếu lý lịch tư pháp nhanh chóng trên ứng dụng, nhận kết quả điện tử có giá trị pháp lý như bản giấy và được tái sử dụng nhiều lần; Ứng dụng “Thẻ vé giao thông Hà Nội” sử dụng thẻ QR động (thẻ ảo) được triển khai thử nghiệm cho vận tải hành khách công cộng... Ngoài ra, thành phố cũng đang triển khai thí điểm trông giữ xe không dùng tiền mặt, nhằm tạo sự minh bạch trong công tác thu phí trông giữ phương tiện và giảm ùn tắc ở trung tâm thành phố.

Nhiều hoạt động, sự kiện lớn về chuyển đổi số được tổ chức thành công, trong đó có sự kiện tầm quy mô quốc gia như: Hội nghị thành phố thông minh Việt Nam - châu Á 2023 với sự tham gia của các chuyên gia, diễn giả đến từ nhiều nước và các tỉnh, thành phố trên cả nước…

*Nhiều giải pháp khắc phục bất cập

Hà Nội triển khai sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử tại các cơ sở y tế theo lộ trình của Bộ Y tế hướng tới mục tiêu mỗi người dân có một mã số hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử lưu trữ suốt cuộc đời tại cơ sở khám chữa bệnh và liên thông ở giữa các tuyến y tế. 
Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

Ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, dù có sự nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống chính trị, song trên địa bàn vẫn còn một số vấn đề tồn tại, vướng mắc, khó khăn về công tác chuyển đổi số như: Nhân lực công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại các đơn vị còn thiếu, cấp xã chưa có quy định vị trí việc làm về công nghệ thông tin, chuyển đổi số, trong khi khối lượng công việc ngày càng nhiều, yêu cầu ngày càng cao; một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành còn chưa đảm bảo tiến độ, đặc biệt việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai...

Thành phố Hà Nội đang nêu cao quyết tâm đẩy nhanh chuyển số, với nhiều giải pháp thực hiện xuyên suốt trong toàn hệ thống, như phân công rõ tập thể, cá nhân chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số, bảo đảm thống nhất quan điểm chỉ đạo “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”, “một việc - một đầu mối xuyên suốt”.

UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo lãnh đạo các sở, ban, ngành nhận thức đúng đắn vai trò chủ trì về chuyển đổi số theo lĩnh vực đơn vị quản lý; giải quyết triệt để các nhiệm vụ chậm, muộn, trong đó tập trung việc hoàn thành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đặc biệt là cơ sở dữ liệu đất đai.

Người đứng đầu các đơn vị sắp xếp thứ tự ưu tiên, tập trung thực hiện ngay các nhiệm vụ đủ điều kiện triển khai; các nhiệm vụ vướng mắc hoặc cần hướng dẫn của các đơn vị có thẩm quyền, thực hiện báo cáo UBND thành phố, đề xuất phương án tháo gỡ.

Thành phố yêu cầu các cấp, ngành khẩn trương kiện toàn, sắp xếp bộ phận, cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại đơn vị đảm bảo chuyên môn phù hợp; đẩy mạnh triển khai và đảm bảo hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng phục vụ công tác tham mưu, triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số cho cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin, chuyển đổi số và đội ngũ công chức viên chức của thành phố.

Bên cạnh đó, UBND thành phố xây dựng cơ chế thu hút nhân tài làm việc trong cơ quan nhà nước thành phố, đặc biệt lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số; chỉ đạo các sở, ngành chủ động phối hợp các bộ, ngành tổ chức hướng dẫn các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan thực hiện số hóa dữ liệu chuyên ngành thuộc lĩnh vực đơn vị phụ trách đảm bảo phù hợp chủ trương, định hướng của Chính phủ, hướng dẫn của bộ, ngành chủ quản và đồng bộ, thống nhất theo chỉ đạo của thành phố...

Đồng thời, UBND thành phố giao cho ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số, trong đó ưu tiên hình thức kiểm tra, đánh giá trên các hệ thống thông tin của thành phố; định kỳ hằng tháng công bố kết quả triển khai một số chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được thực hiện trên các hệ thống thông tin của thành phố, tạo phong trào thi đua, phấn đấu giữa các đơn vị…/.

