Nghị quyết 57-NQ/TW là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững
Cần Thơ ban hành các văn bản tạo cơ sở pháp lý và định hướng phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên địa bàn.

Triển khai hiệu quả Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết 193/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Chương trình hành động của Chính phủ về vấn đề này là động lực quan trọng để thúc đẩy thành phố Cần Thơ phát triển nhanh và bền vững, đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP) hai con số như đã đề ra. Đó là nhận định của Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trương Cảnh Tuyên.

Ông Trương Cảnh Tuyên, tân Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ 
Ảnh: TTXVN phát

Theo ông Trương Cảnh Tuyên, thời gian tới, chuyển đổi số sẽ có những bước chuyển biến mạnh mẽ, đặc biệt là việc thành lập các trung tâm hành chính công tại mỗi xã, phường sau khi sáp nhập. Điều này đòi hỏi Sở Khoa học và Công nghệ phải theo sát quá trình, đảm bảo vận hành hiệu quả hệ thống công nghệ thông tin từ cấp thành phố đến tận xã, phường; không để xảy ra gián đoạn trong quá trình chuyển giao nhiệm vụ giữa các sở, ngành và địa phương.

"Sở Khoa học và Công nghệ cần khẩn trương hoàn thiện phương án cấu trúc lại hệ thống quản lý văn bản và giải quyết thủ tục hành chính sau sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã, đảm bảo thông suốt, tinh gọn và hiệu quả trong công tác hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp", ông Trương Cảnh Tuyên nhấn mạnh.

Thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW, Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ đã tham mưu cấp Thành ủy, UBND thành phố Cần Thơ ban hành các văn bản tạo cơ sở pháp lý và định hướng quan trọng cho sự phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên địa bàn thành phố.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ Ngô Anh Tín thông tin, Sở tham mưu lãnh đạo thành phố thành lập Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo; Khu công nghệ cao; Khu công nghệ thông tin tập trung; nâng cấp Vườn ươm Công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc; điều chuyển Trung tâm điều hành đô thị thông minh về Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông thuộc Sở Khoa học và Công nghệ; mở rộng cơ sở 2 của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng...

Trong năm 2025, Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ sẽ tham mưu UBND thành phố phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức sự kiện “Sản phẩm công nghệ số Made in Viet Nam năm 2025” tại thành phố Cần Thơ về chủ đề “Công nghệ số phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số”.

Người dân khai thông tin tại các máy trực tuyến ở Trung tâm phục vụ Hành chính công thành phố Cần Thơ. 
Ảnh: Ánh Tuyết-TTXVN

Thời gian qua, chính quyền số đã góp phần cung cấp thông tin cho người dân một cách minh bạch, xử lý giải quyết dịch vụ công cho người dân tốt hơn, giảm chi phí đi lại của người dân; giúp công tác chỉ đạo của lãnh đạo nhanh chóng, thuận lợi,...

Thành phố Cần Thơ đã đầu tư, phát triển các nền tảng số phục vụ phát triển chính quyền số và người dân, doanh nghiệp. Thành phố đang duy trì Hệ thống quản lý văn bản, điều hành triển khai đến 488 cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp từ cấp thành phố đến cấp xã, kết nối với trục liên thông văn bản quốc gia bảo đảm việc gửi, nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp.

Tuy nhiên, việc triển khai chính quyền số, đặc biệt là giải quyết dịch vụ công chưa được người dân sử dụng nhiều. Nguyên nhân do thói quen và hệ thống nền tảng chưa được thuận lợi để người dân tham gia; lãnh đạo chưa tham gia xử lý công việc trên môi trường mạng.

Phụ trách lĩnh vực chính quyền số, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ Nguyễn Hữu Thanh Bình cho biết, trong năm 2025, thành phố tập trung triển khai hoạt động thúc đẩy người dân tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến và triển khai các nhiệm vụ để người dân nộp hồ sơ không phụ thuộc vào địa giới hành chính, đảm bảo tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn trình phải đạt trên 80%.