Tin liên quan

Chuyện người Dao làm chuyển đổi số

Với mong muốn đưa sản phẩm trà shan tuyết cổ thụ của địa phương tới nhiều người hơn, anh Lạc Văn Quân - người dân tộc Dao đã mạnh dạn ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất và làm kinh tế.

84% thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh

Trong những năm qua, hạ tầng số, nền tảng số, thiết bị, công nghệ chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp được quan tâm đầu tư. Các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ. Đến nay, 100% cơ quan nhà nước đã được triển khai mạng Truyền số liệu chuyên dùng đến cấp xã để trao đổi, chia sẻ dữ liệu. 100% bộ, ngành, địa phương đã xây dựng, nâng cấp Hệ thống thông tin giải quyết TTHC. Có 82,2% hộ gia đình sử dụng Internet cáp quang băng rộng; 84% thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 18 bộ, ngành, 63 địa phương, 04 doanh nghiệp nhà nước. Cấp trên 87,7 triệu thẻ căn cước gắn chíp; kích hoạt trên 57,1 triệu tài khoản VNeID.

Tin cùng chuyên mục

Hãng tư vấn McKinsey đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam trong bức tranh toàn cảnh Đông Nam Á

Theo báo cáo của công ty tư vấn quản lý và chiến lược đa quốc gia McKinsey, trong quý II/2024, các nền kinh tế Đông Nam Á vẫn có khả năng chống chịu và ghi nhận hiệu suất kinh tế ổn định. Tất cả các nền kinh tế trong khu vực này đều ghi nhận mức tăng trưởng GDP, trong đó Việt Nam, Malaysia, Philippines và Thái Lan ghi nhận tốc độ tăng trưởng theo năm cao nhất trong 4 quý vừa qua.

Lễ hội Việt Nam tại Kanagawa: Mở rộng kết nối giao lưu Việt Nam - Nhật Bản

Ngày 7/9, Lễ hội Việt Nam lần thứ 8 tại thành phổ Yokohama, tỉnh Kanagawa (Nhật Bản) đã được khai mạc với chủ đề “Mở rộng giao lưu kết nối Việt Nam tươi đẹp”. Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nhận định Lễ hội Việt Nam tại thành phố Yokohama nhiều năm nay đã là một trong những điểm sáng trong quan hệ Việt Nam – Nhật Bản. Theo Thứ trưởng, trong Thỏa thuận hợp tác văn hóa, thể thao và du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký kết với tỉnh Kanagawa vào năm 2023 đã nhấn mạnh đến việc tổ chức Lễ hội Việt Nam tại Kanagawa và Lễ hội Kanagawa tại Việt Nam thường niên tại mỗi nước.

Giải thưởng Du lịch thế giới khu vực châu Á và châu Đại Dương 2024 tiếp tục vinh danh 2 địa điểm tại Quảng Ninh

Hạng mục “Hàng đầu châu Á” thuộc Giải thưởng Du lịch thế giới năm 2024 (World Travel Awards - WTA) đã vinh danh Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn của Việt Nam là “Sân bay khu vực hàng đầu châu Á 2024” và Premier Village Ha Long Bay Resort, Quảng Ninh là “Khu nghỉ dưỡng cho gia đình hàng đầu châu Á 2024”.

Việt Nam lần thứ 6 được vinh danh là Điểm đến hàng đầu châu Á

Tại Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) được mệnh danh là “Oscar của Du lịch thế giới” năm 2024, một lần nữa du lịch Việt Nam được vinh danh là “Điểm đến hàng đầu châu Á" và là lần thứ 6 Việt Nam giành giải thưởng này. Ở cấp độ quốc gia, Việt Nam còn giành được 2 giải thưởng là “Điểm đến di sản hàng đầu châu Á” và “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á”.

Phát triển bền vững trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam

Việt Nam được xếp hạng ở mức độ trung bình cao về nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trên thế giới với mức độ tiếp cận nhanh với nhiều xu hướng mới. Tuy nhiên làm sao để phát triền bền vững lĩnh vực công nghệ mũi nhọn này ở nước ta là vấn đề đang được đặt ra.