Công dân đến Trung tâm phục vụ hành chính công thành phố Cần Thơ thực hiện các thủ tục hành chính
Ảnh: TTXVN phát

Ngoài ra, Sở Khoa học và Công nghệ cũng triển khai giải pháp để 100% cán bộ công chức xử lý công việc trên môi trường nền tảng số: Ký số các hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính, văn bản,... phát triển dữ liệu số, số hóa các thủ tục hành chính đạt tỷ lệ 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính, phát triển dữ liệu chuyên ngành của các ngành tích hợp về kho dữ liệu dùng chung của thành phố để phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo UBND thành phố, các cấp, các ngành.

Ông Nguyễn Hữu Thanh Bình cũng nêu rõ, hiện nay, chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức cấp huyện. Vì vậy, để triển khai được các nội dung trên, đòi hỏi phải có sự phối hợp của nhiều đơn vị liên quan của 3 tỉnh, thành sau sáp nhập (Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng); nâng cấp hạ tầng nền tảng số dùng chung để đảm bảo các nền tảng không bị gián đoạn. Trong 19 nền tảng số dùng chung, có 6 nền tảng số phải ưu tiên triển khai liên quan đến người dùng sử dụng nhiều như: Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân, hệ thống xử lý văn bản điều hành trong nội bộ cơ quan nhà nước, hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng đảm bảo vận hành hội nghị trực tuyến, hệ thống hội nghị trực tuyến phải kết nối thông suốt từ tỉnh đến xã, phường,...

"Đồng thời phải tăng cường tuyên truyền, vận động và hỗ người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến; đối với lãnh đạo, cán bộ, công chức bắt buộc phải xử lý ký số trên môi trường mạng", ông Nguyễn Thanh Bình đề xuất.

Tin liên quan

Đột phá theo Nghị quyết 57: Cơ hội để Việt Nam vươn mình

Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia mở ra cơ hội để Việt Nam vươn lên nhờ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên để thành công, Việt Nam cần phải có một kế hoạch toàn diện, tầm nhìn dài hạn, với sự vào cuộc của nhiều bộ ngành và thành phần kinh tế trong xã hội. Đây là tuyên bố được ông Hà Sơn Tùng- chuyên viên cao cấp, Phó Trưởng khoa công nghệ quang học tiên tiến, Viện Hàn lâm Khoa học Singapore, A*STAR đưa ra trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Singapore.

Đột phá theo Nghị quyết 57: Giải pháp tận dụng nguồn chất xám

Với nhiều điểm mới tích cực, Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia thể hiện đường lối đúng đắn và quyết tâm của Đảng và Nhà nước, đưa khoa học công nghệ trở thành động lực phát triển của đất nước. Đây là nhận định của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Huấn, chuyên ngành kỹ thuật truyền thông số tại Đại học Middlesex (Anh) và Chủ tịch Hội trí thức Việt Nam tại Anh và Ireland (VIS), trong cuộc trao đổi mới đây với phóng viên TTXVN tại Anh.

Đột phá theo Nghị quyết 57: Chiến lược toàn diện để đưa Việt Nam tiến xa hơn trong kỷ nguyên số

Nghị quyết 57-NQ/TW có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với giai đoạn phát triển hiện nay của Việt Nam, khi đất nước đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ để bắt kịp với xu hướng cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây là nhận định của ông Nguyễn Tuấn Nghĩa, chuyên gia về trí tuệ nhân tạo (AI) được Hiệp hội Kỹ sư Australia phong danh hiệu Tổng công trình sư (Fellow of Engineers Australia), thành viên Hội Trí thức và Chuyên gia Việt Nam tại Australia (VASEA), trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Sydney.

Đột phá theo Nghị quyết 57: Hướng đi đúng đắn cho kỷ nguyên phát triển vượt bậc về khoa học công nghệ

Năm 1956, giữa những bộn bề của đất nước non trẻ vừa bước ra khỏi chiến tranh, Việt Nam đã đưa ra một quyết định mang tính chiến lược: tham gia sáng lập Viện Liên hiệp Nghiên cứu Hạt nhân (Joint Institute for Nuclear Research – JINR) tại Dubna, Liên Xô (nay thuộc Liên bang Nga). Ngay từ những năm 1960 khi chiến tranh còn chưa chấm dứt, Việt Nam đã cử hàng trăm cán bộ sang Dubna học tập và nghiên cứu. Nhiều người trong số họ sau này trở thành các nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực vật lý và công nghệ hạt nhân, như GS. Nguyễn Đình Tứ – người tham gia phát hiện phản hạt sigma âm, GS. Nguyễn Văn Hiệu – chuyên gia về lý thuyết đối xứng của các hạt cơ bản và quá trình sinh nhiều hạt ở vùng năng lượng cao, giải thưởng Lenin năm 1986. Đây không chỉ là một hành động mang tính biểu tượng về hội nhập khoa học quốc tế, mà còn là minh chứng cho tầm nhìn của các nhà lãnh đạo trí thức Việt Nam thời kỳ đó, những người tin rằng khoa học và công nghệ – đặc biệt là khoa học cơ bản – sẽ là nền tảng cho sự phát triển bền vững, độc lập và hiện đại của quốc gia.

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ an ninh biên giới

Tỉnh Kiên Giang có đường biên giới dài hơn 49km giáp với Vương quốc Campuchia. Những năm qua, bên cạnh nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, các đơn vị Bộ đội Biên phòng tỉnh đặc biệt chú trọng công tác vận động quần chúng và nhận được sự hưởng ứng tích cực tham gia của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Phối hợp bảo đảm chất lượng nội dung trình Kỳ họp thứ 9

Chiều 22/4, tại Nhà Quốc hội, Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội và Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ đã tổ chức Hội nghị thảo luận về Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng chủ trì Hội nghị.

Lan tỏa mái ấm nghĩa tình - Bài cuối: Phát huy truyền thống ‘lá lành đùm lá rách’

Chương trình chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát không chỉ mang lại chốn an cư bền vững mà còn thắp lên tinh thần đoàn kết, sẻ chia trong cộng đồng. Tại TP Hồ Chí Minh, nơi những tòa cao ốc vươn mình giữa đô thị sôi động lại có những ngôi nhà tình thương giản dị đã trở thành biểu tượng đẹp cho một Thành phố nhân ái, nghĩa tình và luôn chung sức, đồng lòng vì người nghèo.

Lan tỏa mái ấm nghĩa tình - Bài 1: Yên tâm an cư trong ngôi nhà mới

Từ những căn nhà dột nát đến mái ấm kiên cố, từ những đêm trằn trọc lo mưa gió đến giấc ngủ bình yên trong căn nhà mới… hàng trăm hộ dân khó khăn tại TP Hồ Chí Minh đã bước qua hành trình nhiều nước mắt để chạm tay vào niềm vui tưởng chừng xa vời. Đó là thành quả đầy cảm xúc từ các công trình sửa chữa, xây mới nhà tình thương - một dấu ấn nhân văn đậm nét để hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bí thư Chi bộ tâm huyết với chuyển đổi số dành cho người cao tuổi

Xuất phát từ tấm lòng của một nhà giáo, mấy chục năm qua, ông Đinh Ngọc Sơn - Bí thư Chi bộ khu dân cư số 9 phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) luôn đau đáu làm thế nào để giúp người cao tuổi tiếp cận và có thể hòa nhập được với dòng chảy công nghệ như chủ trương của Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Tổng hợp luyện Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 30-4

Tối 22/4, tại trục đường Lê Duẩn, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Tiểu ban diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã tổ chức tổng hợp luyện lần cuối trước khi sơ duyệt và tổng duyệt cấp nhà nước.